Nguồn vốn cho đầu tư phát triển

quan hệ thương mại

Mục lục

Nguồn vốn cho đầu tư phát triển

1. Nguồn vốn đầu tư trong nước

1.1. Nguồn vốn nhà nước bao gồm 3 bộ phận:

– Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Đây là nguồn vốn được lấy từ ngân sách nhà nước, quy mô của nguồn vốn này phụ thuộc vào các khoản thu từ hoạt động kinh tế của đất nước mang lại, trong điều kiện kinh tế phát triển thì nguồn thu vào ngân sách nhà nước cao, ngược lại khi kinh tế bị suy thoái, lạm phát cao, tình hình kinh doanh gặp khó khăn thì rất khó khăn cho ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước dùng để chi tiêu cho các hoạt động của Nhà nước như chi cho hệ thống quản lý Nhà nước, chi quốc phòng an ninh và các hoạt động kinh tế của Nhà nước khác…Đặc biệt, ngân sách nhà nước có vai trò hết sức quan trọng thông qua việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở, chi cho quản lý của Nhà nước và các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng, đô thị và nông thôn…tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước bị giới hạn, các khoản chi ngày càng nhiều cho nên chỉ một số hạng mục, công trình quan trọng thì mới được ưu tiên sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước, còn các khoản đầu tư kinh tế xã hội khác thì phải huy động từ khu vực tư nhân.

– Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Nguồn vốn này có đặc điểm là phải mang tính hoàn trả, không có sự bao cấp của Nhà nước. Chủ đầu tư là người vay vốn từ Nhà nước, phải tính kỹ hiệu quả sử dụng vốn để sau khi thời hạn sử dụng phải hoàn trả cho Nhà nước cả gốc và lãi. Thông qua cho các chủ thể trong nền kinh tế vay để đầu tư phát triển, Nhà nước còn thực hiện công tác quản lý và điều tiết vĩ mô, khuyến khích phát triển kinh tế xã hội của ngành, vùng, lĩnh vực theo định hướng chiến lược của mình. Đứng ở khía cạnh là công cụ điều tiết vĩ mô đây chính là thực hiện mục tiêu phát triển xã hội. Việc phân bổ và sử dụng vốn tín dụng đầu tư còn khuyến khích phát triển những vùng kinh tế khó khăn, giải quyết các vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

– Nguồn vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước: Nguồn vốn này được lấy từ các doanh nghiệp mà nhà Nước có vốn góp chi phối, nguồn này bao gồm từ lợi nhuận giữ lại của các doanh nghiệp, vốn ban đầu từ Nhà nước,…nguồn vốn này đã đóng góp rất lớn vào tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

1.2. Nguồn vốn tư nhân:

Bao gồm nguồn vốn tích lũy của dân cư và các doanh nghiệp. Nếu xã hội chỉ dựa vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển xã hội thì không đủ, cần có các nguồn vốn khác đó chính là khu vực tư nhân. Nguồn vốn này có đặc điểm là thuộc sở hữu riêng của các chủ thể trong nền kinh tế, do các chủ thể đó quyết định việc sử dụng. Trong tổng nguồn vốn đầu tư của xã hội, nguồn vốn này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. [32]

2. Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài

Thứ nhất, vốn FDI (Foreign Direct Investment): là nguồn vốn do nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đồng thời tổ chức điều hành, quản lý.

Thứ hai, vốn ODA (Official Development Assistance): là vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với điều kiện ưu đãi. Nguồn vốn này thường dành cho các nước đang và kém phát triển được các cơ quan chính thức của chính phủ, Trung ương và địa phương hoặc các cơ quan thừa hành của chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Nguồn vốn này phát sinh từ nhu cầu cần thiết của một quốc gia, được tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài xem xét và cam kết tài trợ thông qua một hiệp định quốc tế, được đại diện thẩm quyền hai bên nhận và hỗ trợ vốn ký kết. Hiệp định ký kết hỗ trợ này được chi phối bởi công pháp quốc tế. Nếu xét theo tính chất tài trợ ODA bao gồm:

Vốn ODA không hoàn lại: đây là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ.

Vốn ODA cho vay ưu đãi (tín dụng ưu đãi): là hình thức cung cấp ODA cho vay với lãi suất và điều kiện ưu đãi sao cho “yếu tố không hoàn lại” hay “thành tố hỗ trợ” đạt không dưới 25% của tổng trị giá khoản vay.

Vốn ODA hỗn hợp: là khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản cho vay ưu đãi được cung cấp đồng thời với các khoản tín dụng thương mại nhưng tính chung lại, “yếu tố không hoàn lại” đạt không dưới 25% tổng giá trị các khoản đó.

Để có được nguồn vốn này thường đi kèm các ràng buộc và điều kiện tương đối khắt khe gắn liền với các mục đích chính trị của bên đầu tư vốn. Nếu như vốn FDI ít chịu sự chi phối của chính phủ đặc biệt ít phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị giữa nước chủ đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư, thu nhập từ vốn FDI hoàn toàn phụ thuộc từ chính kết quả kinh doanh mang lại còn vốn ODA lại thường gắn liền với quan hệ chính trị giữa nước cấp vốn với nước nhận viện trợ. Chính phủ của nước ngoài, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia như: UNDP, IMF, EU, WB khi cấp viện trợ đòi hỏi các nước nhận viện trợ phải thực hiện rất nhiều cam kết, có những cam kết dẫn đến bất lợi cho quốc gia tiếp nhận như: phải cải cách hệ thống tài chính, tiền tệ, tái cơ cấu nền kinh tế, phải mua bán thiết bị công nghệ theo sự chỉ định của đối tác, phải trả lương cao cho các chuyên gia… vì thế hạn chế khả năng tiếp thu công nghệ, kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm quản lý phù hợp từ nước ngoài. Ngoài ra còn có các điều kiện ràng buộc khác liên quan đến vấn đề giải ngân và tiến độ thực hiện dự án rất khắt khe. Trong trường hợp hiệu quả dự án không cao, dẫn đến khả năng trả nợ gặp khó khăn, thậm chí còn có nước không có khả năng trả nợ.

Thứ ba, nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tài chính quốc tế: Nguồn vốn này không có các ưu đãi lớn như vốn ODA nhưng lại không gắn liền với các điều kiện về chính trị – xã hội. Để tiếp cận được nguồn vốn này thì thủ tục tương đối khắt khe, thời gian trả nợ nghiêm ngặt, mức lãi suất thường cao, ngoài ra còn có các điều kiện vay vốn khác bất lợi cho nước vay vốn, các tổ chức tài chính trên thế giới có thể cung cấp nguồn vốn này như IMF, WB, ADB…

Thứ tư, nguồn vốn huy động từ thị trường tài chính quốc tế: Thông qua thị trường tài chính quốc tế để có thể thu hút nguồn vốn dài dạn dùng cho đầu tư phát triển như thông qua phát hành trái phiếu quốc tế. Nguồn vốn này có thuận lợi là có thể huy động với khối lượng lớn để đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế mà không bị ràng buộc các điều kiện như trong quan hệ tín dụng, bên cho vay khó có thể dùng quan hệ này để gây sức ép cho nước huy động, tạo điều kiện tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy thị trường tài chính trong nước phát triển, tính thanh khoản trên thị trường này cao do các công cụ có thể mua đi bán lại để chuyển hóa thành tiền mặt. Tuy nhiên, việc huy động bằng hình thức này cũng gặp phải hạn chế là nếu có hệ số tín nhiệm thấp thì phải chịu lãi suất cao.

Nguồn vốn cho đầu tư phát triển

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?