Khái niệm về hệ thống cây trồng

hệ thống cây trồng

Mục lục

Khái niệm về hệ thống cây trồng

1. Hệ thống cây trồng

Hệ thống cây trồng là thành phần các giống và loài cây được bố trí trong không gian và thời gian của các loại cây trồng trong mọi hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN) nhằm tận dụng hợp lý nhất các nguồn lợi tự nhiên, kinh tế – xã hội (Đào Thế Tuấn, 1984) [61],. Hệ thống cây trồng là tổng thể các loại cây trồng trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau, được bố trí hợp lý trong không gian và thời gian (Nguyễn Duy Tính, 1995) [54]. Hệ thống cây trồng tối ưu không chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà còn phụ thuộc vào quy mô và phần trả lại của sản phẩm cây trồng, giá của chi phí đầu vào bao gồm lao động, sự kết hợp giữa các hợp phần công việc, sức khoẻ của nông dân và chiều hướng của rủi ro (David, 2003) [82].

Theo Zahidul và cs (1982) [104], mô hình cây trồng ở Bangladesh được điều chỉnh khảo nghiệm thực hiện bao gồm giống cây trồng, quản lý cải tiến chi phí đầu vào và giới thiệu những giống cây trồng mới cho từng vùng khác nhau có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng lương thực và thực phẩm cho người dân địa phương, làm tăng cường độ màu mỡ của đất. Ở Srilanka, nghiên cứu hệ thống cây trồng cho thấy cải tiến công nghệ canh tác (cơ cấu cây trồng phù hợp, luân canh tăng vụ, kỹ thuật hợp lý cho từng loại cây trồng) thì tiềm năng sản lượng cây trồng tăng cao rõ rệt tuỳ theo từng vùng đất khác nhau (Fernando và cs, 1982) [87].

Hoạt động nông nghiệp chính ở các vùng trước tiên là trồng trọt, sau đó là chăn nuôi (Bộ NN&PTNT, 2003) [6]. Như vậy, có thể thấy rằng hệ thống trồng trọt (HTTT) là nền tảng chiếm giữ vị trí quan trọng trong hệ thống nông nghiệp. Hệ thống trồng trọt là một hệ thống phụ trung tâm của hệ thống nông nghiệp, hoạt động của hệ thống trồng trọt ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự hoạt động của các hệ thống phụ khác (Nguyễn Duy Tính, 1995) [54]. Hệ thống trồng trọt là hoạt động sản xuất cây trồng trong nông trại, nó bao gồm các hợp phần cần thiết để sản xuất một tổ hợp các cây trồng của nông trại và mối quan hệ của chúng với môi trường. Trong hệ thống trồng trọt thì hệ thống cây trồng đóng vị trí chủ đạo. Nghiên cứu hệ thống cây trồng là xác định hệ thống cây trồng đó có những loại cây gì, giống gì, mùa vụ trồng trọt, công thức luân canh (Phạm Chí Thành và cs, 1993) [45].

Việc chuyển đổi nền kinh tế trong nông nghiệp ở vùng cao nước ta hiện nay theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá đòi hỏi bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý để sản xuất có hiệu quả cao nhất, đảm bảo an toàn về lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái (rừng và nguồn nước) góp phần xoá đói giảm nghèo, thực hiện công nghiệp hoá đất nước vào năm 2020 (Nguyễn Văn Trương, 1992) [59]. Việc xác định và xây dựng các hệ thống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng là cở sở để đạt năng suất và sản lượng cây trồng cao, đồng thời cũng là biện pháp sinh học tốt nhất nhằm khai thác triệt để mọi nguồn lợi tự nhiên, kinh tế-xã hội mỗi vùng (Lê Thị Bích và cs, 1996) [2].

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Thực trạng và những giải pháp nhằm quản lý môi trường nông thôn[/message]

2. Hệ thống cây trồng tiến bộ

Theo Phạm Chí Thành và cs (1996) [46], hệ thống cây trồng tiến bộ bao gồm hệ thống cây trồng bản địa cộng với tiến bộ kỹ thuật. Đây là cách làm kế thừa cái tốt do nhân dân tích luỹ được, vì vậy nghiên cứu phát triển hệ thống cây trồng phải đánh giá cho được hệ thống cây trồng hiện tại. Hiện tại ở đây là những kỹ thuật đã được nông dân thừa nhận, tiến bộ kỹ thuật là những cái mới, cái chưa từng có ở địa phương và có tác dụng tăng hiệu quả sản xuất.

3. Hệ thống cây trồng hợp lý

Hệ thống cây trồng hợp lý là sự định hình về mặt tổ chức cây trồng trên đồng ruộng về số lượng, tỷ lệ, chủng loại, vị trí và thời điểm, nhằm tạo ra sự cộng hưởng các mối quan hệ hữu cơ giữa các loại cây trồng với nhau để khai thác và sử dụng một cách tiết kiệm và hợp lý nhất các nguồn tài nguyên cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (Trần Khải, 1994) [21]. Hệ thống cây trồng hợp lý là cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội của vùng (Đào Thế Tuấn, 1989) [63], (Phùng Đăng Chinh và cs, 1987) [8]. Hệ thống cây trồng hợp lý còn thể hiện tính hiệu quả của mối quan hệ giữa cây trồng được bố trí trên đồng ruộng, làm cho sản xuất ngành trồng trọt trong nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ vững chắc theo hướng sản xuất thâm canh gắn với đa canh, sản xuất hàng hoá và có hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống cây trồng là một thực tế khách quan, nó được hình thành từ điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội cụ thể và vận động theo thời gian.

Hệ thống cây trồng hợp lý là phát triển hệ thống cây trồng mới trên cơ sở cải tiến hệ thống cây trồng cũ hoặc phát triển hệ thống cây trồng. Trên cơ sở thực tế là sự tổ hợp lại các công thức luân canh, tổ hợp lại các thành phần cây trồng và giống cây trồng, đảm bảo các thành phần trong hệ thống có mối quan hệ tương tác với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, nhằm khai thác tốt nhất lợi thế về điều kiện đất đai, tạo cho hệ thống có sức sản xuất cao, bảo vệ môi trường sinh thái (Lê Thế Hoàng,1995) [20]; (Lê Duy Thước, 1991) [50]. Đứng về quan điểm sinh thái học, bố trí hệ thống cây trồng hợp lý là chọn một cấu trúc cây trồng trong hệ sinh thái nhân tạo, làm thế nào để đạt năng suất sơ cấp cao nhất (Đào Thế Tuấn, 1989) [63]. Về mặt kinh tế, hệ thống cây trồng hợp lý cần thỏa mãn yêu cầu chuyên canh và tỷ lệ sản phẩm hàng hóa cao, bảo đảm việc hỗ trợ cho ngành sản xuất chính và phát triển chăn nuôi, tận dụng nguồn lợi tự nhiên, ngoài ra còn phải đảm bảo việc đầu tư lao động và vật tư kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao. Xác định Hệ thống cây trồng hợp lý ngoài việc giải quyết tốt mối liên hệ giữa cây trồng với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, cần phải dựa trên phương hướng sản xuất của vùng. Phương hướng sản xuất quyết định hệ thống cây trồng, nhưng hệ thống cây trồng hợp lý sẽ là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách xác định phương hướng sản xuất (Bùi Phúc Khánh, 1995) [22].

Khái niệm về hệ thống cây trồng

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

2 bình luận về “Khái niệm về hệ thống cây trồng

  1. Pingback: Những yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới hệ thống cây trồng - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Những yếu tố cơ bản ảnh hưởng hệ thống cây trồng | luanantiensiaz

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?