Kinh nghiệm từ Hàn Quốc về hoàn thiện cấu trúc vốn

Mục đích và đối tượng của báo cáo tài chính

Mục lục

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc về hoàn thiện cấu trúc vốn

Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra năm 1997 sau đó lan rộng ra các nước Đông Á, nền kinh tế và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng liên tục trong thời gian dài (khoảng 7%/năm giai đoạn 1990-1996). Chỉ số lạm phát thấp (khoảng 4-6%) và ngân sách chính phủ cân bằng. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc. Từ năm 1995 đến năm 1997, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp ở Hàn Quốc liên tục giảm (từ 11,03% năm 1995 giảm xuống còn 2,02% năm 1996 và -4,2% năm 1997), theo đó một loạt các công ty lớn bị phá sản từ năm 1997 và những năm tiếp theo. Việc phá sản của các công ty lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân từ phía các công ty là việc đi vay quá nhiều. Sự sụp đổ của Tập đoàn Thép Hanbo cũng như sự thất bại của Tập đoàn Ô tô Kia đã ảnh hưởng đến uy tín các ngân hàng của Hàn Quốc và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Các khoản cho vay doanh nghiệp lại chủ yếu là từ vay nợ nước ngoài, cuối năm 1996, tổng nợ nước ngoài của Hàn Quốc xấp xỉ 180 tỷ đô la Mỹ, trong đó hơn 130 tỷ đô la Mỹ sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 1 năm. Đứng trước khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế trên 4 lĩnh vực chính: Khu vực công, thị trường lao động, hệ thống ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp.

Các biện pháp tái cấu trúc vốn doanh nghiệp Hàn Quốc được thực hiện như sau:

Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm thực hiện năm mục tiêu: Tăng cường tính trách nhiệm của các nhà quản trị (và các cổ đông chính có khả năng kiểm soát việc quản trị) đối với các cổ đông khác; cải thiện cấu trúc vốn; xóa bỏ việc bảo lãnh cho các khoản nợ chéo giữa các chi nhánh trong cùng tập đoàn; nâng cao tính minh bạch trong quản trị; yêu cầu các công ty tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Trong 5 mục tiêu trên, cải thiện cấu trúc vốn là một nhiệm vụ quan trọng giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán.

Việc cải thiện cấu trúc vốn các doanh nghiệp được Chính phủ định hướng theo các biện pháp cụ thể sau:

Bổ sung một số biện pháp về tái cấu trúc vốn

Trước hết, dựa theo qui mô và tình hình tài chính của doanh nghiệp, Chính phủ thực hiện các biện pháp tái cấu trúc khác nhau. Các công ty con của 5 tập đoàn lớn (Huyndai, Samsung, Daewoo, LG, SK) được yêu cầu thúc đẩy việc hoán đổi kinh doanh (Big Deal) hoặc thực hiện tái cấu trúc các thỏa thuận vốn với các ngân hàng cho vay. Chính phủ áp dụng chương trình có sự trợ giúp từ ngân hàng cùng với chương trình “Workout” để xếp hạng các tập đoàn lớn nhất từ số 6 đến 64 và cũng khuyến khích nỗ lực tự giải cứu của các tập đoàn. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục khuyến khích việc sửa đổi các luật và hệ thống luật liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp.

Chỉ định các tập đoàn lớn xem xét lại cấu trúc vốn

Các công ty có khoản nợ ngân hàng lớn hơn 250 nghìn tỷ won phải thực hiện một thỏa thuận dựa trên “Thỏa thuận về tái cấu trúc vốn” với các ngân hàng chủ nợ chính trong thời gian 3 tháng. Các tập đoàn này phải giảm tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần xuống dưới 200% và không được thực hiện bảo lãnh các khoản nợ chéo giữa các chi nhánh.

Tháng 3 năm 2002, quy định trên đã được nới lỏng đáng kể. Các tiêu chí đối với các tập đoàn chịu sự điều chỉnh của quy định này đã thay đổi, trong đó bao gồm “các tập đoàn có tổng các khoản tín dụng từ các tổ chức tài chính vào cuối năm trước vượt quá 0,1% tổng các khoản tín dụng do tất cả các tổ chức tài chính cung cấp vào cuối năm trước nữa.” Trong các tập đoàn có tổng các khoản tín dụng vượt quá mức trần trên, những tập đoàn đang trong quá trình đóng cửa hoặc đang xử lý tại tòa án hoặc đang trong chương trình ‘Workout’ hoặc đã phá sản sẽ không bị điều chỉnh bởi quy định này, do đó số tập đoàn bị điều chỉnh chỉ còn 35.

Loại bỏ các công ty yếu kém và hoán đổi kinh doanh giữa các tập đoàn lớn (Big Deal)

Các nỗ lực tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp do Nhà nước chỉ đạo sau khủng hoảng tiền tệ được thể hiện ở 3 khía cạnh: (1) Xác định các công ty yếu kém phải ngừng kinh doanh, (2) thực hiện chương trình “Workout” và (3) đẩy mạnh việc hoán đổi kinh doanh giữa các tập đoàn lớn (Big Deal Program). Đối với việc xác định các công ty yếu kém, có 55 công ty thuộc 64 tập đoàn lớn nhất được lựa chọn vào tháng 6 năm 1998 sau đó được sắp xếp lại bằng cách đóng cửa, bán, sáp nhập hoặc thụ lý tại tòa (Court Receivership).

Chính phủ đưa ra chương trình “Workout” tháng 6/1998. Mục đích ban đầu của chương trình là khôi phục lại các công ty nợ nhiều, thiếu tiền mặt bằng sự hỗ trợ của các ngân hàng cho vay. Tháng 6/1998, có 83 công ty nằm trong chương trình này, trong đó có 55 công ty đã hoàn tất việc tái cấu trúc vào cuối  năm 2002, 16 công ty không có dấu hiệu khôi phục nên chương trình này dừng lại và 12 công ty còn lại vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.

Hoán đổi kinh doanh ở quy mô lớn (gọi là Big Deal) được Chính phủ xúc tiến giữa 5 tập đoàn hàng đầu trong 9 ngành công nghiệp mà ở đó việc đầu tư chồng chéo dẫn đến vấn đề kinh doanh vượt quá năng lực. Chương trình này dẫn đến sự củng cố hay sắp xếp lại cấu trúc của các ngành có liên quan.

Tháng 4/2002, theo kết quả đánh giá tái cấu trúc của 7 ngành do bộ Năng lượng, Công nghiệp, Thương mại Hàn Quốc tiến hành, 4,9 nghìn tỷ won giá trị tài sản đã được bán và thu hút được 1,3 nghìn tỷ won vốn đầu tư nước ngoài. Với kết quả này, vấn đề vượt quá công suất của một số ngành như luyện kim, giấy, sợi tổng hợp, sợi cốt tông đã đi vào ổn định(Phụ lục 1).

Thực hiện giải pháp giải quyết nợ xấu

Trước bối cảnh nợ xấu tăng mạnh từ cuối năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện những giải pháp mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu của hệ thống tín dụng nhằm giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Đầu tiên, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đánh giá lại nợ xấu của toàn bộ hệ thống. Trước khủng hoảng, chỉ các khoản nợ quá hạn trên sáu tháng mới bị xếp vào nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, để có thể đánh giá đúng tình hình và đề ra các giải pháp hiệu quả, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã chấp nhận chuẩn mực thế giới và đưa các khoản nợ quá hạn trên ba tháng vào nhóm nợ xấu. Kết quả là nợ xấu của toàn bộ hệ thống tài chính Hàn Quốc vào tháng 3.1998 lên tới 118 ngàn tỉ won, bằng 18% tổng dư nợ (tương đương khoảng 27% GDP của Hàn Quốc năm 1998), trong đó có 42% là nợ quá hạn từ 3 – 6 tháng, và 58% là nợ quá hạn trên sáu tháng.

Để giải quyết lượng nợ xấu khổng lồ trên, vào tháng 8/1997, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật cải tiến lại chức năng và nhiệm vụ của KAMCO, vốn là một công ty quản lý tài sản nợ thuộc ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), để cho phép công ty này mua – bán nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng.

KAMCO có nhiệm vụ điều hành một quỹ quản lý nợ xấu (NPA) có thời hạn hoạt động 5 năm để giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống. Quỹ NPA này huy động tổng cộng 21,6 ngàn tỉ won, trong đó có 20,5 ngàn tỉ won đến từ việc phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, 500 tỉ won vay từ KDB và số còn lại, 600 tỉ won đến từ các định chế tài chính khác. Trái phiếu phát hành bởi NPA được thực hiện rải rác từ tháng 11/1997 – 12/1999.

Sau ba tháng kể từ ngày được giao chức năng nhiệm vụ mới, KAMCO bắt đầu mua khoản nợ xấu đầu tiên trị giá 4,4 ngàn tỉ won vào tháng 11/1997.

Tới tháng 4/2003, KAMCO đã mua tổng cộng 110,1 ngàn tỉ won nợ xấu theo giá sổ sách của toàn bộ hệ thống tín dụng với tổng số tiền 39,8 ngàn tỉ won và đồng thời bán được 65,9 ngàn tỉ won theo giá sổ sách với tổng số tiền thu về là 31,1 ngàn tỉ won. Số nợ xấu còn lại theo giá sổ sách là 44,2 ngàn tỉ won, với giá thị trường vào khoảng 12,8 ngàn tỉ won.

Quy trình mua bán nợ xấu của KAMCO là  mua các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính dựa trên các tiêu chí nhất định, bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khi một tổ chức tài chính đề nghị bán nợ xấu cho KAMCO, KAMCO sẽ phân tích, định giá, và đàm phán với bên bán về giá bán cuối cùng.

Vào thời gian đầu, việc định giá nợ xấu của KAMCO được dựa trên khả năng mất vốn của các khoản nợ, theo các quy định về an toàn vốn. Vào giai đoạn sau, KAMCO tiến hành định giá nợ xấu dựa trên đặc điểm của từng khoản nợ. Tính trung bình, KAMCO trả 36% giá trị sổ sách các khoản nợ xấu công ty này mua (tức được chiết khấu 64%). Các khoản nợ xấu có thế chấp có giá trung bình bằng 67% giá trị sổ sách, còn các khoản nợ xấu không có thế chấp có giá trị trung bình khoảng 11% giá trị sổ sách.

Xét tổng thể thì KAMCO đã định giá cao hơn mức giá trung bình trong giai đoạn đầu. Sau đó, việc định giá sát với thị trường hơn, kích thích các công ty mua bán nợ xấu tư nhân tham gia mạnh hơn vào quá trình này.

Việc thanh lý các khoản nợ xấu được tiến hành dưới nhiều hình thức, từ đấu thầu quốc tế cho đến bán buôn, bán lẻ, và tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp. Việc thanh lý chủ yếu được thực hiện vào cuối năm 2008 khi tình hình kinh tế của Hàn Quốc có những cải thiện đáng kể.

Tính đến tháng 4/2003, quỹ NPA do KAMCO điều hành đã thu được khoản lãi lên tới 7,3 ngàn tỉ won. Tuy nhiên, nếu tính cả chi phí vận hành, ước khoảng 9 ngàn tỉ won thì hoạt động của quỹ này thực ra là lỗ. Đó là chưa tính khoản nợ xấu chưa thanh lý hết vào thời điểm quỹ NPA được đóng, mà KAMCO có trách nhiệm tiếp tục xử lý.

Tuy nhiên, xét về tổng thể hoạt động của KAMCO, thông qua quỹ NPA, nó được đánh giá là thành công. Những hành động quyết đoán của KAMCO trong giai đoạn đầu đã giúp cho các công ty mua bán nợ xấu tư nhân của Hàn Quốc mạnh dạn hơn tham gia vào thị trường. Nếu như năm 1997, toàn bộ giá trị các thương vụ mua bán nợ xấu tại Hàn Quốc đều do KAMCO tiến hành thì con số này giảm xuống còn 58,15% vào năm 1998 và 2,81% vào năm 2000. Chính nhờ có sự tham gia của các công ty mua bán nợ xấu tư nhân mà nợ xấu của Hàn Quốc đã giảm mạnh từ 17% tổng dư nợ vào tháng 3/1998 xuống còn 2,3% vào cuối năm 2002.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc về hoàn thiện cấu trúc vốn

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?