Chợ luận văn cần được tồn tại và phát triển

Mục lục

Chợ luận văn cần được tồn tại và phát triển

Loạt bài về Chợ luận văn đã gây được sự chú ý đặc biệt của NCS và nhà khoa học người Việt từ nước ngoài. Họ đã có một cách nhìn hoàn toàn khác về cái “chợ” này – Một cái nhìn tích cực cho sự tồn tại và lý giải nguyên nhân mặt trái của nó : Lỗi không hẳn ở SV. Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Luận Văn A – Z xin trân trọng giới thiệu hai bài viết của ông Nguyễn Thành Nam (NCS Vật lý, Đại học Grenoble I, Cộng hoà Pháp) và ông Lê Sĩ Quang (TT kết hợp của viện nghiên cứu quốc gia Pháp và đại học Monpellier 2) vừa gửi về.

Chợ luận văn cần được tồn tại và phát triển!

Sau khi đọc bài ” Đi mua luận văn” đăng trên Luận Văn từ A-Z, tôi không hiểu vì sao tác giả lại giật mình. Theo suy nghĩ của bản thân tôi, chợ luận văn đã có vai trò rất tích cực trong việc cung cấp cho các bạn sinh viên một nguồn tài liệu tham khảo dồi dào và hiệu quả. Sẽ là sai lầm nếu chính quyền, theo thói quen, lại đưa ra một giải pháp nào đó để ngăn chặn hoạt động của chợ luận văn.

Các luận văn với vai trò là một tiểu luận khoa học sẽ là tài liệu tham khảo rất có ích cho các bạn sinh viên. Đặc biệt là ở nước ta, khi mà tài liệu học tập cho sinh viên còn thiếu và hệ thống thông tin thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sinh viên. Trong thực tế, các trường đại học thường lưu trữ luận văn của sinh viên đã tốt nghiệp để các bạn sinh viên khoá sau có thể mượn tham khảo khi cần.

Các luận văn này thường được lưu trữ ở thư viện của các khoa, và các sinh viên trong khoa có thể mượn rất dễ dàng. Tuy nhiên, nếu một sinh viên khoa khác muốn mượn thì sẽ rất khó khăn (ví dụ sinh viên ngành Công nghệ thông tin sẽ gặp khó khăn nếu muốn mượn các tài liệu lưu trữ, bao gồm các luận văn, từ thư viện của khoa Toán Tin), bởi vì các khoa sẽ gặp khó khăn trong quản lí, chứ không phải vì sợ sinh viên đạo văn.

Như vậy trong điều kiện hiện nay, các chợ luận văn đã đóng vai trò rất tích cực, họ đã làm thay cơ quan giáo dục và đào tạo trong việc cung cấp rất hiệu quả một mảng tài liệu hữu ích cho sinh viên trong khi mà bộ phận thông tin thư viện của các trường đại học chưa liên kết được với nhau. Việc sinh viên đạo văn không phải là lỗi của chợ luận văn. Bởi vì sinh viên có thể tìm được cuốn luận văn đó từ các thư viện của khoa hoặc nhờ người khác mượn (thông thường thì miễn phí).

Chợ luận văn chỉ giúp các bạn sinh viên có được cái họ cần nhanh chóng và dễ dàng hơn mà thôi. Chúng ta đang phấn đấu để đến một ngày nào đó các bạn sinh viên, từ trường đại học của mình, thông qua hệ thống máy tính, có thể tìm được bất cứ một tài liệu khoa học nào một cách dễ dàng, không chỉ các luận văn, của tất cả các trường đại học trên toàn quốc. Khi đó các bạn sẽ không cần phải đến chợ để mua, vừa tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Như vậy, sinh viên đạo văn thì lỗi do đâu ? Chúng ta đều biết rằng, khi được chấp nhận cho làm luận văn (cao hơn nữa là luận văn thạc sĩ, hay luận án tiến sĩ) thì sinh viên được làm việc dưới sự hướng dẫn của các Người hướng dẫn. Người hướng dẫn có trách nhiệm giúp đỡ sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học, tìm kiếm tài liệu, hệ thống kiến thức và viết luận văn tốt nghiệp theo đề tài.

Người hướng dẫn vừa theo dõi, đọc bản thảo, sửa chữa, cho ý kiến. Cuối cùng, việc một luận văn có được đưa ra bảo vệ trước Hội đồng chấm luận văn hay không là do người hướng dẫn quyết định. Với một qui trình như vậy, việc một người ăn cắp luận văn của người khác là rất khó xảy ra. Điều này chỉ xảy ra khi người thầy làm việc thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm.

Thay vì hướng dẫn, theo sát sinh viên, thì rất nhiều người hướng dẫn chỉ gặp sinh viên cho biết mặt (nhiều khi không gặp mà sinh viên gọi điện thoại cho thầy, vì thầy bận), sinh viên có làm nghiên cứu hay không cũng không để ý, cuối cùng khi viết xong, gửi thầy đọc qua rồi cho in và bảo vệ. Ra hội đồng thì thường là các thầy cũng xuê xoa, vì nể nhau, nên cho qua. Cái gốc vấn đề là chỗ đó, tại sao lại đi đổ tội cho chợ luận văn. Đó là lỗi của nhà trường, của khoa, của hội đồng chấm luận văn, của người hướng dẫn, và của sinh viên. Chợ luận văn không làm gì sai cả.

Ở các nước khác thì tôi không biết, nhưng nếu ở Pháp thì các bạn có thể tìm đọc bất cứ tài liệu gì, từ các luận văn, luận án, và các tạp chí khoa học xuất bản từ rất lâu cho đến những tài liệu vừa mới xuất bản. Muốn đọc gì, copy gì, xin thoải mái, nhưng nếu bạn không làm việc thì đừng hòng được bảo vệ, vì người hướng dẫn luôn bên bạn, người hướng dẫn luôn biết bạn đang làm gì, nghiên cứu gì, và bạn đã đạt được gì. Do đó bạn đừng hòng đạo được cái gì của ai. Và chỉ khi được người hướng dẫn đồng ý thì bạn mới được bảo vệ.

Việc bảo vệ luận án bên Pháp thường đơn giản và có vẻ “dễ” hơn bên Việt Nam, ít bị vặn vẹo quá nhiều, và cũng không có cái không khí “nghiêm trang” như các buổi bảo vệ trong nước. Tuy nhiên, các bạn đừng nhầm là bảo vệ dễ thì dễ bảo vệ nhé.

Vì trong thời gian làm luận án, bạn cùng làm việc với mọi người, tham gia thảo luận, seminar khoa học, báo cáo kết quả mới, … và khi bạn được đồng ý cho bảo vệ thì tức là người hướng dẫn và các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu thấy là bạn đã đạt yêu cầu về trình độ của cấp học vị đó. Tức là bạn đã được công nhận.

Thời còn là sinh viên, tôi đã ước là các trường đại học ở nước ta có một trung tâm lưu trữ lớn kết nối với nhau để sinh viên có thể tìm được các luận văn từ bất kì một chuyên ngành học nào mà mình quan tâm. Cho đến nay, điều ước đó vẫn chưa thành hiện thực, vì chúng ta còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và hệ thống thông tin thư viện còn kém phát triển.

Nhưng môt ngày gần đây, với sự phát triển của internet, tôi tin là ước mơ đó sẽ trở thành hiện thực. Trong thời gian chờ đợi, các bạn sinh viên chịu khó đi chợ luận văn vậy nhé.

Chúc tienphongonline.com.vn, tờ báo điện tử mà tôi yêu thích, ngày càng hấp dẫn.

(Nguyễn Thành Nam. Nghiên cứu sinh Vật lý, Đại học Grenoble I, Cộng hoà Pháp)

Một góc chợ luận văn trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, Tp.HCM

Xem lại trách nhiệm và lương tâm của một người thầy hướng dẫn

Tôi cũng là một người đã từng tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp tại Trường Công Nghệ, đại học Quốc Gia Hà Nội nên tôi cũng rất bức xúc với hiện tượng bằng giả, bằng thật, hiện tượng sao chép hoặc mua bán luận văn. Qua bài báo“Nhập nhằng mùa luận văn” của tác giả Đăng Khoa tôi cũng hiểu thêm về nạn mua bán luận văn.

Trong bài viết này tôi xin đề cập đến trách nhiệm và cái nhìn của người giáo viên hướng dẫn, người mà theo tôi phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong mỗi luận văn. Luận văn đại học là một công trình nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 4-6 tháng (thường là học kì cuối của đại học). Trong thời gian làm luận văn thì mỗi học sinh thường có 1 (hoặc 2) thầy hoặc cô hướng dẫn và theo dõi quá trình làm luận văn (Không có luận văn nào mà không có người hướng dẫn).

Bước đầu tiên của hưỡng dẫn luận văn là phải xác định được bài toán và lịch nghiên cứu cho sinh viên. Trong quá trình làm luận văn, giáo viên hướng dẫn sẽ phải theo sát để kiểm tra tiến trình làm việc và nghiên cứu của sinh viên, phải nắm được những phần kiến thức nào sinh viên đã nắm được, phần nào chưa nắm được cần hướng dẫn bổ sung. Thường thì trong quá trình làm luận văn giáo viên gặp sinh viên ít nhất 1 lần / 1 tuần (ở nước ngoài thì sinh viên phải gặp giáo viên hướng dẫn thường xuyên hơn, ví dụ như Nhật, thì sinh viên đại học làm luận văn phải học tập và làm việc hàng ngày trên lab và dưới sự hướng của thầy).

Sau khoảng thời gian nghiên cứu 3-4 tháng thì mới đến phần viết luận văn chiếm khoảng 1 tháng. Nói gắn gọn luận văn chỉ là bảng tổng kết lại những kiến thức mà sinh viên đã thu được trong quá trình làm luận văn. Nếu mỗi giáo viên hưỡng dẫn tuân thủ nguyên tắc trên khi hướng dẫn luận văn thì giáo viên hướng dẫn có thể theo dõi và luôn luôn nắm được sinh viên đang làm đến đâu và khả năng có kết quả như thế nào và luận văn sẽ có hình dạng ra sao.

Trong quá trình viết luận văn, giáo viên hướng dẫn cũng phải sửa đi sửa lại bản viết của sinh viên nhiều lần. Theo kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên của tôi thì giáo viên hướng dẫn phải sửa rất nhiều trong bản viết đầu tiên và còn tiếp tục hướng dẫn sinh viên sửa 3-5 lần trước khi đem nộp. Để có được một bản luận văn thì không chỉ sinh viên mà cả người hướng dẫn cũng đều phải đổ rất nhiều công sức vào đó. Vì thế, sẽ không có chuyện giáo viên hướng dẫn không biết hoặc chấp nhận một luận văn sinh viên copy hoặc “mua” ở đâu đó.

Nếu điều tệ hại đó xảy ra thì là do giáo viên hướng dẫn đã không làm hết bổn phận, trách nhiệm và lương tâm của một người thầy hướng dẫn. Trong trường hợp này, người thấy hướng dẫn sẽ là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Theo quan điểm của tôi thì quyền được tham khảo những luận văn đã được bảo vệ và công bố là có là quyền lợi rất chính đáng không chỉ của riêng sinh viên mà là của tất cả mọi người.

Những luận văn đã công bố là nguồn tài liệu vô cùng phong phú đa dạng và rất thích hợp với trình độ của sinh viên, giúp sinh viên có thể nắm bắt nhanh được kiến thức trong lĩnh vực mà sinh viên đang nghiên cứu.

Vì thế Bộ Giáo dục hoặc thư viện của các trường nên xây dựng cơ sở dữ liệu luận văn đã công bố và cho phép sinh viên truy cập tham khảo (theo tôi biết thì một số trường đã làm điều này).

Lê Sĩ Quang (TT kết hợp của viện nghiên cứu quốc gia Pháp và đại học Monpellier 2)

Ý kiến bạn đọc

Tên: Lê Quang Hoà, Thạc sỹ khoa học về phát triển xã hội

Chợ luận văn, bản thân nó không có lỗi !

Theo tôi, bản thân chợ luận văn không hề có lỗi. Tương tự, các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán karaoke, phòng tắm hơi, maxa cũng đều không có lỗi. Lỗi là ở những người đã tạo ra nó và những người sử dụng nó. Đầu tiên là phải kể đến những sinh viên. Họ đến chợ luận văn nhằm mục đích gì? Sưu tầm thông tin, tài liệu để tham khảo và mở mang kiến thức hay để chắp vá thành một luận văn khác nộp cho thày cô?

Tiếc thay, số sinh viên đạo luận văn hiện nay ở ta không hiếm. Nhiều người đi thực tập bát nháo, không đề tài được duyệt, không giáo viên hướng dẫn nghiêm túc. Để rồi sắp đến ngày phải nộp luận văn, họ đã ra chợ nhờ chủ cửa hàng tìm kiếm những luận văn có chủ đề tương ứng và cắt dán thành một luận văn mới tinh đem nộp.

Giáo viên hướng dẫn vô chỉ đọc qua loa rồi gật đầu cho bảo vệ lấy lệ. Những thày cô được mời dự bảo vệ cũng đến để cho có mặt. Nhận phong bì xong thì cũng cũng vui vẻ cho qua. Các thầy cô cũng không muốn làm khó cho đồng nghiệp và muốn làm nhanh cho xong nghĩa vụ. Lâu dần, chợ luận văn phát triển thành nơi dùng công nghệ máy tính vá víu lại thành “luận văn” để đổi lấy tấm bằng đại học hoặc thạc sỹ bước vào đời.

Có rất nhiều trường hợp, sinh viên ra chợ tìm trước lấy một luận văn có vẻ ngon ngon, rồi dựa vào đó để xây dựng đề tài nghiên cứu để trình thầy cô. Sau khi được thầy cô đồng ý, họ đi chơi suốt thời gian thực tập. Gần đến ngày phải nộp luận văn, họ lấy luận văn đã có xào nấu lại, cho thêm mắm muối, đổi phông chữ, đổi địa danh, dán thêm ảnh v. v… để bảo vệ.

Tôi có đọc rất kỹ hai bài viết của ông Nguyễn Thành Nam (NCS Vật lý, Đại học Grenoble I, Cộng hoà Pháp) và ông Lê Sĩ Quang (TT kết hợp của viện nghiên cứu quốc gia Pháp và đại học Monpellier 2) và của một số nhân vật khác như Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Tử Siêm, Nguyễn Kim Tú v. v… và tôi có thể nói là tôi đồng ý với các ông ở những khía cạnh trong sáng và tích cực các ông gán cho ‘chợ luận văn’.

Tiếc thay, bản chất của chợ luận văn ngày nay không giống như các ông mong đợi. Nó giúp cho sinh viên tốt sưu tầm tài liệu tham khảo thì ít, mà giúp cho sinh viên xấu và những thầy cô vô trách nhiệm thì nhiều.

Tôi đã từng học lấy bằng thạc sỹ ở một quốc gia phát triển, nên tôi hiểu để có được một luận văn đúng nghĩa của nó, các sinh viên và các giáo sư hướng dẫn đã phải làm việc vất vả như thế nào. Như trường hợp của tôi và tất cả các nghiên cứu sinh Việt Nam khác, chúng tôi phải về nước 5 tháng liền để nghiên cứu. Trước khi được phép về nước, chúng tôi phải chọn đề tài nghiên cứu, phải đọc hàng chục cuốn sách – kể cả luận văn của các thế hệ đi trước để xây dựng đề cương.

Sách và luận văn thì có đầy trong thư viện. Bạn có thể mượn sách đem về nhà đọc thoải mái nhưng luận văn thì không, bạn chỉ có thể đọc và ghi chép trong thư viện. Đề cương nghiên cứu (Research Proposal) sẽ đươc vị Giáo sư hướng dẫn đọc và góp ý nhiều lần cho đến khi Giáo sư chấp nhận mới được đem bảo vệ tại một Hội đồng giáo viên.

Các giáo sư làm việc đầy trách nhiệm đến nỗi họ sửa từng lỗi chính tả, từng lỗi ngữ pháp, từng lỗi hành văn sao cho Đề cương thực sự trở thành một công cụ tốt nhất cho sinh viên sử dụng nghiên cứu. Trong thời gian nghiên cứu, các vị Giáo sư còn cất công sang tận nơi chúng tôi đang nghiên cứu để kiểm tra, đọc kết quả điều tra và góp ý cho phương pháp làm việc của chúng tôi.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải giữ liên lạc thường xuyên với các Giáo sư để báo cáo kết quả và xin ý kiến cho công tác nghiên cứu của mình. Chỉ khi nào hoàn thành hoạt động nghiên cứu hiện trường và được phép của các Giáo sư, chúng tôi mới được trở lại trường để bắt tay vào viết luận văn.

Nếu bạn là một sinh viên xuất sắc, bạn cũng phải cần ít nhất năm tháng để hoàn thành luận văn. Năm tháng đó, chúng tôi vẫn thường xuyên phải đọc thêm tài liệu trên thư viện, xin ý kiến Giáo sư hướng dẫn, cập nhật và chỉnh lý thông tin. Trước ngày bảo vệ, Giáo sư sẽ gặp bạn để duyệt lần cuối tất cả những thành quả nghiên cứu.

Buổi bảo vệ luận văn được tổ chức rất nghiêm túc và không hề có phong bì. Bảo vệ xong, chúng tôi chỉ được phép tổ chức ăn mừng nhẹ nhàng bằng bánh kẹo (thường là các món quê hương do chúng tôi tự làm lấy) và nước ngọt. Tóm tại, để có được một luật văn mà khi viết tên bố mẹ, vợ con và những thầy cô bạn phải biết ơn vào phần “Lời cảm ơn” (Acknowledgements), bạn sẽ rưng rưng nước mắt, bạn phải học tập và nghiên cứu hết sức vất vả.

Ở ta thì sao? Bạn cứ việc chơi. Sắp đến hẹn thì xin bố mẹ ít tiền, ra chợ luận văn, tha hồ chọn rồi đem về mà cắt dán. Cũng giống như thi cử ở nước ta, chẳng có gì phải xấu hổ khi mang tài liệu vào phòng thi…

Bản thân chợ luận văn không có lỗi nếu nó được sinh viên tìm đến để sưu tầm tài liệu, nhất là trong khi các thư viện ở các trường đại học nước ta gần như trống rỗng và không phải được sinh ra để phục vụ sinh viên.

Cũng giống như các phòng tắm hơi, maxa, karaoke, chúng sinh ra là để giải trí và giúp phục hồi sức khỏe cho con người sau những chuyến đi công tác hay những ngày làm việc vất vả. Nhưng do nề nếp, truyền thống văn hóa không được giữ gìn và bồi đắp; do tham nhũng và hối lộ; do lối sống sa đọa … mà các nơi này biến thành tổ quỷ, thành ung nhọt trong đời sống xã hội.

Thế là mọi người lại làm ầm lên như đã từng làm ầm lên với ‘chợ luận văn’. Và tìm mọi cách để cấm đoán. Họ làm như cấm đoán sẽ giải quyết được tất cả các vấn để của xã hội.

Tôi nghĩ, cuộc trao đổi của chúng ta nên đi theo chủ đề “Làm gì và làm thế nào để khôi phục lại những giá trị tốt đẹp vốn có của ‘chợ luận văn’ hay của những vũ trường, quán karaoke v. v… thì chắc sẽ tốt hơn.

Kính thư.

Tên: Võ Văn Tạo( vvtao@dng.vnn.vn )

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm hoan nghênh chợ luận văn. Chỉ với vài chục nghìn đồng, rất đơn giản và nhanh chóng, sinh viên đã có trong tay các tài liệu tham khảo quý giá. Nếu copy nguyên xi hoặc gần như nguyên xi, không có phần bổ sung, cá biệt hoá một cách sáng tạo mà vẫn qua lọt khâu chấm luận văn thì rõ ràng do lỗi của người chấm.

Thực tế, cách nay vài năm, cháu tôi có đưa cho tôi xem bản luận văn tốt nghiệp Đại học của 1 trường tại TP Hồ Chí Minh của nó và vài cuốn luận văn khoá trước, được nhà trường cho là xuất sắc ( nó pho to để tham khảo).

Tôi rất ngạc nghiên vì các luận văn nói trên đều hết sức “ngớ ngẩn”, câu chữ luộm thuộm, tối nghĩa, ý tứ mâu thuẫn, đá nhau chan chát, kiến thức rỗng tuếch. Với một khả năng đọc hiểu nhất định, ai cũng biết rằng đây là những luận văn “vay mượn”, “lắp ráp” một cách thô vụng, càng đọc càng thấy bi hài và ngạc nhiên, lo lắng cho nền giáo dục đại học nước nhà. Vậy mà những luận văn ấy còn được cho điểm 9, điểm 10 cơ đấy, được lưu giữ như tài liệu tham khảo mẫu mực cơ đấy!

Nhìn những cuốn luận văn dày hàng trăm trang với bìa và trình bày, in ấn hào nhoáng nhưng bên trong là một “đống xà bần” không hơn không kém, tôi thấy tiếc cho những tờ giấy trắng bị đem ra in luận văn, tôi thấy giận các thày, các cô vô cùng. Tất cả đều vô nghĩa, tất cả đều loè loẹt, giả dối, hình thức, vô trách nhiệm.

Lẽ nào chúng ta cứ chấp nhận cái lối đào tạo đại học như thế mãi? Theo tôi, nếu việc viết luận văn chỉ là thủ tục cho có lệ thì tốt hơn hết, nếu chưa củng cố được nghiêm túc khâu viết và chấm luận văn, ta nên mạnh dạn bỏ hẳn khâu này cho tiết kiệm giấy, thời gian của thày, trò, cho giảm bớt thói giả dối, hình thức.,.

Tên: Nguyễn Vân Anh

Tôi ủng hộ chợ luận văn

Tôi chưa tốt nghiệp đại học nhưng hàng ngày tôi phục vụ rất nhiều người tìm tài liệu làm luận văn tốt nghiệp đại học, tiến sĩ. Trong số họ có cả người nước ngoài, tôi đã gửi tài liệu miễn phí tới hàng trăm người, thậm chí cả người Việt nam đang nghiên cứu ở nước ngoài.

Trong khi nói chuyện tôi rất hiểu những khó khăn về thông tin tham khảo mà họ đi tìm. Nơi thì không được tiếp cận, nơi đến nhưng không gặp, họ phàn nàn về người giúp đỡ, v v v. Song có sự khác biệt trong cách tìm tài liệu tham khảo của sinh viên Việt nam và sinh viên nước ngoài mà tôi đã gặp và đang phục vụ.

1, Kỹ năng tìm kiếm thông tin của sinh viên nưóc ngoài tốt hơn, tài liệu có sẵn trên mạng nhưng số đông sinh viên Việt nam không biết cách khai thác.

2, Thời gian tìm kiếm, sinh viên Việt nam không có thời gian để đọc tài liệu, họ luôn kêu rất bận trong khi đó sinh viên nước ngoài dành rất nhiều thời gian để đọc và so sánh với tài liệu hướng dẫn.

3, Như nội dung có bài đã nói đến người hướng dẫn quá bận hay vì lý do nào đó không dành thời gian giúp đỡ. Trong khi đó sinh viên nước ngoài luôn có người hướng dẫn bên cạnh, họ tranh luận trực tiếp khi có vấn đề cần thảo luận ngay, họ tranh luận qua E.mail.

Những lý do nói ở trên tôi không muốn so sánh sự khác biệt giữa sinh viên Việt nam và sinh viên nước ngoài đang nghiên cứu tại Việt nam mà chỉ muốn chứng minh sự cần thiết của chợ luận văn. Mong rằng nó sẽ được tổ chức hoạt động tốt hơn và có thể kết nối với hệ thống thư viện khi thư viện các trường chưa làm được việc này.

Tên: Nguyễn Kim Tú

Tôi đang dạy một trường Đại học ở Huế, vừa rồi mới bảo vệ xong khóa luận cho sinh viên cuối khóa và cũng xảy ra 2 trường hợp mà các ý kiến trên đã đề cập, đó là:

1. Giáo viên hướng dẫn cũng không có mặt tại buổi bảo vệ của sinh viên mà minh hướng dẫn, và tất nhiên cũng rất ít gặp sinh viên trong quá trình làm viêc.

2. Trường hợp thứ 2 thì giáo viên có mặt, thậm chí là chủ tịch hội đồng, tuy nhiên khi bảo vệ, thì hội đồng cũng như những người tham gia mới biết là quá trình làm viêc của 2 sinh viên này hầu như không có sự tham gia, chỉ bảo của giáo viên hướng dẫn, có quá nhiều sai sót xảy ra. Điều này càng được thể hiện rõ khi các giáo viên phản biện đọc nhận xét. Xin lưu ý là cả 2 trường hợp trên giáo viên hướng dẫn đều là Tiến sĩ.

Tên: Nguyễn Tử Siêm, GS TS Nông nghiệp

“Chợ luận văn” – một kênh thông tin bình dân

Cái mà một số người gọi là “chợ luận văn” tôi thấy đó là một kênh thông tin bình thường, cần thiết và đáp ứng tốt cho các học viên trong khi các phương tiện khác chưa đáp ứng được.

Đối với một người sắp phải làm luận văn, thì luận văn của người đi trước là một nguồn tham khảo hữu ích, ít nhất là về cấu trúc, cách lập luận, cách trình bày, tài liệu tham khảo, v.v. mà người học có thể tiếp cận nhanh và ít tốn phí.

Các giáo sư hướng dẫn tôi ở Liên Xô cũ, Pháp hay Canada trước đây, cũng như sau này tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh, đều không để ý đến việc người học xin hay mua được được tài liệu tham khảo ở đâu vì những tài liệu này khác với “phao” đem vào trường thi.

Vấn đề là họ sử dụng chúng như thế nào. Để xảy ra “đạo luận văn” là lỗi tại thầy và hội đồng chấm luận văn chứ không phải vì có cái “chợ”. Ở Pháp, chỉ cần 3 giáo sư ký duyệt là đủ, nhưng chất lượng luận văn đâu có kém.

Tên: Nguyễn Quang Toản

Muốn giỏi hãy chịu khó vào “chợ” luận văn

Tôi là người đã dạy đại học trên 30 năm, có đủ mọi loại học trò tốt nghiệp từ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, loại nào cũng ở hàng số nhiều. Tôi rất ngạc nhiên về những lời phàn nàn của các bạn về cái “chợ” này. Có thể do người viết cho rằng vì nó mà nhiều người sao chép được để có luận văn hay luận án đem bảo vệ, vì thế mà cần cấm nó. Nghĩ như thế là không đúng.

Nếu có điều ấy xảy ra thì tại ông thày và tại mgười học chứ không phải tại cái “chợ” này. Tại thày ở chỗ không kiểm tra được người học, mà việc này chỉ mất độ 15 phút hay một tiếng là nhiều. Hoặc tại thày cố tình làm ngơ. Tại người học ở chỗ không chịu học hoặc không biết cách học.

Còn cái chợ này thì nên khuyến khích, còn nên tổ chức tốt hơn, ví dụ hội Sinh Viên các trường nên đưa tất cả các luận án lên mạng, ví dụ lập một trang WEB luận văn tốt nghiệp, để SV nào muốn tra cứu thì vào tra cứu, không mất tiền.

Cũng có thể sử dụng được một ít ở đấy không mất công đánh máy lại, để thời gian làm việc sáng tạo có ích hơn. Nhiều nước làm như vậy và chất lượng tốt nghiệp của họ rất tốt. Nước nào cũng có thư viện luận án. Nước ta bạn đến thư viện quốc gia. Chúc các bạn thành công và muốn giỏi thì chịu khó vào “chợ” luận án hay luận văn.

Tên: Nguyễn Luật

Chợ luận văn là chợ tri thức !

Những ai quan tâm đến tri thức của nước nhà hiện ở mức nào chỉ có thể tham khảo các bài luận văn đã được các hội đồng khoa học có thẩm quyền xác nhận.

Vậy chợ luận văn nếu được tổ chức đúng đắn thì tốt biết bao cho các nhà khoa hoc nghiên cứư cùng một vấn đề khỏi phải đi lại từ đầu. Tiêu cực trong chỉnh sửa luận văn ở “chợ” của một số người là việc làm không tốt.

Để chặn tiêu cực này đòi hỏi hội đồng khoa học phải rất uyên bác chứ không phải xoá”chợ”.

Tên: Lê Hòang Việt Lâm

Điều quan trọng là ý thức con người

Trong học tập, nghiên cứu khoa học (mà làm LV tốt nghiệp là một biểu hiện cụ thể) chính là thước đo, là kết quả thể hiện cụ thể nhất năng lực và khả năng nghiên cứu của người sinh viên. Đó là kết quả của một qúa trình sáng tạo, đam mê tích cực nghiên cứu, là thành quả của sự nỗ lực tìm tòi mà người sinh viên, nhất là những sinh viên giỏi luôn hướng tới. bên cạnh sự sáng tạo, tích cực nghiên cứu, bên cạnh sự hướng dẫn vả chỉ bảo của người thầy, thì một yếu tố quan trọng, được xem là không thể thiếu quyết định sự thành công của đề tài chính là tài liệu tham khảo. tài liệu ấy nằm ở đâu nếu như đó không phải là sách báo, mạng Inte…, là những tài liệu thực tiễn.

Và, có một loại tài liệu mà đôi khi, đó chính là nơi sẽ xuất hiện những ý tưởng, những thông số, những tư liệu mới để góp phần hòan thiện cho một công trình nghiên cứu khoa học. Chợ Luận văn chính là một trong số đó. vậy là, cái quan trọng, theo tôi đó chính là ý thức của mỗi người làm NCKH. Phải nhân thức được rằng, NCKH không phải là sự cóp nhặt, “ăn cắp”, một hình thức đối phó… vì điểm, vì tiền, vì để thăng quan tiến chức, mà là vì những giá trị tri thức, là kết quả của một quá trình tư duy và làm việc nghiêm túc của một cá nhân. hãy nhận thức được rằng, kết quả của những công trình NCKH do mình tạo ra chính là những giá trị thực tiễn chứng minh cho giá trị của cái TÂM, cái TẦM của mình, và thực tiễn đó chính là thước đo của chân lý, là ông thầy của chúng ta, là người phản biện khách quan và vô tư nhất cho chúng ta trong mọi trường hợp.

Chính từ thực tiễn ấy – thứ thực tiễn do chính mình tạo ra để tự đánh giá lại mình, khách quan xem xét về khả năng của mình để từ đó định hướng cho tương lai. tất nhiên, để tránh sự “coppy” trong việc làm NCKH nói chung và viết Luận văn nói riêng, nên chăng, các nhà truờng sẽ có những giải pháp khả thi để ngăn chặn tình trạng ấy.

Ví như, nhà trường cần mua toàn bộ những bài viết Luận văn đó lại (mua theoi những chuyên ngành đào tạo của nhà trường) và đưa vào thư viện, trở thành một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho sinh viên?! Số tiền đó, tuy lớn (ko phải là quá lớn) nhưng xét cho cùng, mục đích của nó lớn hơn gấp ngàn lần.

Tên : Đăng Khoa

Kính gửi các độc giả thân thiết của Tienphongonline!

Tôi là Đăng Khoa, tác giả bài báo 2 kỳ “Nhập nhằng chợ luận văn” đã đăng trên báo Tiền Phong và nhận được những ý kiến phản hồi từ bạn bè, quý cô bác vừa qua.

Thật sự, tôi cảm thấy rất trân trọng những ý kiến trên diễn đàn. Một người làm báo, bài viết của mình nhận được sự hưởng ứng, quan tâm ai mà chẳng cảm thấy vui. Quý báu hơn, tôi đang là người bước những bước đầu tiên trên con đường làm báo, đam mê cả đời của mình.

Những ý kiến phản hồi, tôi thấy đa phần xoay quanh chơ luận văn. Đúng, tôi rất ủng hộ việc chợ luận văn cần có để sinh viên tham khảo trong khi kho tư liệu tại các trường hoặc rất thiếu thốn, hoặc sinh viên khó mượn để tham khảo. Cái chính, như một ý kiến trong diễn đàn là ý thức của người đạo luận văn và người hướng dẫn. Xin không bàn thêm về điều này. Hãy để người đọc đánh giá.

Tôi chỉ muốn nói thêm về bài viết. Ý kiến của tôi về Chợ luận văn đa phần cũng như của các ý kiến khác trong diễn đàn. Nhưng tôi đang hướng mũi dùi vào việc làm luận văn theo cách tiêu cực, và ngòi bút của mình buộc phải chĩa theo hướng ấy. Chắc chắn sắp tới sẽ có 1 bất ngờ liên quan đến việc này.

Hi vọng lúc ấy, những ý kiến phản hồi sẽ nhiều hơn nữa. Cám ơn tất cả những ý kiến đóng góp trên Tienphongonline vừa qua. Tôi sẽ trưởng thành hơn với ngòi bút của mình. Chắc chắn như vậy! Mong rằng Tiền Phong sẽ mãi là tờ báo thân thiết, mảnh đất chung cho tất cả chúng ta.

Tên: Nhật Tân

Hệ thống thư viện của ta, bộ máy chính thống có trách nhiệm giúp cung cấp tư liệu cho người làm tham khảo, thì một thị trường tự do là cần thiết, một cái chợ sinh ra là tất yếu, muốn xoá là điều không tưởng. Có điều nó chỉ là nơi cung cấp một số nguyên liệu giúp hoàn thiên ” luận văn”… chứ không phải để sao chép v.v. ..

Vì thế mới cần các chuyên gia thẩm định, mới cần bảo vệ. Do đó cần xem lại chất lượng đội ngũ thẩm định, các buổi ” bảo vệ luận văn”. Sự trung thực cần bắt đầu từ bên trên, nếu không chẳng có cách gì, dù có tranh cãi đến đâu cũng vậy.

Tên: Đào Văn Bách

Sau khi đoc bài báo cảnh báo về chợ luận văn tôi xin góp một vài ý kiến cá nhân đối với vấn đè này. Tôi thực sự giật mình về cái giật mình của tác giả. Là một cử nhân kinh tế tôi đã từng sống trong cái chợ phao đó, khi ra trường tôi cũng không ít lần phải đến chợ phao để copy các luận văn về đọc.

Các luận văn đó viết về một mảng nhỏ, tôi đố ai có thể tham khảo vài ba cuốn sách để có được khỏang 30 trang lý thuyết về vấn đề đây. Tôi ao ước các trường Đại học cũng làm những chợ phao như thê trên mạng thì hay biết bao, các sinh viên, các cán bộ quản lý, các nhân viên kinh doanh có thể tham khảo các vấn đề một cách chuyên sâu mà không mất công ra chợ.

Các bạn có thể tưởng tượng nổi không khi tôi ra chợ, vào một gian hàng đề nghị cho xem các luận văn kinh tế để tham khảo thì họ cho tôi xem một danh sách trên máy, họ có it quá, chỉ có chừng 20.000 luận văn( “chỉ có hai mươi nghìn luận văn thôi”), tôi lại nghĩ có nếu mình có nó thì tôi sẽ mang chợ ra mạng, ai vào xem phải trả tiền thì có khi giầu to. Hàng ngày sẽ có ít nhất hàng trăm sinh viên, nhân viên kinh doanh và cán bộ quản lý vào gian hàng của tôi tham khảo.

Hình như công sức để chuyển lên cũng không khó khăn lắm (các gian hàng ở chợ, diện tích thuê khoảng 10m2 họ làm được chắc các trường đại học “cố gắng” cũng làm được”.

Tên: Đặng Công Hiến

Cần xem lại khả năng của những người hướng dẫn và hội đồng xét Luận văn

Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề chợ Luận văn một cách toàn diện.

– Thứ nhất, chúng ta hãy xem việc bán luận văn cũng như bán một cuốn sách vậy vì nó là một sản phẩm khoa học đã được công nhận và có quền công bố

– Thứ hai, các sinh viên làm tốt nghiệp có quyền được tham khảo những tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu để thực hiện cho việc viết luận văn của mình

– thứ ba, các “sản phẩm khoa học” của sinh viên tốt nghiệp ít nhiều đã có người quan tâm đến. Chỉ với hai lý do trên, chúng ta có thể đi đến khẳng định một điều là chợ luận văn nên tồn tại. Không những thế mà chúng ta nên khuyến khích mở rộng.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta phải quản lý như thế nào cho thực sự hiệu quả và hợp lý, tránh tình trạng sao chép rập khuôn của những sinh viên khoá dưới đang thực hiện viết luân văn tốt nghiệp. Có lẽ việc làm này không ai hết phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn là chủ yếu.

Tôi muốn nối đến ở đây là lương tâm khoa học, kiến thức và trách nhiệm của nguời hướng dẫn sinh viên làm luận văn. Chính thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người thầy người cô này đã tạo điều kiện cho sinh viên mình thực hiện một việc làm đáng xấu hổ đó.

Không ít những người thầy (cô) là giáo sư, tiến sĩ đã không quan tâm thích đáng trước vấn đề này. Cũng nói thêm ở đây là việc giáo dục tư tưởng đạo đức cho sinh viên, phải có cơ chế và phương pháp giáo dục hợp lý để khuyến khích sinh viên tìm tòi nghiên cứu thực sự.

Tên: Một bạn đọc

Toi hoan toan ung ho cac phuong thuc de tiep can cac tai lieu ho tro hoc tap, dac biet cac truong co the dung ra xay dung co so du lieu luan van de sinh vi­en do phai ton tien di cho. San pham thuc su cua ai, trong qua trinh lam luan van va “con mat” cua Hoi dong, chang nhe lai khong nhan ra.

Tên: Lý Hải Yến – Báo Quốc Tế

Thầy hướng dẫn vắng mặt trong lễ bảo vệ!?

Tôi đã đọc hai bài viết của hai nhà giáo, nhà nghiên cứu trên và tôi thấy rất đồng tình với ý kiến của họ. Tôi chỉ muốn kể ra ở đây một buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học của một sinh viên Đại học Luật mà tôi vừa tham dự tuần truớc.

– Cái lạ đầu tiên mà tôi thấy, là thầy hướng dẫn (hiện là một cán bộ cấp vụ ở Bộ Tư Pháp) đã không có mặt tại Buổi lễ bảo vệ mà ông hướng dẫn cho sinh viên. Ông “có mặt” tại buổi lễ này bằng một lá thư, trong đó ghi những đánh giá và nhận xét của ông về tinh thần nghiên cứu và “học hỏi nghiêm túc” của sinh viên mà ông hướng dẫn.

Ông cũng đưa ra nhận xét (rất tốt) về bản luận văn, và cuối cùng là cho điểm xuất sắc cho luận văn này. Sau đó thì thày phản biện đứng lên đọc lời nhận xét, đưa ra một vài câu hỏi để sinh viên trả lời. Các thày cô giáo khác trong hội đồng cũng thế. Bản luận văn đã được 9,7 điểm…

Sau giờ bảo vệ, tôi đã nán lại thêm để hỏi sinh viên về quá trình làm luận văn của em. Một chút do dự thoáng qua trên gương mặt em, khiến tôi đủ hiểu những gì em e ngại chưa muốn nói. Qua bạn bè, tôi biết, trong thời gian em làm luận văn, em rất ít khi (đếm trên đầu ngón tay) được gặp thày hướng dẫn của mình. Lúc nào xin gặp thày cũng bận công việc, lo đi nước ngoài, hội thảo. Thậm chí đến sát ngày bảo vệ, muốn gặp thầy cũng không được vì “lý do gia đình, em đến nhà tôi không tiện”.

Tôi thử hỏi, với một ngưòi hướng dẫn như vậy, các em biết trông cậy vào ai? Nếu vị này quá bận, không có thời gian để hưóng dẫn, tại sao Khoa lại cử ông ta hướng dẫn cho sinh viên? Hay là vì “tiêu chuẩn” của học hàm học vị đòi hỏi phải có số X, số N luận văn hướng dẫn thì mới đạt tiêu chuẩn nên ông ta “bắt buộc” phải làm…thày?

Vì vậy, cái “chợ” luận văn kia, trong trường hợp này quả thật là một người thầy. Ít nhất, nếu nó không giúp đuợc gì thì cũng khiến cho những người như em sinh viên kể trên hình dung ra cái luận văn nó “đầu cua tai nheo” thế nào. Đó là chưa kể một khối lượng lớn tư liệu mà em có thể tham khảo. Vì ngưòi làm luận văn trước đó cũng phải nghiên cứu thì mới “cho ra sản phẩm” chứ!

Còn việc có chép, đạo luận văn hay không, đó là trách nhiệm của người thày. Vì chỉ có ông ta mới biết, sinh viên của ông ta có làm việc, nghiên cứu thực sự hay không?

Tên: Phan Tuấn Anh

Một cái nhìn khác về chợ luận văn

Chợ luận văn quả thật rất cần tồn tại và phát triển. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, internet đã có mặt ở hầu khắp các miền quê từ thành thị đến nông thôn nhưng không phải ai cũng dễ dàng hay biết cách tìm được thông tin mình cần trong biển thông tin đó.

Thông tin và nội dung về các luận văn và trong các luận văn đã được bảo vệ, một dạng tài liệu tham khảo chưa có cơ hội sử dụng một cách hiệu quả. Chúng ta chưa có một kho dữ liệu số lưu trữ các bài luận văn hay ít ra là các bài luận văn hay có giá trị cao để lứa sinh viên đi sau có thể tham khảo các công trình mà cha anh mình đã thực hiện để có thể dùng làm chất liệu cho công trình của mình hay ít ra là biết về vấn đề mình đang làm đã có ai quan tâm chưa và kết quả đã đạt đến đâu!?

Về vấn đề “đạo luận văn”, ý kiến của tôi cho rằng những người bán luận văn không những không có lỗi mà còn đóng góp công sức đáng kể của mình trong việc quảng bá kiến thức khoa học, là nội dung của các bản luận văn đã nêu.

Bản thân cuốn luận văn là một tư liệu khoa học lại càng không có lỗi gì mà nó đang thực hiện đúng bổn phận của nó khi chuyển tải thông tin đến người quan tâm.

Lỗi lớn nhất nằm trong chính ý thức của người “đạo” và của người hướng dẫn đã không hướng dẫn đúng trách nhiệm để xảy ra một vụ đạo. Trong lịch sử khoa cử của nước ta đã có không ít các vụ đạo đã bị phát hiện và một số vụ đạo khác chưa bị phát hiện hay sẽ không bao giờ bị phát hiện.

Vấn đề là khi một vụ đạo bị phát hiện, nhiều kẻ đạo đã bị xử lý, một số không bị xử lý thích đáng nhưng với lương tâm còn lại của một kẻ sỹ hoặc trước mắt đồng nghiệp, bạn bè, họ cũng đã bị xử lý. Một kẻ đã có tâm đạo thì nếu không đạo được ngoài chợ, hắn sẽ đạo trong nhà,… Chợ luận văn cần được tồn tại và khuyến khích phát triển !

Tên: T Q Thắng

Tôi đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Chợ luận văn !

Tôi đã từng là sinh viên đại học và học viên cao học của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội. Vì thế, ít nhất 2 lần tôi đã phải làm luận văn tốt nghiệp và không ít lần, tôi cũng đã phải tìm tài liệu để phục vụ cho viết tiểu luận và đề tài nghiên cứu.

Do đó, tôi cũng đã trải qua và thấu hiểu phần nào những khó khăn trong việc tìm tài liệu phục vụ nghiên cứu tại Việt Nam. Khi cần tìm một tài liệu nào đó, nhất là chuyên ngành, tôi có thể tìm kiếm trên mạng Internet. Tuy nhiên, các nghiên cứu, nhất là về chuyên ngành của tôi thường không được công bố nhiều trên mạng, mà chủ yếu là các bài báo. Việc tìm kiếm ở thư viện trường đại học cũng rất khó khăn, không thuận tiện về thời gian và không cho phép mang tài liệu ra ngòai sao chụp.

Chính vì thế, nhiều lúc tôi chợt nghĩ, không biết vấn đề mình đang viết đã được người khác giải quyết chưa??? Đó là một câu hỏi mà tôi rất khó tìm lời giải đáp. Tôi cũng đã đến Chợ luận văn để tìm kiếm các tài liệu phục vụ luận văn, tiểu luận. Theo tôi, khi đã có chợ nghĩa là có người mua, có kẻ bán. Tại sao lại có người mua? Đơn giản chỉ vì họ cần thông tin.

Vấn đề ở đây là họ lại bị phán xét tiêu cực khi phải bỏ tiền ra mua và sử dụng những thông tin ấy. Theo tôi, việc trao đổi thông tin là hết sức cần thiết. Đã qua rồi thời kỳ mọi thông tin phải đến tận nơi, tận người làm ra thông tin đó để xin, để được đọc, được sao chụp. Quan trọng nhất là phải có cơ chế để kiểm soát các thông tin đã được sử dụng đó mà thôi.

Tôi đã có ý định tập hợp những luận văn, luận án về chuyên ngành của tôi và sẽ công bố thông tin trên các diễn đàn liên quan. Tôi nghĩ rằng điều này là cần thiết, nhất là cho những người quan tâm. Trong điều kiện của mình thì việc này rất khó thực hiện và hiệu quả thấp.

Chính vì vậy, tôi tha thiết mong muốn các trường đại học của Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu, các bộ ngành hãy công bố toàn bộ những nghiên cứu của mình trên mạng Internet, để cho những sinh viên, những người làm công tác nghiên cứu có cơ hội tiếp cận kho tri thức và có cơ hội cải biến tri thức của mình.

Tôi nghĩ điều này sẽ giúp ích nhiều hơn cho nền khoa học nước nhà. Do đó, tôi đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Chợ luận văn.

Tên: Tran Quang Hung

Hãy nhìn toàn cảnh việc làm luận văn của sinh viên

Bạn Đăng Khoa đã cho người đọc thấy một thực tế rất đáng báo động của một bộ phận sinh viên các trường thuộc khối xã hội và kinh tế.

Tuy nhiên tôi cũng là một người chứng kiến rất nhiều các bạn sinh viên làm việc thật sự, các bạn làm cho chính các bạn. Tôi muốn nói đến các thế hệ sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà nội nói chung và trường Đại học khoa học Tự nhiên nói riêng.

Các bạn đã từng là sinh viên của trường, đang là sinh viên của trường và đang làm khoá luận là người trong cuộc thì hiển nhiên các bạn sẽ công nhận với tôi, còn các bạn chưa được biết không khí làm việc nghiêm túc của các thế hệ sinh viên chúng tôi tại trường thì hãy một lần bạn tiếp xúc với sinh viên vào thời gian làm khoá luận thì sẽ thấy rỗ hết được sự cố gắng nỗ lực của các bạn sinh viên của trường Tự nhiên nói riêng của chúng tôi.

Chúng tôi không có chuyện mua bán luận văn, hoặc làm luận văn thuê, tất cả những việc của bạn Khoa kể ra là vô nghĩa trong môi trường của chúng tôi. Từ khi nhận đề tài, các bạn sinh viên phải tìm hiểu tài liệu, sau đó tiến hành chế tạo mẫu cần báo cáo trong khoá luận, khi thu được kết quả thì các bạn tiến hành viết báo cáo, khi viết xong phải được thầy cô hướng dẫn góp ý về kiến thức khoa học cũng như về nội dung sẽ viết luận văn, những gì cần sửa chữa…

Nói như thế có lẽ không tả hết được nỗi vất vả của các bạn sinh viên, khi nào có dịp mời những ai quan tâm đến vẫn đề này đến nói chuyện với bất cứ sinh viên nào của trường Tự nhiên trong quá trình làm luận văn thì sẽ thấy được việc học tập thật sự của sinh viên nói chung của chúng ta.

Nhân dịp này cho tôi gửi lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất đến các bạn sinh viên. Một người từng là sinh viên theo đúng nghĩa, hiện đang học tập và làm việc tại Đại học Khoa học Tự nhiên.

Vậy “Chợ Luận Văn” có cần được duy trì và nhân rộng?

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?