Các lĩnh vực đầu tư phát triển giáo dục đại học cao đẳng công lập

đầu tư giáo dục

Mục lục

Các lĩnh vực đầu tư phát triển giáo dục đại học cao đẳng công lập

1. Chi đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực đối với các trường đại học cao đẳng là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học cao đẳng, bao gồm đầu tư cho hoạt động đào tạo đội ngũ giảng viên, đội ngũ nghiên cứu viên và cán bộ quản lý, nhân viên có khả năng nắm bắt theo kịp thời các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với chuyên môn mà họ đảm nhận, đầu tư cho việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ lao động trong nhà trường.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cao đẳng.

Một trường đại học cao đẳng muốn phát triển, muốn đào tạo ra đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội phải có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn. Đội ngũ giảng viên phải được đào tạo cơ bản không chỉ có bằng cấp cao mà phải có trình độ thực thụ về lĩnh vực chuyên môn mà họ phụ trách. Làm thầy không chỉ có trình độ cao mà còn phải có khả năng truyền thụ kiến thức cho người học và phải có khả năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sự phát triển của nhà trường cũng như phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Ở các nước tiên tiến các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao, mà còn là nơi nghiên cứu khoa học. Nhiều phát minh, sáng chế được nghiên cứu ra từ các trường đại học chứ không phải chỉ ở các viện nghiên cứu.

Đối với Việt Nam các trường đại học có bề dày lịch sử trên nửa thế kỉ nhưng đội ngũ giảng viên vẫn còn yếu về năng lực giảng dạy và nghiên cứu, còn các trường đại học cao đẳng mới thành lập thì chất lượng đội ngũ lại càng thiếu và yếu. Tình trạng cử nhân dạy cử nhân vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều trường. Ngay cả đội ngũ giảng viên có trình độ trên đại học do đào tạo chủ yếu ở các trường đại học trong nước, đào tạo chạy theo số lượng nên chất lượng cũng còn rất hạn chế. Vì vậy, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các trường đại học cao đẳng ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết trong xu thế cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo ngày càng cao hiện nay.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các trường Đại học cao đẳng, mà con đầu tư để sử dụng lâu dài đội ngũ đó, cũng như đầu tư thu hút các nhà khoa học tham gia giảng dạy (bao gồm cả các nhà khoa học nước ngoài). Vì vậy, chính sách trả lương phải theo quan điểm đầu tư phát triển, chứ không phải theo chế độ lương bổng bình quân như hiện nay. Với chính sách tiền lương hiện hành không thể kích thích các giảng viên có trình độ say mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thu hút các nhà khoa học giỏi tham gia giảng dạy.

2. Chi đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo

Đầu tư nghiên cứu khoa học và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, là một nội dung quan trọng trong đầu tư phát triển các trường đại học cao đẳng hiện nay. Đầu tư nghiên cứu khoa học tùy từng lĩnh vực và ngành đào tạo mà có nội dung khác nhau. Có thể tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực chủ yếu sau:

– Đầu tư biên soạn, xuất bản và chuyển giao các giáo trình và tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập và giảng dạy. Đây là vấn đề phức tạp và còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc đầu tư, như có thể đầu tư cho nhập giáo trình từ các trường đại học tiến tiến trong nước và nước ngoài, hoặc đầu tư cho tự biên soạn và xuất bản. Dù bằng con đường nào thì để có hệ thống giáo trình và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập cho giảng viên và sinh viên đòi hỏi các trường phải có kế hoạch dài hạn cho Đầu tư phát triển lĩnh vực này. Tình trạng nhiều trường đại học cao đẳng không có giáo trình và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập của sinh viên đảm bảo chất lượng đang tồn tại khá phổ biến. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo của các trường đại học cao đẳng ở Việt Nam hiện nay còn thấp, chưa theo kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

– Đầu tư cho nghiên cứu và triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ.

Đây là lĩnh vực cho đến nay nhiều trường đại học cao đẳng ở Việt Nam chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, nhiều nơi còn nặng về hình thức, phong trào. Muốn các trường đại học cao đẳng trở thành các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao thì các trường cần dành một lượng vốn thỏa đáng cho đầu tư triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó đặc biệt là đầu tư cho nghiên cứu các đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, đề tài gắn giảng dạy với nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ở địa phương sở tại của nhà trường.

Đầu tư triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ không chỉ cho đội ngũ giảng viên mà cần quan tâm đến nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Đây là hướng đầu tư vừa có ý nghĩa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa có ý nghĩa nâng cao năng lực nghiên cứu của sinh viên trong qua trình học tập, để khi họ ra trường có năng lực và điều kiện thích ứng nhanh với thực tiễn.

Hoạt động nghiên cứu được thực hiện ở các cơ sở GDĐH là một trong ba chức năng cơ bản của trường đại học cao đẳng, cùng với dạy học và thực hiện các dịch vụ. Hoạt động nghiên cứu được cung cấp tài chính như thế nào là một việc rất quan trọng, đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét.

Thứ nhất, nhiều nước tài trợ cho nghiên cứu cùng với giảng dạy bằng cách cấp một khoản trọn gói cho các trường. Lý do căn bản của cách làm này là khó mà chia cắt việc nghiên cứu ra khỏi chức năng giảng dạy và do đó nên cung cấp tài chính cho hai việc đó cùng với nhau. Tuy vậy, cách làm này có một trở ngại là các quan chức nhà nước đã từ bỏ quyền được quyết định các trường nên nghiên cứu những đề tài gì thay vì đáng lẽ họ phải coi đây là một vấn đề của hoạch định chính sách.

Thứ hai, ngay cả khi những nghiên cứu thực hiện ở các trường được cung cấp tài chính riêng tách khỏi nguồn tài chính cho giảng dạy, vẫn có câu hỏi về việc nên cung cấp tài chính theo từng dự án, thường là qua thủ tục đẳng duyệt (peer review), hoặc là nguồn tài chính nên được giao về cho các trường dựa trên một số tiêu chí nhất định. Hệ thống tài chính của Anh cung cấp tài chính cho nghiên cứu dựa trên đánh giá chất lượng tổng thể và khả năng nghiên cứu của từng trường. Hệ thống liên bang Hoa Kỳ áp dụng cơ chế đẳng duyệt theo từng dự án. Nhưng, việc cung cấp tài chính cho nghiên cứu ở cấp tiểu bang thì lại được thực hiện cùng với tài chính cho giảng dạy và các hoạt động khác.

Thứ ba, một vấn đề khác nữa là có nên dùng nguồn thu từ học phí, để chi trả cho việc nghiên cứu và các hoạt động liên quan hay không, kể cả chi gián tiếp cho đào tạo sau đại học, như thường thấy ở Mỹ, khi các nghiên cứu sinh vẫn được miễn học phí và được nhận một khoản sinh hoạt phí được trả bằng nguồn thu học phí của sinh viên bậc đại học.

Thứ tư, ở một số nước, ngày càng nhiều các dự án nghiên cứu do các trường thực hiện đang được các công ty tư nhân cung cấp tài chính nhằm được chia sẻ lợi ích từ những khám phá trong nghiên cứu cơ bản cũng như trong nghiên cứu ứng dụng. Điều này có thuận lợi là làm tăng nguồn lực tài chính cho việc nghiên cứu của các trường, làm giảm mức độ dựa cậy vào nguồn NSNN, nhưng nó làm nảy sinh những câu hỏi về mặt đạo đức, về quyền của các tổ chức tư nhân trong việc xác lập những ưu tiên trong nghiên cứu.

Ở Việt Nam nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ của các trường đại học, cao đẳng bao gồm: NSNN, kinh phí từ các dự án song phương và đa phương với nước ngoài, kinh phí từ các nguồn tự thu của các nhà trường, kinh phí của các doanh nghiệp. Theo Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ban hành theo Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004 của Thủ tướng Chỉnh phủ. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của các trường đại học, cao đẳng theo định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, Nhà nước tăng đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các trường đại học: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, tăng kinh phí nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Quy định định mức nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu được công bố đối với cán bộ giảng dạy của các trường đại học phù hợp với chức danh.

Thứ hai, Xây dựng cơ chế liên kết giữa trường đại học và tổ chức nghiên cứu và phát triển: xây dựng và thực hiện các quy chế về kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo và chuyên môn đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển và các trường ĐHCĐ, về khuyến khích cán bộ nghiên cứu thuộc các tổ chức nghiên cứu và phát triển tham gia giảng dạy, về dùng chung phòng thí nghiệm và thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy.

Thứ ba, Đẩy mạnh liên kết giữa trường đại học đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp: các trường đại học thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước và ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu với các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học công nghệ thực hiện nhiệm vụ ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ để sớm hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 2001-2008, hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học, cao đẳng, các viện và các trung tâm nghiên cứu bám sát các nhiệm vụ phát triển giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các trường đại học phải là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống. Bằng các nhiệm vụ chủ yếu sau:

– Thực hiện các đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học công nghệ và các chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp Nhà nước, các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước. Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chú trọng các ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng chống thiên tai.

– Nghiên cứu những vấn đề khoa học giáo dục và quản lý giáo dục: đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác chỉ đạo quản lý giáo dục đào tạo. Gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo, sản xuất kinh doanh, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

– Đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu cho hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường ĐH, CĐ, tập trung vào một số trường trọng điểm.

3. Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị

Các trường đại học cao đẳng chỉ có thể đi vào hoạt động đào tạo có chất lượng khi hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng đồng bộ và hiện đại. Hiện nay các trường đại học cao đẳng ở Việt Nam mặc dù đã đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng hệ thống cơ sở vật chất vẫn còn lạc hậu và thiếu đồng bộ. Tình trạng dạy chay, học chay, sinh viên chủ yếu học lý thuyết còn kỹ năng thực hành rất hạn chế đang khá phổ biến ở các trường đại học và cao đẳng. Nhiều trường thuộc khối kỹ thuật, công nghệ sinh viên ra trường được các nhà tuyển dụng vào làm việc đều phải đào tạo lại, nhiều nhà tuyển dụng muốn tuyển đội ngũ cử nhân chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với các trường đại học cao đẳng đầu tư phát triển sẽ tạo ra hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, như giảng đường, thư viện, các phòng thí nghiệm, các cơ sở thực nghiệm, các phòng thực hành, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất, ký túc xá sinh viên.v.v… Đó là cơ sở vật chất có ý nghĩa rất quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thư viện, phòng thực hành, thí nghiệm trong GDĐH, cụ thể hơn là việc xây dựng cơ sở vật chất hay trang bị mới các thiết bị hiện đại có xu hướng được cung cấp tài chính theo nhiều cách. Một số nước chi trả cho loại chi phí này với cùng một cơ chế cấp phát tài chính cho giảng dạy, hoạt động, và các dự án nghiên cứu khả thi. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, chi phí về cơ sở vật chất thường được trả thông qua các nguồn lực tư nhân, qua phát hành trái phiếu mà việc hoàn trả dựa trên nguồn thu từ các khoản ủng hộ liên quan, hoặc qua quyên góp và hiến tặng ở những nước mà tư nhân là một nguồn lực tài chính quan trọng. Khoản chi cho trang bị cũng có thể dựa trên học phí, như một nguồn tài chính chủ yếu cho cơ sở vật chất. Nhìn chung, tốt hơn là các chi phí về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị không nên được cấp phát tài chính với cùng một cơ chế như chi giảng dạy và chi thường xuyên, vì việc chi trả cho những nhu cầu ngắn hạn có thể hạn chế chi trả cho những nhu cầu dài hạn và phù hợp với quy chế về nâng cấp cơ sở.

Các lĩnh vực đầu tư phát triển giáo dục đại học cao đẳng công lập

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Các lĩnh vực đầu tư phát triển giáo dục đại học cao đẳng công lập

  1. Pingback: Quan điểm đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn tài chính phát triển giáo dục đại học, cao đẳng công lập - Download Luận Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?