Các nguyên nhân và tác động của rủi ro tín dụng

Các nghiên cứu về mô hình quản lý rủi ro tín dụng

Mục lục

Các nguyên nhân và tác động của rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng thường bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan

1. Các nguyên nhân khách quan

1.1. Nguyên nhân từ môi trường chính trị và pháp lý

Môi trường chính trị cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tín dụng của ngân hàng. Tình hình chính trị xã hội không ổn định thì không chỉ riêng các khách hàng sản xuất mà cả các ngân hàng cũng khó có thể yên tâm tập trung vào đầu tư, mở rộng kinh doanh, đặc biệt là mở rộng tín dụng. Hơn nữa, sự bất ổn về chính trị xã hội sẽ dẫn đến sự mất lòng tin của dân chúng cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Môi trường pháp lý cũng có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình quản lý rủi ro tín dụng của Ngân hàng. Xác lập một khuôn khổ pháp luật đồng bộ, nhất quán điều chỉnh các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế thị trường được xem như là điều kiện tiên quyết đảm bảo thị trường hoạt động có hiệu quả. Chính vì vậy, nhân tố pháp lý có vị trí rất quan trọng đối với hoạt động cho vay của ngân hàng. Nhân tố pháp lý còn thể hiện qua các quy định của Nhà nước về hoạt động ngân hàng nói chung và các quy định về đảm bảo an toàn tín dụng nói riêng. Các quy định phù hợp sẽ tạo điều kiện phát triển hoạt động của các ngân hàng an toàn nhưng nếu các quy định không phù hợp sẽ dẫn đến  sự kìm hãm phát triển, trong đó bao gồm cả việc ảnh hưởng đến mức độ an toàn trong hoạt động của các ngân hàng.

1.2. Nguyên nhân từ môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế được phản ánh qua chu kỳ kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và tác động của xu thế toàn cầu hóa, cụ thể:

Chu kỳ phát triển kinh tế có tác động đến hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng. Khi nền kinh tế tăng trưởng và ổn định thì hoạt động tín dụng sẽ tăng trưởng và ít rủi ro hơn. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái và khủng hoảng thì hoạt động tín dụng gặp khó khăn và rủi ro cao. Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển với tốc độ thấp, biểu hiện tính suy thoái, sản xuất kinh doanh của các khách hàng bị thu hẹp, không hiệu quả và gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng bị thua lỗ và bị phá sản. Nếu ngân hàng lúc này vẫn tiếp tục tăng trưởng tín dụng ở mức cao thì khả năng rủi ro, không thu được nợ sẽ tăng lên.

Chính sách kinh tế của Chính phủ thông qua những quy định như về thuế, chính sách xuất nhập khẩu… sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng bởi các chính sách này tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các khách hàng của ngân hàng. Khi chính phủ có chính sách ưu đãi như giảm thuế, bảo hộ hàng sản xuất trong nước của một ngành nào đó bằng cách đề ra hạn ngạch xuất khẩu, hoặc cấm nhập hay tăng thuế nhập khẩu và ngược lại, đưa ra chính sách giữ giá hay phá giá đồng nội tệ thì cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng. Một đất nước mà các chính sách kinh tế thường xuyên thay đổi, khó dự đoán sẽ gây tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của các khách hàng và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng.

Xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới, vì thế sự biến động tình hình kinh tế, chính trị xã hội ở nước ngoài cũng ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, chính trị xã hội trong nước, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng. Các doanh nghiệp cũng như ngân hàng đều phải nắm bắt xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới và khu vực, những ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh doanh của đất nước cũng như đối với cá nhân mỗi khách hàng để có những bước đi, kế hoạch đổi mới, phát triển cho phù hợp. Việc thụ động với xu hướng phát triển toàn cầu sẽ làm cho khách hàng bị tụt hậu, không đạt được hiệu quả trong kinh doanh, không cạnh tranh được trên thị trường.

1.3 Nguyên nhân từ phía khách hàng vay vốn

Năng lực quản lý, điều hành của khách hàng

Trình độ của người vay trong dự đoán các vấn đề kinh doanh, năng lực quản lý, điều hành của Ban lãnh đạo có tính chất quyết định đến hiệu quả sử dụng vốn vay, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện cam kết với ngân hàng. Do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý rủi ro tín dụng. Nhiều người vay sẵn sàng mạo hiểm với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao, để đạt được mục đích của mình họ sẵn sàng tìm mọi thủ đoạn ứng phó với Ngân hàng, như cung cấp thông tin sai sự thật, mua chuộc…Nhiều khách hàng vay vốn không tính toán kỹ lưỡng, mở rộng đầu tư quá mức, hoặc không có khả năng tính toán kỹ những bất trắc có thể xảy ra, không có khả năng thích ứng và khắc phục những khó khăn trong kinh doanh. Trường hợp còn lại là khách hàng vay vốn kinh doanh có lãi nhưng vẫn không trả nợ đúng hạn, họ chây ỳ với hy vọng có thể được xoá nợ, sử dụng vốn vay càng lâu càng tốt.

Tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch

Năng lực tài chính là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng ngân hàng bởi nếu khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định, có uy tín thì khi có biến cố xảy ra, khách hàng có khả năng chống đỡ rủi ro bằng vốn chủ sở hữu và hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng.
Quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ bé, tỷ lệ nơ so với vốn tự có cao là đặc điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, thói quen ghi chép đầy đủ, chính xác, rõ ràng các sổ sách kế toán vẫn chưa được các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm chỉnh và trung thực. Do vậy, sổ sách kế toán mà các  doanh nghiệp cung cấp cho ngân hàng nhiều khi chỉ mang tính chất hình thức hơn là thực chất. Khi cán bộ ngân hàng lập các bản phân tích tài chính của doanh nghiệp dựa trên số liệu do các doanh nghiệp cung cấp, thường thiếu tính thực tế và xác thực. Đây cũng là nguyên nhân vì sao ngân hàng vẫn luôn xem nặng phần tài sản thế chấp như là chỗ dựa cuối cùng để phòng chống rủi ro tín dụng.

Sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ vay

Đa số các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng đều có các phương án kinh doanh cụ thể, khả thi. Số lượng các doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, cố ý lừa đảo ngân hàng để chiếm đoạt tài sản không nhiều. Tuy nhiên những vụ việc phát sinh lại hết sức nặng nề, liên quan đến uy tín của các cán bộ, làm ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp khác.

2. Các nguyên nhân chủ quan

2.1. Do chính sách tín dụng của ngân hàng

Rủi ro do chính sách cho vay: chính sách tín dụng không minh bạch làm cho hoạt động tín dụng lệch lạc, dẫn đến việc cấp tín dụng không đúng đối tượng, tạo ra khe hở cho người sử dụng vốn có những hành vi vi phạm hợp đồng và pháp luật của nhà nước.

2.2. Do những yếu kém của cán bộ tín dụng

Rủi ro do cán bộ tín dụng tính toán không chính xác hiệu quả đầu tư dự án xin vay. Cán bộ tín dụng không nắm rõ đặc điểm của ngành mà mình đang cho vay, hoặc do chính cán bộ tín dụng cố ý cho vay, dù đã tính toán được dự án xin vay không có hiệu quả, tính khả thi thấp, điều này sẽ gây ra rủi ro lớn cho ngân hàng.

Rủi ro do ngân hàng đánh giá chưa đúng mức về khoản vay, về người đi vay, chủ quan tin tưởng vào khách hàng thân thiết, coi nhẹ khâu kiểm tra tình hình tài chính, khả năng thanh toán hiện tại và tương lai, nguồn trả nợ.
Một số vụ án kinh tế lớn trong thời gian vừa qua có liên quan đến cán bộ ngân hàng đều có sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng cùng với khách  hàng làm giả hồ sơ vay, hay nâng giá tài sản thế chấp, cầm cố lên quá cao so với thực tế để rút tiền ngân hàng.

Đạo đức của cán bộ là một trong các yếu tố tối quan trọng để giải quyết vấn đề hạn chế rủi ro tín dụng. Một cán bộ kém về năng lực có thể bồi dưỡng thêm, nhưng một cán bộ tha hóa về đạo đức mà lại giỏi về mặt nghiệp vụ thì thật vô cùng nguy hiểm khi được bố trí trong công tác tín dụng.

2.3. Thiếu giám sát và quản lý sau khi cho vay

Các ngân hàng thường có thói quen tập trung nhiều công sức cho việc thẩm định trước khi cho vay mà nới lỏng quá trình kiểm tra, kiểm soát đồng vốn sau khi cho vay. Khi ngân hàng cho vay thì khoản cho vay cần phải được quản lý một cách chủ động để đảm bảo sẽ được hoàn trả. Theo dõi nợ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của cán bộ tín dụng nói riêng và của ngân hàng nói chung. Việc theo dõi hoạt động của khách hàng vay nhằm tuân thủ các điều khoản đề ra trong hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng nhằm tìm ra những cơ hội kinh doanh mới và mở rộng cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên trong thời gian qua các NHTM chưa thực hiện tốt công tác này. Điều này một phần do yếu tố tâm lý ngại gây phiền hà cho khách hàng của cán bộ ngân hàng, một phần do hệ thống thông tin quản lý phục vụ kinh doanh tại các doanh nghiệp quá lạc hậu, không cung cấp được kịp thời, đầy đủ các thông tin mà NHTM yêu cầu.

2.4. Lỏng lẻo trong công tác kiểm tra nội bộ các ngân hàng

Kiểm tra nội bộ có điểm mạnh hơn thanh tra NHNN ở tính thời gian vì nó nhanh chóng, kịp thời ngay khi vừa phát sinh vấn đề và tính sâu sát của người kiểm tra viên, do việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên cùng với công việc kinh doanh. Nhưng thời gian trước đây, công việc kiểm tra nội bộ của các ngân hàng hầu như chỉ tồn tại trên hình thức. Kiểm tra nội bộ cần phải được xem như hệ thống “thắng” của cỗ xe tín dụng. Cỗ xe càng lao đi với vận tốc lớn thì hệ thống này càng phải an toàn, hiệu quả thì mới tránh cho cỗ xe khỏi đi vào những ngã rẽ rủi ro vốn luôn luôn tồn tại thường trực trên con đường đi tới.

2.5. Sự hợp tác giữa các NHTM quá lỏng lẻo, vai trò của CIC chưa thực sự hiệu quả

Kinh doanh ngân hàng là một nghề đặc biệt huy động vốn để cho vay hay nói cách khác đi vay để cho vay, do vậy vấn đề rủi ro trong hoạt động tín dụng là không thể tránh khỏi, các ngân hàng cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm hạn chế rủi ro. Sự hợp tác nảy sinh do nhu cầu quản lý rủi ro đối với cùng một khách hàng khi khách hàng này vay tiền tại nhiều ngân hàng. Trong quản trị tài chính, khả năng trả nợ của một khách hàng là một con số cụ thể, có giới hạn tối đa của nó. Nếu do sự thiếu trao đổi thông tin, dẫn đến việc nhiều ngân hàng cùng cho vay một khách hàng đến mức vượt quá giới hạn tối đa này thì rủi ro chia đều cho tất cả chứ không chừa một ngân hàng nào.

Trong tình hình cạnh tranh giữa các NHTM ngày càng gay gắt như hiện nay, vai trò của CIC là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để các ngân hàng có các quyết định cho vay hợp lý. Đáng tiếc là hiện nay ngân hàng dữ liệu của CIC chưa đầy đủ và thông tin còn quá đơn điệu, chưa được cập nhật và xử lý kịp thời.
Tóm lại, RRTD có thể phát sinh do rất nhiều nguyên nhân: khách quan và chủ quan. Phụ thuộc phần lớn vào năng lực của các bộ phận tín dụng, chức năng quản lý của ngân hàng, khách hàng, các cơ chế chính sách của ngân hàng và nhà nước. Các biện pháp phòng chống và hạn chế rủi ro đều đang nằm trong tầm tay của các NHTM, nhưng cũng có những biện pháp thuộc về bí kíp riêng của mỗi ngân hàng và các nhà quản lý.

3. Tác động của rủi ro tín dụng

3.1. Giảm lợi nhuận của ngân hàng

Khi RRTD xảy ra sẽ phát sinh các khoản nợ khó đòi, sự ứ đọng vốn dẫn đến giảm vòng quay vốn ngân hàng. Mặt khác, khi có quá nhiều các khoản nợ khó hoặc không thu hồi được sẽ phát sinh các khoản chi phí quản lý, giám sát, thu nợ,…các chi phí này cao hơn khoản thu nhập từ việc tăng lãi suất nợ quá hạn, vì đây chỉ là những khoản thu nhập ảo, một trong những biện pháp xử lý của ngân hàng, thực tế ngân hàng rất khó có thể thu hồi đầy đủ chúng. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi cho các khoản tiền huy động trong khi một bộ phận tài sản của ngân hàng không thu được lãi cũng như không chuyển được  thành tiền cho người khác vay và thu lãi. Kết quả là lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị giảm sút.

3.2. Giảm khả năng thanh toán của ngân hàng

Ngân hàng thường lập kế hoạch cân đối dòng tiền ra (trả lãi và gốc tiền gửi, cho vay, đầu tư mới,…) và dòng tiền vào (tiền nhận gửi, tiền thu nợ gốc và lãi cho vay,…) tại các thời điểm trong tương lai. Khi các hợp đồng vay không được thanh toán đầy đủ và đúng hạn sẽ dẫn đến sự không cân đối giữa hai dòng tiền. Một thực tế diễn ra, các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng vẫn phải thanh toán đúng kỳ hạn trong khi các khoản tiền vay của khách hàng lại không được hoàn trả đúng hẹn. Nếu ngân hàng không đi vay hoặc bán các tài sản của mình thì khả năng chi trả của ngân hàng sẽ bị suy yếu, gặp phải vấn đề lớn trong rủi ro thanh khoản.

3.3. Giảm uy tín của ngân hàng

Tình trạng mất khả năng chi trả tái diễn nhiều lần, hay những thông tin về RRTD của ngân hàng bị tiết lộ ra công chúng, uy tín của ngân hàng trên thị trường tài chính sẽ bị giảm sút, đây là cơ hội tốt cho các đối thủ cạnh tranh giành giật lấy thị trường và khách hàng.

3.4. Phá sản ngân hàng

Nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng khó khăn trong việc hoàn trả, nhất là những khoản vay lớn thì có thể dẫn đến khủng hoảng trong hoạt động của chính ngân hàng. Khi ngân hàng không chuẩn bị trước các phương án dự phòng, không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu rút vốn quá lớn, sẽ nhanh chóng mất khả năng thanh toán, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng.

Các nguyên nhân và tác động của rủi ro tín dụng

5/5 - (103 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

5 thoughts on “Các nguyên nhân và tác động của rủi ro tín dụng

  1. Pingback: Nghiên cứu về đánh giá rủi ro tín dụng | Luận Văn A-Z

  2. tình says:

    Đọc bài này và nhìn nhận thực tế thì có thể nhận thấy rõ chính trị ảnh hưởng kinh tế rất nghiêm trọng. Mong sao Châu Âu sớm ổn định hòa bình để phát triển kinh tế , kéo đà cho Việt Nam ta phát triển theo, doanh nghiệp trong nước vượt qua được thời kỳ kinh tế ảm đạm đang gồng gánh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?