Các hình thức chuyển giá của các công ty đa quốc gia

quản trị nguồn nhân lực

Mục lục

Các hình thức chuyển giá của các công ty đa quốc gia

Dựa trên các điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau mà các MNCs tiến hành những cách thức chuyển giá khác nhau nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu được. Có rất nhiều hình thức mà các MNCs có thể sử dụng để thực hiện hành vi chuyển giá, trong đó có thể chia thành chuyển giá lỗ và chuyển giá lãi.

Thứ nhất, Chuyển giá lỗ hay chuyển giá làm giảm lãi hoặc gây lỗ: gồm

a) Chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản góp vốn

Đây là một trong những hình thức chuyển giá tiêu biểu khi các MNCs thực hiện đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh hay thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Khi đầu tư theo hình thức liên doanh, giai đoạn đầu, hành vi chuyển giá được thực hiện từng bước thông qua góp vốn: các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua việc góp vốn vào doanh nghiệp bằng máy móc, thiết bị và công nghệ. Đa số các doanh nghiệp nội địa bị hạn chế về nguồn lực tài chính nên tham gia góp vốn chủ yếu bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên giá trị sử dụng đất thường bị đánh giá thấp, trong khi các loại máy móc thiết bị công nghệ do nhà đầu tư nước ngoài góp thường mang tính đặc thù, đã lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng do doanh nghiệp nội địa bị hạn chế về năng lực và trình độ thẩm định giá, thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để so sánh, nên trong quá trình định giá, những máy móc thiết bị và công nghệ này thường bị đẩy cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Mặt khác, cơ quan thuế, hải quan xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn (mà đối tác liên kết cung cấp) nên giá trị máy móc thiết bị và tài sản cố định khác được nhập khẩu hoặc nhập vào vùng lãnh thổ khác trong cùng lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể được thỏa thuận định giá ở mức cao. Từ đó, chi phí khấu hao tài sản cố định loại này cũng cao hơn so với thông thường (nếu xác định theo giá thị trường).

Đối với hình thức đầu tư thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, việc nâng cao giá trị tài sản góp vốn sẽ giúp nhà đầu tư nâng cao được tỉ lệ khấu hao hàng năm, tức là tăng được chi phí đầu vào. Điều này sẽ giúp cho chủ đầu tư nhanh hoàn vốn đầu tư cố định, nhờ đó mà giảm thiểu rủi ro đầu tư, đồng thời cũng giúp giảm bớt được nghĩa vụ thuế TNDN phải nộp ở nước tiếp nhận đầu tư.

Tuy đây là hình thức chuyển giá phổ biến và mang tính truyền thống nhưng việc theo dõi và phát hiện được nó cũng không hề dễ bởi nhiều tài sản được mang đi góp vốn như công nghệ cao, thiết bị, dây chuyền sản xuất… thường là dành riêng cho một dòng, một loại sản phẩm đặc thù, rất khó xác định được một cách chính xác giá thị trường của tài sản. Điều này các khó hơn khi các quốc gia tiếp nhận đầu tư là các quốc gia đang phát triển, khả năng tự thẩm định chưa cao, việc thuê thẩm định tài sản thường tốn chi phí không nhỏ.

b) Chuyển giá bằng cách nâng khống giá trị tài sản vô hình

Một hình thức góp vốn khác phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài là góp vốn bằng các tài sản vô hình: phần mềm công nghệ, thương hiệu, công thức pha chế… mà việc xác định giá trị của các tài sản này thường cũng là rất khó do không có các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá. Việc nhà đầu tư nước ngoài nâng khống giá trị của tài sản vô hình trong quá trình góp vốn sẽ giúp tăng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, qua đó quyết định tiếng nói trong doanh nghiệp. Một số trường hợp phía góp vốn bằng tài sản vô hình có xuất trình giấy chứng nhận của công ty kiểm toán nhưng độ tin cậy, trung thực của các giấy chứng nhận này rất khó kiểm định.

Bên cạnh việc góp vốn bằng tài sản vô hình, nhà đầu tư nước ngoài còn thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh cho bên liên kết tại nước đầu tư và thu tiền bản quyền. Theo quy định hiện hành của hầu hết các quốc gia, tiền bản quyền phải chịu mức thuế suất thấp hơn rất nhiều so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp (hầu hết quy định thuế suất đối với thu nhập từ bản quyền ở các mức 5%; 7,5%; 10%; 15%). Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được tương đối nhiều lợi nhuận ròng khi chuyển đổi hình thức từ việc trả tiền bản quyền thay vì cổ tức.

c) Chuyển giá thông qua mua, bán nguyên vật liệu, bán thành phẩm với công ty mẹ hoặc công ty liên kết

Hình thức chuyển giá này nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp, thậm chí gây ra tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, không phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không trực tiếp giao dịch với công ty mẹ, nhưng giao dịch với các bên liên kết của công ty mẹ. Trong những trường hợp này, các cơ quan quản lý nhà nước, và nhiều trường hợp ngay cả bên tham gia liên doanh cũng không nắm được.

Bằng cách tương tự với việc định giá tài sản cố định nêu trên, các doanh nghiệp là đối tác trong các quan hệ liên kết đặc biệt cũng tự thỏa thuận mức giá nguyên nhiên vật liệu cung ứng cho nhau theo hướng kê khai tăng hơn so với mức giá thị trường.

Đây cũng là một trong những cách thức giúp các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua thanh toán tiền hàng nhập khẩu với công ty mẹ hoặc chi nhánh khác trong MNCs. Việc nhập khẩu các nguyên vật liệu từ nước ngoài của các doanh nghiệp FDI cũng là một trong những nhân tố dẫn tới việc các quốc gia nhận đầu tư là có cán cân thanh toán nghiêng về nhập siêu. Ngoài ra việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ công ty mẹ hay chi nhánh khác ở nước ngoài với giá cao còn làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, từ đó giảm bớt số thuế phải nộp.

d) Chuyển giá thông qua thay đổi giá bán sản phẩm với công ty mẹ và công ty liên kết

Nhiều chi nhánh MNCs thực hiện phương thức chuyển giá thông qua việc định giá sai lệch rất lớn so với giá bán trên thị trường của nhiều loại hàng hóa bán cho công ty mẹ hay công ty có giao dịch liên kết. Điều này thường diễn ra như sau: công ty bán sản phẩm với giá thấp thường ở quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao, thực hiện bán sản phẩm cho công ty liên kết tại quốc gia/vùng lãnh thổ có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. Từ đó khiến cho tình hình kinh doanh tại công ty chịu thuế suất TNDN cao trở nên “ảm đạm” hơn, tránh được việc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

e) Chuyển giá bằng cách nâng cao chi phí quản lý và hành chính

Một trong những hiệu quả tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các quốc gia tiếp nhận đầu tư đặc biệt là các quốc gia đang phát triển là học hỏi được kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Tuy nhiên một mặt trái không thể phủ nhận rằng đây cũng là một trong những hình thức phổ biến mà các công ty thực hiện để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài dưới những danh nghĩa khác nhau:

• Chi nhánh MNCs tiến hành thuê người quản lý với mức lương cao, đồng thời phải trả một khoản tiền cho công ty mẹ nước ngoài hoặc chi nhánh khác vì cung cấp nhà quản lý

• Doanh nghiệp cử chuyên viên, công nhân sang học tập, thực tập tại công ty mẹ với chi phí cao. Đây thực chất cũng là một hình thức chuyển giá

• Chi nhánh MNCs thuê chuyên gia tư vấn từ công ty mẹ và phải trả chi phí, nhưng khó xác định được số lượng và hiệu quả mang lại nên khó có thể đánh giá được chi phí bỏ ra là cao hay thấp, phù hợp hay không phù hợp. Mặc dù các cơ quan thuế nhận thấy bất thường nhưng không có cơ sở nào xác định hành vi khai khống giá cả, chi phí để xử lý doanh nghiệp

Theo quy luật, càng kinh doanh, càng có kinh nghiệm, giảm bớt các chi phí nhưng chi phí quản lý tại các doanh nghiệp này ngày càng cao. Với tư cách là loại chi phí dính dáng nhiều đến việc vận hành nội bộ doanh nghiệp, căn cứ vào các quy chế và hợp đồng nội bộ, đây cũng là khoản chi phí rất dễ bị doanh nghiệp nâng lên cao để bóp méo giá thành, làm giảm lợi nhuận hoặc thậm chí làm doanh nghiệp lỗ, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Tiền lương cao đột biến của các nhân sự cấp cao đến từ công ty mẹ hoặc từ tổ chức có cùng nhóm lợi ích cũng thường là nhân tố đẩy chi phí đầu vào. Một điều đáng nói là khi các doanh nghiệp FDI thực hiện hình thức chuyển giá này thì các đối tác liên doanh trong nước là những người bị ảnh hưởng về quyền lợi hơn cả vì không thể xác định chính xác số chi phí cần bỏ ra so với lợi ích mà họ thu lại được.

f) Chuyển giá thông qua nâng cao các chi phí quảng cáo

Đây là một hình thức chuyển giá được nhiều công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI sử dụng. Phương thức này đặc biệt hay được sử dụng nếu doanh nghiệp FDI tồn tại dưới dạng liên doanh do phía đối tác nước ngoài nắm phần vốn chi phối.

Việc nâng cao chi phí quảng cáo, đặc biệt là trong trường hợp quốc gia sở tại thiếu những quy định chặt chẽ về việc xác định chi phí quảng cáo hợp lý, mức quảng cao, tỷ lệ chi phí quảng cáo trên tổng chi phí… thì phương thức này có thể giúp doanh nghiệp FDI đạt được rất nhiều các mục tiêu: tạo ra hiện tượng thua lỗ ảo (doanh thu rất cao nhưng chi phí còn cao hơn); hình ảnh thương hiệu chiếm lĩnh thị trường. Cùng với đó, phía đối tác của nước sở tại thường chỉ sau một vài năm chịu thua lỗ sẽ không còn đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục duy trì sự tồn tại trong liên doanh, buộc phải bán lại phần vốn góp; biến doanh nghiệp liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài.

g) Chuyển giá thông qua cho vay trực tiếp

Một trong những hình thức phổ biến hiện nay đó là hiện tượng chuyển giá thông qua cho vay vốn giữa các thành viên trong một MNCs. Có 2 trường hợp MNCs thường áp dụng hình thức chuyển giá này:

• Khi một chi nhánh kinh doanh có lãi ở quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao, chi nhánh này sẽ tiến hành cho công ty mẹ hoặc các chi nhánh khác vay với lãi suất thấp (thậm chí không lãi suất) nhằm giúp toàn MNCs có vốn mở rộng thị trường.

• Khi chi nhánh đặt ở quốc gia có thuế suất thuế TNDN cao, họ có thể tiến hành đi vay của công ty mẹ hoặc các chi nhánh khác với lãi suất rất cao, từ đó làm cho lợi nhuận trước thuế (đã trừ đi lãi vay) âm, tránh được việc nộp thuế TNDN. Bên cho vay thường có trụ sở ở nơi có thuế suất đối với tiền lãi thấp, từ đó tổng lợi nhuận của MNCs đạt được là lớn nhất.

Thứ hai, Chuyển giá lãi

Đây là một hình thức chuyển giá hết sức tinh vi của các doanh nghiệp FDI – chi nhánh các MNCs. Một số cách thức thường được các MNCs sử dụng để thực hiện chuyển giá lãi, đó là:

Trước hết, dễ nhận thấy nhất là việc một số doanh nghiệp FDI sau một thời gian ngắn hoạt động thì thực hiện việc xin chuyển đổi thành công ty cổ phần để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong quá trình thực hiện, không ít doanh nghiệp đã định giá không chính xác giá trị tài sản, lợi dụng việc chuyển đổi để “tư bản hoá tài sản”, bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư, vừa đem lại lợi nhuận cho công ty mẹ, vừa gây xáo trộn trong dòng vốn quốc gia đó.

Thứ hai, một số doanh nghiệp là thành viên của các tập đoàn, xin được niêm yết trên thị trường chứng khoán; các doanh nghiệp liên kết đã thực hiện chuyển giá nhằm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Điều này sẽ làm sai lệch kết quả báo cáo tài chính của DN phát hành, làm cho giá trị cổ phiếu sẽ tăng cao khi niêm yết; tạo sai lệch giá cả của các cổ phiếu phát hành, gây mất cân đối giả tạo về cung-cầu trên thị trường chứng khoán, gây rối loạn thị trường.

Thứ ba, trong quá trình chuẩn bị cho một doanh nghiệp giành độc quyền gia công, phân phối loại hàng hoá, dịch vụ nào đó nhằm cạnh tranh giành thị phần của loại hàng hoá, dịch vụ đó, các bên liên kết có thể chuyển doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp đó. Hình thức này cũng tạo sai lệch trong báo cáo tài chính và sai lệch trong đánh giá thị trường của các nhà đầu tư, tạo cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN, chèn ép các DN vừa và nhỏ.

Thứ tư, trong điều kiện nhiều quốc gia tích cực thu hút nguồn vốn từ bên ngoài với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ các quốc gia đó đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, hoặc khi đầu tư vào những địa bàn khác nhau, các doanh nghiệp liên kết đã chuyển doanh thu, lợi nhuận từ những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực khác không được hưởng ưu đãi vào doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi nhằm giảm thuế phải nộp, tăng lợi nhuận của nhóm liên kết.

Các hình thức chuyển giá của các công ty đa quốc gia

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?