Một số vấn đề môi trường chính ở Việt Nam

nông lâm kết hợp

Mục lục

Một số vấn đề môi trường chính ở Việt Nam

1. Một số vấn đề môi trường chính ở Việt Nam

1.1. Vẫn còn số lượng lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Đến nay, trên phạm vi cả nước vẫn còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, 268/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

1.2. Tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn ra môi trường vẫn diễn ra mặc dù đã có xu hướng giảm trong giai đoạn vừa qua. Trong tổng số các cơ sở được thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn ra môi trường năm 2011 là 45,9%[1] và năm 2015 là 24,5%[2].

1.3. Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư nông thôn chưa được xử lý. Trong tổng số 786 đô thị trên cả nước, mới chỉ có 40% đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định với tổng công suất xử lý khoảng 800.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ 10% – 11%.

1.4. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn (CTR) chưa được thu gom trung bình tại các đô thị là 16%, khu vực ngoại thành là 40%, khu vực nông thôn là từ 45% đến 60%, các vùng sâu, vùng xa là khoảng 90%. Bên cạnh đó, việc sử dụng lò đốt CTR sinh hoạt ngàycàng nhiều, đa số là lò đốt cỡ nhỏ, nhiều lò không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường.

1.5. Nguồn nước mặt trong một số đô thị, khu dân cư, một số sông bị ô nhiễm nặng, chậm được xử lý, cải tạo, đặc biệt tại một số đô thị lớn. Tại các lưu vực sông, nhiều nơi ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, như ở lưu vực sông Nhuệ – Đáy, lưu vực sông Cầu, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

1.6. Các điểm, khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất sử dụng trong chiến tranh chậm được xử lý, khắc phục, đang gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất ở một số địa phương. Đến nay, vẫn còn hơn 160/240 điểm, khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đang gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất tại 18 địa phương; 02/04 điểm ô nhiễm hóa chất sử dụng trong chiến tranh chưa hoàn thành xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ.

1.7. Độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao lại bị thu hẹp diện tích, tỷ lệ phục hồi rất thấp. Bên cạnh đó, sự giảm sút ngày càng nhiều các cá thể, các loài trong tự nhiên cũng là vấn đề đáng báo động. Việt Nam được xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về suy giảm số loài chim, nhóm 30 nước hàng đầu về suy giảm số loài thực vật và lưỡng cư.

2. Nguyên nhân

2.1. Việc gia tăng các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và hội nhập kinh tế quốc làm gia tăng mạnh áp lực, tác động xấu, nhiều mặt lên môi trường, dẫn đến suy thoái chất lượng môi trường sống, suy giảm đa dạng sinh học.

2.2. Hệ thống chính sách, pháp luật tuy đã được bổ sung, hoàn thiện thêm một bước nhưng vẫn còn bất cập, chưa theo kịp với những biến đổi nhanh của thực tiễn cuộc sống, diễn biến và xu thế phát triển nhanh của các vấn đề môi trường. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương mặc dù luôn được quan tâm kiện toàn song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với quy mô và mức độ phức tạp của công tác bảo vệ môi trường và nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

2.3. Vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu; trong khi đó lại đang thiếu những cơ chế khả thi để huy động nguồn vốn, nhất là cơ chế thu trực tiếp bù chi để thu hút khối tư nhân tham gia đầu tư bảo vệ môi trường.

2.4. Một số cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được triển khai trong thời gian vừa qua đã phát huy được hiệu quả nhất định trong phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thấp; việc thực thi pháp luật còn chưa nghiêm, thiếu kiên quyết.

3. Đề xuất giải pháp thực hiện

3.1. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường. Điều chỉnh các luật chuyên ngành về môi trường, có liên quan đến môi trường nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những chồng chéo, bất cập trong các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Triển khai nghiên cứu, đề xuất tái cấu trúc hệ thống pháp luật về môi trường cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế. Trước mắt tập trung thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XII về công tác bảo vệ môi trường, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; xem xét đề xuất sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật có liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường công tác giám sát việc xây dựng văn bản hướng dẫn và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường.

3.2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới. Chú trọng xây dựng năng lực điều phối, thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của ngành tài nguyên và môi trường. Sớm kiện toàn và tăng cường năng lực điều phối hoạt động bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, nhất là các sông lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Sớm hình thành các bộ phận quản lý bảo tồn đa dạng sinh học ở các địa phương để triển khai thực hiện các quy định của Luật Đa dạng sinh học, sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã.

3.3. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Giám sát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường. Tập trung xây dựng cơ chế đột phá, hiệu quả huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như cơ chế cho phép khối tư nhân đầu tư xử lý nước thải, rác thải trong các đô thị và được thu từ các hộ gia đình để bù đắp chi phí đầu tư trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Quán triệt quan điểm nguồn thu từ môi trường phải ưu tiên đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường, không thể tiếp tục “lạm dụng” môi trường để chi tiêu, sử dụng nguồn thu từ môi trường cho các mục đích không vì môi trường.

3.4. Có hình thức chuyển đổi mô hình tăng trường, tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường; hạn chế phát triển mới, có lộ trình giảm dần, tiến tới loại bỏ các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và hiệu quả kinh tế thấp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Sớm hình thành cơ chế giá, phí hợp lý, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực tài chính tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài.

3.5. Tập trung giải quyết và có cơ chế giám sát việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

3.6. Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy các quan hệ đối tác về môi trường, nhất là trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Xây dựng năng lực tham gia các diễn đàn, thể chế quốc tế và xem xét để có cán bộ trong cơ quan đại diện ngoại giao ở các tổ chức quốc tế và các nước có tầm ảnh hưởng lớn về môi trường.

4. Triển khai Đề án Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Trong giai đoạn qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều Chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm triển khai các đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như: Nghị quyết số 41-NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/03/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường; Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn Luật. Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được thông qua, Chính phủ đã ban hành 08 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành Luật.

Trong năm 2016, dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 07 Đề án, đến nay đã có 01 Đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và 06 Đề án đang triển khai xây dựng, trong đó có 02 Đề án dự kiến sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý III năm 2016 và 04 Đề án dự kiến sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2016 (Chi tiết tiến độ xây dựng Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phụ lục 1 kèm theo Báo cáo).

[1] Bao gồm xả nước thải vượt quy chuẩn 36%, khí thải vượt 9,9%.

[2] Bao gồm xả nước thải vượt quy chuẩn 19%, khí thải vượt 5,5%.

Một số vấn đề môi trường chính ở Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?