Khái niệm đại lý hải quan

xuất nhập khẩu

Khái niệm đại lý hải quan

Nền kinh tế ngày càng phát triển, các hoạt động thương mại diễn ra càng phong phú và đa dạng. Trong thương mại quốc tế, nhu cầu mua bán, giao nhận vận tải hàng hoá của các tổ chức, cá nhân hết sức đa dạng và cũng có nhiều doanh nghiệp giao nhận vận tải, bảo hiểm… cung cấp các sản phẩm dịch vụ của mình ra thị trường. Người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm loại này, đặc biệt là các tổ chức kinh tế lớn, mặc dù luôn nhận được thông tin về các doanh nghiệp cung cấp, nhưng họ không thể đánh giá hết khả năng của nhiều doanh nghiệp có cùng một loại sản phẩm để lựa chọn doanh nghiệp cung cấp tốt hơn hoặc cùng một sản phẩm của những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, sản phẩm nào có mức phí rẻ hơn, phù hợp hơn, chính vì vậy đã xuất hiện các nhà môi giới, các nhà đại lý làm thay những việc đó cho họ.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của phân công lao động xã hội, mỗi người, mỗi doanh nghiệp nên tập trung kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà mình có thế mạnh, có chi phí thấp, để tối đa hóa lợi nhuận. Sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới đã cho phép xã hội phát triển tốt hơn, nhưng các ngành nghề này lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Những người trung gian xuất hiện trong sản xuất, lưu thông hàng hóa vừa giải quyết những vướng mắc phát sinh, vừa tạo điều kiện cho sản xuất tiêu dùng phát triển. Mặt khác, do chuyên môn hóa nên các nhà trung gian sẽ xây dựng cho mình một hệ thống các mối quan hệ chuyên sâu, thu thập cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà các nhà sản xuất kinh doanh không thể có được. Đại lý chính là một trong những hình thức trung gian thương mại như vậy.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm quản lý đại lý hải quan[/message]

Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 quy định về đại lý như sau: “Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại” [50, Điều 3]; “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý để nhận thù lao” [50, Điều 166]. Như vậy, đại lý thương mại không chỉ liên quan đến hoạt động mua bán đơn thuần mà còn bao gồm cả hoạt động cung ứng các dịch vụ kèm theo theo (như dịch vụ trong các lĩnh vực vận tải, bảo hiểm, giao nhận hàng hóa, làm thủ tục hải quan, giám định hàng hóa…). Đại lý thương mại là bên thứ ba, hỗ trợ hoạt động thương mại của các bên còn lại được nhanh chóng, thuận lợi và phát triển.

Trong lĩnh vực hải quan, trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba đã được ghi nhận tại Công ước quốc tế về Đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan (hay còn gọi là Công ước Kyoto sửa đổi) mà Việt Nam đã ký kết gia nhập từ năm 2008. Theo đó, “Luật pháp quốc gia phải quy định những điều kiện trong đó một người có thể hoạt động vì và thay mặt cho một người khác trong quan hệ với cơ quan Hải quan và phải định rõ trách nhiệm của bên thứ ba đó về các khoản thuế hải quan và thuế khác cũng như về bất cứ hành vi vi phạm nào”. [19, Chuẩn mực 8.2]. Theo định nghĩa của Công ước Kyoto, bên thứ ba là bất cứ người nào giao dịch trực tiếp với cơ quan hải quan, vì lợi ích và thay mặt cho một người khác, liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển hay lưu kho hàng hóa. Bên thứ ba có thể là đại lý hải quan, người giao nhận hàng, người vận chuyển đa phương thức… và họ có thể thay mặt chủ sở hữu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là chủ hàng) thực hiện một hoặc một số giao dịch với cơ quan hải quan. Khi tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, chủ hàng phải thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải theo quy định của luật pháp quốc gia. Chủ hàng có thể tự mình thực hiện thủ tục hải quan hoặc ủy quyền cho một bên thứ ba thực hiện các công việc liên quan tới thủ tục hải quan với cơ quan hải quan. Bên thứ ba thường được chủ hàng sử dụng nhiều nhất là đại lý hải quan.

Do tập quán thương mại khác nhau, nên tên gọi đại lý hải quan ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Đại lý hải quan theo thuật ngữ tiếng Anh là “Customs Broker” (người môi giới hải quan). Ở Inđônêxia, được gọi là “công ty môi giới hải quan”, Philippin là “môi giới hải quan”, Trung Quốc là “xí nghiệp khai thuê hải quan”, Nhật Bản là “môi giới hải quan”, Hàn Quốc là “công ty môi giới hải quan”, Pháp là “đơn vị được chấp nhận làm người ăn hoa hồng về hải quan”, Hoa Kỳ là “người môi giới hải quan”,… và ở Việt Nam được gọi là “đại lý làm thủ tục hải quan”.

Như vậy, có nhiều cách cách hiểu và tiếp cận khác nhau về “đại lý hải quan”. NCS sẽ tiếp cận thuật ngữ “đại lý hải quan” theo tinh thần của Công ước Kyoto sửa đổi. Theo đó, NCS cho rằng: đại lý hải quan là “người” thay mặt chủ hàng hoá xuất nhập khẩu thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thoả thuận trong hợp đồng. Quan điểm này của NCS cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về đại lý hải quan, được ghi nhận tại Điều 1 Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động đại lý hải quan: Đại lý hải quan là thương nhân thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (gọi chung là chủ hàng) thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan theo quy định của Luật Hải quan và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng [15, Điều 1]. Quan điểm đại lý hải quan là người khai hải quan cũng đã được ghi nhận đầy đủ tại khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 [53, Điều 4, Khoản 14], đồng thời tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan cũng đã khẳng định: Đại lý hải quan là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (gọi chung là chủ hàng) thực hiện việc khai hải quan; nộp, xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định và thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với chủ hàng [10, Điều 5].

Khái niệm đại lý hải quan

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

3 thoughts on “Khái niệm đại lý hải quan

  1. Pingback: Quản lý đại lý làm thủ tục hải quan ở Việt Nam - Download Luận Văn

  2. Pingback: Những đặc trưng cơ bản của đại lý hải quan - Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ

  3. Pingback: Khái niệm quản lý đại lý hải quan - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?