Khái niệm chung về logistics
Cho đến nay đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về logistics. Sau đây là một vài định nghĩa tiêu biểu về logistics:
Trước những năm 1980, logistics được hiểu là “các hoạt động phân phối vật chất (PD) và quản lý kho bãi trong lưu thông thành phẩm và dịch vụ” [64,tr.2]. Đây là quan niệm logistics theo nghĩa hẹp (Outbound logistics), theo đó logistics chỉ gắn với các hoạt động liên quan đến quản lý đầu ra của sản xuất (những hàng hóa và dịch vụ cuối cùng) như vận tải, phân phối, bảo quản hàng hóa, quản lý tồn kho, đóng gói, bao bì, phân loại, dán nhãn…
Năm 1988, Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ (LAC- The US. Logistics Administration Council) quan niệm “logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin có liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu cho đến khi được tiêu dùng, với mục đích thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng” [82,tr.4]. Định nghĩa này đã liệt kê các hoạt động cơ bản của logistics, nhấn mạnh Logistics bao gồm một chuỗi các hoạt động liên hoàn từ khâu lên kế hoạch, đến khâu thực hiện và khâu kiểm soát dòng lưu trữ, vận chuyển nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm và thông tin từ khi mua cho đến khi được tiêu dùng. Đồng thời, nó cũng nói được mục đích của logistics một cách khái quát nhất, đó là nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng.
Theo tài liệu giảng dạy của trường Đại học hàng hải thế giới thì “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và vận chuyển các tài nguyên hay các yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát là nhà cung ứng, thông qua các nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế” [93,tr.5]. Quan niệm này ngay từ đầu nhấn mạnh mục đích của các hoạt động logistics, bên cạnh việc liệt kê các hoạt động logistics cơ bản. Mục đích tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và vận chuyển là khác biệt cơ bản giữa hoạt động logistics và các hoạt động kinh tế khác, nên việc nhấn mạnh mục đích này là hợp lý khi định nghĩa logistics. Tuy nhiên, định nghĩa này không bao quát hết nội hàm của khái niệm logistics, nó mới chỉ liệt kê đến các hoạt động liên quan đến yếu tố đầu vào, tài nguyên mà chưa chỉ rõ được hoạt động lưu kho, vận chuyển hàng hóa và cả các yếu tố phi vật chất như thông tin qua từng khâu của quá trình sản xuất, lưu thông và đến với người tiêu dùng.
Chủ tịch học viện Nghiên cứu Logistics Georgia, Hoa Kỳ, ông Edward Frazelle thì cho rằng “Logistics là quá trình lưu chuyển của vật tư, thông tin và tiền tệ từ người cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng” [75,tr.6]. Đây là một định nghĩa ngắn gọn, nhấn mạnh khía cạnh lưu chuyển thông tin và tiền tệ trong logistics, nhưng theo chúng tôi, định nghĩa như vậy chưa đầy đủ. Từ “vật tư” theo từ điển tiếng Việt được hiểu là các thứ vật liệu, máy móc, công cụ cần cho sản xuất, xây dựng nói chung, như vậy nó hẹp hơn đối tượng mà nội hàm hoạt động logistics tác động. Hơn nữa, định nghĩa này chưa nói được mục đích của hoạt động logistics.
Một định nghĩa về logistics được dùng tương đối phổ biến là “Logistics là có được thứ cần thiết tại địa điểm và thời gian đúng nhất” [100,tr.6]. Mặc dù được dùng tương đối phổ biến, song đây không phải là một định nghĩa chuẩn bởi vì nó không nói được nội hàm, nội dung các hoạt động, nghiệp vụ của khái niệm này (định nghĩa này chỉ cho chúng ta thấy được mục đích của logistics mà thôi). Việc dùng định nghĩa này cũng là một trong các nguyên nhân làm cho logistics trở nên mơ hồ, dẫn đến sự thiếu hiểu biết hay nhầm lẫn về logistics.
Tại kỳ họp thứ 7, Khóa XI, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 14/6/2005 đã thông qua Luật thương mại 2005, trong đó có qui định cụ thể khái niệm dịch vụ logistics. Tại điều 233 – Mục 4 – Chương VI của Luật Thương mại ngày 14/6/2005, Luật qui định “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi mã ký hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao” [38,tr.58]. Như vậy, Luật Thương mại 2005 không định nghĩa logistics mà chỉ đề cập đến dịch vụ logistics và chưa coi logistics là một chuỗi các hoạt động liên hoàn trong chuỗi cung ứng.
Tóm lại, cho đến nay còn nhiều tranh cãi xung quanh việc định nghĩa khái niệm logistics. Sở dĩ có nhiều quan niệm khác nhau về định nghĩa khái niệm logistics là vì logistics không phải là một hoạt động mà gồm một chuỗi các hoạt động phục vụ cho quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông. Hơn thế nữa, theo thời gian, cùng với sự phát triển của sản xuất, của phân công lao động xã hội mà các hoạt động này ngày càng mở rộng và phát triển. Chính vì thế, nội hàm của khái niệm logistics thay đổi theo thời gian và không gian. Điều này dẫn đến sự xuất hiện các định nghĩa khác nhau về logistics ở những thời điểm và không gian khác nhau.
Theo chúng tôi, định nghĩa mới nhất mà Hội đồng các chuyên gia Quản trị Chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals- CSCMP) Hoa Kỳ đưa ra năm 2001 là chính xác và toàn diện hơn cả, theo đó Logistics được định nghĩa là một bộ phận của chu trình chuỗi cung ứng, bao gồm các quá trình hoạch định kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả việc dự trữ và lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ,thông tinhai chiềugiữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùngnhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng[1]. [112]
Theo định nghĩa này, logistics gắn liền và là một bộ phận của chuỗi cung ứng (Supply Chain), liên quan đến các khâu của chuỗi cung ứng từ nhập nguyên, nhiên vật liệu qua các khâu của quá trình sản xuất, sản xuất ra hàng hóa và đưa vào các kênh lưu thông, phân phối để đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Trong mỗi khâu đó, hoạt động logistics bao gồm cả quá trình hoạch định kế hoạch, thực hiện và kiểm soát nhằm đạt được hiệu quả cao. Trong định nghĩa này, góc độ “logistics ngược chiều” xuất hiện đã tiến thêm một bước mở rộng nội hàm của logistics so với các định nghĩa ở trên. Dịch vụ logistics ngược chiều dùng để chỉ hoạt động quản lý, lưu chuyển những dòng vật tư, phế phẩm, hàng trả lại quay trở lại quá trình sản xuất. Ngoài ra, logistics ngược chiều còn dùng để chỉ các hoạt động thu nhận, quản lý, xử lý nguồn thông tin phản hồi từ phía các khách hàng – một khâu ngày càng có vị trí quan trọng trong cạnh tranh.
Như vậy, có thể thấy một số đặc điểm cơ bản về logistics như sau:
* Logistics bao gồm hàng loạt các hoạt động liên hoàn từ lên kế hoạch, quản lý thực hiện và kiểm soát dòng lưu trữ, vận chuyển các tài nguyên (nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, hàng hóa), tài chính, thông tin từ nơi cung cấp đến kho chứa, qua các nhà xưởng, các xí nghiệp, nhà máy, kho bãi, người bán buôn, người bán lẻ và đến tay người tiêu dùng. Để đưa hàng hóa và các yếu tố sản xuất từ nhà cung ứng đến người tiêu dùng một cách có hiệu quả, cần phải tổ chức thực hiện một chuỗi các hoạt động logistics liên tục có liên quan hữu cơ với nhau: từ nghiên cứu, lập kế hoạch, tổ chức, quản lý, kiểm tra, kiểm soát đến hoàn thiện các mục tiêu. Hoạt động quản lý logistics thường bao gồm việc tìm nguồn cung ứng và mua sắm, lập kế hoạch và lịch trình sản xuất, đóng gói, lắp ráp, quản lý vận tải trong và ngoài doanh nghiệp, quản lý đội tàu, kho bãi, xử lý vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản lý hàng tồn kho và dịch vụ khách hàng. Logistics liên quan đến tất cả các cấp lập kế hoạch, xây dựng chiến lược, hành động và chiến thuật.
Mỗi khâu của quá trình logistics lại có những đặc trưng cơ bản song các khâu có tác động qua lại, liên quan mật thiết với nhau, hiệu quả ở khâu này làm tiền đề cho việc triển khai hoạt động ở các khâu tiếp theo và ảnh hưởng đến hiệu quả chung của toàn bộ hệ thống. Trong toàn bộ quá trình ấy, vấn đề then chốt là lấy thỏa mãn khách hàng là mục tiêu và lấy lợi ích tổng thể của doanh nghiệp làm mục đích, coi trọng hiệu quả mọi mặt, nhưng trên hết là hiệu quả kinh tế.
* Đối tượng tác động của logistics: là các yếu tố đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất. Nó có thể là các yếu tố hữu hình như vật tư, hàng hóa, nguyên nhiên phụ liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hoặc hàng phế phẩm, hàng trả lại… và cũng có thể là các yếu tố vô hình như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thông tin.
* Bản chất của quá trình logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí (chọn và bố trí mạng lưới hạ tầng cơ sở) và tối ưu hóa các dòng vận động (hoạch định việc lưu chuyển các đối tượng tác động nêu trên nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tối ưu trong tương quan với tiềm lực của doanh nghiệp).
* Mục tiêu chung của logistics là có được thứ cần thiết tại địa điểm và thời gian đúng nhất với chi phí thấp nhất có thể. Nói cách khác, mục tiêu của logistics là cung cấp đúng số lượng của đúng yếu tố, tại đúng địa điểm vào đúng thời gian quy định với chi phí tối ưu. Các yếu tố ở đây là các đối tượng của logistics đã đề cập.
* Logistics là một bộ phận của dây chuyền cung ứng (Supply chain). Dây chuyền cung ứng là một mạng lưới lưu chuyển vật tư, hàng hóa, thông tin và tiền tệ giữa các tổ chức [75, tr.8]. Khi nói đến dây chuyền cung ứng, người ta đề cập đến một chuỗi các mắt xích có quan hệ mật thiết với nhau đó là các chủ thể tham gia vào quá trình lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, mạng lưới hạ tầng cơ sở (như nhà xưởng, kho bãi, bến cảng, các trung tâm phân phối…) hệ thống phương tiện vận tải, hệ thống thông tin. Các mắt xích này được liên kết với nhau bởi quá trình mua bán, trao đổi các vật phẩm, dịch vụ. Logistics chính là các hoạt động, dịch vụ được triển khai để kích hoạt dây chuyền cung ứng đó, nó bao gồm các hoạt động để các mắt xích kia liên kết với nhau theo phương thức tối ưu nhất nhằm thỏa mãn khách hàng tốt nhất.
[1] Nguyên văn bằng tiếng Anh là: “Logistics management is that part of the Supply Chain Management process that plans, implements, and controls the efficient, effective forward and reverse flow and storage of goods, services, and related information between the point of origin and the point of consumption in order to meet customers’ requirements.”[112]
Khái niệm chung về logistics
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT