Sự ra đời và phát triển của lý luận dạy học đại học

Sự ra đời và phát triển của lý luận dạy học đại học

Sự ra đời và phát triển của lý luận dạy học đại học phụ thuộc vào những điều kiện khách quan của môi trường xã hội – kinh tế – văn hoá, đặc biệt là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và những yêu cầu của chính bản thân nền giáo dục – đào tạo đại học của mỗi quốc gia.

Ngày nay, nhân loại đang bước vào “nền văn minh của làn sóng thứ ba” với những “cơ may và hy vọng” song cũng “đầy những thử thách và lo âu”. Một trong những đặc điểm cơ bản của thời đại ngày nay là cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang phát triển như vũ bão với những nét đặc trưng cơ bản sau:

– Lượng thông tin về khoa học – kỹ thuật tăng nhanh, tăng nhiều gấp bội. Nếu như năm 1750, khi bắt đầu cuộc cách mạng khoa học lần thứ hai, trên toàn thế giới mới có 10 tạp chí khoa học và sau 100 năm (1850), đã có 100 tạp chí 1980 có 100.000 tạp chí; năm 2000 đã có tới trên 1.000.000 tạp chí khoa học. Hàng năm có tới 4 – 5 triệu bài báo khoa học được công bố, 300.000 báo cáo khoa học; 110.000 tên sách và có tới 400.000 phát minh, sáng chế về các lĩnh vực khoa học được công bố. Theo sự tính toán và nhận xét của các nhà khoa học thì cứ khoảng 7 – 10 năm, thậm chí 5 – 7 năm khối lượng thông tin có thể tăng gấp 2 lần, 2/3 số lượng tri thức và hơn 90% lượng thông tin khoa học do loài người thu lượm được chỉ trong thế kỷ XX, đặc biệt trong vài thập niên gần đây cùng với sự “bùng nổ thông tin” là sự “lão hoá” về tri thức, những cái cũ, lạc hậu, lỗi thời dần dần mất tác dụng trong thực tiễn. Chỉ trong khoảng 5 – 10 năm, tốc độ lão hoá về tri thức và kỹ năng trung bình là 15 – 20%; những tri thức, kỹ năng về nghề nghiệp có thể lão hoá tới 20 – 30%; thậm chí đối với các lĩnh vực khoa học – công nghệ mũi nhọn có thể lão hoá tới 30 – 50 %.

– Thời gian từ khi phát minh ra những nguyên lý khoa học đến khi ứng dụng những tri thức đó vào thực tiễn sản xuất ngày càng rút ngắn lại. Ví dụ: máy ảnh là 112 năm (1727 – 1839), điện thoại là 56 năm (1820 – 1876), tranxito là 5 năm (1948 – 1953), mạch vi điện tử là 3 năm (1958 – 1961), tia laze chỉ có 2 năm (1960 – 1962)… Quy trình hoàn thành công nghiệp hoá ở một số nước cũng dần dần rút ngắn lại: nước Anh là 120 năm; một số nước Tây âu và Mỹ là 80 năm; Nhật Bản là 60 năm; 4 con rồng châu á (Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore) chỉ có 20 năm.

– Số lượng các nhà bác học tăng rất nhanh trong cách mạng khoa học – kỹ thuật. Người ta nhận thấy 9/10 các nhà khoa học sống cùng thời đại chúng ta, bình quân cứ 10 năm số các nhà khoa học có thể tăng gấp 2 lần. Với nền kinh tế tri thức hiện nay, rất cần các nhà lãnh đạo sáng suốt, các nhà doanh nghiệp tài ba, đặc biệt cần có các nhà khoa học – công nghệ giỏi. Do đó, nền sản xuất đại công nghiệp đòi hỏi đội ngũ những người lao động phải có trình độ cao: 60% có trình độ trung học và công nhân lành nghề; 34% có trình độ đại học và cao đẳng; 6% có trình độ trên đại học để không ngừng nghiên cứu và sáng tạo trong mọi lĩnh vực khoa học, sản xuất và cuộc sống.

– Trong cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ tư (từ những năm 50 của thế kỷ XX), với “nền văn minh của làn sóng thứ ba” – nền văn minh hậu công nghiệp, văn minh tin học, con người đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn lao trong các lĩnh vực khoa học điện tử, lượng tử, kỹ thuật hạt nhân, đại dương học, sinh thái học, công nghiệp đen,… và những phạm trù mới: “cách mạng liên tuyến , “môi trường tin tức”, “môi trường thông minh”, “bộ nhớ xã hội”,… không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Thời đại ngày nay, cùng với sự xuất hiện nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới, nảy sinh nhiều ngành nghề mới, khoa học – công nghệ đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống chính trị, văn hoá, xã hội. Và từ đó, nhiều ngành khoa học giáp ranh xuất hiện, mối quan hệ tương tác giữa các ngành khoa học ngày càng đậm nét. Mặc dù đã xuất hiện các xu hướng hoặc phóng đại vai trò sự phân ngành các lĩnh vực khoa học hoặc tuyệt đối hoá sự hợp nhất các ngành khoa học, nhưng xu hướng chung vẫn là sự kết hợp hai xu hướng trên và khẳng định tính độc lập của các lĩnh vực khoa học và vai trò của nó trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật, tính chất phức tạp của môi trường kinh tế – chính trị – văn hoá – xã hội nói riêng, xu thế phát triển của thời đại nói chung đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới ngành giáo dục – đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Thực tiễn đó đã đề ra những yêu cầu ngày càng cao đối với nền giáo dục đại học. Theo tài liệu của UNESCO về sự định hướng cho sự phát triển của giáo dục đại học thì nền giáo dục đại học hiện đại cần đáp ứng 10 yêu cầu cơ bản sau:

  1. Các trường đại học phải là một trung tâm đào tào có chất lượng cao, phải đa dạng hoá, chuyên môn hóa trong giáo dục đào tạo nhằm đạt hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực khoa học.
  2. Các trường đại học phải là một trung tâm tập hợp những sinh viên có năng lực trí tuệ phát triển ở mức độ cao. Đó là những thanh niên có năng lực tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo của nhà trường và luôn quan tâm đến vấn đề công bằng xã hội và giáo dục – đào tạo.
  3. Các trường đại học phải là một cộng đồng toàn tâm toàn ý, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, trong phổ biến, vận dụng và đưa những phát minh công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
  4. Các trường đại học phải là một trung tâm học tập tích cực, có ý chí học tập thường xuyên, học suốt đời để không ngừng phục vụ sự phát triển của xã hội.
  5. Các trường đại học luôn luôn là một trung tâm bồi dưỡng, cập nhật chuẩn hoá và hoàn thiện tri thức.
  6. Các trường đại học là một trung tâm trong đó có sự liên thông hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu và dịch vụ khoa học có chất lượng và hiệu quả cao.
  7. Các trường đại học phải là một trung tâm tham gia giải quyết những vấn đề khoa học của địa phương, dân tộc, khu vực và thế giới.
  8. Các trường đại học phải có những trung tâm tư vấn về khoa học – công nghệ cho các cấp quản lý để từ đó có những quyết định đúng đắn dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
  9. Các trường đại học phải là một cộng đồng gồm những thành viên tích cực tham gia xây dựng nền văn hoá hoà bình.
  10. Các trường đại học phải luôn môn thích ứng được với nhịp sống hiện đại, luôn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của mỗi quốc gia và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng xã hội, cách mạng khoa học – công nghệ đang ảnh hưởng một cách toàn diện, sâu sắc tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, giáo dục – đào tạo ở đại học nói riêng, đặc biệt tác động đối với mục tiêu giáo dục đào tạo những cử nhân khoa học – những người có trình độ học vấn cao, có kiến thức rộng về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học công nghệ… những thanh niên năng động sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiều mặt của nền kinh tế tri thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong đó cần đặc biệt chú ý tới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật – công nghệ đối với sự phát triển của con người với tư cách vừa là đối tượng, vừa là chủ thể tích cực của cuộc cách mạng ngày nay.

Sự tiến bộ khoa học – kỹ thuật không những ảnh hưởng đến cơ cấu nhân lực lao động mà còn đề ra những yêu cầu mới đối với trình độ và năng ]ực của họ. Như chúng ta đã biết, trong điều kiện cách mạng khoa học – kỹ thuật tiến nhanh như vũ bão, một số tri thức trở nên lạc hậu và thậm chí hết tác dụng, bên cạnh đó, có những tri thức mới xuất hiện, được ứng dụng vào các quá trình sản xuất khác nhau. Người lao động, người cán bộ khoa học – kỹ thuật cần nâng cao trình độ và năng lực của mình.

Vì vậy, nhà trường đại học cần có chất lượng đào tạo ở mức độ cao cả về tri thức khoa học cơ bản, tri thức khoa học cơ sở, tri thức khoa học chuyên ngành và những kỹ năng nghề nghiệp tương ứng. Bởi lẽ, trong tương lai, xã hội phải được xác định trên nền tảng của tri thức, đó là yêu cầu khách quan tất yếu. Mặt khác, trong quy trình đào tạo, nhà trường đại học cần phản ánh đậm nét xu thế phát triển tương lai của các lĩnh vực khoa học và công nghệ; cần hướng tới nền văn minh của “làn sóng thứ ba”, nền văn minh hậu công nghiệp. Với sự ra đời và phổ cập của nhiều thế hệ máy tính điện tử, tính chất của lao động cũng dần thay đổi: lao động nặng (kể cả lao động trí óc, lao động độc hại trong vũ trụ hay dưới đáy đại dương) đã và sẽ chuyển giao cho máy đảm nhiệm… Trong tương lai, lợi thế sẽ thuộc về các quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo ngang tầm với những đòi hỏi của nền công nghệ hiện đại, trong đó, khoa học – kỹ thuật phải là lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội.

Thực tiễn cuộc cách mạng xã hội và cách mạng khoa học công nghệ ngày nay đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo nói chung, các trường đại học nói riêng phải đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, những “mẫu người” tương lai cần có những năng lực cơ bản sau:

– Năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, khoa học công nghệ, trong tổ chức quản lý quy trình sản xuất hiện đại, trong cơ chế thị trường v.v…

– Năng lực tham gia tích cực các hoạt động xã hội, chính trị;

– Năng lực tự học và nghiên cứu khoa học.

Muốn đào tạo có chất lượng và hiệu quả đội ngũ cán bộ như vậy cần phải hoàn thiện quy trình hoạt động của các trường đại học, trong đó giáo dục, dạy học là hoạt động đặc trưng cơ bản nhất. Vì vậy, một vấn đề được đặt ra là cần hình thành, phát triển và hoàn thiện bộ môn giáo dục đại học với tư cách một ngành khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nó nghiên cứu bản chất quá trình giáo dục và đào tạo ở đại học, nghiên cứu những quy luật, nguyên tắc và quy trình công nghệ điều khiển hệ thống sư phạm nhằm thực hiện tối ưu mục đích và nhiệm vụ giáo dục và đào tạo ở các trường đại học.

Lí luận dạy học đại học là một bộ phận cấu thành của giáo dục học đại học, nó nghiên cứu những khái niệm, những phạm trù, những quy luật và nguyên tắc… thuộc lĩnh vực dạy học ở đại học.

Nếu như lý luận dạy học truyền thống được biểu diễn dưới dạng một hình tam giác thì trong đó đáy là lý luận giáo dục mầm non, phần thân là lý luận dạy học phổ thông và đỉnh của nó là lý luận dạy học đại học. Điều đó có nghĩa là lý luận dạy học đại học mới đang ở giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển. Thật vậy, trước đây và thậm chí hiện nay còn có ý kiến cho rằng lý luận dạy học nói chung, quá trình, nguyên tắc và phương pháp dạy học ở đại học nói riêng chỉ là những khái niệm trừu tượng không có ý nghĩa thực tiễn. Hoạt động dạy học ở đại học được tiến hành không cần có cái gọi là “Lí luận dạy học hay phương pháp dạy học ở đại học”, tất cả chỉ là do quá trình tích luỹ kinh nghiệm, do nghệ thuật giảng dạy tự do, giảng dạy sáng tạo của các giáo viên đại học… Điều đó hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Vậy lý luận dạy học đã ra đời như thế nào? Từ, những năm 1920 – 1930, ở Liên Xô (cũ) và các nước phát triển khác như Mỹ, Anh và các nước Tây âu đã bắt đầu xuất hiện một số bài viết về vấn đề giáo dục, giảng dạy ở đại học. Tuy vậy, cho đến những năm 1940 – 1950 người ta cũng chưa đạt được những kết quả đáng kể về nghiên cứu lý luận dạy học đại học dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn dạy học ở đại học. Phần lớn những công trình chỉ mới dừng ở chỗ tổng kết kinh nghiệm cá nhân. Và trên cơ sở đó, nêu ra những kết luận những kiến nghị.

Song đến những năm 60, ở Liên Xô đã có một bước ngoặt đáng kể trong việc nghiên cứu giáo dục học đại học nói chung và lý luận dạy học đại học nói riêng. Ngoài những sách, báo, chuyên khảo, người ta còn tổ chức nhiều hội nghị khoa học, nhiều xêmina để bàn luận về những vấn đề trong lĩnh vực dạy học ở đại học. Ở một số trung tâm đại học, người ta xây dựng các bộ phận nghiên cứu giáo dục học đại học. Năm 1966, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp Liên Xô tổ chức Hội đồng nghiên cứu khoa học giáo dục đại học và theo đề nghị của hội đồng này, người ta đã thành lập Viện nghiên cứu các vấn đề đại học.

Từ đó, nhiều công trình mới ra đời, phản ánh những thành tựu mới trong việc xây dựng lý luận dạy học đại học.

Một trong những công trình lớn là cuốn sách “Những bài giảng về lý luận dạy học ở đại học” của X. L.Arkhanghelxki.(l)

Có thể nói rằng, cuốn sách này là sự tổng kết có giá trị những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lý luận dạy học đại học.

Thật vậy, xuất phát từ năm nhiệm vụ của lý thuyết khoa học do I. Linga(2) đề xuất (vạch ra các con đường tổ chức và điều chỉnh hệ thống, giải thích các con đường tổ chức đó và điều chỉnh các khái niệm, các phạm trù khoa học, dự đoán sự phát triển khoa học, vạch ra các con đường lựa chọn, các phương pháp và các phương tiện nghiên cứu khoa học, xác định những cách thức. Phổ biến những luận điểm khoa học của lý thuyết nhất định và chỉnh lý chúng tuỳ thuộc vào các điều kiện và các nhiệm vụ nghiên cứu). Arkhanghelxki có ý định xây dựng một tài liệu với tư cách là “Nhập môn lý luận dạy học với mục đích lưu ý người đọc tới những vấn đề là cơ sở cho sự phát triển quá trình dạy học ở đại học. Do đó, tác giả đã đề cập một loạt vấn đề như sau:

– Tình trạng và một số luận điểm xuất phát của lý luận dạy học trong trường đại học.

– Một số dấu hiệu và các đặc điểm phát triển của khoa học và ảnh hưởng của chúng tới quá trình dạy học đại học.

– Một số luận điểm duy vật – biện chứng quan trọng nhất làm cơ sở cho sự phát triển của trường đại học.

Tổng quan về các phương hướng phát triển cơ bản của hệ thống quá trình dạy học đại học.

– Về các điều kiện cần thiết của việc xây dựng nội dung mới của lý luận dạy học đại học.

– Một số luận điểm tâm – sinh lý làm cơ sở cho lý luận dạy học đại học.

– Những vấn đề tâm lý của giáo dục đại học.

– Các con đường xác định nội dung và các phương pháp dạy học.

– Một số phương pháp chung của khoa học hiện đại.

– Những yếu tố phương pháp thông báo cơ bản của hệ thống quá trình dạy học.

