Chủ trương phát triển kinh tế biển Việt Nam
Kinh tế biển hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế diễn ra trên đất liền nhưng trực tiếp liên quan đến khai thác biển. Cụ thể là:
– Các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, chủ yếu bao gồm: (1) Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); (2) Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng hải sản); (3) Khai thác dầu khí ngoài khơi; (4) Du lịch biển; (5) Làm muối; (6) Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; và (7) Kinh tế đảo.
– Các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển, tuy không phải diễn ra trên biển nhưng những hoạt động kinh tế này là nhờ vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển, bao gồm: (1) Đóng và sửa chữa tàu biển (hoạt động này cũng được xếp chung vào lĩnh vực kinh tế hàng hải); (2) Công nghiệp chế biến dầu, khí; (3) Công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản; (4) Cung cấp dịch vụ biển; (5) Thông tin liên lạc biển; (6) Nghiên cứu khoa học – công nghệ biển; (7) Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; và (8) Điều tra cơ bản về tài nguyên – môi trường biển.
Với cơ cấu ngành, nghề đa dạng, trong đó có nhiều ngành, nghề then chốt như khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, kinh tế biến đóng vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta. Trong mấy thập kỷ gần đây, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển. Có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động kinh tế biển phải kể đến Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, trong đó khẳng định rằng, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Song song với nhiệm vụ đó là bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020. Sau Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị triển khai thực hiện như Chỉ thị 399 ngày 5/8/1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt và Chỉ thị 171/TTg năm 1995 triển khai Nghị quyết 03-NQ/TW.
Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa ra một số quan điểm trong phát triển kinh tế biển. Đó là: “Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực”. Quan điểm này được cụ thể hoá bằng các giải pháp: “Đầu tư thích đáng cho khoa học- công nghệ; tăng cường năng lực điều tra khảo sát, nghiên cứu khí tượng- thuỷ văn và môi trường, thực trạng tài nguyên và dự báo xu thế biến động trong những thập kỷ tới. Từ nay đến năm 2000 cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm thăm dò dầu khí, khoáng sản biển, nguồn lợi hải sản và năng lượng biển, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển, tiếp tục hiện đại hoá khí tượng- thuỷ văn”. Thi hành Chỉ thị này, một loạt kế hoạch về phát triển kinh tế biển đã được thông qua như: Chiến lược phát triển thuỷ sản 2010; Chiến lược phát triển du lịch 2010; Chiến lược phát triển giao thông vận tải 2010…
Bước sang thế kỷ 21, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) khẳng định mục tiêu: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển; mở mang du lịch; bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”. Những nội dung nêu trên tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ X (2006).
Từ những quan điểm, biện pháp nêu trên, cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế- xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, có thể thấy rõ hơn chủ trương rất quan trọng là: cần đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Việc thực hiện những chủ trương, chính sách nêu trên đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Ðến nay, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp gần 50% GDP của cả nước (trong đó riêng kinh tế trên biển chiếm hơn 20% GDP), với quy mô tăng khá nhanh, cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng phục vụ xuất khẩu đem về một lượng ngoại tệ lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hình thành một số trung tâm phát triển để hướng ra biển… Tuy nhiên, xét cả về mặt chủ quan và khách quan, thực tế hiện nay cho thấy trong việc khai thác lợi thế từ biển còn không ít hạn chế, khó khăn và yếu kém. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hằng năm còn nhỏ bé, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/7 của Hàn Quốc và 1/260 kinh tế biển của thế giới. Những năm qua, do chưa có chiến lược tổng thể, cho nên các ngành, các địa phương thiếu căn cứ để quy hoạch. Tính đồng bộ của các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô, nhận thức về vai trò, vị trí của biển, sự quan tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cả Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Cho đến trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, cũng chưa có cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý, điều hành chung, dẫn đến những hoạt động đầu tư manh mún, chưa đồng bộ, hiệu quả thấp, kinh tế biển phát triển chậm, thiếu bền vững và cơ cấu chưa hợp lý.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp bách là Đảng và Nhà nước ta cần nâng các quan điểm chỉ đạo nêu trên lên tầm của một văn bản chiến lược. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007), nhằm đáp ứng yêu cầu nêu trên. Quan điểm chỉ đạo được nêu trong phần định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là “nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Để đạt được mục tiêu tổng quát nêu trên, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Trong đó, nhiệm vụ chiến lược kinh tế “làm giàu từ biển” được chỉ đạo bởi quan điểm: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho một quãng thời gian gần 3 kế hoạch 5 năm (2007-2020), không gian kinh tế biển được mở rộng và nhất thể hóa trên phạm vi vùng biển, ven biển và hải đảo gắn kết chặt chẽ với các vùng quy hoạch lâu nay trong đất liền. Sự phát triển các ngành kinh tế biển được gắn kết hữu cơ với nhau trên cơ sở phát huy cao nhất lợi thế của mỗi ngành.
Có thể nói rằng, Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã kế thừa những quan điểm về phát triển kinh tế biển và các lĩnh vực khác liên quan đến biển đã ban hành trước đó, nhưng phải khẳng định rằng, đây là Nghị quyết của Trung ương toàn diện đầu tiên về biển, mở ra một chương mới trong tư duy về biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Trong Chiến lược biển, phần về chiến lược phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung chủ yếu nhất.
Chủ trương phát triển kinh tế biển Việt Nam
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT