Mục lục
Tồn tại của một số sắc thuế chủ yếu
1. Thuế Thu nhập doanh nghiệp
Thuế Thu nhập doanh nghiệp được áp dụng từ 01/01/1999 thay thế cho thuế Lợi tức, thuế Thu nhập doanh nghiệp đã mở rộng phạm vi điều tiết, áp dụng mức thuế suất 32% đối với doanh nghiệp trong nước, 25% đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau quá trình cải cách đã áp dụng thống nhất một mức thuế suất 28% đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thuế Thu nhập doanh nghiệp đã khai thác khá tốt nguồn thu và là động lực quan trọng thúc đẩy kích thích đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên, thuế Thu nhập doanh nghiệp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như:
– Chưa cụ thể hóa việc nộp thuế là theo tiêu thức thường trú hay theo tiêu thức phát sinh thu nhập vì luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập đều phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp”. Chính vì vậy, đối với những doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, việc kê khai thuế đối với thu nhập thu được ở nước ngoài thiếu căn cứ pháp lý để xử lý về thuế.
– Các quy định về chi phí hợp lý, khấu hao tài sản cố định còn một số điểm chưa phù hợp thực tế kinh doanh làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, hạn chế khả năng đầu tư đổi mới công nghệ và hội nhập kinh tế quốc tế theo chiến lược công nghiệp hóa; đôi khi những quy định về chi phí hợp lý lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước:
+ Chi phí khấu hao tài sản cố định: quy định đã cho phép doanh nghiệp được khấu hao nhanh tối đa không quá 2 lần khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng lại không quy định thế nào là hoạt động kinh doanh có hiệu quả và phải đảm bảo đạt mức lãi bao nhiêu mới được khấu hao nhanh ở mức 1,1 hoặc 1,2 hoặc 2,0. Với quy định còn chưa rõ ràng này đã tạo cơ hội cho cán bộ thuế có thể tùy tiện áp đặt mức khấu hao nhanh và ngược lại cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp kê khai tăng chi phí để làm giảm nghĩa vụ thuế, ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước.
+ Chi phí vật tư: chưa xây dựng định mức tiêu hao vật tư bình quân chung cho từng ngành, hiện nay doanh nghiệp được quyền tự xây dựng định mức tiêu hao vật tư cho bản thân doanh nghiệp nên doanh nghiệp sẽ kê khai tăng định mức tiêu hao này để tạo hành lang an toàn khi thực hiện quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp và cũng tạo nên một sự không công bằng giữa các doanh nghiệp do các cơ quan thuế khác nhau quản lý.
+ Chi phí lãi vay: đối với trường hợp không phải vay từ ngân hàng thì chi phí lãi vay vẫn được tính vào chi phí hợp lý với mức tối đa không quá 1,2 lần mức cho vay cao nhất của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các trường hợp không phải vay từ ngân hàng thì hợp đồng vay chỉ là “Giấy viết tay” nên không tránh khỏi trường hợp thông đồng giữa người đi vay và người cho vay vì người cho vay
trong trường hợp này không chịu một sự ràng buộc đáng kể nào cả.
– Thuế suất 28% vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và khả năng thu nhập của nền kinh tế, nên đã tác động đến khả năng thu hút đầu tư, khả năng tích lũy vốn để tái sản xuất mở rộng của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
– Chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp – một trong những yếu tố thu hút đầu tư- đã bộc lộ một số nhược điểm: các quy định về ưu đãi còn phức tạp như: rất khó áp dụng một cách thống nhất các ưu đãi giữa doanh nghiệp mới thành lập với doanh nghiệp di chuyển địa điểm, với doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hoặc rất khó phân biệt một cách rạch ròi giữa lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đang tiến hành với lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng để được hưởng ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, quy định ưu đãi chưa thật sự minh bạch, rõ ràng: cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư được miễn thuế 2 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo và cơ sở kinh doanh sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì được chuyển lỗ trừ vào thu nhập chịu thuế của những năm sau, thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, với quy định trên sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau: miễn thuế 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, có nghĩa là thu nhập này là thu nhập còn lại sau khi đã trừ cả phần chuyển lỗ của năm trước hay chỉ là phần thu nhập của năm tài chính đó, chưa trừ phần chuyển lỗ của năm trước.
2. Thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao
Thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao được áp dụng chính thức ở nước ta từ 01/04/1991 và đến nay sắc thuế này được sửa đổi bổ sung nhiều lần. Sau hơn 16 năm thực hiện, thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao đã đạt được những kết quả nhất định: tỷ trọng thu vào ngân sách nhà nước ngày càng tăng, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo được thói quen cho người dân có thu nhập chịu thuế là phải nộp thuế. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa thì Pháp lệnh thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao đã bộc lộ một số nhược điểm như: tên gọi của sắc thuế chưa phù hợp thông lệ quốc tế, chưa thực sự đảm bảo công bằng bình đẳng về nghĩa vụ thuế của cá nhân làm công ăn lương với cá nhân kinh doanh, còn sự phân biệt giữa đối tượng nộp thuế là người Việt Nam và người nước ngoài, chưa cho phép khấu trừ những khoản chi phí liên quan đến gia cảnh.
Vì vậy, việc sửa đổi những tồn tại của sắc thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao là cần thiết, Bộ Tài Chính đã có dự thảo luật thuế Thu nhập cá nhân và đang trong giai đoạn trình Chính phủ, Quốc hội để thông qua trong năm 2007. Dự luật thuế Thu nhập cá nhân đã khắc phục được một số tồn tại của Pháp lệnh thuế Thu nhập đối với có thu nhập cao như: thống nhất mức thuế suất giữa cá nhân Việt Nam và người nước ngoài, chuyển đối tượng là cá nhân kinh doanh nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp sang nộp thuế Thu nhập cá nhân, cho phép cá nhân được chiết trừ gia cảnh trước khi nộp thuế. Tuy nhiên, dự luật vẫn còn một số tồn tại như: chưa đề cập hướng giải quyết nếu cá nhân được xác định vừa cư trú ở Việt Nam nhưng vừa cư trú ở một nước khác; đánh thuế cả vào thu nhập từ lãi cổ phần dẫn đến tình trạng đánh thuế trùng, hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư; chỉ mới cho phép giảm trừ gia cảnh đối với một số đối tượng; quy định về chi phí khấu trừ của cá nhân kinh doanh còn chưa rõ ràng.
3. Thuế Giá trị gia tăng
Cùng với thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng được áp dụng từ 01/01/1999 thay thế thuế Doanh thu. Sau thời gian áp dụng sắc thuế này đã đạt được thành quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sắc thuế này vẫn còn một số tồn tại:
– Thuế suất: vẫn còn tồn tại 3 mức thuế suất 0%, 5%, 10% nên dẫn đến tình trạng phức tạp trong quá trình áp dụng, vi phạm nguyên tắc trung lập của sắc thuế này.
– Đối tượng không chịu thuế: vẫn còn khá rộng, vừa không khai thác hết nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa khó khăn trong quá trình kê khai khấu trừ thuế đầu vào dẫn đến tình trạng xác định chi phí hợp lý của các doanh nghiệp trong nền kinh tế không đồng nhất.
– Phương pháp tính thuế: theo quy định hiện hành của luật thuế Giá trị gia tăng có 2 phương pháp xác định số thuế phải nộp, đó là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Vì vậy, khi áp dụng 2 phương pháp tính thuế đã tạo ra một sự không công bằng về nghĩa vụ thuế giữa 2 nhóm đối tượng, không tạo nên tính liên hoàn qua các khâu đánh thuế và cũng làm giảm tính trung lập của sắc thuế này: nhóm đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì được xét khấu trừ thuế, hoàn thuế, được sử dụng hóa đơn Giá trị gia tăng để tách biệt giá bán chưa thuế Giá trị gia tăng để xác định thuế theo giá bán chưa thuế, được áp dụng cơ chế tự khai tự nộp; nhưng nhóm đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp thì không được khấu trừ, hoàn thuế, chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng nên giá tính thuế Giá trị gia tăng bao gồm cả thuế Giá trị gia tăng, không được áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp.
4. Thuế Tiêu thụ đặc biệt
Thuế Tiêu thụ đặc biệt được áp dụng từ năm 1990, đến nay sắc thuế này đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần để phù hợp với đặc diểm kinh tế xã hội trong từng thời kỳ nhất định. Tuy nhiên, sắc thuế Tiêu thụ đặc biệt vẫn còn một số tồn tại:
– Đối tượng chịu thuế: tùy theo đặc điểm kinh tế xã hội, tùy theo bối cảnh kinh tế của từng nước trong từng giai đoạn và tập quán tiêu dùng của từng nước mà các nước sẽ quy định những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. Thông thường những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, cao cấp, những hàng hóa Nhà nước không khuyến khích
tiêu dùng, những hàng hóa có tính chất độc hại, ảnh hưởng không tốt đến văn hóa xã hội. Ví dụ: Trung Quốc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt vào: rượu, thuốc lá, đồ trang sức, mỹ phẩm, đá quý, đồ da, xăng dầu, pháo, vỏ, ruột Ôtô, xe gắn máy, Ôtô con; Thụy Điển đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với: rượu, thuốc lá, đồ trang sức, mỹ phẩm, đá quý, sản phẩm da, xăng, dầu, pháo, vỏ ruột Ôtô, xe gắn
máy và Ôtô con; Philippin đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đến 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ; Hàn Quốc đánh thuế đến 19 nhóm hàng hóa, dịch vụ… Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam chỉ quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào 8 nhóm hàng hóa và 5 nhóm dịch vụ. So với các nước thì phạm vi đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam còn khá hẹp nên phạm vi điều tiết đối với sản xuất, tiêu
dùng chưa rộng, bỏ sót một khoản thu đáng kể vào ngân sách nhà nước.
– Thuế suất: đối với rượu từ 40 độ trở lên áp mức thuế suất 65%; đối với rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ áp dụng mức thuế suất 30%; đối với rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc áp dụng mức thuế suất 20%. Quy định phân biệt thuế suất theo độ cồn đã vi phạm nguyên tắc của WTO về sự không phân biệt đối xử, bởi vì nếu một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất rượu mạnh nhưng chỉ ở
mức 39 độ cồn thì chỉ phải chịu mức thuế suất 30%, nhưng nếu là sản phẩm nhập khẩu với độ cồn là 40 độ thì phải chịu mức thuế suất lên đến 65%. Như vậy, Việt Nam đã tạo ra một sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu.
– Giá tính thuế: Theo quy định hiện hành giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế Giá trị gia tăng và chưa có thuế Tiêu thụ đặc biệt. Đối với những đơn vị áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ thì xác định theo công thức:
Giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt = Giá bán chưa có thuế Giá trị gia tăng / ( 1 + Thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt)
Tuy nhiên, đối với những đơn vị áp dụng phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng trực tiếp thì không thể xác định theo công thức trên được vì giá bán của những đơn vị áp dụng phương pháp trực tiếp không thể hiện được giá bán chưa có thuế Giá trị gia tăng.
Như vậy, khi áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt cho 2 nhóm đối tượng này thì số thuế Tiêu thụ đặc biệt sẽ khác nhau dẫn đến sự không công bằng trong nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, giá tính thuế còn sự phân biệt giữa một số sản phẩm như: bia lon thì được trừ 3.800 đ/lít khi xác định giá tính thuế nhưng bia chai và rượu thì không được trừ giá trị vỏ chai.
5. Thuế Xuất nhập khẩu
Thuế Xuất nhập khẩu là công cụ quan trọng trong việc quản lý, điều chỉnh các hoạt động ngoại thương, thúc đẩy đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chính sách thuế Xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua đã mang lại nhiều thành quả. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sắc thuế này cũng đã bộc lộ một số tồn tại như: thông tin về giá tham khảo tính thuế còn nhiều hạn chế, chưa cập nhật kịp thời; quy định về thời gian ân hạn thuế dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế nhiều (tính đến hết năm 2006 số nợ đọng thuế Nhập khẩu là 6.000 tỷ đồng [40, tr 11]); phân loại hàng hóa trong danh mục biểu thuế Nhập khẩu với danh mục mô tả và mã hàng hóa (Danh mục HS) chưa thống nhất dẫn đến việc áp mã, áp mức thuế suất trong một số trường hợp còn nhầm lẫn gây thất thu cho ngân sách nhà nước hoặc ngược lại gây thiệt cho người nhập khẩu; công cụ bảo hộ sản xuất trong nước như thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ chưa thật sự phát huy tác dụng trong điều kiện hội nhập WTO
Tồn tại của một số sắc thuế chủ yếu
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT