Đặc điểm quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là một loại quyền tài sản, do đó, nó có đầy đủ các đặc tính của quyền sở hữu tài sản nói chung, đó là: chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản của mình và không ai được sử dụng tài sản đó nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, xuất phát từ tính chất đặc thù của các đối tượng sở hữu công nghiệp – tài sản trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp có những đặc điểm khác với các quyền sở hữu khác và thậm chí khác cả với quyền tác giả – một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ.
a) Sự khác biệt giữa quyền sở hữu công nghiệp và quyền sở hữu đối với tài sản hữu hình
Sự khác biệt giữa quyền sở hữu công nghiệp và quyền sở hữu đối với tài sản hữu hình xuất phát từ thuộc tính vô hình của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu công nghiệp không thể xác định được thông qua các đặc điểm vật chất của đối tượng sở hữu công nghiệp mà nó phải được thể hiện thông qua một dạng vật chất hữu hình hoặc một cách thức cụ thể nào đó để có thể bảo vệ được. Có thể xem xét, đánh giá sự khác biệt của hai phạm trù này trên các khía cạnh sau:
– Về căn cứ xác lập quyền:
Quyền sở hữu tài sản hữu hình được xác lập trên cơ sở các sự kiện pháp lý quy định trong BLDS. Quyền sở hữu công nghiệp đối với hầu hết các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập thông qua việc nộp đơn đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ hoặc có thể được xác lập một cách tự động nếu đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn bảo hộ nhất định do pháp luật quy định.
– Về chủ thể quyền:
Chủ thể quyền sở hữu tài sản nói chung có thể là bất kỳ ai: cá nhân, pháp nhân, tổ chức và cũng có thể là Nhà nước – người chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản hợp pháp. Trong khi đó, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp chỉ có thể là những cá nhân, tổ chức, đáp ứng các điều kiện tương ứng với từng loại đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, chủ sở hữu nhãn hiệu phải là những người có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu; chủ ở hữu nhãn hiệu tập thể chỉ có thể là một tổ chức (hội, hiệp hội ngành nghề); chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận chỉ có thể là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng nhận đối với loại sản phẩm mang nhãn hiệu.
– Về đối tượng quyền:
Đối tượng của quyền sở hữu tài sản nói chung là các loại vật chất hữu hình có thể “cầm, nắm, giữ” được và một số quyền tài sản luôn xác định được bằng một số lượng vật chất cụ thể. Trong khi đó, đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là những sản phẩm vô hình chỉ có thể được định tính, định lượng khi ứng dụng vào các loại sản phẩm hữu hình hoặc các hoạt động cụ thể.
– Về phạm vi bảo hộ:
Quyền sở hữu đối với tài sản thông thường được bảo hộ vô thời hạn và chỉ chấm dứt khi có các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu được ghi nhận trong các văn bản pháp luật hoặc khi tài sản bị tiêu huỷ. Quyền sở hữu đối với tài sản thông thường không bị giới hạn về mặt không gian. Trong khi đó, quyền sở hữu công nghiệp chỉ có thể được bảo hộ trong một khoảng thời gian xác định tùy thuộc vào từng loại đối tượng và chỉ giới hạn trong một phạm vi lãnh thổ xác định.
– Về nội dung, ý nghĩa của các quyền năng sở hữu:
Đối với tài sản hữu hình, trong ba quyền năng cơ bản của chủ sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) thì quyền chiếm hữu dường như là quyền cơ bản và quan trọng nhất. Điều này xuất phát từ các đặc tính của tài sản hữu hình: trong hầu hết các trường hợp, chủ sở hữu phải chiếm hữu tài sản thì mới có thể khai thác công dụng của tài sản đó.
Trong khi đó, đối với quyền sở hữu công nghiệp, quyền sử dụng lại được coi là quyền năng cơ bản nhất. Điều này cũng xuất phát từ tính vô hình của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Chủ sở hữu không thể chiếm hữu (cầm, nắm, giữ) tài sản. Việc khai thác giá trị quyền được thực hiện thông qua hành vi sử dụng đối tượng. Bản thân các đối tượng sở hữu công nghiệp không tạo ra giá trị mà chúng phải được ứng dụng vào những loại vật chất hữu hình cụ thể và phát sinh giá trị quá trình sử dụng, vận hành, khai thác các loại vật chất hữu hình này. Về bản chất, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng là sự bảo hộ độc quyền khai thác, sử dụng đối tượng chống lại các hành vi khai thác, sử dụng trái phép. Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cũng được thể hiện chủ yếu và cơ bản nhất ở quyền sử dụng đối tượng.
b) Sự khác biệt giữa quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả
Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp là hai nội dung cơ bản hợp thành quyền sở hữu trí tuệ. Hai lĩnh vực này có những thuộc tính chung như: đặc tính “vô hình” của đối tượng, tính chất của các quyền nhân thân và quyền tài sản dành cho chủ thể sáng tạo và/hoặc chủ sở hữu, quyền sử dụng là quyền năng cơ bản nhất và sự giới hạn về thời gian và không gian bảo hộ… Tuy nhiên, có thể phân biệt hai lĩnh vực này thông qua những đặc điểm chủ yếu sau:
Tiêu chí so sánh |
Quyền sở hữu công nghiệp |
Quyền tác giả |
Lịch sử hình thành |
Xuất hiện nhằm giải quyết những nhiệm vụ khoa học công nghệ, kỹ thuật, thương mại đặt ra trong quá trình sản xuất sản phẩm công nghiệp bằng máy móc thay cho phương pháp thủ công truyền thống. Do đó, gắn với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. | Xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần, văn hóa, tình cảm, nhận thức, hiểu biết của con người. Do đó, được tiến hành song song cùng với sự tiến triển của xã hội loài người. |
Lĩnh vực áp dụng |
Kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ | Chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. |
Đối tượng quyền |
Các kết quả của hoạt động sáng tạo kỹ thuật (sáng chế, giải pháp hữu ích, thông tin bí mật, thiết kế bố trí mạch tích hợp); hoạt động sáng tạo mỹ thuật ứng dụng (KDCN) hay hoạt động sáng tạo trong thương mại (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại). | Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và các quyền phát sinh có liên quan trực tiếp đến quyền tác giả và việc thể hiện tác phẩm (biểu diễn, ghi âm, phát thanh và truyền hình…). |
Nội dung bảo hộ |
– Bảo hộ đối tượng thông qua các quy định cấm người khác không được sử dụng đối tượng đang được bảo hộ để thu lợi nhuận mà không xin phép chủ sở hữu.- Chú trọng bảo hộ quyền tài sản hơn so với các quyền nhân thân.- Chú trọng bảo hộ quyền của chủ sở hữu hơn so với quyền của người trực tiếp sáng tạo. | – Bảo hộ hình thức sáng tạo của tác phẩm nhằm cấm người khác sao chép tác phẩm nếu không được phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm.- Các quyền nhân thân được chú trọng bảo hộ hơn so với quyền tài sản.- Thông thường chú trọng bảo hộ quyền của tác giả hơn so với quyền của chủ sở hữu. |
Thời hạn bảo hộ |
Thời hạn bảo hộ ngắn hơn so với thời hạn bảo hộ quyền tác giả (5 năm đối với KDCN, 10 năm đối với nhãn hiệu, 20 năm đối với sáng chế – có thể gia hạn thêm 1 khoảng thời gian tương ứng với từng đối tượng). | Thời hạn bảo hộ dài hơn: thường là hết cuộc đời tác giả và 50 (hoặc 60, 70) năm sau khi tác giả qua đời; một số quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn (đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố…) |
Đặc điểm quyền sở hữu công nghiệp
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT