Giải pháp hoàn thiện thuế Thu nhập doanh nghiệp

ngoại hối

Mục lục

Giải pháp hoàn thiện thuế Thu nhập doanh nghiệp

Thuế Thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế trực thu, điều tiết thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh nên có tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư, đến tiêu dùng và tiết kiệm. Trong giai đoạn hiện nay do năng suất, hiệu quả và mức tích lũy của doanh nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, do đó để doanh nghiệp phát triển bền vững, thuế Thu nhập doanh nghiệp cần được hoàn thiện theo hướng để doanh nghiệp tăng tích tụ tập trung vốn, khuyến khích đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa.

1. Đối tượng nộp thuế

Hiện nay trên thế giới khi xác định nghĩa vụ nộp thuế thu nhập của một doanh nghiệp thông thường dựa trên tiêu thức thường trú. Nếu dựa trên tiêu thức thường trú thì đối tượng thường trú tại một nước bị đánh thuế trên thu nhập từ mọi nơi trên thế giới (nếu đối tượng không thường trú chỉ bị đánh thuế thu nhập phát sinh tại nước đó).

Để thuế Thu nhập doanh nghiệp thật sự minh bạch và phù hợp với Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam với các nước, luật thuế Thu nhập doanh nghiệp nên bổ sung về đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp thường trú hay không thường trú và nghĩa vụ thuế của những doanh nghiệp này.

2. Chi phí hợp lý

Chi phí hợp lý là khái niệm rất quan trọng trong nội dung luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Việc xác định đúng chi phí hợp lý để làm cơ sở tính thuế vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa có tác động trực tiếp đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng đến số thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích
và khả năng tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp.

Bản thân thuật ngữ “chi phí hợp lý” đã cho thấy không bao gồm toàn bộ các khoản chi phí phát sinh tại doanh nghiệp mà chỉ là phần “hợp lý” của chi phí sau khi đã loại trừ những khoản chi phí bị coi là “không hợp lý”. Xét về nguyên tắc, ở hầu hết các nước trên thế giới khi xác định chi phí hợp lý phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

+ Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

+ Là chi phí thực chi ra.

+ Chi phí đó phải liên quan đến việc tạo ra doanh thu và thu nhập.

+ Chi phí phải ở một mức hợp lý.

Trên cơ sở những nguyên tắc trên, luật thuế Thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đã cụ thể hóa chi phí hợp lý thành 13 nhóm mục chi phí. Tuy nhiên, những quy định về chi phí hợp lý này đã bộc lộ một số tồn tại cần phải được sửa đổi bổ sung:

– Chi phí khấu hao tài sản cố định.

Chi phí khấu hao tài sản cố định thực chất là chi phí mua sắm hình thành tài sản cố định được phân bổ dần theo một tỷ lệ nhất định vào chi phí sản xuất kinh doanh theo mức độ sử dụng và hao mòn của tài sản sử dụng. Chi phí khấu hao tài sản cố định là một trong những chi phí lớn đối với doanh nghiệp, chi phí khấu hao tài sản cố định có tác động mạnh đến khả năng đổi mới máy móc thiết
bị và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

Quy định hiện hành đã cho phép doanh nghiệp được phép trích khấu hao nhanh để khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể mức độ trích khấu hao nhanh để đơn vị có thể chủ động áp dụng.

Để đảm bảo thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa (Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ mới chỉ đạt khoảng 20,6%, trong khi đó Philippine là 29,7%, Indonesia là 29,7%, Thái Lan là 30,8%, Malaysia là 51,1%, Singapore là 73% [39, tr 7,8]) vừa tránh thất thu ngân sách thì quy định về khấu hao nhanh tài sản
cố định cần được sửa đổi theo hướng: cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao nhanh tối đa bằng mức tỷ lệ giữa thu nhập trước khi khấu hao nhanh so với tổng doanh thu đã thực hiện trong năm và đảm bảo sau khi tiến hành trích khấu hao nhanh doanh nghiệp vẫn còn thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính để đổi mới công nghệ.

– Chi phí vật tư: theo quy định hiện hành thì chi phí vật tư hợp lý được xác định trên cơ sở định mức tiêu hao vật tư hợp lý và giá thực tế xuất kho.

+ Để tạo điều kiện chủ động, thông thoáng cho doanh nghiệp, thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định “mức tiêu hao vật tư hợp lý do giám đốc hoặc chủ cơ sở kinh doanh xây dựng và quyết định. Khi kết thúc năm tài chính, cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán vật tư, phân tích tình hình thực hiện định mức tiêu hao vật tư và báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan thuế”.

Tuy nhiên, quy định này đã dẫn đến tình trạng: doanh nghiệp hoàn toàn quyết định định mức tiêu hao vật tư mà không cần dựa trên một quy định khung về định mức tiêu hao, nên hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng cho mình một định mức tiêu hao cao hơn so với mức cần thiết để tạo một hành lang an toàn cho việc xác định chi phí được khấu trừ, như vậy định mức này chỉ mang tính chất đối phó chứ không phải định mức được sử dụng như đòn bẩy kinh tế nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm vật tư và quy định này cũng loại bỏ vai trò quản lý của Nhà nước dưới dạng quy định tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật.

Chi phí vật tư phát sinh của một đơn vị có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn chi phí trung bình chung, nhưng không vì thế mà buông lỏng quản lý, cho doanh nghiệp tự xác định chi phí cho bản thân mình dẫn đến thoát ly quá xa so với định mức chung của ngành hoặc của xã hội dẫn đến không công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, gây thất thu ngân sách.

Để đảm bảo chi phí vật tư phù hợp với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm vật tư, đảm bảo công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cần phải ban hành định mức tiêu hao bình quân cho từng ngành áp dụng chung trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp có thể tham khảo xây dựng định mức cho bản thân doanh nghiệp và cơ quan thuế có thể kiểm tra định mức các doanh nghiệp xây dựng có hợp lý không.

+ Giá thực tế xuất kho vật tư, hàng hóa

Theo quy định hiện hành thì giá vật tư, hàng hóa xuất kho của đơn vị nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ là giá không có thuế Giá trị gia tăng. Quy định này chưa thật sự chính xác và đầy đủ trong điều kiện tồn tại 2 phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng như hiện nay. Bởi vì, đơn vị kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bên cạnh mua hàng hóa vật tư từ những đơn
vị nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ (nhận được hóa đơn Giá trị gia tăng) thì cũng có thể mua hàng hóa vật tư từ những đơn vị nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp (nhận được hóa đơn bán hàng). Đối với những hàng hóa vật tư mua từ đơn vị áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp thì giá nhập kho là giá đã có thuế Giá trị gia tăng nên khi xuất kho cũng là giá đã có thuế Giá trị gia tăng và đương nhiên số thuế này cũng được tính vào chi phí hợp lý. Vậy quy định này có thể sửa đổi là: đối với hàng hóa mua vào có hoá đơn giá trị gia tăng thì tính vào chi phí hợp lý theo giá không bao gồm thuế Giá trị gia tăng, còn đối với hàng hóa mua vào có hóa đơn bán hàng thì tính vào chi phí hợp lý bao gồm cả thuế Giá trị gia tăng.

– Chi phí quảng cáo, tiếp thị, hội họp, lễ tân, đối ngoại, giao dịch…

Theo quy định hiện hành mức chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân… tối đa không quá 10% tổng các khoản chi của doanh nghiệp (tổng các khoản chi không bao gồm khoản chi nộp thuế và nhóm chi này). Với quy định khống chế này đã dẫn đến tình trạng:

+ Trong cơ chế thị trường chi phí quảng cáo, tiếp thị là những khoản chi phí quan trọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, những chi phí này được chi ra dựa vào tiềm lực tài chính, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tùy thuộc vào đó là những sản phẩm mới hay cũ, đó là thị trường mới hay truyền thống và doanh nghiệp này mới thành lập hay đang hoạt động. Do đó, chi phí quảng cáo, tiếp thị… của mỗi doanh nghiệp là rất khác nhau và không nhất thiết chi phí quảng cáo, tiếp thị có quan hệ tỷ lệ thuận với những khoản chi phí khác, ví dụ: một doanh nghiệp tung ra thị trường một sản phẩm mới và do có những cải tiến công nghệ nên chi phí sản xuất giảm, nhưng là sản phẩm mới nên doanh nghiệp phải tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị, rõ ràng trong trường hợp này doanh nghiệp đã giảm các chi phí khác để tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị.

+ Đối với các tổng công ty, doanh nghiệp hoạt động có tính độc quyền cao hầu như không cần phải tăng chi phí quảng cáo tiếp thị như ngành hàng không, dầu khí, điện… thì việc áp dụng tỷ lệ khống chế 10% sẽ không hợp lý, với quy định này các doanh nghiệp này có thể tăng các khoản chi tiếp tân, hội nghị… đôi lúc những khoản chi này không phục vụ sản xuất kinh doanh.

Để ngăn ngừa việc lạm dụng tăng các khoản chi của doanh nghiệp để trốn thuế, nhất là các khoản chi mang tính chủ quan nên Nhà nước cần phải ban hành định mức khống chế là cần thiết. Tuy nhiên, theo phân tích trên thì việc khống chế chi quảng cáo, tiếp thị như hiện nay là chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, chủ động trong cạnh tranh.

Vì vậy, nhóm chi phí quảng cáo, tiếp thị nên được quy định khống chế theo doanh thu và hiệu quả kinh doanh là hợp lý nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ khống chế cũng cần phải có sự phân biệt giữa ngành độc quyền và không độc quyền để đảm bảo bình đẳng. Và khi trình độ, công nghệ quản lý thuế của Việt Nam đã cao, để phù hợp thông lệ quốc tế nên bỏ tỷ lệ khống chế này, để chi phí quảng cáo tiếp thị được tính theo mức thực chi.

– Chi cho giáo dục đào tạo nguồn nhân lực.

Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tiền đề để đưa sự nghiệp công nghiệp hóa đến thành công. Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực luôn là một trong những bộ phận cấu thành chủ chốt trong chiến lược phát triển kinh tế– xã hội không những của Việt Nam, mà cả các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục đào tạo, doanh nghiệp vừa là người đào tạo thông qua cung cấp nơi thực tập cho sinh viên, vừa là người cung cấp một phần tài chính cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Đối với Việt Nam đang thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục nên chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hỗ trợ cho giáo dục, như cho phép doanh nghiệp tính vào chi phí hợp lý những khoản chi hỗ trợ cho giáo dục đào tạo theo mức hợp lý, thực hiện chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo và cung cấp nơi thực tập cho sinh viên nhằm để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực.

3. Thuế suất

Giảm gánh nặng về thuế cho các nhà đầu tư luôn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng cường thu hút vốn đầu tư, không những vốn trong nước mà cả vốn nước ngoài. Trong điều kiện quốc tế hóa nền kinh tế thế giới hiện nay, quá trình tự do hóa đầu tư và thương mại quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển- nơi còn thiếu vốn đầu tư và công nghệ sản xuất hiện đại thì việc giảm thuế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ hiện đại là rất cần thiết.

Xét về tổng thể, mặc dù cạnh tranh thuế quốc tế thường đạt hiệu quả không như mong muốn, có thể dẫn đến giảm thu ngân sách, tăng chi phí quản lý thuế, nhưng các nước trên thế giới vẫn chưa thống nhất được những giải pháp chung để giải quyết hài hòa lợi ích mỗi bên. Do đó, các quốc gia, đặc biệt là là các nước đang phát triển, sẽ tiếp tục cải cách chính sách thuế theo hướng giảm
gánh nặng thuế cho các nhà đầu tư nhằm tạo lợi thế so sánh về thuế để tăng cường thu hút vốn đầu tư.

Cạnh tranh về thuế để thu hút vốn đầu tư bắt đầu diễn ra phổ biến từ những năm 1980 khi hàng loạt các nước giảm thuế Thu nhập công ty để thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. So với một số nước thì mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đang dần trở nên kém hấp dẫn.

Bảng 3.1: Thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp các nước Nước Thuế suất

Malaysia 28%
Singapor 20%
Trung Quốc 25% (từ 1.1.2008)
Bulgaria 10%
Hungary 16%
Hồng Kông 17,5%
Russia 24%
Romania 16%
Việt Nam 28%

Nguồn: – Worldwide-tax.com/index.asp – China.org.cn

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện chủ trương thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa, thuế suất phổ thông của thuế Thu nhập doanh nghiệp Việt Nam nên giảm còn khoảng 25%. Với mức thuế suất này vừa tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vừa không gây ra cú sốc quá lớn về nguồn thu cho ngân sách nhà
nước, ngược lại có thể tăng thu vào ngân sách vì khi giảm thuế suất sẽ đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, kích thích thu hút vốn đầu tư, khi vốn đầu tư tăng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế làm số thu vào ngân sách sẽ tăng (có thể mức thuế suất 28% hiện hành của Việt Nam chưa nằm ở điểm ro trên mô hình LAFFER – xem hình 1.1). Thực tế đã cho thấy khi giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh
nghiệp từ 32% xuống còn 28% vào năm 2004 thì số thu thuế Thu nhập doanh nghiệp không giảm đi mà còn tăng thêm: nếu như năm 2003 số thu thuế Thu nhập doanh nghiệp đạt được 21.200 tỷ đồng thì đến năm 2004 số thu thuế Thu nhập doanh nghiệp đạt được 36.278 tỷ đồng [37, tr 11], đến năm 2005 đã tăng lên 47.865,3 tỷ đồng [39, tr 14] và đến năm 2006 đạt được 56.872 tỷ đồng [40, tr 10].

Bên cạnh đó, giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp còn thêm ưu điểm là tránh được tình trạng trốn thuế thông qua chuyển giá quốc tế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

4. Ưu đãi thuế

Cùng với thuế suất thì chính sách ưu đãi về thuế được xem là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư trong chiến lược thu hút vốn đầu tư. Thực tế đã cho thấy, khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư rất quan tâm đến chính sách thuế của nước tiếp nhận đầu tư nhất là khi các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, hành lang pháp lý, nguồn lao động… đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu
của họ, nếu chính sách thuế càng minh bạch và mang tính cạnh tranh cao thì càng có cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Để thực hiện chính sách ưu đãi thì Chính phủ các nước có thể sử dụng nhiều hình thức ưu đãi khác nhau như: giảm mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp phổ thông, miễn thuế có thời hạn, cho phép doanh nghiệp thực hiện chế độ khấu hao nhanh, cho phép hoàn thuế Thu nhập doanh nghiệp do sử dụng thu nhập để tái đầu tư, cho phép chuyển lỗ… Ở Việt Nam, các ưu đãi chủ yếu nhằm
mục đích khuyến khích đầu tư theo vùng, lĩnh vực, đổi mới công nghệ, khuyến khích xuất khẩu… Tuy nhiên, những chế độ ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Để ưu đãi của thuế Thu nhập doanh nghiệp thật sự phát huy vai trò thu hút vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư theo định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế, các ưu đãi về thuế cần được hoàn
thiện theo hướng sau:

– Ưu đãi thuế phải đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả: cần lựa chọn hình thức ưu đãi phù hợp với những đối tượng và điều kiện khác nhau, như ưu đãi cho phép chuyển lỗ cùng với việc áp dụng một mức thuế suất thấp và khấu hao nhanh sẽ cho phép nhà đầu tư giảm gánh nặng thuế trong những năm đầu, hình thức ưu đãi này sẽ khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào những dự án lớn thường
bị lỗ trong những năm đầu; ưu đãi miễn thuế có thời hạn chỉ hấp dẫn các dự án đầu tư ngắn hạn vì vậy cần thay thế hình thức ưu đãi miễn giảm bằng hình thức cho khấu trừ thuế được xác định theo tỷ lệ tương ứng với giá trị đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn được khuyến khích, quy định cho phép khấu trừ thuế sẽ thu hút các dự án đầu tư dài hạn và là động cơ khuyến khích đầu tư vì
đây là hình thức ưu đãi gắn liền với giá trị đầu tư.

– Ưu đãi thuế cần mang tính ổn định: việc sửa đổi hoặc thay đổi thường xuyên các chế độ ưu đãi có thể làm cho đối tượng nộp thuế cảm thấy hệ thống thuế phức tạp, không ổn định và khó tuân thủ nên sẽ tạo tâm lý không yêu tâm cho các nhà đầu tư, từ đó có thể cản trở quyết định đầu tư. Để tránh trường hợp thay đổi thường xuyên thì khi xây dựng chế độ ưu đãi đòi hỏi các nhà làm chính
sách phải có tầm nhìn chiến lược.

– Ưu đãi thuế cần đảm bảo tính đơn giản: vì hiện nay ưu đãi thường nhắm vào nhiều mục tiêu nên đi kèm với nó là hàng loạt điều kiện đặt ra cho nhà đầu tư, với nhiều điều kiện đặt ra có thể dẫn đến tình trạng trốn thuế hoặc ngược lại làm nản lòng nhà đầu tư.

Giải pháp hoàn thiện thuế Thu nhập doanh nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?