Mục lục
Bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam trong thời gian qua
Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2016 trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp. Quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu yếu hơn so với dự kiến, tình trạng thất nghiệp cao diễn ra ở nhiều nước. Kinh tế khu vực và thế giới thường xuyên tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Trong nước, kinh tế gặp nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của nền kinh tế dồn tích từ nhiều năm chưa được giải quyết và bộc lộ rõ hơn, kinh tế vĩ mô xuất hiện những yếu tố thiếu vững chắc. Trong khi đó, quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới liên tục đặt ra những thách thức mới. Mặc dù vậy, với những nỗ lực của Nhà nước và cộng đồng DN cũng như toàn xã hội cùng với nền tảng phát triển kinh tế của giai đoạn 2006 – 2010, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế giai đoạn 2011 – 2016 của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan trên nhiều phương diện như ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế… Cụ thể như sau:
Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, chất lượng được cải thiện
Tính chung giai đoạn 2011 – 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 5,86%. Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và kinh tế thế giới thường xuyên xuất hiện nhiều nhân tố bất lợi nêu trên, thì có thể nói, đây vẫn là mức tăng tương đối tốt. Hơn thế nữa, xu hướng phục hồi kinh tế trong 3 năm gần đây cũng rõ nét hơn. GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành đã tăng từ 1.273 USD/người năm 2010 lên 1.517 USD/người năm 2011; 1.748 USD/người năm 2012; 1.907 USD/người năm 2013; 2.052 USD/người năm 2014; 2.109 USD/người năm 2015 và năm 2016 đạt 2.215 USD/người.
Tình hình giá cả và tiền tệ được duy trì ổn định
Lạm phát được kiểm soát nhờ thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và tài khóa cũng như cơ chế phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 1,84% năm 2014 (mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua) sau đó tăng dần lên 2,08% trong năm 2015 và 4,74% trong năm 2016. Mặt bằng lãi suất cho vay và huy động giảm, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng cơ bản được điều hành phù hợp với các diễn biến kinh tế vĩ mô chung. Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm đáng kể.
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng tốt
Bình quân cả giai đoạn 2011 – 2016, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 18%/năm. Riêng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vẫn nằm ở nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đạt kim ngạch 125,9 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015. Đến nay, Việt Nam có trên 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm đạt trên 5 tỷ USD. Về cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng thô và mới sơ chế giảm mạnh, trong khi tỷ trọng mặt hàng tinh chế tăng lên đáng kể. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng với kim ngạch ngày càng tăng lên đã củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng. Cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt, kể từ năm 2012, đã chuyển sang trạng thái thặng dư sau nhiều năm thâm hụt liên tục (kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước tính chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 173,7 tỷ USD).
An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo
Dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia được đảm bảo trong phạm vi cho phép. Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý tài chính công của Việt Nam cũng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, tiệm cận nhiều hơn với thông lệ quốc tế (thông qua cải cách thuế, cải cách phương thức quản lý ngân sách, quản lý nợ công…). Đến cuối năm 2016, cơ cấu các khoản nợ vay trong nước/vay ngoài nước trong danh mục nợ của Chính phủ khoảng 59%/41%, tăng so với các năm trước (thời điểm cuối năm 2011 là 38,9%/61,1%; năm 2012 là 43,1%/56,9%; năm 2013 là 50%/50%, năm 2014 là 55,6%/44,4% và năm 2015 khoảng 57%/43%), phù hợp với mục tiêu đã đề ra, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vay ngoài nước.
Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước
Tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được tăng cường và củng cố ở cả ba cấp độ tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Trong 5 năm 2011 – 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 31% GDP; năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP.
Cơ cấu của các nguồn vốn ngày càng đa dạng, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước bình quân chiếm khoảng 39,43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đầu tư của khu vực nước ngoài tăng từ 19,1% năm 2011 lên khoảng 23,4% năm 2016.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Mặc dù kinh tế thế giới chưa ra khỏi khủng hoảng và trì trệ, các nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn, các nước lại cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng trong giai đoạn 2011 – 2016, Việt Nam vẫn cấp giấy phép cho 10.522 dự án. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 6 năm đạt trên 80,4 tỷ USD. Riêng trong năm 2016, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,182 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, năm 2016, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,765 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm [25].
Về các mặt xã hội và bảo vệ môi trường, giai đoạn 2011 – 2016, trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và các hoạt động văn hóa xã hội khác đều đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Bên cạnh các thành tựu đạt được, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2016 cũng có một số hạn chế nhất định. Cụ thể:
– Các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô chưa thực sự bền vững: Từ đầu những năm 2000 đến nay, Việt Nam thường xuyên trong tình trạng tiết kiệm ròng âm và có xu hướng gia tăng. Bội chi ngân sách của cũng có xu hướng tăng và trở nên cao hơn so với các nước trong khu vực, kéo theo sự gia tăng của nợ chính phủ thời gian qua (tuy vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo các mục tiêu đề ra). Điều này đang đặt ra một số thách thức lớn đối với yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn, nhất là khi áp lực phải tăng chi NSNN đang lớn. Thâm hụt cán cân thương mại những năm gần đây đã dần được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu tính bền vững do sự mất cân đối về đối tác thương mại. Nước ta xuất siêu với hầu hết các đối tác thương mại lớn nhưng nhập siêu lớn và kéo dài từ Trung Quốc. Điều này gây ra những rủi ro nhất định khi phụ thuộc quá mức vào một thị trường, đặc biệt khi thị trường đó cung cấp nhiều hàng hóa đầu vào quan trọng cho sản xuất – kinh doanh.
– Hiệu quả sử dụng các nguồn lực chậm cải thiện: Cách thức và phương thức phân bổ, sử dụng nguồn lực vẫn còn thiên về phát triển chiều rộng. Nguồn lực tài chính nhà nước chưa phát huy có hiệu quả vai trò “tạo môi trường” để thu hút sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân còn chưa có sự đột phá mạnh nên sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư, phát triển hạ tầng còn hạn chế. Cơ chế xã hội hóa cũng chủ yếu được thực hiện ở một số thành phố lớn. Việc thu hút các nguồn lực bên ngoài còn theo mục tiêu số lượng hơn là chất lượng, chưa chú trọng thu hút vốn đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao và hiện đại.
– Tăng trưởng kinh tế còn thấp so với tiềm năng: Sự chậm lại về tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm qua đang đặt ra một số thách thức về khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực. Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình, song thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chênh lệch khá lớn so các nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
– Năng lực cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, Việt Nam vẫn luôn nằm trong nhóm gần thuộc nửa cuối của bảng xếp hạng, thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN và còn một khoảng cách rất xa so với khu vực Đông Á. Đến nay, mức độ tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn rất thấp. Xuất khẩu vẫn đang dựa vào lợi thế về giá nhân công; chủ yếu gia công cho các tập đoàn, công ty nước ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng của xuất khẩu còn thấp. Nhập khẩu cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề, nhập khẩu lớn nhưng đóng góp của nhập khẩu trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp. Tỷ trọng nhập khẩu từ các nước có trình độ công nghệ thấp có xu hướng tăng.
– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm so với yêu cầu: Đến nay, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Xét về xu hướng tổng thể, sau một thời gian có sự thay đổi nhanh, cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam kể từ năm 2005 đến nay có thể xem là không thay đổi, trong một số năm chỉ là sự hoán đổi về tỷ trọng giữa hai ngành công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ. Các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, tỷ trọng trong GDP của các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính – tín dụng còn thấp [45], [1].
Bối cảnh kinh tế – xã hội nêu trên có cả những tác động tích cực và tạo ra cả những khó khăn, thách thức đối với các hoạt động của CQT trong việc nâng cao tính tuân thủ thuế của NNT.
Về tác động tích cực: Với trình độ phát triển kinh tế tăng trong thời gian qua tạo ra tiền đề vật chất nâng cao tính tuân thủ của NNT và tiền đề vật chất cho hoạt động QLT của CQT. Đồng thời, sự phát triển của giáo dục và văn hóa cũng góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nói chung và tuân thủ thuế nói riêng của NNT ở Việt Nam.
Về khó khăn, thách thức: Những khó khăn thách thức chủ yếu là:
– Cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ những năm qua là sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng NNT. Do vậy, khối lượng công việc quản lý của CQT cũng tăng rất nhiều. Việc nắm bắt đầy đủ sự tuân thủ của NNT ở tất cả các nội dung quy định của pháp luật thuế là một áp lực lớn với CQT.
– Cùng với sự mở rộng và gia tăng hoạt động giao lưu thương mại và đầu tư quốc tế là sự du nhập các thủ đoạn gian lận, trốn thuế, tránh thuế tinh vi. Phát hiện và đấu tranh với các hành vi sai phạm tinh vi này là một thách thức lớn với CQT.
– Mặc dù trình độ dân trí và văn hóa của dân cư thời gian qua đã được gia tăng đáng kể nhưng với trình độ phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ nằm ở nhóm các quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Động lực trốn thuế, tránh thuế của NNT nói chung vẫn khá lớn.
Bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam trong thời gian qua
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT