Quá trình hình thành và phát triển các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về bảo đảm quyền con người

giả thuyết nghiên cứu

Quá trình hình thành và phát triển các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về bảo đảm quyền con người

1.3.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức, thù trong, giặc ngoài. Để xây dựng một chính quyền dân chủ của nhân dân, thì cùng với việc tổ chức các cơ quan nhà nước khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh để bảo vệ quyền quyền tự do, dân chủ của công dân. Như Sắc lệnh số: 33c/SL ngày 13/9/1945 thành lập các TA quân sự ở ba miền Bắc, Trung, Nam để xét xử tất cả các những người nào phạm vào tội xâm phạm đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Sắc lệnh đã quy định các nguyên tắc nền tảng có liên quan đến bảo đảm quyền con người như: xét xử là công khai (Điều VI); bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; ngồi xử có Chánh án và hai Hội thẩm; đứng buộc tội là một Ủy viên quân sự hay một Ủy viên của ban trinh sát (Điều V). Đây là lần đầu tiên cơ quan Công tố được xác định bằng một văn bản pháp luật của Nhà nước. Sắc lệnh còn quy định trách nhiệm của TA phải giải thích cho người bị kết án tử hình đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước (Điều III)…

Ngày 26/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số: 37 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ các TA quân sự. Ngoài việc bảo đảm quyền con người bằng TA quân sự, thì yêu cầu bảo vệ quyền con người bằng TA thường cũng được quy định ở Sắc lệnh số: 13/SL ngày 24/01/1946 về việc tổ chức TA và các ngạch Thẩm phán (trong đó có thẩm phán buộc tội), đồng thời quy định “ông Biện lý (công tố), bị can và nguyên đơn có quyền chống án lên Tòa thượng thẩm” [30, tr. 3].

Trước yêu cầu của cách mạng và nhu cầu dân quyền, Hiến pháp năm 1946 đã được Quốc hội thông qua ngày 09/11/1946. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã quy định nhiều chế định liên quan đến bảo vệ quyền con người, trong đó đáng chú ý là trong hoạt động xét xử án hình sự. Hiến pháp quy định TA xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt (Điều 67).

Ngày 29/6/1958 Quốc hội có Nghị quyết thành lập Viện công tố, Viện công tố độc lập trực thuộc Chính phủ. Đến ngày 01/07/ 1959, Nghị định số: 256 – TTg quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Viện công tố. Theo đó khoản 3 Điều 1 Nghị định nêu rõ nhiệm vụ của Viện công tố là “Giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc xét xử của các Toà án”, và thành lập cơ cấu tổ chức của Viện công tố như thành lập Vụ giám sát xét xử và các vụ, phòng nghiệp vụ. “Theo Nghị định thì nhiệm vụ của Viện công tố là kiểm sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật Nhà nước… bảo vệ lợi ích của công dân… giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án” [12, tr. 23]. Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách bộ máy Nhà nước và bảo đảm quyền con người, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã thông qua Hiến pháp mới, thay thế Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1959 quy định tổ chức lại các cơ quan Nhà nước, trong đó có việc xác định nhiệm vụ của VKSND.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định [16].

Tư tưởng bảo đảm quyền con người được thể hiện bằng quy định như: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; nguyên tắc xét xử công khai v.v… Thể chế hóa Hiến pháp năm 1959, ngày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số: 20/L – CTN công bố Luật tổ chức VKSND. Để quyền con người được bảo đảm trong thực tế, Điều 2, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Luật tổ chức VKSND năm 1960 quy định:

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi; kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cùng cấp và dưới một cấp. Riêng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp nếu thấy các bản án hoặc quyết định này có sai lầm [17].

Năm 1980 Hiến pháp lần thứ ba của nước ta ra đời, tư tưởng bảo vệ quyền con người được kế thừa và phát triển hơn ở nhiều chế định, trong đó có chế định VKSND. Đó là tư tưởng bảo đảm quyền con người liên quan đến giám sát TTHS được giao cho VKS thực hiện. Cụ thể hoá tư tưởng bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp, ngày 04/7/1981 Quốc hội khóa VII đã thông qua Luật tổ chức VKSND (sau đó được sửa đổi bổ sung vào năm 1989). Để làm cơ sở cho VKS bảo đảm quyền con người qua kiểm sát xét xử VAHS, Điều 13 Luật tổ chức VKSND quy định, thẩm quyền khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử án hình sự của VKSND.

Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cùng cấp và dưới một cấp, khi thấy có vi phạm pháp luật. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp dưới, khi thấy có vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp theo thủ tục giám đốc thẩm khi thấy có vi phạm pháp luật hoặc theo thủ tục tái thẩm khi thấy có tình tiết mới [18].

Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn này, mặc dù chưa có BLTTHS nhưng nhiệm vụ bảo đảm quyền con người trong TTHS dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng được đặt ra. Trong đó phải kể đến nhiệm vụ bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử VAHS của VKSND. Các yêu cầu và tư tưởng bảo đảm quyền con người được thể hiện nhất quán trong các bản Hiến pháp và các Luật tổ chức VKSND, Luật tổ chức TAND… ngày càng rộng hơn, cụ thể và đáp ứng đòi hỏi của nhân dân hơn. Công tác kiểm sát xét xử hình sự vừa tích cực hỗ trợ ngành TA phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm quyền con người tốt hơn nhằm chống oan, sai, vi phạm thủ tục tố tụng xâm phạm đến quyền con người, đồng thời là cơ sở quan trọng để quyền con người được quan tâm hoàn thiện hơn trong giai đoạn sau này.

1.3.2. Giai đoạn từ năm 1988 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

Trong giai đoạn này BLTTHS đầu tiên của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/6/1988 quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Bằng việc ban hành Bộ luật này, lần đầu tiên pháp luật TTHS được pháp điển hóa, tư tưởng về bảo đảm quyền con người trong TTHS và yêu cầu bảo đảm quyền con người được quy định một cách có hệ thống, khá toàn diện, cụ thể và chi tiết hơn, trong đó có nhiệm vụ giám sát tố tụng nói chung và kiểm sát xét xử VAHS nói riêng. Bảo đảm quyền con người trong BLTTHS được thể hiện ở các nhóm chế định sau:

Bảo đảm quyền con người được thể hiện qua nhiệm vụ của BLTTHS, quyền con người và nhiệm vụ bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng trong TTHS được đặt lên hàng đầu xuyên suốt quá trình giải quyết VAHS. Điều 1 BLTTHS năm 1988 quy định:

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Bộ luật góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa [19].

Bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng được thể hiện qua nhóm chế định các nguyên tắc được quy định trong Bộ luật này. Bằng việc quy định một cách có hệ thống các nguyên tắc trong BLTTHS năm 1988, trong đó có các nguyên tắc bảo đảm quyền con người trong pháp luật tố tụng. Lần đầu tiên, yêu cầu bảo đảm quyền con người được được quy định một cách chặt chẽ như vậy trong Bộ luật. Đó là các nguyên tắc như: nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 3); nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật (Điều 4); nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân (Điều 6); nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân (Điều 7); nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Điều 11); nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo (Điều 12); nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng hình sự (Điều 14); nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 16); nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 17); nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án (Điều 20) v.v… Dưới góc độ giám sát tố tụng nói chung và kiểm sát xét xử hình sự nói riêng, BLTTHS năm 1988 đã quy định nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS.

Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự… bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào [19].

Bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng được thể hiện qua nhóm chế định về địa vị pháp lý của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong BLTTHS năm 1988. Địa vị pháp lý là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tham gia giải quyết VAHS khách quan, đúng pháp luật, qua đó các quyền con người được bảo đảm. Tuy nhiên, BLTTHS năm 1988 vẫn chưa quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Dưới góc độ bảo đảm quyền con người của những người dễ bị tổn thương trong TTHS, địa vị pháp lý của những người tham gia tố tụng phụ thuộc vào từng giai đoạn TTHS. Trong giai đoạn xét xử VAHS, các quyền của người tham gia tố tụng như quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyền được bào chữa, quyền được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền được nói lời sau cùng, quyền được kháng cáo hoặc đề nghị kháng nghị… Bên cạnh đó, Điều 170 BLTTHS năm 1988 cũng quy định giới hạn khi xét xử là TA chỉ xét xử bị cáo theo tội danh mà VKS truy tố và TA đã quyết định đưa ra xét xử. Đây chính là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền con người của bị cáo.

Bảo đảm quyền con người được thể hiện thông qua nhóm chế định về biện pháp ngăn chặn. BLTTHS năm 1988 quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, trình tự, thủ tục áp dụng, hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn trong TTHS. Ở giai đoạn xét xử VAHS, TAND có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, thay đổi biện pháp ngăn chặn (Điều 152).

Bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng được thể hiện qua nhóm chế định về phạm vi quyền hạn, trình tự, thủ tục TTHS. BLTTHS năm 1988 đã quy định các trình tự, thủ tục tố tụng trong các giai đoạn tố tụng như, trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Trong giai đoạn xét xử, Bộ luật đã quy định thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm; thẩm quyền xét xử, thời hạn xét xử và thủ tục xét xử.

Bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng được thể hiện qua nhóm chế định về chế tài xử lý vi phạm quyền con người. Điều 23 BLTTHS năm 1988 quy định: “Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào” [19]. Sau nhiều năm triển khai thực hiện và với ba lần sửa đổi, bổ sung, BLTTHS đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tư tưởng bảo đảm quyền con người và cơ sở pháp lý để VKSND bảo đảm quyền con người còn được thể hiện cụ thể qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 (từ Điều 137 đến Điều 140). Đó là Hiến pháp tiếp tục khẳng định VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp. Cụ thể hoá Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền con người, Điều 18, Điều 19, Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong công tác kiểm sát xét xử là:

Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng; kiểm sát các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật; yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án hình sự để xem xét việc kháng nghị. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm trong việc xét xử; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự [21].

Hoạt động xét xử thực chất là hoạt động tư pháp, do TA thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật. Do vậy:

Cơ chế giám sát hoạt động tư pháp là phương thức tổ chức và vận hành theo những nguyên tắc, những quy định của pháp luật và phương tiện pháp lý tác động và làm cho hoạt động của cơ quan tư pháp theo đúng pháp luật, ngăn ngừa vi phạm, sự lạm dụng quyền hạn và các hành vi tiêu cực khác nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý của cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp, để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất [6, tr. 16 – 17].

Như vậy, tư tưởng, nội dung và mục tiêu bảo đảm quyền con người trong TTHS nói chung và trong xét xử hình sự nói riêng đã được thể hiện rõ qua quy định chức năng, nhiệm vụ của VKS trong Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và đặc biệt là BLTTHS năm 1988

Quá trình hình thành và phát triển các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về bảo đảm quyền con người

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?