Mục lục
Phân tích báo cáo tài chính: Mục tiêu và một số chỉ tiêu
1.Mục tiêu của phân tích tài chính:
Đối với chủ doanh nghiệp và các nhà quản trị doanh nghiệp: mối quan tâm hàng đầu của họ là tìm kiếm lợi nhuận và khả năng trả nợ để đảm bảo sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà quản trị doanh nghiệp còn quan tâm đến các mục tiêu khác như tạo công ăn việc làm nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng góp phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường v.v… Điều đó chỉ thực hiện được khi kinh doanh có lãi và thanh toán được nợ nần.
Đối với các chủ ngân hàng, những người cho vay, mối quan tâm của họ chủ yếu hướng vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, quan tâm đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp họ đặc biệt chú ý đến số lượng tiền tạo ra và các tài sản có thể chuyển đối nhanh thành tiền. Ngoài ra, họ còn quan tâm đến số lượng vốn của chủ sở hữu để đảm bảo chắc chắn rằng các khoản vay có thể và sẽ được thanh toán khi đến hạn.
Đối với các nhà đầu tư, sự quan tâm của họ hướng vào các yếu tố như rủi ro, thời gian hoàn vốn, mức tăng trưởng, khả năng thanh toán vốn v.v… Vì vậy họ để ý đến báo cáo tài chính là để tìm hiểu những thông tin về điều kiện tài chính, tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh, khả năng sinh lời hiện tại và tương lai…
Đối với nhà cung cấp họ phải quyết định xem có cho phép doanh nghiệp sắp tới có được mua hàng chịu hay không. Vì vậy họ phải biết được khả năng thanh toán của doanh nghiệp hiện tại và thời gian sắp tới.
Đối với các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước, các cổ đông, người lao động v.v… mối quan tâm cũng giống như các đối tượng kể trên ở góc độ này hay góc độ khác.
Mối quan tâm của các đối tượng cũng như các quyết định của từng đối tượng chỉ phù hợp và được đáp ứng khi tiến hành phân tích báo cáo tài chính.
Có thể nói: Mục đích chính của phân tích báo cáo tài chính là giúp các đối tượng sử dụng thông tin đánh giá đúng sức mạnh tài chính, khả năng sinh lãi và triển vọng của doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn phù hợp với mục tiêu mà họ quan tâm.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng: tất cả các báo cáo tài chính đều là tài liệu có tính lịch sử vì chúng cho thấy những gì đã xảy ra trong một kỳ cá biệt. Mục đích của phân tích báo cáo tài chính là giúp các đối tượng quan tâm đưa ra các quyết định hợp lý và sẽ hành động trong tương lai dựa vào các thông tin có tính lịch sử của báo cáo tài chính.
2. Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong Phân tích cơ bản:
1. Chỉ tiêu chung
– Vốn điều lệ: là số vốn do tất cả các cổ đông đóng góp và được ghi vào điều lệ của công ty.
– Cổ phiếu đang lưu hành: là số lượng cổ phiếu của công ty hiện đang lưu hành trên thị trường.
– Cổ phiếu quỹ: là cổ phiếu đã phát hành và được mua, bán lại trên thị trường bởi chính tổ chức phát hành.
2. Kết quả hoạt động kinh doanh
– Tổng tài sản: là tổng giá trị của toàn bộ tài sản hiện có của công ty tính đến thời điểm lập báo cáo
– Vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của công ty, vốn chủ sở hữu thường bao gồm: vốn góp ban đầu, lợi nhuận không chia, phát hành cổ phiếu mới, các quỹ của công ty.
– Doanh thu thuần: là tổng số doanh thu bán hàng (trừ đi các khoản giảm trừ) công ty đạt được trong năm.
– Lợi nhuận sau thuế: Là tổng số tiền thực lãi (lợi nhuận trước thuế – thuế thu nhập doanh nghiệp) công ty thu về trong năm.
3. Hệ số khả năng thanh toán
3.1.Hệ số thanh toán ngắn hạn:
Hệ số thanh toán ngắn hạn =(Tổng tài sản lưu động)/(Tổng nợ ngắn hạn)
– Hệ số này là thước đo khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty, nó cho biết tỷ lệ các khoản nợ ngắn hạn của công ty được trả bằng các tài sản tương đương với thời hạn của các khoản nợ đó.
– Hệ số này của từng công ty thường được so sánh với hệ số trung bình của ngành, tuy nhiên mỗi ngành sẽ có một hệ số trung bình khác nhau.
3.2. Hệ số thanh toán nhanh:
Hệ số thanh toán nhanh =(Tổng tài sản lưu động – Hàng tồn kho)/(Tổng nợ ngắn hạn)
– Hệ số này nói lên việc công ty có nhiều khả năng đáp ứng việc thanh toán nợ ngắn hạn vì công ty dễ dàng chuyển từ tài sản lưu động khác về tiền mặt.
– Hệ số này cũng thường được so sánh với hệ số trung bình của ngành, thông thường khả năng thanh toán của công ty được đánh giá an toàn khi hệ số này > 0,5 lần vì công ty có thể trang trải các khoản nợ ngắn hạn mà không cần đến các nguồn thu hay doanh số bán..
4. Hệ số khả năng sinh lời
4.1. Hệ số tổng lợi nhuận:
Hệ số tổng lợi nhuận = (Doanh số – Trị giá hàng đã bán theo giá mua)/(Doanh số bán)
– Hệ số này cho biết mức độ hiệu quả khi sử dụng các yếu tố đầu vào (vật tư, lao động) trong một quy trình sản xuất của doanh nghiệp.
– Trong thực tế khi muốn xem các chi phí này có cao quá hay không là đem so sánh hệ số tổng số lợi nhuận của một công ty với hệ số của các công ty cùng ngành, nếu hệ số tổng lợi nhuận của các công ty đối thủ cạnh tranh cao hơn, thì công ty cần có giải pháp tốt hơn trong việc kiểm soát các chi phí đầu vào.
4.2. Hệ số lợi nhuận ròng
Hệ số lợi nhuận ròng = (Lợi nhuận sau thuế)/(Doanh thu thuần)
– Hệ số lợi nhuận ròng phản ánh khoản thu nhập ròng (thu nhập sau thuế) của một công ty so với doanh thu của nó. Hệ số này càng cao thì càng tốt vì nó phản ánh hiệu quả hoạt động của công ty.
– Trên thực tế mức lợi nhuận ròng giữa các ngành là khác nhau, còn trong bản thân một ngành thì công ty nào quản lý và sử dụng yếu tố đầu vào tốt hơn thì sẽ có hệ số lợi nhuận cao hơn. Đây là một trong các biện pháp quan trọng đo lường khả năng tạo lợi nhuận của công ty năm nay so với các năm khác.
4.3. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)
ROA = (Lợi nhuận sau thuế)/ (Tổng tài sản)
– ROA là hệ số tổng hợp nhất được dùng để đánh giá khả năng sinh lợi của một đồng vốn đầu tư. ROA cho biết cứ một đồng tài sản thì công ty tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận và ROA đánh giá hiệu suất sử dụng tài sản của công ty.
– Hệ số này càng cao thì cổ phiếu càng có sức hấp dẫn hơn vì hệ số này cho thấy khả năng sinh lợi từ chính nguồn tài sản hoạt động của công ty.
4.4. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn tự có (ROE)
ROE = ( Lợi nhuận sau thuế)/Vốn chủ sở hữu
– ROE cho biết một đồng vốn tự có tạo được bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE càng cao thì khả năng cạnh tranh của công ty càng mạnh và cổ phiếu của công ty càng hấp dẫn, vì hệ số này cho thấy khả năng sinh lời và tỷ suất lợi nhuận của công ty, hơn nữa tăng mức doanh lợi vốn chủ sở hữu là một mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động quản lý tài chính của công ty.
5. Hệ số cơ cấu tài chính
5.1. Hệ số nợ
Hệ số nợ = (Nợ phải trả)/ (Tổng tài sản)
Hệ số này cho biết phần trăm tổng tài sản của công ty được tài trợ bằng các khoản nợ là bao nhiêu.
– Hệ số nợ thấp có thể cho thấy việc sử dụng nợ không hiệu quả, còn hệ số nợ cao thể hiện gánh nặng về nợ lớn, như vậy 1 hệ số nợ/ tổng tài sản là hợp lý sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng tự tài trợ của công ty.
5.2. Hệ số cơ cấu nguồn vốn
Hệ số cơ cấu nguồn vốn = (Lợi nhuận sau thuế)/ Vốn chủ sở hữu)
– Hệ số này phản ánh tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của công ty.
– Để xác định mức độ phù hợp về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn của công ty sẽ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động và chính sách của từng công ty cũng như của từng ngành.
6. Các chỉ số về cổ phiếu
6.1. Cổ tức: là số tiền hàng năm được trích từ lợi nhuận của công ty để trả cho mỗi cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ.
6.2. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS )
EPS =( Lợi nhuận ròng – Cổ tức ưu đãi)/( Số lượng cổ phiếu phổ thông)
– EPS cho biết nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần họ đang nắm giữ hàng năm là bao nhiêu. Chỉ số này càng cao thì càng được đánh giá tốt vì khi đó khoản thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ cao hơn.
6.3. Giá trên thu nhập của cổ phiếu ( P/E )
P/E = ( Giá thị trường)/(Thu nhập của mỗi cổ phiếu)
– Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price – P) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS)
– P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải bỏ ra bao nhiêu đồng vốn để có được 1 đồng thu nhập.
– Nếu P/E cao điều đó có nghĩa là người đầu tư dự kiến công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai. Thông thường cổ phiếu được đánh giá tốt khi tỷ lệ P/E nằm trong khoảng giá trị 10 lần.
6.4. Cổ tức trên thu nhập (D/E)
D/E = (Cổ tức)/(Thu nhập của mỗi cổ phiếu)
– Hệ số này đo lường tỷ lệ phần trăm lợi nhuận ròng trả cho cổ đông phổ thông dưới dạng cổ tức. Hệ số này càng cao thì cổ phiếu đó càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, bởi lẽ họ sẽ được trả mức cổ tức cao cho mỗi cổ phiếu nắm giữ.
6.5. Cổ tức trên thị giá (D/P)
D/E = ( Cổ tức)/(Giá thị trường hiện thời)
– Hệ số này phản ánh mức lợi tức mong đợi của nhà đầu tư khi mua một loại cổ phiếu tại thời điểm hiện tại. Nếu tỷ lệ này càng cao thì cổ phiếu đó càng được các nhà đầu tư ưa thích vì họ kỳ vọng vào lợi nhuận cao thu về khi đầu tư vào cổ phiếu.
6.6. Giá trị sổ sách của cổ phiếu phổ thông
Giá trị sổ sách= (Tổng tài sản – Tổng số nợ – Cổ phiếu ưu đãi)/(Số cổ phiếu phổ thông)
Chỉ tiêu này được dùng để xác định giá trị của một cổ phiếu theo số liệu trên sổ sách, một nhà đầu tư thường quan tâm đến chỉ tiêu này để so sánh với giá trị thị trường của cổ phiếu, nếu chỉ tiêu này càng thấp hơn so với giá trị thực.
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT