Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử theo thủ tục tái thẩm
Quá trình xét xử có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến TA ra bản án hoặc quyết định không đúng pháp luật, không chính xác và khách quan, ảnh hưởng và thậm chí là vi phạm quyền con người của người bị kết án. Do đó cần phải được tái thẩm để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ….
Xét xử tái thẩm là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà TA không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Hoạt động kiểm sát xét xử theo thủ tục tái thẩm, không chỉ bó hẹp trong phạm vi là kiểm sát tại phiên toà tái thẩm mà là bao gồm cả hoạt động kiểm sát bằng hình thức kiểm tra, xác minh hồ sơ vụ án, bản án đã xét xử sơ thẩm đã có hiệu lực, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm có tình tiết mới để kháng nghị trước khi TA tiến hành tái thẩm. Khi kiểm sát theo thủ tục tái thẩm, KSV sẽ kiểm sát thời hạn tái thẩm; kiểm sát thành phần Hội đồng tái thẩm, thẩm quyền tái thẩm, quyết định tái thẩm. Thủ tục chuẩn bị tái thẩm có một số thủ tục giống với thủ tục chuẩn bị phiên toà giám đốc thẩm. Thủ tục tái thẩm được quy định tại các Điều 280, Điều 281, Điều 282, Điều 283, Điều 296, Điều 297 BLTTHS, đó là các thủ tục như thời hạn tái thẩm VAHS; thành phần Hội đồng tái thẩm; việc hoãn phiên toà tái thẩm; thủ tục mở lại phiên toà xét xử tái thẩm sau khi hoãn; những người tham gia phiên toà tái thẩm. Thủ tục chuẩn bị phiên tòa tái thẩm VAHS có vai trò rất quan trọng, nếu chuẩn bị đúng pháp luật sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xét xử tại phiên toà tái thẩm. Nếu thủ tục chuẩn bị phiên tòa tái thẩm vi phạm pháp luật như không chấp hành thời hạn tái thẩm, việc hoãn phiên tòa tái thẩm không đúng pháp luật v.v… đều tác động đến quyền con người của người bị kết án. Việc mở phiên toà tái thẩm đúng thời gian mà pháp luật TTHS quy định sẽ bảo đảm quyền con người của người bị kết án rất lớn, vì nó sẽ khắc phục được vi phạm pháp luật (quá thời hạn luật định). Do đó, VKS có trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ thủ tục này nhằm bảo đảm các hoạt động của TA khi chuẩn bị tái thẩm đúng pháp luật.
Trong giai đoạn xét xử theo thủ tục tái thẩm, người bị kết án có những quyền như: Phát hiện tình tiết mới và thông báo cho cơ cho VKS hoặc TA; được quyền biết căn cứ và lý do không kháng nghị hoặc kháng nghị; kháng nghị có lợi cho người bị kết án không hạn chế về thời gian nhưng kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện; được TA xét xử theo thủ tục tái thẩm đúng thời hạn và đúng pháp luật; được quyền nhận quyết định tái thẩm… Thủ tục tại phiên toà tái thẩm, KSV sẽ kiểm sát việc chấp hành pháp luật của HĐXX và cả những người tham gia tố tụng được TA triệu tập đến tham gia phiên toà tái thẩm. Đó là kiểm sát việc chấp hành pháp luật ở các thủ tục tại phiên toà tái thẩm; thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm quy định tại Điều 298 BLTTHS; kiểm sát thủ tục xét hỏi những người được triệu tập đến phiên toà (nếu có) và việc biểu quyết của Hội đồng tái thẩm. Thực tế sai lầm, thiếu sót ở phiên tòa tái thẩm hầu như ít xảy ra nhưng không vì thế mà không kiểm sát hoạt động này của TA. Tại phiên toà tái thẩm VAHS, HĐXX sẽ làm rõ những nội dung trong kháng nghị của VKS, xem xét ý kiến của những người được triệu tập đến phiên toà như bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị trên cơ sở pháp luật. KSV sẽ phải có ý kiến về sự vắng mặt của những người được triệu tập đến phiên toà, nhằm bảo đảm quyền của họ được bảo đảm. Việc Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại; huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án đều tác động đến quyền con người. Do vậy, KSV phải kiểm sát căn cứ pháp lý, nội dung của quyết định tái thẩm này để phát hiện sai sót, vi phạm (nếu có) nhằm yêu cầu TA khắc phục để bảo đảm quyền con người của người bị kết án.
Sau khi kết thúc phiên toà tái thẩm, KSV cũng phải kiểm sát các hoạt động của Hội đồng tái thẩm như thời hạn giao quyết định tái thẩm cho người bị kết án, VKS đã kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ v.v… KSV phải kiểm sát việc giao quyết định tái thẩm theo quy định tại Điều 209 BLTTHS. Quyết định tái thẩm của Hội đồng tái thẩm nếu thuộc một trong các trường hợp huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực để điều tra lại hoặc xét xử lại, thì Hội đồng tái thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cùng quyết định tái thẩm cho VKS hoặc TA có thẩm quyền để điều tra hoặc xét xử lại theo thủ tục chung. Thời hạn để giao hồ sơ vụ án lại cho VKS hoặc TA có thẩm quyền điều tra, xét xử lại là mười lăm ngày (kể từ ngày ra quyết định tái thẩm) được quy định tại điều 300 BLTTHS. Thời hạn giao quyết định tái thẩm và thời hạn giao hồ sơ vụ án có liên quan chặt chẽ đến quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị kết án và người liên quan đến việc bị kháng nghị. Vì nếu quyết định tái thẩm hoặc hồ sơ vụ án (khi tuyên huỷ án đã có hiệu lực) chuyển cho VKS, TA có thẩm quyền chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra, xét xử lại từ đầu của cơ quan tố tụng, đồng thời không bảo đảm quyền lợi của người bị kết án, người có quyền và nghĩa vụ liên quan v.v… KSV phải kiểm sát việc giao hồ sơ, quyết định tái thẩm đúng pháp luật để cơ quan tố tụng giải quyết vụ án lại (nếu vụ án bị tuyên huỷ để điều tra hoặc xét xử lại) nhằm tạo điều kiện cho việc điều tra, xét xử lại từ đầu nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật. Qua đó, khắc phục được các vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người trong bản án, quyết định đã xét xử trước đó.
Có thể khẳng định rằng, trên cơ sở các quy định của BLTTHS năm 2003, VKSND các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử trong giai đoạn xét xử ở tất cả các thủ tục xét xử của TAND.
Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử theo thủ tục tái thẩm
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT