Mục lục
Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ ở Việt Nam thời gian qua
Từ vài thập kỷ qua, cùng với hai yếu tố năng lượng và nguyên liệu, thông tin KHCN đã được coi là tiềm năng thứ 3 – một tiềm năng đặc biệt quan trọng, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phát triển mọi hoạt động xã hội của con người. Thông tin khoa học và công nghệ được xem là hàng hoá đặc biệt với đặc điểm là khi được sử dụng, chúng không những không mất đi mà ngược lại càng sử dụng giá trị của chúng càng được nhân lên và hiệu quả mà chúng mang lại càng tăng. Không phải ngẫu hiên mà ngày nay người ta coi thông tin KHCN là yếu tố nền tảng của kinh tế tri thức. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng KHCN, đặc biệt là CNTT và truyền thông trong thập kỷ gần đây đã tác động sâu sắc đến hoạt động thông tin KHCN, đưa thế giới từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự hội tụ giữa thông tin, viễn thông, tin học là một xu hướng quan trọng trong xu thế phát triển hoạt động thông tin nói chung và thông tin KHCN nói riêng trên toàn cầu. Đầu tư cho thông tin KHCN từ chỗ được coi là đầu tư cho phúc lợi xã hội chuyển thành đầu tư cho sự phát triển.
Ở Việt Nam, hoạt động thông tin KHCN bắt đầu được hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, và đến nay, cùng với hoạt động thư viện đã tạo thành Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia với hơn 500 cơ quan thông tin KHCN hoạt động ở Trung ương, các Bộ/ngành, các tổng công ty, các địa phương và các đơn vị cơ sở. Sản phẩm mà Hệ thống đưa ra phục vụ ngày nay cũng rất đa dạng từ những sản phẩm truyền thống như ấn phẩm, các bộ phiếu tra cứu thủ công cho tới các CSDL, các Website, các bản tin điện tử, các băng hình, đĩa hình với âm thanh, hình ảnh động. Phương thức phục vụ thông tin cũng hết sức linh hoạt, đa dạng: từ thủ công cho tới tự động hoá và phục vụ on-line/ trực tuyến, thuê bao nguồn tin trên Internet. Tất cả điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia ở Việt Nam.
1.4.1. Khung khổ pháp lý cho hoạt động thông tin KHCN
Trong suốt quá trình phát triển, hoạt động thông tin KHCN ở nước ta luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Cho đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hoá chính sách phát triển của hoạt động thông tin KHCN. Điều này được thể hiện qua hàng loạt các văn bản như:
– Nghị quyết 89-CP ngày 4/5/1972 của Chính phủ về việc tăng cường công tác thông tin KHKT. Nghị quyết này đã mở đầu cho sự hình thành và phát triển hệ thống thông tin KHCN rộng khắp trong cả nước;
– Quyết định 133/QĐ ngày 2/4/1985 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành kèm theo Quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động thông tin KHKT. Trên cơ sở văn bản này, hoạt động của toàn Hệ thống Thông tin KHCN Quốc gia đã được tăng cường toàn diện cả về tổ chức, liên kết cũng như về phát triển các sản phẩm, dịch vụ;
– Chỉ thị 95/CT ngày 04/04/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về công tác thông tin KHCN. Văn bản này nhấn mạnh một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan thông tin trong giai đoạn mới phục vụ CNH và HĐH, đó là: quy hoạch phát triển Hệ thống, xây dựng tiềm lực: thông tin, cán bộ, đầu tư kỹ thuật và đảm bảo kinh phí,…
– Luật Khoa học và Công nghệ, được Quốc hội Khoá X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 9/06/2000, trong đó đã khẳng định “Chính phủ đầu tư xây dựng một Hệ thống thống thông tin KHCN hiện đại”, hoạt động thông tin KHCN được hưởng ưu tiên trong chính sách thuế của Nhà nước, đầu tư cho thông tin là đầu tư cho phát triển và thông tin KHCN là một nội dung cơ bản của quản lý Nhà nước về KHCN.
– Thông tư liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/7/2003, trong đó quy định tại các Sở KHCN các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN. Đến nay, trong cả nước đã có 31 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN theo mô hình này và bước đầu có những hoạt động khởi sắc.
– Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ về hoạt động thông tin KHCN đã cụ thể hoá vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia hiện đại. Điều này được thể hiện qua chính sách và các biện pháp; Tăng cường quản lý của Nhà nước đối với các nguồn tin KHCN, đặc biệt là các nguồn tin KHCN trong nước, các kết quả nghiên cứu; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin KHCN, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động thông tin KHCN; Đẩy mạnh xã hội hoá và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho phát triển hoạt động thông tin KHCN; Khuyến khích phát triển dịch vụ thông tin KHCN có thu phí, tạo lập thị trường thông tin KHCN,..
Để triển khai Nghị định 159/2004/NĐ-CP, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể về một số điều.
Những văn bản nêu trên đã và sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho hoạt động thông tin KHCN phát triển nhanh, đúng hướng và hiệu quả.
1.4.2. Vai trò của hoạt động thông tin KH&CN trong các lĩnh vực xã hội
1.4.2.1. Trong lĩnh vực quản lý
Hiệu quả của quá trình quản lý tuỳ thuộc vào chất lượng của các quyết định, tức là quyết định có luận chứng khoa học, kịp thời và thể hiện được sự am hiểu, nắm vững vấn đề được quyết định. Chất lượng quyết định phụ thuộc vào sự đầy đủ và chất lượng của thông tin. Như vậy thông tin là yếu tố quan trọng, trợ thủ đắc lực của những người làm công tác quản lý trong hệ thống tổ chức của xã hội.
Có thể khái quát hoá vai trò của thông tin nói chung và thông tin KH&CN nói riêng trong quá trình ra quyết định quản lý: Mỗi giai đoạn chuẩn bị và thông qua quyết định đều cần đến thông tin, sự đảm bảo thông tin thực sự ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn của quá trình thông qua quyết định.
1.4.2.2. Trong lĩnh vực kinh tế
Từ trước đến nay các hoạt động kinh tế và sản xuất đều cần đến thông tin. Các tổ chức sản xuất kinh doanh đòi hỏi thông tin về nhu cầu thay đổi của khách hàng, các khuynh hướng thị trường đang phát triển, các vật liệu sản xuất mới đang xuất hiện. Những kết quả phân tích về mặt kinh tế đã cho thấy nếu thiếu thông tin, nhiều công trình nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm đã tiến hành trùng lặp và làm tổn thất trên 10% tổng chi phí cho các mục đích nói trên. Các nhà khoa học đã phải chi phí hơn 1/3 thời gian hoạt động của mình cho việc tìm kiếm thông tin cần thiết. Trong điều kiện của cuộc cách mạng KHCN hiện nay, khoa học, kinh tế, và sản xuất có quan hệ khăng khít với nhau, tạo thành chu trình: “Khoa học – Kinh tế – Sản xuất”.
Để phát triển kinh tế, các nhà doanh nghiệp đã sử dụng thông tin do các cơ quan thông tin KH&CN cung cấp để nắm được đầy đủ và chính xác về môi trường kinh doanh và thị trường như: Về đường lối chính sách, luật pháp và các bản pháp quy hiện hành của Đảng và Nhà nước, về tình hình cung cầu hàng hoá, đổi mới công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học… và đưa ra những quyết định đúng đắn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
1.4.2.3. Trong lĩnh vực khoa học
Thông tin KH&CN có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học, thể hiện ngay trong quy luật phát triển của khoa học. Một trong những quy luật phát triển nội tại của khoa học là tính kế thừa và tính quốc tế của nó, Ixaac Newton đã nói: “Nếu tôi có nhìn xa hơn người khác một phần nào, đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”.
Tính kế thừa là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, người sau không làm lại việc người trước đã làm. Thế hệ sau chọn lọc, hệ thống hoá thành quả của người đi trước, phát hiện ra những quy luật mới. Quy luật này là sản phẩm khoa học, cũng là thông tin khoa học mới. Như vậy hoạt động nghiên cứu khoa học là một hoạt động đặc thù của con người, nhằm thu được những thông tin khoa học mới trên cơ sở những thông tin mà xã hội loài người đã tích luỹ được lưu trữ trong các cơ quan thông tin KH&CN.
1.4.2.4. Trong lĩnh vực giáo dục
Với tiến bộ KH&CN, phương tiện thông tin đại chúng ngày càng có vai trò to lớn trong quá trình chuyển giao tri thức. Các phương tiện chuyển giao tri thức gồm: Sách, báo, tạp chí, radio, vô tuyến, vi phim, vi phiếu, băng hình… Nhờ mở rộng phương tiện thông tin chuyển giao tri thức cho cán bộ giảng dạy, tri thức này được truyền cho các thế hệ nhờ có hệ thống giáo dục. Thông qua việc bổ sung tri thức, sinh viên dần trở thành thầy giáo và nhà nghiên cứu, dẫn đến một xã hội đào tạo ra được một lực lượng lao động mới, có khả năng vươn tới giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Hoạt động thông tin KH&CN cần phải đáp ứng một số yêu cầu sau: Có khả năng cung cấp một lượng tài liệu lớn; Cho phép thu thập và phổ biến thông tin tốt nhất; Phục vụ cho các chuyên gia giáo dục trong quá trình đào tạo; Đáp ứng nhu cầu tự đào tạo “tự học suốt đời”.
1.4.2.5. Trong lĩnh vực đời sống xã hội
Hoạt động thông tin KH&CN có tác dụng quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thông tin của con người ngày càng gia tăng và sử dụng thông tin để lựa chọn sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Các thông tin về chính trị, xã hội và kinh tế giúp con người có định hướng đúng, làm chủ được đời sống của mình và thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của người công dân. Và sự phát triển của các trung tâm thông tin KH&CN sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận của quần chúng tới các cơ sở văn hoá và giáo dục, nhằm nâng cao kiến thức, phục vụ cho bản thân cũng như đời sống xã hội.
1.4.3. Quá trình phát triển hoạt động thông tin KHCN ở Việt nam
Hoạt động thông tin KHCN ở nước ta đã trải qua một quá trình 46 năm và chúng ta có thể phân chia một cách khái quát quá trình đó thành 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn mở đầu (1959-1972)
Đây là giai đoạn khôi phục và phát triển các thư viện KHKT, đồng thời bước đầu thành lập một số phòng, ban thông tin KHKT ở một số bộ, ngành chủ chốt (Phòng thông tin Khoa học, Uỷ ban Khoa học Nhà nước thành lập năm1961). Trong giai đoạn này, các cơ quan thông tin KHKT có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ thông tin cho cơ quan chủ quản của mình. Tuy nhiên, đến giữa những năm 60 đã bắt đầu hình thành mạng lưới các cơ quan thông tin KHKT và Uỷ ban Khoa học Nhà nước được giao chức năng quản lý hoạt động này trong phạm vi toàn quốc.
– Giai đoạn hình thành và phát triển Hệ thống (1972-1986)
Từ sau Hội nghị thông tin KHKT toàn quốc lần thứ I (năm 1971) và nhất là sau khi có Nghị quyết 89/CP (năm 1972), hàng loạt các cơ quan thông tin ngành và địa phương ra đời. Đây là thời kỳ hoạt động thông tin KHKT phát triển nhanh, bài bản. Hệ thống thông tin KHKT quốc gia bốn cấp được hình thành với các cơ quan thông tin KHCN ở Trung ương, Bộ/ngành, địa phương và cơ sở. Hệ thống thông tin KHKT ngành cũng được tạo lập với sự ra đời hàng loạt các tổ chức thông tin cơ sở ở các viện, các trung tâm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ trực tiếp của cơ quan thông tin ngành. Có thể nói, đây là thời kỳ các cơ quan thông tin KHKT phát triển mạnh về số lượng và hoạt động theo cơ chế quản lý tập trung, bao cấp khá chặt chẽ cả về kế hoạch, nghiệp vụ, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế…
Tuy nhiên, tiềm lực tư liệu, cán bộ và cả trang thiết bị của các cơ quan thông tin đều còn rất nghèo nàn. Sản phẩm và dịch vụ của các cơ quan thông tin chủ yếu là các ấn phẩm thông tin và phục vụ thư viện theo phương pháp truyền thống.
– Giai đoạn đổi mới hoạt động thông tin KHCN (1986-1996)
Từ năm 1986, đất nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giai đoạn này, Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia vẫn phát triển khá mạnh về tất cả các mặt. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là từ giai đoạn này đã bắt đầu việc phân cấp trong xây dựng kế hoạch và đảm bảo tài chính. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt thông tin KHCN của Bộ ngành và địa phương cũng như đầu tư phát triển cho các cơ quan thông tin KHCN do chính Bộ, ngành, địa phương chủ quản quyết định.
Cơ chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động thông tin KHCN này cũng bắt đầu có những thay đổi, chẳng hạn như: chuyển từ việc quản lý theo kế hoạch, phân bổ dàn đều trước đây dần sang quản lý, đầu tư theo trọng điểm, theo dự án, nhiệm vụ, theo các mạng trao đổi, theo năng lực của các cơ quan thông tin KHCN…
– Giai đoạn phát triển phục vụ CNH và HĐH (Từ 1996 đến nay)
Cùng với các cơ quan KHCN, đây là giai đoạn các cơ quan thông tin KHCN các ngành, các cấp khẩn trương đổi mới để đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH và HĐH đất nước.
Đặc điểm của hoạt động thông tin KHCN trong giai đoạn hiện tại là tăng cường kết hợp ngày càng chặt chẽ:
– Giữa hoạt động thông tin KHCN với hoạt động thư viện và hướng tới xây dựng các thư viện điện tử;
– Giữa thông tin KHCN với thông tin kinh tế, thông tin thị trường, thông tin công nghệ, thông tin thống kê;
– Giữa hoạt động thông tin KHCN với thông tin đại chúng;
– Giữa hoạt động thông tin KHCN với tin học và viễn thông.
Những nội dung cơ bản mà các cơ quan thông tin KHCN các ngành, các cấp đều tập trung triển khai trong mấy năm gần đây là:
– Kiện toàn bộ máy, tổ chức lại dây chuyền công nghệ theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả;
– Tạo lập tiềm lực thông tin cục bộ, nhất là nguồn tin nội sinh; Tăng cường nguồn tin điện tử, tận dụng khai thác INTERNET và các nguồn tin trên CD/ROM; Tận dụng các khả năng chia sẻ, hỗ trợ nguồn tin trong và ngoài nước;
– Cải tiến sản phẩm theo hướng hiện đại: lấy công cụ mạng và các CSDL làm xương sống cho mọi hoạt động;
– Tham gia tích cực các triển lãm, hội chợ, Techmart (chợ công nghệ và thiết bị), tăng cường góp phần tạo lập thị trường công nghệ, cung cấp thông tin KHCN cho doanh nghiệp…;
– Áp dụng những hình thức phục vụ mới: Kho mở (với cổng từ, mã vạch), Phòng đa phương tiện; Truy cập trực tuyến;
– Đẩy mạnh việc xây dựng thư viện điện tử, các website về KHCN;
– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến KHCN; Triển khai rộng “Mô hình cung cấp thông tin KHCN phục vụ phát triển kinh tế –xã hội nông thôn, miền núi”’…
1.4.4. Những kết quả nổi bật
1.4.4.1. Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia rộng khắp đã được hoàn thiện và tiếp tục phát triển
Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia được xây dựng theo mô hình 4 cấp: Trung ương, Bộ/ngành, địa phương và cơ sở. Cụ thể là:
– Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia là cơ quan đầu mối trung tâm của Hệ thống;
– 44 cơ quan thông tin KHCN cấp Bộ/ngành: 2 trung tâm thông tin chuyên dạng tài liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ; 42 cơ quan thông tin của các Bộ/ngành, các cơ quan thuộc chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội;
– 64 cơ quan thông tin KHCN cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
– Hơn 400 cơ quan TT-TV tại các viện/trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng; Hàng chục trung tâm thông tin ở các Tổng công ty 90, 91.
Nhiều cơ quan TT-TV đã được Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển trụ sở, nhà xưởng, điều kiện làm việc, đảm bảo trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Điều kiện làm việc của nhiều cơ quan thông tin KHCN được liên tục cải thiện.
1.4.4.2. Nguồn tin KHCN được phát triển, từng bước đáp ứng những nhu cầu cơ bản về thông tin KHCN của đất nước
Nguồn tin – nguyên liệu cơ bản của hoạt động thông tin đã ngày càng được chú trọng lựa chọn, thu thập bổ sung một cách chủ động. Trong những năm gần đây, hàng năm Nhà nước đầu tư trên 1,5 triệu USD cho các cơ quan TT-TV để mua sách báo và các nguồn tin điện tử của nước ngoài.
Cho tới nay, trong toàn Hệ thống có hơn 3 triệu đầu tên sách, 6000 tên tạp chí (hiện tại, tiếp tục bổ sung hàng năm khoảng 1500 tên), 25 triệu bản mô tả sáng chế phát minh, trên 200 nghìn tiêu chuẩn; 50 nghìn catalo công nghiệp, 4000 bộ báo cáo địa chất, 4.500 báo cáo lâm nghiệp; 20.000 báo cáo kết quả nghiên cứu, luận án tiến sĩ; hàng chục triệu biểu ghi trên CD/ROM,….
1.4.4.3. Hệ thống sản phẩm và dịch vụ thông tin đa dạng từ truyền thống tới hiện đại
Hiện tại, trong toàn Hệ thống xuất bản gần 300 ấn phẩm thông tin định kỳ, trong đó có hàng chục ấn phẩm bằng tiếng Anh dùng để trao đổi quốc tế. Ngoài ra, hàng năm các cơ quan thông tin KHCN còn xuất bản nhiều ấn phẩm không định kỳ, sách chuyên đề, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu dịch, các Nông lịch …
Đến nay, trong Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia Việt Nam có tới trên 300 CSDL tư liệu và dữ kiện nội sinh. Hầu hết là các CSDL nhỏ (từ vài nghìn tới vài chục biểu ghi) dùng để quản trị các kho tư liệu của cơ quan. Tuy nhiên, cũng có những CSDL lớn tới 300.000-500.000 biểu ghi như một số CSDL của Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia. Từ chỗ chỉ có các CSDL thư mục, sau đó là các CSDL tóm tắt đến nay nhiều cơ quan thông tin đã xây dựng các CSDL toàn văn. Các CSDL đó liên kết với nhau tạo thành Ngân hàng dữ liệu và hình thành các Thư viện điện tử về KHCN.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều cơ quan đã phát triển loại hình bản tin điện tử. Sản phẩm này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ 1995 và đặc biệt phát triển nhanh về số lượng cũng như chất lượng từ 1997, khi Việt Nam bắt đầu hoà nhập Internet. Hiện tại, trong toàn Hệ thống có tới hàng trăm bản tin điện tử. Sản phẩm này ngày càng phát huy những ưu điểm: trao đổi thuận tiện, nhanh, nội dung phong phú, bao gói thông tin dễ dàng.
Hiện nay, hầu hết các cơ quan thông tin trung ương, bộ/ngành, địa phương thậm chí cả cơ sở đều xuất bản bản tin điện tử và vai trò của nó ngày càng tăng. Hầu hết các ấn phẩm thông tin KHCN, ngoài bản in trên giấy đều có bản điện tử đưa trên mạng hoặc trên CD/ROM.
1.4.3.4. Trình độ công nghệ của nhiều tổ chức thông tin KHCN trong Hệ thống đã được phát triển và nâng cao
Nhiều tổ chức thông tin KHCN đã áp dụng những CNTT và truyền thông tiên tiến, những trang thiết bị hiện đại
Các cơ quan thông tin KHCN đã tăng cường ứng dụng mạnh mẽ CNTT và truyền thông, các thành tựu tiên tiến và các chuẩn. Hầu hết các cơ quan thông tin KHCN đã kết nối và tích cực khai thác INTERNET. Nhiều cơ quan thông tin KHCN đã xây dựng được Cổng Giao tiếp điện tử, Thư viện điện tử, Website, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, một số cơ quan thông tin KHCN đã thực hiện việc đặt mua các CSDL trực tuyến, tạp chí điện tử trực tuyến. Thí dụ Trung Thông tin KHCN Quốc gia đã mua quyền truy cập đến các CSDL toàn văn của Science@Direct, EBSCO Host, Blackwell,..
Bên cạnh việc duy trì các dịch vụ thư viện truyền thống, nhiều cơ quan đã áp dụng các hình thức dịch vụ hiện đại, tiên tiến: kho mở, mã vạch, cổng từ; khai thác qua mạng, phòng đọc đa phương tiện, liên kết trao đổi liên thư viện… Những phương thức này đã được xã hội đánh giá là bước tiến nhảy vọt.
1.4.4.5. Đã hình thành được nhiều mạng thông tin KHCN, các thư viện điện tử phục vụ hiệu quả cho quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển, nâng cao dân trí
Việc áp dụng CNTT mới trong hoạt động thông tin KHCN ngày càng được chú trọng và ngày càng mạnh mẽ. Đến nay, hầu hết các cơ quan thông tin KHCN ở trung ương, bộ/ngành và những thành phố lớn đều đã xây dựng Website về KHCN; ở một số cơ quan đã tạo lập Thư viện điện tử chuyên ngành.
Đặc biệt, trong phạm vi toàn Hệ thống thông tin KHCN Quốc gia có nhiều mạng thông tin điện tử với nguồn tin phong phú, đáp ứng tốt yêu cầu tin của người dùng tin như:
– Mạng thông tin KHCN Việt Nam (VISTA); Mạng thông tin KHCN phục vụ vùng sâu, vùng xa (Thư viện điện tử phục vụ nông thôn);
– Chợ ảo về Công nghệ và Thiết bị Việt Nam;
– Mạng thông tin nông nghiệp nông thôn AgroViet;
– Mạng thông tin y học, y tế ;
– Mạng thông tin thương mại VITRANET,….
Những mạng này đã đóng góp nhiều trong việc cung cấp thông tin KHCN một cách kịp thời, thiết thực cho các đối tượng dùng tin trên khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.
1.4.4.6. Công tác phục vụ thông tin đã có bước phát triển mới về chất, đã bám sát được định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, đáp ứng tốt yêu cầu thông tin của người dùng tin
Công tác phục vụ thông tin KHCN cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cho công tác quản lý ở các cấp được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là các thông tin nhanh, thông tin chọn lọc, các tổng luận phân tích, các số liệu thống kê, so sánh,…
Phục vụ thông tin KHCN cho nông nghiệp nông thôn được nhiều cơ quan thông tin chú trọng phát triển nhất là các cơ quan thông tin địa phương. Đặc biệt là việc nhân rộng mô hình “Cung cấp thông tin phục vụ phát triển KT-XH nông thôn, miền núi”. Đến nay, mô hình này đã được triển khai ở 24 tỉnh với 139 điểm xã/huyện, hình thành nhiều webpages về nông nghiệp, nông thôn,…
Công tác phục vụ thông tin cho doanh nghiệp, phát triển thị trường công nghệ được đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Chợ công nghệ và thiết bị đã được tổ chức ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau như quy mô quốc gia (2 kỳ), vùng, tỉnh, huyện (20 kỳ). Chợ ảo công nghệ và thiết bị cũng được một số cơ quan chú ý xây dựng và phát triển liên tục.
1.4.4.7. Đội ngũ cán bộ thông tin chuyên nghiệp được hình thành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã được nâng cao và có bước phát triển đáng kể
Tính đến nay, trong toàn Hệ thống có trên 5000 người, trong đó khoảng 65% cán bộ có trình độ đại học và 4% trên đại học chuyên ngành TT-TV. Đội ngũ này thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo qua các lớp tập huấn nghiệp vụ thông tin ngắn hạn trong và ngoài nước.
1.4.4.8. Hợp tác quốc tế được mở rộng
Hiện tại, các cơ quan thông tin KHCN trong toàn Hệ thống/mạng lưới đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với nhiều tổ chức quốc tế thuộc Liên hiệp quốc, Khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Khối ASEAN; đồng thời có quan hệ song phương với hàng chục nước khác và quan hệ trao đổi tư liệu với hơn 300 thư viện của hơn 100 nước.
1.4.5. Một số tồn tại
Mặc dù đã có bước phát triển nhất định, nhưng hoạt động thông tin KHCN của Việt Nam vẫn còn những tồn tại. Đó là:
– Tiềm lực thông tin tuy đã được phát triển song vẫn có nhỏ bé, tản mạn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc CNH và HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay;
– Việc liên kết, chia sẻ nguồn lực còn hạn chế; Chưa có cơ chế hiệu quả trong việc điều phối bổ sung phát triển nguồn lực thông tin KHCN của đất nước, dẫn đến sự trùng lặp trong bổ sung tài liệu;
– Công tác tiêu chuẩn hoá trong hoạt động thông tin KHCN còn bất cập; Thiếu nhiều chuẩn phù hợp để tổ chức các nội dung hoạt động;
– Đội ngũ cán bộ thông tin và cộng tác viên còn mỏng, hay biến động, chưa thực sự gắn bó với nghề nghiệp;
– Chưa có nhiều các sản phẩm và dịch vụ thông tin có hàm lượng chất xám cao, ví dụ như: thông tin phân tích, tư vấn, các thông tin cảnh báo công nghệ, thông tin tình báo cạnh tranh,…
– Cơ sở vật chất kỹ thuật tuy đã được cải thiện, song nhìn chung còn rất nhỏ bé, dàn trải, chậm được nâng cấp;
– Việc quán triệt và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hoạt động thông tin KHCN còn chậm (ở cả phạm vi quốc gia, ngành và địa phương), các biện pháp chưa được đảm bảo kịp thời đầy đủ (văn bản chậm đi vào cuộc sống).
Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ ở Việt Nam thời gian qua
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT