Các loại hình giao dịch trong thương mại điện tử
Mọi tổ chức hay bất kỳ cá nhân nào đều có thể tham gia thương mại điện tử nếu sử dụng thiết bị đầu cuối có thể kết nối mạng. Tuy nhiên, nếu phân loại các thành phần tham gia thương mại điện tử có thể chia làm 3 thành phần cơ bản tham gia: người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ.
Người tiêu dùng là chủ thể quan trọng nhất, có vai trò quyết định đến sự phát triển của thương mại điện tử. Là điểm cuối trong chuỗi tiêu thụ hàng hóa và các dịch vụ, mục tiêu và đối tượng để doanh nghiệp và cơ quan chính phủ phục vụ nhằm thỏa mãn ngày càng cao các nhu cầu chính đáng của cá nhân hoặc cộng đồng.
Doanh nghiệp là các tổ chức kinh doanh hàng hóa hoặc tạo ra các sản phẩm hàng hóa cũng như dịch vụ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và cộng đồng. Doanh nghiệp giữ vai trò chủ động tiên phong trong tham gia thương mại điện tử.
Các cơ quan chính phủ vừa là người tiêu thụ hàng hóa, vừa là người cung cấp hàng hóa là dịch vụ công trong thương mại điện tử cũng là người quản lý điều chỉnh các hoạt động thương mại điện tử thông qua hệ thống pháp luật.
Dưới đây là mối quan hệ tác động giữa các chủ thể với nhau trong môi trường mạng máy tính hình thành các phạm trù giao dịch khác nhau trong thương mại điện tử:
– Giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B): Đây là giao dịch mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh kèm theo các dịch vụ tư vấn, bảo trì, nâng cấp sau bán hàng. Doanh nghiệp cần lựa chọn nguồn hàng, đặt hàng từ các nhà cung cấp, nhận hóa đơn và thanh toán. Các quá trình trên trước đây mất rất nhiều thời gian và nhân công do phải làm việc, đàm phán và gặp mặt trực tiếp, nay toàn bộ quá trình trên đều có thể thực hiện tại bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào được cho là phù hợp với hai bên thông qua mạng Internet. Điều này giúp giảm thiểu chi phí, tận dụng thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thực tế, loại giao dịch này đã được sử dụng từ nhiều năm ở các mức độ khác nhau, trước khi ra đời mạng Internet, ví dụ như giao dịch thanh toán điện tử EDI đã được sử dụng trên các mạng riêng từ năm 1970 tại Mỹ. B2B giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, lựa chọn đầu vào tốt hơn, quản lý tốt việc cung tiêu hàng hóa, thay đổi nhanh sản phẩm mẫu mã, đưa hàng ra thị trường. Sau này, xuất hiện website trung gian để các doanh nghiệp giới thiệu, báo giá sản phẩm, tạo sân chơi mua bán hàng hóa, trang web này được gọi là sàn giao dịch điện tử. Bên cạnh việc tạo ra một sân chơi cho các doanh nghiệp thực hiện việc mua bán, sàn giao dịch có thể thực hiện các giá trị gia tăng như cung cấp thông tin cần thiết do các doanh nghiệp tự quảng bá, tổ chức hội thảo, cung cấp các nghiên cứu điều tra thị trường cho doanh nghiệp.
– Giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C): Đây là giao dịch mà ở đó người tiêu dùng mua hàng trực tiếp và các doanh nghiệp thực hiện việc bán lẻ qua mạng thông qua website của doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch. Các giao dịch B2C không chỉ dừng ở mục tiêu cung cấp sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng mà mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ như thông tin chất lượng sản phẩm, độ tin cậy thông qua các diễn đàn thuộc sàn giao dịch, ngân hàng, đấu giá, bất động sản, du lịch. Hình thức bán lẻ điện tử ngày càng được các doanh nghiệp chú ý và đầu tư triển khai áp dụng vì tiếp cận khách hàng nhanh chóng và thuận lợi. Bán hàng trong B2C khác với B2B bởi giá cả thường cố định, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng catalog, hệ thống duyệt dễ dàng cho khách hàng thăm quan, tìm kiếm sản phẩm, tìm ra giải pháp thu tiền bằng nhiều hình thức thanh toán để giao hàng nhanh, hiệu quả đến tận khách hàng.
– Giao dịch giữa doanh nghiệp và cơ quan chính phủ (B2G): Đây là các giao dịch giữa các doanh nghiệp và chính phủ. Các cơ quan chính phủ có thể thực hiện mua sắm trang thiết bị, hàng hóa dạng kỹ thuật số như phần mềm, ứng dụng cho chính phủ thông qua mạng như người tiêu dùng. Các doanh nghiệp thực hiện nộp báo cáo, khai tờ khai hải quan điện tử, nộp hồ sơ xin phép đăng ký kinh doanh qua mạng thông qua các dịch vụ công mà các cơ quan chính phủ cung cấp. Khi đó, các cơ quan chính phủ giữ vai trò người cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cho doanh nghiệp cũng như công dân. Để thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng tham gia thương mại điện tử, chính phủ lên kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử để tăng cường các giao dịch giữa chính phủ và doanh nghiệp cũng như công dân qua đó nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước. Giao dịch loại này phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của chính phủ, vấn đề về nhận thức và quyết tâm áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, thúc đẩy thương mại điện tử nhằm giảm chi phí cho xã hội.
[message type=”e.g. information, success, attention, warning”]Xem thêm: Thương mại điện tử là gì? Khái niệm về thương mại điện tử[/message]– Các giao dịch người tiêu dùng (công dân) với chính phủ (C2G): Đây là các giao dịch cung cấp thông tin chính sách, trả lương hưu, trợ cấp, giải đáp thắc mắc, xin giấy phép…mà các cơ quan thuộc chính phủ sử dụng phương thức thương mại điện tử làm phương tiện. Điều đó hình thành một chính phủ mở, tương tác 2 chiều giữa Chính phủ và người dân thông qua mạng Internet, nó chính là một phần của chính phủ điện tử.
– Giao dịch giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C): Đây là các giao dịch giữa các người tiêu dùng có nhu cầu mua hoặc bán các hàng hóa dịch vụ mà mình sở hữu. Thương mại điện tử cho phép thông qua website của cá nhân tổ chức các sàn đấu giá. Các giao dịch dân sự như tìm việc, cho thuê nhà, cần thuê nhà, mua bán ô tô, xe máy, sửa chữa đồ điện tử, gia dụng cũng được đưa lên mạng Internet thông qua website cá nhân hoặc trung gian.
– Giao dịch giữa các cơ quan chính phủ (G2G): Đây là các giao dịch giữa các cơ quan chính phủ giữa các ngành các cấp với nhau để trao đổi, quản lý thông tin phục vụ công tác điều hành, quản lý vĩ mô. Đó là các giao dịch như các báo cáo thống kê, xuất nhập khẩu, tra cứu đối chiếu thông tin, nhận, gửi, trả các công văn, thông báo quyết định…Các giao dịch này là một bộ phận của Chính phủ điện tử.
Các loại hình giao dịch trong thương mại điện tử
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT