Mục tiêu bảo vệ cổ đông thiểu số

cổ đông thiểu số

Mục lục

Mục tiêu bảo vệ cổ đông thiểu số

Khi mà ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình của các cổ đông thiểu số còn hạn chế và bản thân họ không có khả năng giải quyết thực trạng quyền lợi của mình đang bị xâm phạm, thì nhà nước cần phải bằng pháp luật đặt ra các nguyên tắc, xây dựng nên các công cụ pháp lý tạo điều kiện cho các cổ đông thiểu số thực hiện hiệu quả các quyền cổ đông, tạo cho họ vị trí và tiếng nói trong CTCP. Bản thân điều này không chỉ có giá trị trong việc trực tiếp bảo vệ được quyền lợi của các cổ đông thiểu số mà hơn thế nữa, nhà nước còn đảm bảo được các lợi ích cao hơn cho xã hội và các mục tiêu quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Các mục tiêu bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, bao gồm:

1. Khuyến khích nhà đầu bỏ tiền ra kinh doanh, tăng nguồn vốn cho nền kinh tế

Trong bất kỳ thời đại nào, một quốc gia muốn phát triển nền kinh tế thì cần phải thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi từ người dân và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, để huy động được các nguồn vốn từ các nhà đầu tư, thì chúng ta cần phải đặt ra các cơ chế pháp lý để bảo vệ họ, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng mà họ thu được từ hoạt động đầu tư. Một khi quyền lợi của các cổ đông không được đảm bảo, thì họ sẽ không đầu tư hoặc lựa chọn các lĩnh vực đầu tư khác an toàn và hiệu quả hơn như gửi tiết kiệm ở ngân hàng, hoặc cũng có thể mang tiền đi đầu tư ở những nơi có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Mặc dù cổ đông thiểu số luôn gắn liền với số vốn ít ỏi, số vốn mà dường như chẳng có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế nếu như họ chỉ đầu tư một mình, nhưng đi liền với đó, cổ đông thiểu số lại chiếm đại đa số trong các nhà đầu tư. Chính số đông đã tạo ra vai trò quan trọng của các cổ đông thiểu số trong việc tạo ra nguồn vốn cho nền kinh tế. Như vậy, việc bảo vệ cổ đông thiểu số mang nhiều ý nghĩa dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng đầu tiên phải kể đến mục tiêu nhằm khuyến khích các cổ đông thiểu số bỏ tiền ra kinh doanh. Việc cổ đông thiểu số bỏ tiền ra kinh doanh trước tiên là đảm bảo nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận cho chính họ và cũng thông qua đó thu hút, tập trung nguồn vốn cho nền kinh tế. Các cổ đông lớn, dù với số vốn lớn đủ để họ mang lại lợi nhuận cao cho chính họ và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thực tế đã chứng minh họ không phải là số đông đủ để giúp nền kình tế vận hành và phát triển một cách tốt nhất nếu như không có sự đồng lòng, sát cánh của những cổ đông thiểu số dù ít tiền nhưng luôn chiếm số đông.

Rõ ràng cổ đông thiểu số có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nguồn vốn cho nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, nhà nước với vai trò là người thực hiện các sách lược vĩ mô điều tiết nền kinh tế cần nhận thức rõ hơn ai hết về vấn đề này, để xây dựng các công cụ pháp lý hữu hiệu và hoàn thiện các chế định pháp lý hiện hành nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ. Đồng thời, thông qua đó, tạo niềm tin và khuyến khích cổ đông thiểu số bỏ tiền ra kinh doanh hoặc tin tưởng thực hiện các dự án đầu tư trong nước và trực tiếp tạo nguồn vốn cho sự vận hành của nền kinh tế. Nếu ví von một chút, thì có lẽ hình ảnh những cổ đông thiểu số được so sánh giống như những người hiến máu liên tục và quan trọng cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, bảo vệ cổ đông thiểu số là tạo ra sự yên tâm cho các cổ đông thiểu số để khuyến khích họ bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh và thông qua đó, thu hút được nguồn vốn phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.

2. Đảm bảo sự tồn tại và phát triển của công ty cổ phần và thị trường chứng khoán

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của CTCP và TTCK đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, bởi lẽ đây là loại hình công ty phát triển phổ biến nhất trên thế giới với quy mô lớn, hiệu quả hoạt động của loại hình doanh nghiệp này tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng, thậm chí là sự tồn tại của nền kinh tế. Cùng với đó, TTCK với sức mạnh của mình, có vai trò như biểu đồ của nền kinh tế ở mỗi quốc gia. Chính vì tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của CTCP và TTCK cho nền kinh tế, nên bất kỳ quốc gia nào cũng chú trọng xây dựng các công cụ pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này.

Xuất phát từ bản chất của vấn đề thì cả CTCP và TTCK cũng đều được xây dựng nên từ những nhà đầu tư, cụ thể là từ cổ đông của các CTCP. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu từ nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và đó là nguồn gốc hình thành nên loại hình doanh nghiệp này. Có thể nói không thể có CTCP cũng như TTCK nếu như không có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra kinh doanh. Chính vì vậy nhà nước muốn duy trì sự tồn tại và đảm bảo sự phát triển cho CTCP và TTCK, thì trước tiên và quan trọng hơn cả là phải bảo vệ được quyền lợi của các cổ đông mà trọng tâm là các cổ đông thiểu số. Như một triết lý sinh tồn tự nhiên, phải bảo vệ được quyền lợi của cổ đông thiểu số thì những ông chủ nhỏ này mới chịu bỏ tiền ra thành lập hoặc tham gia vào CTCP và đây là điều kiện để duy trì sự tồn tại và đảm bảo sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này cũng như của TTCK. Ngược lại, nếu như không có các công cụ pháp lý hữu hiệu để họ thực hiện các quyền của mình hay không tạo được niềm tin về việc họ đầu tư sẽ có lợi nhuận, thì có lẽ chẳng nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để thành lập hay tham gia vào CTCP cũng như mua chứng khoán trên TTCK, bởi đầu tư là vì mục đích tìm kiếm quyền lợi và khi không có niềm tin mình sẽ được hưởng quyền lợi từ hoạt động đầu tư thì chắc chắn không ai lại bỏ tiền ra kinh doanh.

3. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút đầu tư

Nền kinh tế quốc gia được xây dựng nên từ nguồn vốn và hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy thu hút được càng nhiều nhà đầu tư thì nền kinh tế sẽ càng phát triển và đem lại hiệu quả cao cho xã hội. Do đó, cần thiết phải xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, có cơ chế bảo hộ quyền lợi cho nhà đầu tư thích đáng vì đây là điều kiện quan trọng và tiên quyết trong việc thu hút các nhà đầu tư.

Môi trường kinh doanh là một khái niệm tương đối trừu tượng và có thể nôm na hiểu đó là tổ hợp của những yếu tố quyết định đến hiệu quả của hoạt động kinh doanh và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Xét về bản chất, việc thu hút các nhà đầu tư, mà chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài của các quốc gia hiện nay không chỉ dừng lại ở góc độ kêu gọi các nhà đầu tư đến hợp tác, đến đầu tư mà đó đã trở thành một cuộc tranh đua gay gắt và quyết liệt giữa các quốc gia nhằm “giành giật” được các nhà đầu tư về phía mình. Đã là cạnh tranh, thì các quốc gia luôn tìm cách chứng tỏ sức mạnh, sự cuốn hút của mình và không cách thức nào tốt hơn là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh mà trong đó các thủ tục hành chính được lược bỏ trở thành giản đơn, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư để thu hút sự chú ý từ họ.

Một trong những yếu tố không thể thiếu tạo nên môi trường kinh doanh đó là mức độ bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số của mỗi quốc gia, hay nói cách khác, đây là một trong những tiêu chí quan trọng, không thể thiếu trong việc đánh giá sự lành mạnh, điểm số của môi trường kinh doanh. Như đã đề cập ở trên, cổ đông thiểu số luôn chiếm đại đa số trong các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài, do đó việc xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số không chỉ giữ được chân các nhà đầu tư trong nước lựa chọn đầu tư tại sân nhà mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thu hút, lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến thực hiện các dự án đầu tư. Cũng chính vì vậy mà khi WB thực hiện các báo cáo về “Môi trường kinh doanh” của các quốc gia trên thế giới trong nhiều năm gần đây, mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số luôn được tổ chức này xem là một trong mười tiêu chí để đánh giá .

Mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng của môi trường kinh doanh trong việc thu hút các nhà đầu tư nhưng thực trạng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong suốt thời gian qua lại thật đáng buồn với vô vàn những khó khăn từ vấn đề thủ tục, sự ì ạch của các chính sách, kế hoạch cũng như việc bảo vệ nhà đầu tư ở mức độ thấp. Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010: “Cải cách Qua thời kỳ khó khăn”, ấn phẩm lần thứ bảy trong chuỗi báo cáo thường niên do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam lại tiếp tục tụt hàng và xếp thứ 93 trên tổng số 183 nền kinh tế[1]. Như vậy, kể từ năm 2006 đến nay, tức là từ khi chúng ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục biến động, không ổn định[2].

STT Năm Xếp hạng(Việt Nam/nền kinh tế) Biến động(So với năm trước)
1 2006 98/155 #
2 2007 104/175 Giảm
3 2008 91/178 Tăng
4 2009 92/181 Giảm
5 2010 93/183 Giảm

Năm 2006, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam là 98/155 nền kinh tế và con số này đã tụt hạng nghiêm trọng vào năm 2007 khi xếp ở vị trí 104/175 nền kinh tế. Năm 2008, mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam đã có một bước tiến xa khi lần đầu tiên chúng ta xếp thứ 91/178 quốc gia, đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam có được trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta phải thêm phần lo lắng khi mức độ cạnh tranh của môi trường kinh doanh của Việt Nam lại liên tục tụt hạng xuống vị trí 92/181 nền kinh tế vào năm 2009 và 93/183 nền kinh tế vào năm 2010. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực luôn thể hiện mình với sự ổn định về môi trường kinh doanh. Điển hình là Singapore, quốc gia luôn kiên trì cải cách, là nền kinh tế dẫn đầu bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu lần thứ tư liên tục, còn New Zealand thì giữ vững ở vị trí số hai. Thái Lan trong thời gian qua cũng đã có nhiều cải cách quan trọng để lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và nhờ thế đứng ở vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng toàn cầu năm 2010[3].

Thực trạng về môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như đường lối chính sách của nhà nước, thời gian và chi phí mà một doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra để đáp ứng được các quy định kinh doanh như thành lập và vận hành doanh nghiệp, giao dịch thương mại quốc tế, nộp thuế, giải thể doanh nghiệp[4]…, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng sự yếu kém trong công tác bảo vệ các nhà đầu tư nói chung và các cổ đông thiểu số nói riêng đã góp phần tạo nên tình trạng đáng buồn của môi trường kinh doanh trong nước hiện nay.

Trước thực trạng môi trường kinh doanh Việt Nam còn nhiều yếu kém và hạn chế cùng với sự cần thiết phải thu hút các nhà đầu tư, chúng ta cần phải thực hiện một cách hiệu quả vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số. Bảo vệ được quyền lợi của cổ đông thiểu số là việc làm quan trọng và cần thiết đầu tiên để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thu hút các nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thế giới, Hà Lan là một quốc gia tiên phong trong bảo vệ cổ đông thiểu số bằng pháp luật, theo quan điểm của những nhà làm luật nước này, một trong những lý do cơ bản mà họ chú trọng xây dựng pháp luật bảo vệ cổ đông thiểu số một cách đầy đủ là nhằm tạo ra những điểm nổi bật hơn so với các hệ thống pháp lý của nước ngoài, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Hà Lan, đồng thời cũng để các nhà đầu tư Hà Lan sẽ tăng cường đầu tư trong nước mà không đầu tư ra nước ngoài[5]. Quan điểm của những nhà lập pháp Hà Lan cũng là quan điểm của hầu hết các nước trên thế giới, điều đó là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh các nền kinh tế cạnh tranh nhau mạnh mẽ về thu hút đầu tư. Tác giả cho rằng những nhà lập pháp Việt Nam cũng cần xem xét vấn đề này trong quá trình xây dựng pháp luật để chú trọng hơn công tác bảo vệ nhà đầu tư mà đặc biệt là các cổ đông thiểu số, với mục đích làm cho hệ thống pháp luật của nước ta theo kịp hệ thống pháp luật trên thế giới, thậm chí nổi bật hơn để có đủ sức mạnh cạnh tranh trong quá trình thu hút đầu tư.

[1]http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/COUNTRIES/EASTASIAPACIFICEXT/VIETNAMINVIETNAMESEEXTN/0,,contentMDK:22304161~pagePK:1497618~piPK:217854~theSitePK:486752,00.html

[2] http://vneconomy.vn/65982P0C10/moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-lieu-co-tru-hang.htm

[3]http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/COUNTRIES/EASTASIAPACIFICEXT/VIETNAMINVIETNAMESEEXTN/0,,contentMDK:22304161~pagePK:1497618~piPK:217854~theSitePK:486752,00.html

[4]http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/COUNTRIES/EASTASIAPACIFICEXT/VIETNAMINVIETNAMESEEXTN/0,,contentMDK:22304161~pagePK:1497618~piPK:217854~theSitePK:486752,00.html

[5] http://www.ejcl.org/64/art64-12.html

Mục tiêu bảo vệ cổ đông thiểu số

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?