HỖN NHẬP NGÔN NGỮ – MỘT GIẢI PHÁP HIỆN ĐẠI HÓA TIẾNG VIỆT THEO QUAN ĐIỂM PHẠM QUỲNH

Mục lục

Hỗn nhập ngôn ngữ – một giải pháp hiện đại hóa tiếng Việt theo quan điểm Phạm Quỳnh

Giai đoạn đầu thế kỉ XX đánh dấu những biến đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn học sử thường gọi đó là “giai đoạn giao thời”. Đây cũng là thời kì Việt Nam ở giữa “giao điểm của các nền văn minh” [4, tr.116]. Sự gặp gỡ giữa sức mạnh khoa học kĩ thuật phương Tây và minh triết thâm trầm phương Đông, cùng hai đối cực động – tĩnh đã phá vỡ hoàn toàn sự cân bằng vốn có của xã hội cũ đã tồn tại hàng ngàn năm.

Điều đó đã tạo nên “trạng thái bất ổn về tinh thần có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển đầy điện tích dông bão” [4, tr.340]. Phạm Quỳnh đã nhận ra tình trạng bất ổn ấy, và ông xem đó là những dấu hiệu khủng hoảng của văn hóa dân tộc trên con đường hòa nhập với phương Tây. Ông nhận thức một cách rõ ràng: nền văn hóa dân tộc đang cần một cuộc cải cách lớn. Trong hàng loạt những công việc phải tiến hành, có một việc hết sức cấp thiết: hiện đại hóa tiếng Việt. Điều này xuất phát từ mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Phạm Quỳnh tâm niệm: “muốn có một nền văn hóa dân tộc thì phải tồn tại một ngôn ngữ dân tộc hoàn thiện xứng đáng là ngôn ngữ văn hóa” [4, tr.457].

Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, thuộc về văn hóa. Nếu như “lịch sử mọi nền văn hóa không chỉ là sự phát triển tự thân nó mà còn là lịch sử của mối quan hệ giữa nó với các nền văn minh khác” [2], thì ngôn ngữ cũng không “đơn độc” trên con đường tự hoàn thiện. Bởi vậy, khái niệm “hỗn nhập ngôn ngữ” không còn là điều quá mới mẻ. Lịch sử cho thấy, ngôn ngữ của mỗi một dân tộc đều phải trải qua thời kì vay mượn và biến đổi. Vì thế, theo Phạm Quỳnh, hỗn nhập ngôn ngữ là quy luật không thể tránh khỏi đối với bất kì ngôn ngữ nào. Ông thấy rõ quá trình này ở những ngôn ngữ đã đạt đến độ hoàn thiện và chuẩn mực như tiếng Pháp – thứ ngôn ngữ có cả một lịch sử hỗn nhập tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Tiếng Việt không thể là một ngoại lệ.

Có một thực tế, công cuộc hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc diễn ra những năm đầu thế kỉ XX ở Việt Nam không khởi đầu từ một “vùng đất trắng”. Tiếng Việt văn hóa trước đó đã có cả một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Đó là một thứ tiếng có bản sắc riêng, có sức sống mạnh mẽ. Trải qua hai cuộc tiếp xúc bằng con đường cưỡng chế, văn hóa Việt Nam đã cho thấy một khả năng thích nghi, hòa nhập như một điều kiện sống còn. Cuộc “cấy ghép” những yếu tố văn hóa ngoại lai đầu tiên thể hiện ở việc du nhập Nho giáo và văn tự Hán vào đời sống của người Việt. Chữ Hán ở nước Nam “có vai trò gần giống như chữ Latinh ở các nước Âu châu thời trung cổ trước khi hình thành các ngôn ngữ dân tộc khác nhau” [4, tr.436]. Tiếng Hán và văn tự của nó là phương tiện chính thống, là công cụ đắc lực trong bộ máy hành chính, trong hoạt động thi cử và sáng tác văn chương. Tất cả, từ các loại sách vở cho đến thư từ cá nhân… đều được viết bằng chữ Hán. Chữ Hán gắn với một nền học thuật kinh viện và nền văn học viết suốt cả chục thế kỉ. Sự xuất hiện của chữ Nôm sau đó cũng không phá vỡ được thế độc tôn của chữ Hán trên các phương diện của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

Chữ Nôm ra đời đã cho thấy một nỗ lực tìm kiếm bản sắc riêng cho ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, vốn là “tên gọi của cách viết biểu ý trong thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt dựa trên những thành tố của chữ Hán” [5], chữ Nôm vẫn không thể thoát thai khỏi những đường nét của văn tự Hán. Do vậy, nền văn học chữ Nôm dù có những tác phẩm đạt đến độ chuẩn mực của tiếng Việt, vẫn không thể có được vị trí của nền Hán văn kinh viện. Phạm Quỳnh hiểu ra rằng: “Chỉ có một ngoại lệ vào hồi đầu thế kỉ XIX: một nhà nho là Nguyễn Du đã viết Nôm cả một cuốn Kim Vân Kiều truyện, cuốn tiểu thuyết bằng thơ đó thực sự là một kiệt tác, nó cho thấy những khả năng của tiếng Nam và một khi nhà văn có tài sử dụng nó thì có lợi đến đâu” [4, tr.437].

Bên cạnh nền văn học viết Hán Nôm, trong dân gian vẫn tồn tại một dòng chảy đầy thi vị: một kho tàng nghệ thuật độc đáo của tác giả dân gian. Trong con mắt Phạm Quỳnh, những sáng tác đó “là một trong những nền văn học phong phú nhất thế giới, một cái mỏ không vơi cạn những điều chỉ dẫn quý báu cả cho những người nghiên cứu ngữ học và những nhà văn hóa dân gian” [4, tr.437]. Ông hình dung: “Trong khi các nhà nho khép mình trong tháp ngà vui thú viết những bài thơ chữ Hán giống như các bài thơ chữ Latinh vậy hoặc là bình chú sách cổ, thì dân chúng làm hình thành tiếng nói và sản sinh ra một nền văn học phong phú bao gồm các câu phương ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ nói về những chuyện xa xưa hay các tập tục từng vùng quê, các bài ca dao dài ngắn kể chuyện những người tài, những danh nhân lịch sử của nước Nam, của Trung Hoa, những anh hùng truyền thuyết hay có thật, các bài dân ca huê tình dịu dàng, mượt mà ngân lên trong những đêm hè dưới mái nhà tranh nhỏ bé hay giữa ruộng đồng ao hồ bao la và như dội lại trong không gian vắt vẻo lên tới đỉnh ngọn tre xào xạc” [4, tr.437]. “Trong khi các nhà nho say sưa vịnh cảnh và người Trung Hoa thì các ca sĩ dân gian đã tìm được chất giọng như thế để thổ lộ tình yêu trắc trở, để gợi nhắc kỉ niệm bùi ngùi” [4, tr.438]. Song nền văn học dân gian thấm đẫm chất huê tình và đầy mộc mạc quê mùa ấy vẫn có một sự cách biệt quá xa so với cái mẫu mực văn học của nho gia.

Vì thế, cơn gió phương Tây đầu thế kỉ thổi vào Việt Nam không khác gì giọt nước làm tràn ly. Yếu tố có thể làm thay đổi cơ bản bộ mặt văn hóa Việt Nam là chữ quốc ngữ – một trong những thành quả đầu tiên của sự tiếp xúc Đông Tây. Bởi “khi mà hệ thống nhà trường truyền thống chỉ dạy tiếng Hán vẫn còn sống vật vờ”, “tiếng Nam không phát triển lên được và bị liệt vào hàng nôm na mách qué bị tầng lớp nhà nho coi thường” [4, tr.439], thì sự xuất hiện của chữ quốc ngữ dường như đã đem triển vọng mới cho sự phát triển của tiếng Việt văn hóa. Phạm Quỳnh đã đặt vào đó tất cả mọi hi vọng lớn lao mà theo ông là “công cụ tuyệt diệu để giải phóng trí tuệ” [4, tr.439]. Trong một lần diễn thuyết trước người Pháp, ông khẳng định: “thứ chữ này nhờ sử dụng bảng chữ cái Latinh và hệ thống ghi âm vô cùng thích hợp với các ngữ điệu của tiếng nước tôi, đã xích chúng tôi lại gần hơn nữa với các chữ viết châu Âu và đã cho chúng tôi một ưu thế vô giá đối với các chữ viết Trung Hoa và Nhật Bản” [4, tr.439].

Tuy nhiên, chữ quốc ngữ với tuổi đời còn non trẻ, vẫn là một hiện tượng mới mẻ và xa lạ với các sĩ phu nho sĩ nước Nam. Phạm Quỳnh biết rất rõ rằng: “Thực tế là mãi gần đây chữ quốc ngữ vẫn không vượt qua được bậc cửa của các giáo đoàn và chủng viện và những người Nam đầu tiên biết dùng thông thạo thứ chữ đó là các giáo sĩ cơ đốc” [4, tr.440]. Trong khi đó, chữ Hán và nền giáo dục lỗi thời kiểu Tàu vẫn giữ một vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Văn xuôi chữ Hán vẫn đầy rẫy những lối viết biền ngẫu đăng đối đầy bóng bẩy, du dương. “Chữ Hán đã tiêm nhiễm vào trong trí não người nước Nam sâu lắm rồi, đã thành cái biểu hiện tự nhiên cho tư tưởng cảm giác của người mình trong mấy mươi thế kỉ nay” [3, tr.51]. Chính thực trạng bộn bề đó đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết, đó là hiện đại hóa tiếng Việt bằng con đường hỗn nhập ngôn ngữ. Chỉ có hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc và thống nhất ngôn ngữ trên toàn lãnh thổ thì mới thực thi được những nhiệm vụ tiếp theo trên tiến trình cải cách văn hóa nước nhà.

Phạm Quỳnh hiểu một cách sâu sắc mối quan hệ máu thịt giữa ngôn ngữ và văn hóa, giữa ngôn ngữ với đời sống tâm hồn dân tộc. Trong nhận thức ấy, khi hình dung về một chiến lược cần thiết cho sự phát triển tiếng Việt theo hướng hiện đại hóa, ông phải tính đến vị thế và tương quan của từng thành phần ngôn ngữ trong bức tranh chung tiếng nói dân tộc. Chẳng hạn, trong lịch sử tiếng nói nước Nam, có sự cách biệt khá lớn giữa ngôn ngữ nhà nho và ngôn ngữ dân chúng. Ngôn ngữ nhà nho luôn được xem là ngôn ngữ chính thống, trái ngược hoàn toàn với khẩu ngữ trong sinh hoạt. Phạm Quỳnh đã nhận ra sự hạn chế trong nội bộ của mỗi bộ phận ngôn ngữ ấy. “Ngôn ngữ nhà nho dù sao vẫn chỉ là thứ ngôn ngữ nhân tạo đầy rẫy những kiểu cách vay mượn từ tiếng Hán, đồ theo văn phong Hán” [4, tr.475], còn “tiếng nói dân gian thú vị và phong phú, sinh ra từ chốn thôn quê đồng ruộng nhưng còn thô phác, còn quá cụ thể chưa vươn lên được cao hơn những cảm quan, chưa diễn tả được những tư tưởng có phần cao siêu, tóm lại là một thứ tiếng nói có thể nói là còn hỗn loạn, ngoài khuôn phép” [4, tr.448]. Để khắc phục những điểm yếu có tính truyền thống ấy, theo ông, bộ phận ngôn ngữ này có thể rút tỉa từ bộ phận ngôn ngữ kia những ưu điểm mà mình không có để tự hoàn thiện. Chẳng phải ngôn ngữ nhà nho rất cần một chút mộc mạc, thô phác của khẩu ngữ, còn ngôn ngữ dân chúng lại cần một chút khuôn mẫu, sâu sắc? Thực chất, đây cũng là một kiểu hỗn nhập.

Phạm Quỳnh đã vạch ra một cách thức có “bài bản”, có “lộ trình” hẳn hoi cho việc cải tạo tiếng nước Nam. Bước đi thứ nhất là thông tục hóa ngôn ngữ nhà nho bằng cách “nhúng” nó vào nguồn mạch sâu xa của khẩu ngữ; nâng cao ngôn ngữ dân chúng bằng cách thêm vào nó một số ngữ điệu văn chương và bồi đắp cho nó tất cả những từ Hán Việt đã được công nhận sử dụng. Công việc này đòi hỏi phải khéo léo và có mức độ. Đó là một sự cải biến kiên trì, chỉ có thể làm được khi có sự hiểu biết sâu sắc cả hai bộ phận ngôn ngữ. Khi đã hạn chế được sự thô thiển của khẩu ngữ cũng như sự khoa trương của văn chương bác học, tiếng Việt sẽ “vừa có cái thanh lịch của nhà nho vừa có cái mạnh mẽ của dân chúng” [4, tr.476]. Những công việc cụ thể ấy không hề là lý thuyết suông, trái lại, có thể thực thi được. Sau này, khi chúng ta kêu gọi các trí thức, các nhà văn phải học tập ngôn ngữ đời sống, thì quan điểm đó chẳng phải đã được khởi xướng từ ông chủ Nam Phong tạp chí từ những năm 20 – 30 của thế kỉ XX đó sao? Với lòng yêu thiết tha thứ khẩu ngữ giản dị, mộc mạc, trong sáng của những kẻ mà ông gọi là bình dân du ca, thái độ tôn trọng ngôn ngữ bác học đã theo suốt con đường học thuật của nho sĩ, phần nào tạo nên nhân cách nhà nho trong ông, Phạm Quỳnh đã đưa ra ý tưởng dung hòa rất kịp thời nhằm bước đầu tháo gỡ những bế tắc. Trên con đường đổi mới tiếng Việt lâu dài và khó khăn, Phạm Quỳnh đã đưa ra một “dự án” dẫu có phần “lãng mạn”, nhưng ở thời điểm đó, ít ai nghĩ được như ông.

Nhưng đó mới chỉ là những “viên gạch” đầu tiên của một công trình kiên cố về sau. Phạm Quỳnh hiểu rằng: “thứ ngôn ngữ sinh ra từ sự hợp nhất hai yếu tố dân gian và bác học nếu trong quá trình tự hoàn thiện mà có thể trở thành một ngôn ngữ văn học thực sự thì như vậy vẫn chưa đủ để nó làm nhiệm vụ của một ngôn ngữ văn hóa. Nó vẫn thiếu vốn từ kĩ thuật và triết học để dịch và diễn tả các tư tưởng và quan niệm hiện đại” [4, tr.476]. Làm thế nào lấp được chỗ trống? Câu trả lời chính là vay mượn ngôn ngữ.

Trước hết là vay mượn từ tiếng Hán.

Không ít lần trong những bài viết của mình, Phạm Quỳnh khẳng định tính tất yếu của sợi dây ràng buộc giữa Việt Nam và Trung Hoa ở nhiều phương diện. “Nước Nam bao giờ cũng chỉ là một học trò của Trung Hoa. Trong nghệ thuật, văn học, triết học, nó luôn sống dựa vào kho tàng quan niệm chính truyền từ Trung Hoa” [4, tr.445]. Ngôn ngữ cũng vậy. Rời bỏ chữ Hán, theo Phạm Quỳnh chỉ là sự “bội bạc với tiền nhân”. Hơn nữa sự vay mượn ấy hoàn toàn không làm mất đi bản sắc riêng của tiếng Việt, mà còn làm giàu tiếng Việt một cách vô điều kiện: “Các từ Hán là từ biểu ý chỉ cần chữ ghi lại không cần đến phát âm; khi chuyển qua tiếng Nam chúng được phát âm theo kiểu tiếng Nam, phục tùng mọi yêu cầu ngữ âm của tiếng Nam và do đó trở thành những từ của tiếng Nam” [4, tr.476]. Đó chính là hiện tượng “nhập tịch ngôn ngữ” đặc biệt. Nó đi theo hai nguyên tắc bất di bất dịch. Thứ nhất, “không vay mượn thô thiển từ ngữ tiếng Hán nằm trong khẩu ngữ, bạch thoại…mà vay mượn ở một cái kho chung là tiếng Hán, một thứ tử ngữ chung cho tất cả các dân tộc vùng Viễn Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa” [4, tr.447].Thứ hai, chỉ vay mượn trong trường hợp thật sự cần thiết, khi tiếng Việt chưa thể biểu đạt hết mọi ý nghĩa, bởi theo ông, “viết câu tiếng Nam đầy những từ Hán khó hiểu cũng lố bịch như là bài trừ tất cả các từ Hán để chỉ dùng từ Nam không thôi” [4, tr.478].
Vậy, sự vay mượn diễn ra như thế nào?

Theo Phạm Quỳnh, thoạt tiên, sự vay mượn đó diễn ra ở cấp độ từ ngữ. Chữ Hán là “chữ biểu ý đặc biệt thích hợp để thể hiện các tư tưởng”, cho nên “lớp từ vựng trừu tượng, từ vựng chỉ các tư tưởng, khoa học, luân lý, chính trị, triết học” khi gia nhập vào kho từ vựng của tiếng Việt sẽ làm phong phú thêm vốn từ và tăng khả năng biểu đạt. Phạm Quỳnh cũng nhận ra ưu thế tuyệt đối của chữ Hán chính là “khả năng kết hợp vô tận”, thậm chí “đạt tới trình độ đủ để dịch tất cả các thuật ngữ chuyên môn của triết học hiện đại giống như hơn nghìn năm trước nó đã được dùng để dịch tất cả hệ thuật ngữ triết học Phật giáo còn trừu tượng và phức tạp hơn nhiều” [4, tr.450]. Dầu vậy, hiện tượng “nhập tịch” ngôn ngữ đó cũng phải được nhìn từ hai chiều. Ngoài việc phải chọn từ sao cho thích hợp, đích đáng để thể hiện hết mọi vẻ đẹp của nó trong văn phong Việt, còn phải tùy vào “tính cách và trình độ của bài văn” [3, tr.64]. Không phải kiểu văn bản nào cũng thích hợp cho việc vay mượn từ mà còn phải phù hợp với cái gọi là “tính cách văn”. Những kiểu bài như nhật báo mà yếu tố tin tức đặt lên đầu thì việc dùng chữ Nho là không cần thiết. Những văn bản mà Phạm Quỳnh gọi là “văn kĩ thuật” tức là văn sử, văn nghị luận, văn thuyết lý thì chữ Nho mới là đắc dụng.

Chữ Nho còn có thế mạnh thể hiện vai trò là ngôn ngữ trung gian trong việc phiên âm một số danh từ riêng từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. “Chúng tôi đã phiên âm tên Napoleon thành ba từ Hán Nam: Nã-phá-luân đọc lên nghe rất vang và có âm sắc thực sự của một chiến binh tuyệt vời. Theo cách đó, tên Washington (Hoa-thịnh-đốn) nghe cũng rất dễ chịu. Và tên Paris được phiên thành Pha lê thành (thành phố thủy tinh) thì thật không lựa chọn nào tốt hơn” [4, tr.452].

Thực tế cho thấy, từ Hán Việt chiếm một số lượng lớn và là một phần không thể thiếu trong kho từ vựng của tiếng Việt. Phạm Quỳnh nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tính chất cần thiết của vay mượn từ vựng giống như tiếng Pháp và tiếng Latinh.
Tiếp đó, tiếng Việt không thể không vay mượn tiếng Pháp.

Vốn từ tiếng Pháp du nhập vào kho từ vựng tiếng Việt không nhiều. Nhưng tiếng Việt lại rất cần ở tiếng Pháp cái cấu trúc khoa học, đầy lí tính của nó. Nghĩa là, tiếng Việt cần vay mượn tiếng Pháp cả từ vựng lẫn cú pháp.

Tiếng Pháp đã đưa lại cho tiếng Việt tinh thần hoàn toàn mới với lớp từ mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. “Những vay mượn này gồm có những từ ngữ Pháp dịch sang những từ ngữ Nam tương đương, có khi là phiên âm những từ Pháp sang âm tiếng Nam hay có khi là phiên âm những từ Pháp vào tiếng Nam hay có khi đưa nguyên xi các từ Pháp vào tiếng Nam, mặc dù bản chất hai thứ tiếng khác nhau: một tiếng đa âm tiết còn một tiếng đơn âm tiết. Nhưng quy luật cuộc sống thực bắt buộc những vay mượn đó ngày càng nhiều lên và ngày càng làm giàu cho tiếng nước tôi ở mức độ đáng kể” [4, tr.449]. Phạm Quỳnh khuyến khích sự vay mượn “những lớp từ vựng của các khoa học cụ thể như vật lý, hóa học và các môn tự nhiên, đối với tên riêng lịch sử và địa lý” [4, tr.450]. Điều này cũng dễ hiểu, bởi tiếng Pháp biểu hiện một kiểu tư duy thiên về tính xác thực, rõ ràng và logic. Sự vay mượn này càng có ý nghĩa khi nhìn ở một góc độ nào đó là sự hài hòa Đông Tây.
Thực tế, tiếng Việt đã vay mượn kĩ thuật sắp xếp và diễn đạt theo kiểu cú pháp, phong cách văn xuôi hiện đại Pháp. Phạm Quỳnh viết: “Có một điều tôi muốn nhấn mạnh: đó là văn xuôi mới của nước Nam – vì sự sáng tạo một thứ văn xuôi của nước Nam là mối quan tâm chính của tôi, còn thơ thì đã đạt đến đỉnh cao trong những tác phẩm như Kiều rồi – rõ ràng là văn xuôi mới đang đi theo mẫu của văn xuôi Pháp và đang tìm cách vay mượn ở đó một số phẩm chất: sáng sủa, chính xác, lôgic, thanh nhã, dí dỏm và hài hước. Nó thận trọng tránh những thứ của văn phong Hán: biền ngẫu, đăng đối, rờm rà, suông nhạt, trịnh trọng. Nó sẽ ít mang tính tổng hợp hơn khi bỏ qua những sự ám chỉ và khuôn sáo mà mang tính phân tích nhiều hơn khi đi vào miêu tả chi tiết các hoàn cảnh và con người, các phương diện bên ngoài và trạng thái tâm lí bên trong. Nếu nó kiên trì con đường này, nó sẽ hợp nhất thành công tinh thần Pháp với tinh thần Nam: cái chất Pháp mang lại cho cái chất Nam sự sáng sủa, tính duy lí, còn cái chất Nam trong cuộc tiếp xúc này chỉ mất đi sự mơ hồ và thiếu chính xác, mất đi sự thiếu duy lí và lôgic, mà vẫn giữ lại được tất cả những ưu điểm vốn có: lương tri, hài hước, cân bằng, chừng mực, một cái gì sắc nhọn đối với mọi sự ngu ngốc và kiêu căng của con người” [4, tr.479].

Như vậy, tại thời điểm những năm 20 – 30 của thế kỉ trước, đối diện với một thực tế còn khá mịt mờ về tương lai ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh đã cố gắng nhìn và vạch ra một con đường cho quá trình hiện đại hóa. Dĩ nhiên, không phải mọi vấn đề trong “dự án” của ông đều mang tính khả thi. Nhưng từ góc nhìn hôm nay, khi vấn đề hội nhập, vấn đề toàn cầu hóa đang đặt ra, khi tiếng Việt đang không ngừng biến đổi (nhất là phương diện từ vựng), ta mới thấy một số luận điểm của Phạm Quỳnh chưa phải đã hết tính thời sự.

Hỗn nhập ngôn ngữ không đơn thuần là lý thuyết Phạm Quỳnh đặt ra để vạch con đường cho ngôn ngữ dân tộc. Đó còn là cả một chiến lược – điều mà ông đã trực tiếp thực thi trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình. Những bài viết của Phạm Quỳnh là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự thể nghiệm quyết liệt của một cây bút thiết tha với tiếng mẹ đẻ. Có thể thấy điều đó qua tất cả sản phẩm tinh thần của ông ở tất cả các thể loại, từ dịch thuật, khảo luận đến du kí. Những bài viết đó, với sự chỉn chu trong việc sử dụng từ ngữ, cú pháp điển hình cho một lối viết độc đáo, kiểu văn phong đặc trưng của tiếng Việt văn hóa đầu thế kỉ XX.

Những bài viết của Phạm Quỳnh có phạm vi hiện thực đa tầng, các vấn đề sâu rộng. Điều đó đòi hỏi vốn từ ngữ giàu có để có thể biểu đạt hết mọi ý nghĩa. Đọc Phạm Quỳnh mới thấy được vốn từ phong phú và đầy biến hóa của ông. Đặc biệt, vốn từ Hán Việt và từ vay mượn từ tiếng Pháp đã được Phạm Quỳnh sử dụng đầy linh hoạt, trở thành một công cụ đắc lực để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc.

Phạm Quỳnh sử dụng từ Hán Việt với mật độ cao, nhưng không hề lạm dụng chúng. Bên cạnh những từ đã quen thuộc và dễ hiểu với số đông độc giả đương thời còn có những từ rất lạ tai. Đó phần lớn là những tử ngữ thuộc dạng đặc chủng khó thay thế. Đoạn văn ông miêu tả lễ tế đàn Nam Giao trong bài du kí Mười ngày ở Huế là một trong những ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng từ Hán Việt:

“Hoàng thượng đội mũ miện, mặc áo cổn, tay cầm ngọc trấn khuê (tức là cái hốt bằng ngọc), có hai ông quan võ cầm quạt lông che , bốn ông cầm đèn lồng, cầm nến, rồi mấy ông đi theo sau nữa. Ngài ngự vào nhà đại thứ làm lễ quán tẩy (rửa tay). Bấy giờ quan cung đạo (tức quan Lễ bộ) quỳ tâu rước ngài lên hoàng ốc”.

Có thể thấy, những từ ngữ Hán Việt mang tính chuyên biệt đó lại rất có lợi thế khi tái hiện lại không khí thiêng liêng của một nghi thức hoàng gia. Hơn nữa, với những từ khó hiểu và ít phổ cập như thế, Phạm Quỳnh có sự chú giải rõ ràng khiến cho sự tiếp nhận của độc giả dễ dàng hơn.

Nhìn chung, những đoạn văn như thế không nhiều trong bài viết Phạm Quỳnh. Nhưng, trong những trường hợp cần thiết, Phạm Quỳnh vẫn sử dụng nó như một sự lựa chọn tối ưu, phát huy khả năng biểu đạt miễn là phù hợp với giọng văn của bài viết. Từ Hán Việt là một bộ phận không thể thiếu trong văn Phạm Quỳnh, bởi trên thực tế, nó chiếm một số lượng không nhỏ trong vốn từ tiếng Việt. Mặt khác, Phạm Quỳnh cũng thể hiện quan điểm rất rõ ràng, khoa học, đó là “có sự vay mượn tiện lợi cần thiết và hữu ích” bên cạnh việc “lạm dụng vay mượn bừa bãi”.

Bên cạnh từ Hán Việt, văn Phạm Quỳnh xuất hiện không ít những từ tiếng Pháp. Lớp từ này được dùng với mật độ cao khi gọi tên những địa danh xa lạ trên thế giới. Ví dụ như Mesditerranée (bể Địa Trung Hải), Mer Rouge (Hồng Hải), Hotel Continental (Đại lục khách sạn, Ile de la Table (Bãi Cháy), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), la perle de l’Extrême Orient (hạt báu của Á Đông), Hotel de Ville (thị sảnh Sài Gòn), La Tribune indigène (Nam Kì tân báo)… Ngoài ra, không thể không kể đến một bộ phận những thuật ngữ văn học, triết học của phương Tây chỉ mới du nhập vào Việt Nam thời gian này. Chẳng hạn thuật ngữ trong kịch có những từ như: actes (hồi), scènes (kịch), noeud dramatique (thắt nút), dé novement (mở nút)…

Đã thành qui luật, hễ nhà văn sử dụng một thứ tiếng làm phương tiện sáng tác văn chương, anh ta không thể nào thoát khỏi dấu ấn của thời đại thể hiện qua ngôn ngữ ấy. Điều này hiển nhiên, bởi ngôn ngữ là sản phẩm của cộng đồng xã hội, nhà văn, dù là thiên tài, cũng không thể tự đặt ra những phép tắc riêng. Đọc bài viết của Phạm Quỳnh, dễ thấy rằng văn ông cũng đầy rẫy những kiểu câu văn biền ngẫu với các vế câu đăng đối, nhạc điệu du dương. Tuy nhiên, ông đã biết kết hợp giữa lối viết truyền thống (chất Nam) và lối viết hiện đại (chất Pháp), phá vỡ thế đăng đối quá chỉnh của những câu văn đó, tạo nên những sản phẩm vừa chưa mất đi tính biền ngẫu, vừa mang dấu ấn của cú pháp hiện đại. Đặc biệt, trong văn Phạm Quỳnh đã bắt đầu xuất hiện những câu văn rất dài, các vế câu được sắp xếp hợp lí và logic, với những kí hiệu cú pháp hiện đại. Điều này cho thấy tư duy phân tích của phương Tây đã bắt đầu hiện diện trong trang viết của Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh không phải là người đầu tiên thể nghiệm chữ quốc ngữ trong văn xuôi. Công đầu trong lĩnh vực này phải kể đến một số nhà văn Nam Bộ đi tiên phong như Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… Phạm Quỳnh cũng không phải là người duy nhất trăn trở với vận mệnh của tiếng mẹ đẻ, cũng như nỗ lực hoàn thiện văn tự dân tộc. Nhưng có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên đã xây dựng một hệ thống luận điểm rất cơ bản, đầy tính khoa học cho lý thuyết “hỗn nhập ngôn ngữ” và thực hiện nó bằng tất cả tâm huyết của mình. Với chức danh chủ bút Nam Phong tạp chí – một tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng tới tầng lớp trí thức đương thời -, Phạm Quỳnh đã lôi kéo được những người cùng chí hướng vào công cuộc xây dựng một tiếng Việt văn hóa hiện đại, giàu sức biểu hiện. Phạm Thế Ngũ rất có cơ sở khi cho rằng “trước đó, chưa hề ai đem tiếng Việt viết ra văn xuôi đủ vẻ như thế” [1, tr.193].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Thế Ngũ, (1997), Phạm Quỳnh – Nam Phong tạp chí, in trong sách Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Nxb Đồng Tháp.
[2] Vương Trí Nhàn, (2005), Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 (401).
[3] Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết học, (2003) Nxb Văn hóa thông tin – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
[4] Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Nxb Tri Thức, 2007.
[5] Wikipedia tiếng Việt

Hỗn nhập ngôn ngữ – một giải pháp hiện đại hóa tiếng Việt theo quan điểm Phạm Quỳnh

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?