– Diễn giảng ở đại học, các nhiệm vụ, việc chuẩn bị và tiến hành.

– Một số vấn đề về tình trạng sử đụng các phương tiện kỹ thuật dạy học.

Bên cạnh sự xuất hiện những cuốn sách tương tự, trên tạp chí “Tin tức đại học” thường xuyên có những bài báo bàn về những vấn đề cụ thể trong giảng dạy và học tập hoặc những vấn đề chung về lý luận dạy học đại học (“Tâm – sinh lý lứa tuổi sinh viên và việc nắm vững tri thức”, “Nâng cao tính độc lập của sinh viên trong việc nắm vững tri thức “, “Thế nào là một bài diễn giảng hiện đại”…)

Ở Việt Nam, trên tập san (nay là tạp chí) “Đại học và giáo dục chuyên nghiệp”, đã xuất hiện hàng loạt bài bàn về hoạt động dạy học ở đại học. Điều này nói lên sự quan tâm ngày càng nhiều của các thầy giáo, cô giáo ở đại học đối với việc nâng cao chất lượng dạy học, đồng thời nói lên sự cấp thiết phải tổng kết các kinh nghiệm dạy học và xây dựng cơ sở khoa học cho lý luận dạy học đại học ở Việt Nam.

Một số bài báo đã đề cập những vấn đề chung trong quá trình dạy học như “Xung quanh vấn đề biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, “Thử bàn về dạy tốt”, “Kiên trì, sáng tạo thực hiện phương pháp đào tạo mới” v.v… Một số bài đề cập đến những vấn đề cụ thể trong hoạt động dạy học, như “Một số ý kiến về giảng bài và phụ đạo”. “Soạn bài và giảng trên lớp”, “Hướng dẫn làm đồ án môn học”, “Hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp” v.v… Một số bài đề cập những điều kiện đảm bảo hoạt động dạy học đạt kết quả cao, như “Phát huy vai trò của thầy giáo trong công tác tổ chức và chỉ đạo học tập”, “Động cơ học tập là điều quyết định”, “Xác định rõ trách nhiệm, tập trung tư tưởng, chọn cách học thích hợp” v.v… Bên cạnh đó, còn có những bài nói lên sự cấp bách phải nghiên cứu những vấn đề phục vụ cho việc xây dựng lý luận dạy học đại học ở Việt Nam, như: “Đã đến lúc phải bàn về phương pháp dạy học ở các trường đại học”, “Một đòi hỏi cấp bách”… Đặc biệt, năm 1979, lần đầu tiên trên Tạp chí xuất hiện một hệ thống bài đề cập những vấn đề rất cơ bản của lý luận dạy học đại học. Sự ra đời hệ thống những bài báo này gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Viện Đại học và Trung học chuyên nghiệp, của Ban Thư Kí khoa học giáo dục đại học (1979) sau chuyển thành Ban Thư Kí khoa học giáo dục đại học (1982), đồng thời với việc gắn liền với việc đưa chuyên đề lý luận dạy học đại học vào kế hoạch bồi dưỡng sau đại học, và từ năm học 1990 – 1991, lý luận dạy học đã chính thức trở thành một chuyên đề, một môn chung trong chương trình đào tạo Thạc sĩ trong cả nước.

Như vậy, với tư cách là môn học chung trong chương trình đào tạo Thạc sĩ, lý luận dạy học đại học đã kế thừa và phát huy những giá trị lý luận và thực tiễn trong các công trình nghiên cứu về giáo dục học đại học nói chung, lý luận dạy học đại học ở các nước tiên tiến cũng như ở Việt Nam trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Với “nền văn minh của làn sóng thứ ba”, do ảnh hưởng của những “cú sốc tương lai” giáo dục đại học có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp đào tạo đội ngữ cán bộ khoa học cho đất nước. Bởi lẽ “Tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài” là “Kế lớn trăm năm để chấn hứng đất nước” (Thẩm Vinh Hoa, Ngô Quốc Diệu – Trung Quốc).

Sự ra đời và phát triển của lý luận dạy học đại học

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?