Vai trò của các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học

giáo dục

Mục lục

Vai trò của các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học

Khái niệm về hệ thống giáo dục đại học

Hệ thống giáo dục đại học ở các nước được tổ chức theo đặc trưng của mỗi quốc gia, phù hợp với bối cảnh thực trạng, mục tiêu của chính sách giáo dục đại học và nguồn lực dành cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học của các nước có những điểm thống nhất có thể mô tả như sau:

Hệ thống giáo dục đại học hoặc có cách gọi khác là mạng lưới giáo dục đại học là hệ thống các trường cho giáo dục sau phổ thông trung học bao gồm cả đại học và cao đẳng. Hệ thống các trường đại học có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau; tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu để áp dụng các tiêu chí khác nhau trong cách phân loại các trường đại học.

Phân loại theo bậc đào tạo

Nếu theo cách phân loại này thì hệ thống giáo dục đại học gồm có: trường cao đẳng, trường đại học và các viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo sau đại học bậc tiến sĩ.

Phân loại theo theo sở hữu [79] gồm có: Các trường đại học công lập: các trường thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.

Các trường đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân. Kinh phí lấy từ các khoản tài trợ, học phí, tiền trợ cấp nghiên cứu và các khoản đóng góp từ sinh viên.

Một số nước còn phân loại thêm các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Phân loại theo sứ mạng của cơ sở giáo dục đại học (theo phân tầng giáo dục đại học)

Phân lớp 1: các trường đại học định hướng nghiên cứu, chủ yếu nhằm phục vụ các đỉnh cao và các lĩnh vực có lợi thế so sánh, chương trình đào tạo theo kiểu của ĐH truyền thống.

Phân lớp 2: các trường đại học “đại trà”, nhằm phục vụ trực tiếp các hoạt động kinh tế xã hội. chương trình đào tạo hướng tới thực hành và kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế, thiên về “kỹ thuật nghề nghiệp” .

Phân lớp 3: là các trường đào tạo trình độ Cao đẳng, chủ yếu phục vụ loại nhu cầu phổ cập. chương trình đào tạo nặng về thực hành, ngành nghề phải phù hợp với nhu cầu của địa phương /cộng đồng.

[message type=”success”]Xem thêm: Khái niệm trường đại học công lập[/message]

Yêu cầu về phân tầng là xu thế tất yếu của giáo dục đại học thế giới cũng như yêu cầu cấp thiết của giáo dục đại học Việt Nam. Trên thế giới không có một nước nào có đủ nguồn lực để đảm bảo đầu tư cho tất cả các trường ĐH có “chất lượng cao như nhau” với một mô hình duy nhất theo kiểu tổ chức ở các ĐH truyền thống trước đây nên việc phân hạng trường đại học tương xứng với trách nhiệm, sứ mạng và năng lực của trường đại học là cần thiết. Nếu dựa vào kết quả phân tầng làm cơ sở để đầu tư cho giáo dục đại học thì cần có các nghiên cứu chuyên sâu về tiêu chí xác định và những điều kiện để xây dựng trường đại học nghiên cứu. Đối với các trường đại học, tiêu chí xác định trường đại học nghiên cứu là căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển, tuyên bố sứ mạng. Theo tác giả để xác định các điều kiện đặc trưng của trường đại học nghiên cứu có thể tiếp cận các quan điểm sau:

Trường đại học nghiên cứu theo quan điểm của Philip G. Altbach và cộng sự [63] có các đặc trưng cơ bản: (i) Tinh thần của Trường Đại học Nghiên cứu: là một tổ chức tinh hoa, có tham vọng đạt được sự tốt nhất (phản ánh trong vị trí xếp hạng đầu bảng về giảng dạy, nghiên cứu và tri thức toàn cầu tham gia vào mạng lưới); (ii) Đội ngũ Giáo sư đặc biệt: giáo sư có rất nhiều các công trình khoa học được công bố, vượt xa so với chuẩn mực thông thường của nghề giảng viên (Haas 1996), được dành thời gian chủ yếu để thực hiện nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, có xu hướng quốc tế hóa cao; (iii) Quản trị và Lãnh đạo: có cơ chế đồng quản trị, trong đó cộng đồng khoa học kiểm soát các quyết định về đào tạo và học thuật, các nhà quản lý thì chịu trách nhiệm về nguồn lực, cơ sở vật chất và những vấn đề quản lý khác; (iv) Nghiên cứu Cơ bản và Nghiên cứu Ứng dụng: trường đặt trọng tâm là nghiên cứu cơ bản, có trách nhiệm chủ chốt trong việc tạo ra tiến bộ khoa học. Đồng thời, quan tâm đến nghiên cứu ứng dụng, liên kết giữa trường đại học và các doanh nghiệp, sản phẩm nghiên cứu tạo để tạo ra thu nhập. Tuy nhiên các tác giả chưa đề xuất được phương pháp xác định các tiêu chí một cách khoa học, chính xác để áp dụng nhận diện trường đại học nghiên cứu.

TS. Phạm Thị Ly [72], đã chỉ ra việc sử dụng các tiêu chí của do Carnegie đề xuất và được bổ sung bởi hai tác giả Amano & Chen (2004), Liu (2005) chỉ phù hợp khi được sử dụng để phân loại các trường ĐH ở Hoa Kỳ, Nhật bản và Trung Quốc, không phù hợp với việc xác định kế hoạch và chiến lược nhằm xây dựng một đại học nghiên cứu. Từ đó, tác giả đề xuất các tiêu chí cốt lõi trở thành đặc điểm cơ bản của Trường đại học nghiên cứu. Các tiêu chí này bao gồm cả các nhân tố đầu vào (con người và nguồn lực), đầu ra (thành quả nghiên cứu và đào tạo) lẫn quá trình (tự chủ, tự do học thuật, văn hóa khoa học và tính chất toàn cầu), với những đặc điểm khiến nó trở thành khác biệt so với những trường đại học khác và là những điều kiện cần và đủ cho một trường đại học nghiên cứu.

Theo quan điểm của các nhà khoa học ở ĐHQGHN [49], trường đại học nghiên cứu được xác định bởi bốn giá trị cốt lõi: 1. Phát minh và khám phá; 2. Sáng tạo và sáng nghiệp; 3. Chất lượng đỉnh cao, phát triển dựa vào nghiên cứu; 4. Mô hình mở và giải phóng mọi nguồn lực, mức độ quốc tế hóa cao và sáu đặc trưng cơ bản: 1. Qui mô đa ngành, đa lĩnh vực; 2. Tích hợp đào tạo với nghiên cứu ở cả bậc đại học; 3. Tập trung vào đào tạo sau đại học; 4. Giảng viên là nhà khoa học; 5.Nghiên cứu chất lượng cao; 6. Lãnh đạo hiệu quả. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đưa ra Bộ tiêu chí, Chuẩn đối sánh và trọng số của các tiêu chí đánh giá trường đại học nghiên cứu (chi tiết như trình bày tại Phụ lục 1.1). Theo cách tiếp cận này, Trường đại học nghiên cứu được đánh giá dựa trên tiêu chí theo các nhóm tiêu chuẩn sau đây:

1. Tiêu chuẩn 1. Thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức

2. Tiêu chuẩn 2. Chất lượng đào tạo

3. Tiêu chuẩn 3. Mức độ quốc tế hoá

4. Tiêu chuẩn 4. Cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học

Qua nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học có quan điểm khá đồng nhất khi đưa ra các tiêu chí đặc trưng để xác định trường đại học nghiên cứu. Các tiêu chí được đa số các tác giả sử dụng gồm có: (i) Đào tạo chất lượng cao (đào tạo sau đại học là chủ yếu; tỷ lệ giảng viên/ sinh viên; đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn chất lượng cao; giảng viên được ưu tiên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học; đánh giá của nhà tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp), (ii) Nghiên cứu khoa học chất lượng cao (số lượng sản phẩm khoa học được công bố, trích dẫn, chuyển giao; đánh giá của các nhà khoa học có uy tín về kết quả nghiên cứu; nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao; nguồn tài chính thu được từ nghiên cứu, chuyển giao), (iii) Mức độ quốc tế hóa (số lượng giảng viên quốc tế, số lượng sinh viên quốc tế, số lượng các công trình, kết quả nghiên cứu được công bố chung), (iv) Cơ sở vật chất và cơ chế quản trị hiện đại, hiệu quả. Tuy nhiên, có thể áp dụng các tiêu chí theo quan điểm của các nhà khoa học ở ĐHQG Hà Nội do Bộ tiêu chí và Chuẩn đối sánh được xây dựng chi tiết, khoa học, tính định lượng cao, phù hợp để đánh giá toàn diện các điều kiện nguồn lực, quá trình hoạt động và kết quả, sản phẩm của trường đại học của Việt Nam mà các tiêu chí khác không có được.

Khi áp dụng cách phân loại các trường ĐH theo phân tầng, thì các trường đại học nghiên cứu thường là các trường đại học công lập. Vì các trường này với truyền thống lâu dài có các chương trình đào tạo có uy tín, chất lượng; đội ngũ giảng viên, nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và uy tín; các điều kiện về cơ sở học liệu, cơ sở vật chất đáp ứng đủ điều kiện để đào tạo và NCKH chất lượng cao.

Vai trò của các trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục đại học

Hệ thống các trường đại học công lập đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, thể hiện khái quát qua các mặt sau:

Sự ra đời và hoạt động của các trường đại học công lập thể hiện vai trò của Nhà nước đối với giáo dục đại học. Nhà nước thông qua các hoạt động của trường đại học công lập để điều tiết các nguồn lực xã hội sao cho có hiệu quả nhất, từ đó điều tiết cơ cấu đào tạo nhân lực hợp lý, duy trì và phát triển giáo dục đào tạo. Thông qua các trường đại học công lập, Nhà nước muốn đầu tư nhằm đảm bảo lợi ích công về giáo dục đại học. Lợi ích này lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tất cả mọi người đều có cơ hội bình đẳng tiếp cận với giáo dục đại học.

Trường đại học công lập là nơi triển khai các chính sách đầu tư phát triển giáo dục đại học của mỗi quốc gia. Các trường đại học công lập thuộc sở hữu Nhà nước, được Chính phủ hoặc chính quyền ở các địa phương cấp ngân sách để triển khai các chính sách phát triển giáo dục đại học của chính quyền các cấp. Ví dụ như các trường đại học công lập được Quỹ đào tạo nhân tài cung cấp kinh phí để đào tạo nhân tài như ở Hàn Quốc.

Hoặc được Chính phủ đầu tư thành các trường đại học trọng điểm như ở Trung Quốc. Ở Việt Nam các trường đại học công lập được Nhà nước giao kinh phí, tài sản, cơ sở vật chất để thực hiện các mục tiêu và chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo của đất nước.

Trường đại học công lập giữ vai trò định hướng cho hoạt động và sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học của quốc gia. Các trường đại học công lập định hướng cho phát triển các chương trình đào tạo bằng cách bổ sung, hoàn thiện các chương trình đã có sẵn, xây dựng các chương trình đào tạo mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; định hướng cho nghiên cứu khoa học thông qua việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, duy trì các hướng nghiên cứu cơ bản, triển khai các hướng nghiên cứu mới,…

Trường đại học công lập có sứ mạng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực CLC, NCKH và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trong hệ thống giáo dục đại học, các trường đại học công lập có lợi thế hơn các trường tư thục về điều kiện đảm bảo chất lượng như đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, học liệu, thư viện để thực hiện được các sứ mạng nêu trên.

Vai trò của các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

3 thoughts on “Vai trò của các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học

  1. Pingback: Đặc điểm các trường đại học công lập - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Quan điểm về lợi ích giáo dục đại học và hàng hóa giáo dục đại học - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  3. Pingback: Khái niệm về chương trình đào tạo chất lượng cao - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?