Khái niệm công ty đa quốc gia
Sự phát triển của kinh tế thế giới mà đặc biệt là sự phát triển của thương mại quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động của mình, tăng cao lợi nhuận và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Song song với điều đó thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các quốc gia trên thị trường kinh tế thế giới ngày càng gay gắt. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải ra sức tìm kiếm những yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đầu ra của mình, tránh những bất ổn do ảnh hưởng của chu kỳ kinh doanh tại một quốc gia… Chính điều đó làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ bó gọn trong khuôn khổ của một quốc gia mà đã vượt ra ngoài biên giới, thậm chí vươn tới nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó hình thành nên các Công ty đa quốc gia.
Sự phát triển liên tục về quy mô, cơ cấu tổ chức và phương thức sở hữu của các công ty đa quốc gia (MNCs) trong các thập kỷ qua đã làm nảy sinh nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau về công ty đa quốc gia. Có thể kể tới một số nhóm quan điểm trong việc xác định thế nào là một công ty đa quốc gia như sau:
Nhóm quan điểm thứ nhất chỉ nhấn mạnh vai trò của hợp tác đưa ra quan niệm công ty đa quốc gia (MNCs) là một công ty quốc tế. Những người theo quan điểm này không quan tâm đến nguồn gốc sở hữu công ty, không quan tâm tới quốc tịch của công ty, cũng không chú ý tới bản chất quan hệ sản xuất của quốc gia có công ty đó hay các chi nhánh của nó. Nhìn chung, họ chỉ quan tâm đến mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và đầu tư quốc tế của công ty đa quốc gia (MNCs) , hay nói cách khác là việc quốc tế hóa hoạt động kinh doanh. Những người theo quan điểm này hầu như không có sự phân biệt giữa công ty đa quốc gia, công ty xuyên quốc gia. Có thể kể tới một số nhà nghiên cứu và các tài liệu theo luồng quan điểm này như:
Nguyễn Thiết Sơn (2003) cho rằng, công ty đa quốc gia hay công ty xuyên quốc gia là một công cụ hợp tác sản xuất từ một trung tâm ra quyết định chiến lược khi việc hợp tác này đem một công ty vượt khỏi các đường biên giới quốc gia. [42]
TS. Phan Duy Minh (2010) định nghĩa “Công ty đa quốc gia là công ty hoạt động sản xuất kinh doanh mà về cơ cấu tổ chức bao gồm một công ty chính tại một quốc gia và có các công ty chi nhánh hoạt động tại năm, sáu quốc gia khác trở lên” [26]. Cũng là cùng chung nhận định với PGS.,TS. Phan Duy Minh là TS. Ngô Thị Ngọc Huyền khi cho rằng “công ty đa quốc gia là một công ty tham gia hoạt động sản xuất và bán sản phẩm/dịch vụ tại nhiều nước. Thông thường, một công ty đa quốc gia bao gồm công ty mẹ đặt trụ sở tại chính quốc và tối thiểu 5 hoặc 6 công ty con trực thuộc ở nước ngoài” [20]. Hay như PGS.,TS. Phùng Xuân Nhạ (2010) cũng cho rằng bản chất của công ty đa quốc gia là “công ty có quy mô lớn về tài sản, phạm vi hoạt động rộng trên nhiều nước và tìm kiếm lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu”. [30]
Mở rộng hơn và là tiêu biểu cho luồng quan điểm này, nhà nghiên cứu Agarwal, O. P (2009) định nghĩa về công ty đa quốc gia rất đơn giản, “Công ty đa quốc gia là một tổ chức có hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia” [70]. Hay như tác giả Jeff Madura (2010) cũng nêu khái niệm “Công ty đa quốc gia là công ty tham gia vào một hình thức kinh doanh quốc tế nào đó” [88]. Đây cũng là các quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng trong các công trình của mình, như Avadhani, V.A (2009) [71]; Haley (2001) [85].
Nhóm quan điểm thứ hai coi trọng vấn đề quyền sở hữu đối với vốn góp trong các hoạt động ở nước ngoài là một đặc trưng để xác định, phân biệt giữa công ty đa quốc gia và công ty xuyên quốc gia. Theo đó, các công ty đa quốc gia được đề cập tới tính đa sở hữu, song được thể hiện rõ ở luận điểm: coi công ty đa quốc gia (MNCs) là một công ty có vốn thuộc về chủ sở hữu ở một nước nhất định nào đó. Theo cách hiểu này, người ta chú ý đến tính chất sở hữu và quốc tịch của tư bản, tức là vốn đầu tư kinh doanh là của ai và ở đâu. Chủ tư bản ở một nước cụ thể nào đó có công ty mẹ đóng tại nước đó và thực hiện việc sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước bằng cách lập các công ty con ở nước ngoài là hình thức điển hình là nhóm quan điểm này.
Với luồng quan điểm thứ hai này, có khá nhiều định nghĩa kỹ thuật về công ty đa quốc gia (MNCs) :
Năm 1988, UNCTAD đưa ra định nghĩa một MNCs là một công ty kiểm soát những tài sản như nhà máy, hầm mỏ, các văn phòng tiêu thụ… tại hai hay nhiều quốc gia [108]
Năm 1999, UNCTAD định nghĩa trong Báo cáo Đầu tư thế giới như sau: “Các công ty đa quốc gia (MNCs) là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân bao gồm các công ty mẹ và các công ty con nước ngoài của chúng. Công ty mẹ được định nghĩa như các công ty kiểm soát tài sản của những thực thể kinh tế khác ở nước ngoài, thường được thực hiện thông qua việc sở hữu một tỷ lệ vốn góp nhất định, thông thường từ 10% trở lên” [109]. Tỷ lệ sở hữu này cho phép công ty mẹ có sự chi phối và sức ảnh hưởng đáng kể tới công ty chi nhánh.
Qua hai nhóm quan điểm nêu trên, có thể thấy sự khác biệt giữa các nhóm quan điểm ngày càng thu hẹp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phân tách rõ ràng về chủ sở hữu vốn ngày càng khó khăn do trào lưu chứng khoán hóa trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, qua việc nghiên cứu các luồng quan điểm đi trước cũng như để thống nhất trong cách tiếp cận và dễ dàng đánh giá vai trò, tác động của các công ty đa quốc gia (MNCs) , thuật ngữ MNCs được nghiên cứu sinh sử dụng trong luận án là để chỉ một công ty tiến hành hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm một công ty mẹ mang một quốc tịch nhất định với các công ty con thuộc sở hữu một phần hay toàn bộ hoạt động trong các dự án FDI tại nhiều quốc gia, trong đó công ty mẹ có quyền quản lý hoặc quyền kiểm soát đáng kể. Theo đó, thuật ngữ doanh nghiệp FDI được sử dụng trong luận án để chỉ các chi nhánh của các công ty đa quốc gia.
Khái niệm công ty đa quốc gia
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Mục đích hình thành công ty đa quốc gia - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ
Pingback: Cách thức hình thành một công ty đa quốc gia - Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ
Pingback: Phân loại các công ty con ở nước ngoài của công ty đa quốc gia - Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ
Pingback: 10 công ty đa quốc gia lớn nhất tại Việt Nam - iKinh Nghiệm