Mục lục
Kinh nghiệm phát triển ngành điện tử của Thái Lan
Thái Lan bắt đầu phát triển ngành điện tử từ những năm 60 của thế kỷ trước, khởi đầu bằng việc lắp ráp các sản phẩm từ các bộ linh kiện nhập khẩu theo chính sách thay thế hàng nhập khẩu. Đến cuối thập kỷ 60, ngành công nghiệp chế tạo Thái Lan đã cung cấp được một số chi tiết phục vụ cho việc lắp ráp sản phẩm điện tử. Đó là các loại linh phụ kiện nhựa, kim loại, các phụ kiện đột dập từ thép, chế tạo khuôn mẫu, đúc… đánh dấu sự khởi đầu của ngành CNHT.
Trong suốt thập niên 70, Thái Lan đã thực hiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu thông qua những ưu đãi về thuế cho xuất khẩu đồng thời thực hiện những cải cách luật pháp, trong đó quan trọng hơn hết là luật liên quan đến tỷ lệ góp vốn nhằm đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả của sự cải cách này là một lượng lớn các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và một số nước đầu tư sản xuất điện tử vào Thái Lan, tạo nên sự tăng trưởng nhảy vọt về số lượng trong các ngành CNHT điện tử phục vụ cho công nghiệp lắp ráp.
Đến những năm 80 Thái Lan đã xuất khẩu được nhiều loại sản phẩm điện tử với giá trị lớn. Xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử của Thái Lan tăng dần trong thập niên 90, sản phẩm chính là thiết bị nghe nhìn (radio, TV và dàn âm thanh), linh phụ kiện cho các thiết bị điện tử, máy tính, lò vi sóng. Trong đó máy tính và linh kiện máy tính chiếm giá trị xuất khẩu cao nhất.
Tuy nhiên, cuối những năm 90 đầu những năm 2000, ngành công nghiệp điện tử của Thái Lan đã tụt hậu so với một số nước như Malaysia, Indonesia và Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân, song 2 nguyên nhân cơ bản được các chuyên gia nhận định là do sức ì của các doanh nghiệp và sai lầm trong chính sách của Chính phủ Thái Lan. Ở Malaysia ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh mẽ và gặt hái nhiều thành công nhờ vào các chính sách khuyến khích liên kết hợp tác dưới nhiều hình thức; liên kết dọc, liên kết ngang, liên kết thượng nguồn – hạ nguồn… giữa các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài với nhau, giữa các nhà sản xuất linh kiện và các nhà lắp ráp các sản phẩm điện tử của Nhật Bản. Ngược lại, hầu như các công ty đang hoạt động ở Thái Lan không phụ thuộc nhiều vào nhau. Trong nước, có nhiều công ty nước ngoài sản xuất đồ điện gia dụng như tủ lạnh, điều hòa, tivi, máy quay phim và các thiết bị thông tin đồng thời cũng có nhiều nhà sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử nghe nhìn và các sản phẩm cho ngành công nghệ thông tin viễn thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này hoạt động một cách tương đối độc lập với nhau.
Sau khi “chiêm ngưỡng” sự chuyển mình mạnh mẽ của các nước như Malaysia và Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan hồi quy các động cơ để thực hiện các chính sách phát triển mới, trong đó đề cao vấn đề khuyến khích phát triển các mối liên kết sản xuất, tập trung vào hai hình thức liên kết quan trọng nhất là: liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau tạo quy mô lớn, tăng cường năng lực sản xuất và tăng thị phần xuất khẩu, và liên kết giữa các công ty của Thái Lan với các nhà lắp ráp của Nhật Bản, tạo tác động hai chiều cho định hướng phát triển CNHT điện tử, cụ thể là:
1. Điều chỉnh khung chính sách và thể chế pháp lý
Trước đây, khung chính sách luật của Thái Lan đã gây ra nhiều phiền toái nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều công ty Nhật Bản. Ví dụ như các công ty nước ngoài được Ủy Ban Đầu tư thừa nhận thì trên lý thuyết được phép nhập khẩu vật liệu mà không phải nộp thuế. Tuy nhiên trên thực tế chính sách này chỉ hoàn lại thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp tại thời điểm các doanh nghiệp đưa ra chứng cứ có hàng xuất khẩu. Thủ tục này gây phiền hà cho các doanh nghiệp và nhiều công ty đã chỉ ra rằng việc hoàn lại thuế nhập như vậy đôi khi bị trì hoãn một cách tùy tiện. Ngoài ra chính phủ thay đổi mức thuế suất nhập khẩu, các công ty bị yêu cầu phải trả khoản chênh lệch giữa mức thuế cũ và mới trước đây và điều này xảy ra rất thường xuyên. Vì thế tính bền vững của chính sách luôn được quan tâm. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Thái Lan với các doanh nghiệp nước ngoài, giữa ngành công nghiệp điện tử Thái Lan với ngành điện tử của các nước, Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu điều chỉnh các khung chính sách và những thể chế cần thiết.
2. Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ
Ở Thái Lan từ lâu người ta đã nhận thức cần phải khuyến khích phát triển CNHT. Tuy nhiên nhu cầu cấp bách này đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi đất nước này theo đuổi chiến lược định hướng xuất khẩu. Một số việc chuyển giao công nghệ và đào tạo tay nghề đã được thực hiện trong các lĩnh vực nhựa và thiết bị kim loại, nhưng trình độ về sản xuất linh kiện và nguyên vật liệu, công nghệ xử lý bề mặt như phun sơn và mạ cho các linh kiện chuyên dùng trong các sản phẩm điện tử xuất khẩu vẫn còn rất thấp và chậm được chuyển giao công nghệ. Lĩnh vực này cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa thông qua việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các chuyên gia Nhật Bản và các biện pháp khác. Trong những năm gần đây khi các công ty ô tô phương Tây và Nhật Bản bắt đầu xem Thái Lan như một trung tâm sản xuất ở khu vực ASEAN thì sự tập trung và phát triển của các nhà sản xuất linh kiện cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này cũng dẫn tới việc cần thiết phải nâng cấp các ngành CNHT mạnh mẽ hơn nữa. Nếu như đạt được mục tiêu này, Thái Lan bắt đầu có khả năng phát triển các công nghệ phức tạp trong các ngành sản xuất công nghiệp.
Với nhận thức đó, từ năm 2000, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện khá đồng bộ các chính sách và giải pháp nhằm phát triển năng lực các doanh nghiệp điện tử trong nước, tăng cường mối liên kết thượng nguồn- hạ nguồn giữa các công ty Nhật Bản và các công ty Thái Lan nhằm phát triển sản xuất linh kiện, phụ kiện và chuyển giao công nghệ để phát triển CNHT. Các sản phẩm và công đoạn mục tiêu của ngành CNHT bao gồm: tạo khuôn, gá, cán, đúc công cụ công nghiệp, cắt, mài, đúc nguội, gia công nhiệt, gia công bề mặt, gia công trung tâm, giắc cắm điện, pin xạc Ni-Cd, và nhựa cơ khí [24]
Năm 2000 kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử đã đạt gần 20 tỉ USD, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của Thái Lan. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy tính và linh kiện máy tính, máy điều hoà không khí, TV màu. Thái Lan đang dẫn đầu các nước ASEAN 5 về sản xuất máy điều hoà không khí, tủ lạnh, lò vi sóng, máy photocopy, máy in; thứ hai về sản xuất phần cứng máy tính và máy fax. Thị trường xuất khẩu chính cho các sản phẩm này là Nhật Bản (16%), Mỹ (20%), EU (17%), các nước ASEAN khác (22%). Hiện nay Thái Lan có khoảng 620 doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (521 doanh nghiệp). Ngành công nghiệp điện tử Thái Lan sử dụng trên 300 ngàn lao động, trong số đó có nhiều kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề [16].
Kinh nghiệm phát triển ngành điện tử của Thái Lan
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT