Quan niệm về hộ tịch

Chính sách xã hội đối với sinh viên hiện nay

Quan niệm về hộ tịch

Hộ tịch là một khái niệm đã ra đời từ khi có sự quản lý của nhà nước. Qua các giai đoạn phát triển của lịch sử cho tới ngày nay, quan điểm nghiên cứu về hộ tịch có tính khoa học nội hàm, là một nội dung hết sức quan trọng trong quản lý xã hội. Để nghiên cứu làm rõ quan điểm, khái niệm về hộ tịch, cần xem xét cụm từ “hộ tịch” dưới các góc độ từ góc độ từ ngữ, ngôn ngữ học và khoa học quản lý.

“Hộ tịch” là một từ ghép đôi có xuất xứ từ tiếng Hán Trung Quốc, được ghép bởi hai từ “hộ” và từ “tịch”, trong đó từ “hộ” là thành tố phụ, còn từ “tịch” là thành tố chính. Phân tích và tìm hiểu các thành tố thì có thể thấy các từ điển tiếng Việt hiện nay khá thống nhất cách hiểu về từng từ đơn này. Theo đó, từ “hộ”, khi sử dụng là danh từ có nhiều nghĩa khác nhau nhưng trong đó có một nghĩa là “đơn vị để quản lý con người, gồm những người cùng chung sống”. Từ “tịch” có nghĩa là gắn với “sổ sách” hoặc là “Sổ sách đăng ký quan hệ lệ thuộc”. Tuy nhiên việc kết hợp từ “hộ” và từ “tịch” trở thành “hộ tịch” lại là một trường hợp khá đặc biệt xét về mặt ngôn ngữ, và được sử dụng với thuộc tính là kết hợp hạn chế. Do tính chất đặc biệt ấy nên hiện nay, nếu nghiên cứu qua các từ điển tiếng Việt thì có thể thấy đã có nhiều khái niệm, quan điểm và định nghĩa từ “hộ tịch” của các tác giả. Dưới đây là một số quan điểm, khái niệm hộ tịch trong và ngoài nước của một số tác giả:

“Hộ tịch: Các sự kiện trong đời sống của một người thuộc sự quản lý của pháp luật” [38].

“Hộ tịch”: Sổ hộ khẩu do chính quyền địa phương cấp”[72]

“Hộ tịch”: Các sự kiện trong đời sống của một người thuộc sự quản lý của pháp luật (khai sinh, khai tử, kết hôn, tiền án, tiền sự, nhân khẩu) [150].

“Hộ tịch”: quyền cư trú, được chính quyền công nhận của một người tại nơi mình ở thường xuyên, của những người thường trú thuộc cùng một hộ, do chính quyền cấp cho từng hộ để xuất trình khi cần” [138].

“Hộ tịch”: sổ của cơ quan dân chính đăng ký cư dân trong địa phương mình theo đơn vị hộ” [111].

“Hộ tịch”: Quyển sổ ghi chép tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp của mọi người trong một địa phương”[79].

Theo các tác giả nêu trên, cho thấy mỗi tác giả có những quan điểm khác nhau về hộ tịch, trong đó có quan điểm khác nhau như: nhóm tác giả cho rằng hộ tịch là các việc liên quan đến các thông tin, sổ sách ghi chép về con người như tên tuổi, quê quán, sinh, tử … nhóm tác giả thứ hai lại quan điểm hộ tịch thuộc phạm vi hộ khẩu như việc đăng ký dân cư, cư trú thuộc quản lý của địa phương.

Nhìn dưới góc độ khoa học quản lý thì mặc dù “hộ tịch” hay “hộ khẩu” đều liên quan đến quản lý con người, dân cư, nhưng có nội hàm khác nhau, “hộ tịch” có nội dung rộng hơn “hộ khẩu” và không nên đồng nhất hai phạm trù này.

Tại Trường Đại học Luật Sài Sòn, khái niệm “hộ tịch” lần đầu tiên được ghi trong các giáo trình giảng dạy dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, trong đó nổi lên quan điểm của một số tác giả như tác giả Phan Văn Thiết có thể coi là người đầu tiên trình bày quan niệm “hộ tịch” trong cuốn tài liệu chuyên khảo xuất bản năm 1958 như sau:

“Hộ tịch- còn gọi là nhân thế bộ – là cách sinh hợp pháp của một công dân trong gia đình và trong xã hội. Hộ tịch căn cứ vào ba hiện tượng quan trọng nhất của con người: sinh, giá thú và tử” [130].

Các tác giả Vũ Văn Mẫu – Lê Đình Chân lại trình bày một quan điểm khác về “hộ tịch”: “Hộ tịch là sổ biên chép các việc liên hệ đến các người trong nhà. Hộ tịch gồm ba sổ để ghi chép các sự khai giá thú, khai sinh và khai tử” [14].  Với các giải thích này thì “hộ tịch” là việc ghi chép vào trong sổ mối liên hệ giữa những người trong một nhà, liên quan đến giá thú, khai sinh, khai tử.

Tác giả Trần Thúc Linh, trong cuốn Danh từ điện luận giải, là người đã đưa ra khái niệm “chứng thư hộ tịch”, đã hàm chứa trong đó về “hộ tịch”.  “Chứng thư hộ tịch là những giấy tờ công chứng dùng để chứng minh một cách chính xác thân trạng người ta như ngày tháng sanh, tử, giá thú, họ tên, con trai con gái, con chính thức hay con tư sanh, tư cách vợ chồng… tómlại tình trạng xã hội của con người từ lúc sinh ra đến khi chết. Các sổ sách hộ tịch ghi lại mọi việc sanh, tử, giá thú và các việc thay đổi về thân trạng người ta (nhìn nhận con ngoại hôn, chính thức hoá con tư sinh, khước từ phụ hệ, ly thân…” [88].

Như vậy các luật gia của thời kỳ Việt Nam cộng hòa đã có những nhìn nhận về “hộ tịch” ở phạm vi là một số yếu tố hộ tịch như sổ ghi chép các sự kiện sinh, tử, kết hôn và chưa tổng quát được các yếu tố hay các đặc trưng bao hàm khác của lĩnh vực hộ tịch.

Nhìn một cách tổng quát có thể thấy các tác giả Phan Văn Thiết, Vũ Văn Mẫu-Lê Đình Chân, Trần Thúc Linh, tuy đưa ra những cách hiểu khác nhau về hộ tịch nhưng trong những cách hiểu này đều chỉ ra những dấu hiệu đặc trưng của hộ tịch như là sổ ghi chép các quan hệ gia đình của một người; những quan hệ phát sinh trên cơ sở 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, đó là sự kiện sinh, hôn nhân và tử;

Từ nghiên cứu, so sánh, tham khảo một số tài liệu nước ngoài, có những giải thích, hoặc cách hiểu tương đương với quan điểm “hộ tịch” của các tác giả nước ta như:

Trong tiếng Anh từ “Civil registration” được hiểu là “Việc đăng ký công về tình trạng dân sự của mỗi cá nhân được thực hiện bởi các cơ quan hộ tịch” [174]. Cụm từ “Civil Registration” được hiểu là “Việc đăng ký đúng hạn các sự kiện sinh, tử , kết hôn với chính quyền trong thời hạn quy định”.

Trong tiếng Đức, khái niệm “das personenstandsregister” [182] được hiểu là “Việc đăng ký công về tình trạng dân sự của mỗi cá nhân được thực hiện bởi các cơ quan hộ tịch”. Khái niệm “personenstandsregister” được hiểu là “việc đăng ký công về tình trạng dân sự của mỗi cá nhân được thực hiện bởi các cơ quan hộ tịch”.

Bộ luật Dân sự của Pháp thì quy định về chế định hộ tịch là một trong những chế định hết sức quan trọng. Tuy nhiên Bộ Luật dân sự nước Pháp chỉ đưa ra khái niệm chứng thư hộ tịch khái niệm “Civil registration” được Liên Hiệp quốc định nghĩa trong tài liệu “Principles and recommendation for a Vital Statistics System” xuất bản năm 2001 như sau: “Đăng ký hộ tịch là việc ghi nhớ liên tục, thường xuyên, bắt buộc và toàn bộ các sự kiện và đặc điểm về sự tồn tại và tình trạng dân sự của mỗi cá nhân liên quan đến dân số được quy định bởi sắc lệnh, luật hoặc điều lệ phù hợp với yêu cầu của pháp luật mỗi quốc gia” [171].

Về mặt nghĩa của ba ngôn ngữ trên “hộ tịch” có thể hiểu một cách đồng nhất là cơ quan hộ tịch thực hiện đăng ký sự kiện hộ tịch dân sự cho cá nhân”. Trong khoa học quản lý của nước Đức, Pháp, khái niệm này gắn liền với khái niệm “tình trạng” hay “thân trạng” được hiểu là “căn cước dân sự của cá nhân” (tiếng Đức: personenstand và trong tiếng Pháp: état des personnes).

Như vậy, có thể thấy giữa từ “hộ tịch” đựơc sử dụng trong các văn bản pháp luật của nước ta với các khái niệm nước ngoài nói trên đều có sự tương đồng về ngữ nghĩa.  Nhìn từ góc độ khoa học quản lý và pháp lý, ở nước ta ngữ nghĩa của  tiếng Việt hay trong thuật ngữ quốc tế, cụm từ “hộ tịch” gắn liền với cụm từ “đăng ký hộ tịch” được định nghĩa trong các văn bản sau:

Thứ nhất, Bộ luật Dân sự 1995 có định nghĩa về đăng ký hộ tịch tại Điều 54 “Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận sự kiện sinh, tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ, nuôi con nuôi, thay đổi họ, tên, quốc tịch, xác định dân tộc, cải chính hộ tịch và các sự kiện khác theo quy quy định của pháp luật về hộ tịch”.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 1, Nghị định 83/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch thì “Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết”. Tuy nhiên đi kèm với khái niệm “hộ tịch”, Nghị định 83/1998/NĐ-CP còn nêu ra khái niệm “đăng ký hộ tịch” mà theo quan điểm của chúng tôi, không thể tách biệt khái niệm “hộ tịch” với khái niệm “đăng ký hộ tịch”. Khái niệm “đăng ký hộ tịch” được định nghĩa như sau:

“Đăng ký hộ tịch là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Xác nhận các sự kiện sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; xác định lại dân tộc; ĐKKS, khai tử quá hạn; đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi; Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chếnăng lực hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc những sự kiện khác do pháp luật quy định”.

Thứ ba, tại khoản 2, Điều 1 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định hộ tịch bằng việc mô tả: “a) Xác nhận các sự kiện: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch;; xác định lại giới tính; xác định lại dân tộc; b) Căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ hộ tịch các việc: xác định cao, mẹ, con; thay đổi quốc tịch; ly hôn; hủy việc kết hôn trái pháp luật; chấm dứt nuôi con nuôi”. Thứ tư, Luật Hộ tịch 2014 mô tả “Hộ tịch” tại Điều 2 như sau:

Hộ tịch là những sự kiện được quy định như khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung hộ tịch; ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch khác theo quy định của pháp luật…

Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để nhà nước bảo hộ uyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.

Từ định nghĩa về hành vi “đăng ký hộ tịch” đồng thời cũng đã phân biệt thành hai nhóm hành vi cơ bản khác nhau rõ ràng, và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau đó là: Hành vi xác nhận bằng cách đăng ký vào sổ dành riêng cho từng loại  việc, đồng thời cấp cho đương sự giấy chứng nhận về việc đó (như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn …).  Hành vi xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch đã làm phát sinh hiệu lực pháp lý của các sự kiện được đăng ký. Chỉ sau khi được đăng ký, các sự kiện đó mới làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ  nhân thân của cá nhân.

Hành vi ghi chú vào sổ hộ tịch khác với hành vi xác nhận, là đối với các loại việc hộ tịch này, cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành ghi chú việc đó vào Sổ hộ tịch. Điểm phân biệt cơ bản giữa hành vi này với nhóm hành vi xác nhận là hành vi phát sinh sau và không làm phát sinh hiệu lực pháp lý.

Như vậy sự kết hợp giữa các “hộ tịch” và “đăng ký hộ tịch” mới có thể mang lại cách hiểu đầy đủ về quan điểm “hộ tịch” vì “hộ tịch” là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết đi”.

Có thể quan niệm hộ tịch như sau:

Thứ nhất, “hộ tịch” chính là xuất phát từ yếu tố con người được quy định trong một trật tự “hộ”, được công nhận bằng việc đăng ký các thông tin trên cơ sở các dữ liệu công dân, đồng thời được quản lý bằng hình thức sổ ghi chép, quản lý bằng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Yếu tố “tịch” chính là các dữ liệu thông tin của cá nhân đó. “Hộ tịch” ở đây cũng có yếu tố bao gồm quản lý nhân khẩu, có nghĩa là bao gồm cả yếu tố quản lý dân cư .

Thứ hai, “hộ tịch” là tất cả những thông tin cơ bản ban đầu gắn với nhân thân con người, được phát sinh, được thay đổi trong cuộc đời và kết thúc cùng với sự xuất hiện ban đầu của người đó.

Từ kết quả nghiên cứu về hộ tịch, cho thấy quan niệm về “hộ tịch” dưới góc nhìn của khoa học quản lý, khẳng định “hộ tịch” đã trở thành đối tượng quản lý. Trải qua các giai đoạn lịch sử cho đến hiện nay, “hộ tịch” mặc dù không có một quan điểm nào được cho là trở thành định nghĩa nhưng trên thực tế đã có những trao đổi, hoặc có những ý kiến cần Việt hóa các từ Hán – Việt bằng những khái niệm dễ hiểu, dễ tiếp cận, hạn chế sử dụng từ Hán Việt trong ngôn ngữ, chữ viết của tiếng Việt. Tuy nhiên quá trình sử dụng có chiều  dài lịch sử, bên cạnh đó ngữ nghĩa của từ “hộ tịch” đã trở thành phổ biến và  được các triều đại, các tác giả đã sử dụng lâu dần và trở thành một thói quen, mặc nhiên công nhận chính thức trong văn bản pháp luật và văn hành hành chính, cũng như trong các hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Quan niệm về hộ tịch

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?