Các lý thuyết về tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

kế toán cho vay

Mục lục

Các lý thuyết về tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

Sự liên kết giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế từ lâu đã trở nthành chủ đề được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Nhiều nghiên cứu đã nỗ lực đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi lớn: Liệu các quốc gia có phải đối mặt với sự đánh đổi giữa giảm bất bình đẳng thu nhập và cải thiện thành tựu tăng trưởng hay không, liệu bất bình đẳng thu nhập có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia hay không? Nếu có, thì hình mẫu cụ thể của mối quan hệ là gì và tại sao? Giả thuyết về mối liên hệ giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng kinh tế rất nhiều và đa dạng.

Nghiên cứu của Simon Kuznets (1955) với tiêu đề “Tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập” được công bố trên Tạp chí Kinh tế Mỹ năm 1955 đã đặt nền móng cho các nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập. Ông là người đầu tiên giới thiệu ý tưởng về một liên kết giữa bất bình đẳng và phát triển. Kuznets chỉ ra rằng sự phát triển liên quan đến sự dịch
chuyển dân số từ các hoạt động truyền thống đến các hoạt động hiện đại. Quá trình dịch chuyển này của dân số từ tham gia sản xuất nông nghiệp chuyển sang sản xuất công nghiệp cho phép Kuznets để dự đoán hành vi của bất bình đẳng trong quá trình phát triển:

“Tăng trưởng ở các nước phát triển gắn liền với sự dịch chuyển khỏi nông nghiệp, một quá trình thường được gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa. Do đó, trong mô hình đơn giản, phân phối thu nhập cho toàn bộ dân số có thể được xem như là sự kết hợp giữa phân phối thu nhập cho người dân ở nông thôn và đô thị. Những gì mà chúng ta quan sát thấy về phân phối thu nhập trong hai khu vực đó là: (a) thu nhập bình quân đầu người của người dân ở nông thôn thường thấp hơn so với ở đô thị; (b) bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở nông thôn thấp hơn so với đô thị… Với mô hình đơn giản này, chúng ta có thể đưa ra những kết luận gì? Đầu tiên, với tất cả các điều kiện khác như nhau, tăng tỷ trọng của dân cư đô thị không nhất thiết làm giảm tăng trưởng kinh tế: thực ra, có một số bằng chứng cho thấy rằng tăng trưởng có thể cao hơn bởi vì năng suất bình quân đầu người ở đô thị tăng nhanh hơn trong nông nghiệp. Nếu điều này đúng, thì bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tổng thể tăng lên. ” (Kuznets, 1955, trang 7-8)

Ý tưởng chính trong nghiên cứu của ông là mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập có thể biểu thị bằng một hình chữ U ngược. Điều này thường được biết đến trong các tài liệu kinh tế như là ‘giả thuyết Kuznets’. Giả thuyết này cho rằng, ở mức thu nhập bình quân đầu người thấp bất bình đẳng thu nhập tăng cùng với sự gia tăng của thu nhập bình quân đầu người và
chỉ giảm trong giai đoạn phát triển sau của quá trình công cuộc công nghiệp hóa – tạo ra một mối liên kết hình chữ U ngược giữa thu nhập bình quân đầu người và bất bình đẳng thu nhập – dựa trên một mô hình trong đó các cá nhân di cư từ khu vực nông thôn có mức lương thấp và bất bình đẳng thu nhập thấp đến khu vực đô thị được đặc trưng bởi bất bình đẳng thu nhập cao và thu nhập trung bình cao.

Trong những thập kỷ gần đây, một loạt các lý thuyết khác đã được giới thiệu để xem xét mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng. Thay vì tập trung vào giả thuyết của Kuznets, các nhà nghiên cứu đã đi sâu khảo sát tác động của bất bình đẳng lên tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu có kết luận rất khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng có mối quan hệ đánh đổi: chấp nhận bất bình đẳng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Trong khi đó, một số khác lại cho thấy bất bình đẳng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế[/message]

1. Tác động tích cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

Quan điểm cho rằng bất bình đẳng thu nhập có thể ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế được dựa trên ba luận cứ cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo lý thuyết truyền thống, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đặc biệt là hướng tới phân phối thu nhập bình đẳng hơn có thể mâu thuẫn với mục tiêu đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn để có tăng trưởng nhanh hơn (Mankiw, 2004). Lý do cơ bản là để lấy thu nhập của người giàu chuyển cho người nghèo, chính phủ phải thực hiện các chính sách tái phân phối thu nhập, ví dụ như thông qua hệ thống thuế thu nhập luỹ tiến và các chương trình phúc lợi. Với các chính sách này, những người có thu nhập cao phải nộp một phần lớn hơn trong thu nhập của họ cho chính phủ và những người nghèo nhận được các khoản trợ cấp từ chính phủ. Điều này sẽ làm giảm động lực lao động và gây ra tổn thất cho xã hội.

Nếu chính phủ lấy đi phần thu nhập tăng thêm mà một cá nhân nào đó có thể kiếm được thông qua tăng thuế để trợ cấp, thì cả người giàu và người nghèo sẽ có ít động lực lao động chăm chỉ hơn: người giàu sẽ không tích cực làm việc, còn người nghèo dễ có tư tưởng ỷ lại, trông chờ đặc biệt khi thuế suất quá cao và các chương trình phúc lợi quá hào phóng. Khi họ lao động ít hơn, tổng thu nhập của toàn xã hội sẽ giảm, và phần thu nhập dành cho mỗi người cũng giảm. Do vậy, Nhà nước phải cân đối giữa những lợi ích thu được từ sự bình đẳng hơn và những thiệt hại do việc bóp méo các động cơ khuyến khích.

Luận cứ thứ hai là giả thuyết Kaldor, sau đó được Stiglitz (1969) chính thức hóa, cho rằng xu hướng tiết kiệm biên của người giàu cao hơn so với người nghèo. Nếu tốc độ tăng trưởng của GDP có quan hệ trực tiếp với tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập quốc dân, thì nền kinh tế có phân phối bất bình đẳng hơn có thể để tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế phân phối thu nhập công bằng hơn. Vì vậy, phân phối lại thu nhập từ người giàu cho người nghèo bằng cách đánh thuế lũy tiến cao hơn sẽ làm giảm tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế với tư cách là một tổng thể.

Theo lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển, tiết kiệm là yếu tố then chốt quyết định quá trình tích lũy tư bản và giảm tiết kiệm sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế. Luận cứ cuối cùng ủng hộ cho quan điểm cần hy sinh mục tiêu công bằng để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn liên quan đến tính không thể chia cắt được của đầu tư. Nếu các dự án đầu tư mới yêu cầu một khoản tiền ban đầu lớn, trong điều
kiện không có các thị trường vốn hiệu quả cho phép tổng hợp các nguồn lực của các nhà đầu tư nhỏ, thì phân phối sao cho tập trung được của cải sẽ hỗ trợ đầu tư mới và do đó dẫn đến tăng trưởng nhanh hơn.

2. Tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

Cả lý thuyết và thực tế đều cho thấy quan điểm trên đây của các nhà kinh tế về việc chính phủ có thể chủ động chấp nhận bất bình đẳng thu nhập để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không phải được tất cả các nhà kinh tế ủng hộ. Ở một thái cực khác, nhiều nhà kinh tế cho rằng bất bình đẳng thu nhập có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang phát triển. Họ đưa ra một số luận cứ cơ bản sau đây:

– Theo Todaro (1998), thu nhập thấp và mức sống thấp của người nghèo dẫn đến chế độ dinh dưỡng, tình trạng sức khoẻ kém và ít được tiếp cận với hệ thống giáo dục tiên tiến. Điều này làm giảm cơ hội tham gia hoạt động kinh tế và năng suất lao động của họ, và vì thế trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng xấu tới quá trình tăng trưởng. Do vậy, đầu tư vào giáo dục và y tế, đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế công được coi là những biện pháp cần thiết giúp người nghèo có cơ hội tìm việc làm với năng suất cao hơn và có thu nhập tốt hơn. Trình độ lao động cũng ảnh hưởng gián tiếp tới chất lượng tăng trưởng thông qua sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên tốt hơn. Bên cạnh đầu tư vào con người, chính sách đầu tư công và giảm trợ cấp đối với các dịch vụ xã hội cao cấp có lợi cho người giàu cũng có tác động giảm chênh lệch về thu nhập và có lợi cho tăng trưởng.

– Lý thuyết kinh tế chính trị được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Alesina và Rodrik (1994), Persson và Tabellini (1994) đưa ra lý giải về tác động tiêu cực của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế. Lý thuyết này được xây dựng trên ba cơ sở sau đây: (i) Chi tiêu nhằm mục tiêu tái phân phối và thuế có tác động ngược chiều đến tăng trưởng do tác động tiêu cực của thuế đến tích lũy tư bản; (ii) Các loại thuế có xu hướng tỷ lệ thuận với thu nhập nhưng lợi ích của chi tiêu công nhìn chung được phân bổ đều cho tất cả các cá nhân. Hệ quả là, mức thuế và chi tiêu công được cử tri ưa thích có mối quan hệ ngược với thu nhập của họ. Người nghèo có xu hướng ưa thích sưu cao, thuế nặng và do đó được hưởng lợi nhiều từ các chương trình chi tiêu công. Người giàu lại ưa thích thuế suất thấp để giảm bớt phần đóng góp tài trợ cho các chương trình chi tiêu công; (iii) Chính phủ lựa chọn chính sách được nhóm cử tri chiếm đa số ủng hộ. Trong xã hội phân phối bất bình đẳng, thu nhập của nhóm cử tri chiếm đa số sẽ thấp hơn mức thu nhập trung bình và họ có xu hướng ưa thích các chính sách phân phối lại nhiều hơn và hệ quả là tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn.

– Lý thuyết thị trường vốn không hoàn hảo được xây dựng bởi các nhà nghiên cứu Galor và Zeira (1993), Aghion và Bolton (1997), Chiou (1998) cho rằng trong những nước mà các chủ thể không được tiếp cận tự do với các nguồn vốn vay, bất bình đẳng hàm ý rằng một tỷ lệ tương đối lớn của dân số sẽ nằm dưới mức chi phí chuẩn của giáo dục. Do vậy, đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ thấp và hệ quả là tăng trưởng cũng sẽ thấp. Sự phân phối lại sẽ làm tăng tổng sản lượng và tăng trưởng bởi vì nó cho phép người nghèo có thể đầu tư vào nguồn nhân lực của họ. Nếu nền kinh tế phát triển, thị trường vốn sẽ được hoàn thiện, và những tác động liên quan tới sự không hoàn hảo của thị trường vốn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn ở những nước nghèo hơn là những nước giàu. Do vậy, những tác động có thể dự báo của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế sẽ lớn hơn về mức độ đối với những nước nghèo. Lập luận về sự không hoàn hảo của thị trường vốn cũng rất phù hợp để giải thích mối
quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ đói nghèo. Trong khi bất bình đẳng không phải luôn có nghĩa rằng một tỷ lệ lớn của dân số là quá nghèo để tiếp cận vốn, thì một tỷ lệ lớn của đói nghèo sẽ không có nghi ngờ gì rằng có nhiều người hơn bị giới hạn về vốn. Chẳng hạn, bất bình đẳng trong một nền kinh tế có thể cao trong khi cuộc sống của tất cả mọi người dân trong nước được cải thiện. Do vậy, chúng ta có thể dự đoán một mối quan hệ tiêu cực giữa tăng trưởng kinh tế và đói nghèo.

– Lý thuyết bất ổn định về chính trị – xã hội được xây dựng bởi các công trình nghiên cứu của Alesina và cộng sự (1996), Benhabib và Rustichini (1996), Grossman và Kim (1996) nhấn mạnh hệ quả của bất bình đẳng thu nhập đến sự bất ổn định chính trị và xã hội. Cụ thể, bất bình đẳng thu nhập là một nhân tố quan trọng quyết định đến bất ổn về chính trị và xã hội và nó có tác động tiêu cực đến tăng trưởng thông qua việc làm tăng rủi ro và giảm kỳ vọng về lợi ích từ đầu tư. Bất bình đẳng thu nhập làm gia tăng xung đột xã hội và hệ quả là làm cho quyền sở hữu tài sản ít được đảm bảo và làm giảm tăng trưởng. Hơn nữa, sự tham gia của người nghèo vào tội phạm và những hành động chống đối xã hội là biểu hiện của lãng phí trực tiếp nguồn lực vì chúng không đóng góp vào hoạt động sản xuất. Những hoạt động phòng chống tội phạm tiềm năng cũng biểu hiện một sự lãng phí nguồn lực khác nữa.

– Theo lý thuyết những vấn đề về giáo dục và sinh sản được xây dựng bởi Perotti (1996), bất bình đẳng thu nhập có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua quyết định của các hộ gia đình về giáo dục và sinh đẻ. Bố mẹ phải tối ưu việc sử dụng những nguồn lực của gia đình bằng cách cải thiện về chất lượng (giáo dục) hoặc tăng quy mô gia đình (sinh nhiều con hơn). Do giáo dục có chi phí tương đương với những thu nhập kiếm được mà họ mất đi khi ở trường, các gia đình nghèo sẽ không đầu tư vào giáo dục và thay vào đó là vào số lượng con cái. Tuy nhiên, tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự đầu tư vào nguồn nhân lực, do vậy một xã hội có bất bình đẳng cao sẽ thể hiện một số lượng lớn những gia đình nghèo đầu tư vào số lượng hơn là vào giáo dục. Bùng nổ dân số sẽ dẫn đến thu nhập bình quân đầu người thấp hơn.

– Lý thuyết so sánh xã hội của Knell (1998) giải thích rằng sự liên kết giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập có thể mạnh hơn ở các nước giàu. Ông đưa ra một mô hình được xây dựng trực tiếp từ Bénabou (1996) trong đó các cá nhân có sự so sánh xã hội. Knell giả thiết rằng hành vi tối đa hóa lợi ích cá nhân không chỉ phụ thuộc vào mức thu nhập của họ mà còn phụ thuộc vào mức tiêu dùng trung bình của nhóm xã hội mà họ có liên quan. Trong một xã hội mà thu nhập được phân phối bất bình đẳng, các hộ gia đình nghèo bị lôi cuốn theo cách sống của tầng lớp thượng lưu và có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Kết quả là mức đầu tư vào vốn nhân lực sẽ thấp và tăng trưởng kinh tế thấp. Như vậy kết luận rút ra từ nghiên cứu này là bất bình đẳng sẽ làm tăng trưởng chậm lại.

– Khác với kinh nghiệm thu được từ các nước phát triển, nhiều nghiên cứu như Todaro (1998) cho rằng người giàu ở các nước đang phát triển được biết đến là chi phần lớn thu nhập của họ cho các mặt hàng xa xỉ được nhập khẩu, vàng, đồ trang sức, nhà ở đắt tiền hoặc tìm kiếm thiên đường an toàn ở nước ngoài cho các khoản tiết kiệm của họ. Trên thực tế, tiết kiệm và đầu tư như vậy không làm tăng thêm các nguồn lực sản xuất của quốc gia, mà trái lại, chúng làm sói mòn đáng kể các tài nguyên quốc gia. Với hành đó, nếu chiến lược phát triển mà dẫn đến gia tăng nhanh bất bình đẳng về phân phối thu nhập sẽ tạo cơ hội để duy trì vị thế của nhóm người giàu, đồng thời gây tổn thất cho cả nền kinh tế. Trong dài hạn, một chiến lược như vậy thường có tác dụng “phản tăng trưởng và phát triển”.

Ngoài các trào lưu ở trên, lý thuyết liên kết của Benabou (1996) cung cấp một khuôn khổ mà ở đó tác động của tái phân phối lên tăng trưởng không nhất thiết là tuyến tính. Có hai tác động ngược chiều nhau. Tái phân phối sẽ tốt nếu chi tiêu công được dành cho đầu tư giáo dục ở một nước với thị trường vốn không hoàn hảo, và sẽ xấu nếu nó chỉ đơn thuần chuyển giao thu nhập từ người giàu sang người nghèo bởi vì nó làm giảm lợi tức từ đầu tư và nỗ lực của người giàu. Do vậy, tăng trưởng là có liên kết hình chữ U ngược đối với tái phân phối và tái phân phối là có liên kết hình chữ U ngược đối với bất bình đẳng.

Như vậy, các lý thuyết đã đưa ra nhiều kênh mà qua đó bất bình đẳng thu nhập có thế tác động đến tăng trưởng và sự tác động này có thể diễn ra theo nhiều chiều. Hơn nữa, nó cũng rất khó để xác định kênh nào sẽ có vai trò chi phối nếu chỉ sử dụng các lý thuyết và phân tích định tính. Do vậy, để nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng thu nhập cần thiết phải xem xét các kênh tạo ra bất bình đẳng và ước lượng tác động của những kênh này đến tăng trưởng kinh tế.

Các lý thuyết về tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

2 bình luận về “Các lý thuyết về tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế

  1. Pingback: Kinh nghiệm Braxin về giải quyết mối quan hệ giữa phân phối thu nhập và tăng trưởng kinh tế - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Các bài học kinh nghiệm về giải quyết mối quan hệ giữa phân phối thu nhập và tăng trưởng kinh tế - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?