Tình hình ô nhiễm môi trường nước

Đồng bằng sông Cửu long

Mục lục

Tình hình ô nhiễm môi trường nước

1. Định nghĩa ô nhiễm môi trường nước

Ô nhiễm nước là sự biến đổi các thành phần của nước khác biệt với trạng thái ban đầu. Đó là sự biến đổi các chất lý, hoá, vi sinh và sự có mặt của chúng trong nước làm cho chúng trở thành độc hại [24].

.Thay đổi về lý học: màu, mùi, vị, độ trong.

.Thay đổi về thành phần hoá học: các chất vô cơ, các chất hữu cơ, các chất độc.

.Thay đổi về sinh vật: làm tăng hoặc giảm các vi sinh vật hoại sinh, xuất hiện vi khuẩn và virut gây bệnh.

2. Nguyên nhân ô nhiễm nước bề mặt

Việc đẩy mạnh công nghiệp hoá và kỹ thuật canh tác nông nghiệp đã đưa nền kinh tế phát triển không ngừng, tuy nhiên vấn đề chất thải gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề cấp bách cần được quan tâm. Chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường phần lớn bị dồn chảy vào sông, hồ và cuối cùng tích tụ ở đáy đại dương [12]. Tại Mỹ (1950) hơn 200 km2 nước (tương đương với 1/4 dòng chảy thường xuyên của Mỹ) đã cho chạy qua các nhà máy điện nguyên tử và làm tăng nhiệt độ 10-120C, phá vỡ nghiêm trọng hệ thống thuỷ văn. Anwar và CS (1999) nghiên cứu về chất lượng nước uống ở Punjab cho thấy 95,83% giếng khoan và 91,3% bể chứa nước bị nhiễm khuẩn [33].

Phần lớn các nước trên thế giới có sử dụng nước bề mặt, ở Anh là 2/3, Mỹ là 1/2, Nhật đến 90% tổng nước sử dụng, ở một số nước khác như Cộng hoà liên bang Đức và Hà Lan lại hoàn toàn sử dụng nước ngầm (vì nước bề mặt đã bị ô nhiễm).

Nước ao, hồ, sông, suối (nước bề mặt) là nguồn nước ngọt quan trọng, nhưng con người đã làm cho nguồn nước này bị ô nhiễm bởi những chất thải, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ người dân. Các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước bề mặt:

+ Do chất thải công nghiệp:

Theo tính toán của một số chuyên gia, cứ 1 m3 nước bị ô nhiễm sẽ làm cho 50-60 m3 nước ngọt khác không sử dụng được. Trên thế giới hiện nay cứ mỗi năm có tới 500 km3 nước bị ô nhiễm trộn vào nước nguồn tự nhiên trên trái đất, làm cho khoảng 2 tỷ người thiếu nước ngọt hợp vệ sinh [8].

Mặc dù các nước đã có những quan tâm đúng mức tới nguồn tài nguyên nước: năm 1950, Mỹ thành lập ủy ban cố vấn về các nguồn tài nguyên nước, năm 1956, ủy ban thanh tra quốc tế về nước được thành lập. Tuy nhiên quá trình công nghiệp hoá diễn ra với tốc độ nhanh, các biện pháp bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh nên tình hình ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng.

+ Do phát triển nông nghiệp :

Những thành tựu của khoa học kỹ thuật trên toàn cầu không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp hoá phát triển không ngừng mà sự thâm canh tăng năng suất nông nghiệp cũng luôn được cải tiến. Sản lượng nông nghiệp hàng năm đã được nâng lên nhờ chất lượng giống và sử dụng các loại thuốc diệt trừ sâu bệnh. Nhưng cũng chính điều này đã mang lại những hậu quả tai hại ghê gớm cho môi trường và con người, nhất là các loại hoá chất trừ sâu diệt cỏ. Qua nghiên cứu người ta đã thấy hàm lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong nước ở một số nước như: Pháp đạt tới 1,6-6,4 mg/l, Mỹ, một số dòng sông hàm lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ cao: DDT 11,3 mg/l, Aldrin 5 mg/l. Sông Detroit hàng ngày có tới 20 triệu tấn chất thải hỗn hợp trong đó có các chất diệt côn trùng, chất diệt cỏ, dầu hoả và các chất phóng xạ đổ vào [14].

+ Do chất thải sinh hoạt:

Trong sinh hoạt hàng ngày con người cũng thải vào môi trường một lượng rác thải đáng kể và đấy cũng là một trong những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước bề mặt. Qua phân tích mẫu nước tại 20 điểm của 18 con sông ở Kanagawa, Nhật Bản từ 1987-1995 cho thấy 64,7% mẫu nhiễm V.cholerae, ở Nga 98% mẫu xét nghiệm nước sông Cama có chỉ số E.coli 102-104/100ml nước [1].

+ Do chất thải y tế:

Song song với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vấn đề quản lý chất thải bệnh viện ở một số bệnh viện ở các nước phát triển đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế. ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước và Bộ Y tế đã ban hành hàng loạt các luật, các quy chế như: Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật bảo vệ môi trường, Qui chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện, Quy chế quản lý chất thải y tế…[4], [6]. Nhưng công tác quản lý, xử lý chất thải bệnh viện vẫn còn nhiều tồn tại. Có tới 47% các bệnh viện không có bể xử lý chất thải lỏng, 15 % bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng nhưng không hoạt động do hỏng vì không có kinh phi bảo trì [19]. Như vậy, những bệnh viện không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải được thải vào hệ thống cống công cộng. Điều này sẽ góp phần không nhỏ trong tình trạng ô nhiễm vi sinh vật từ bệnh viện ra cộng đồng, nơi có dòng nước thải của bệnh viện chảy qua . Rác thải nếu không được phân loại mà thải chung với rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp ngay tại bệnh viện cũng là một yếu tố gây ô nhiễm môi trường [9].

3. Nguyên nhân ô nhiễm nước ngầm

Nước ngầm là một nguồn nước vô cùng quan trọng, nó là nguồn nước sinh hoạt không thể thiếu ở mỗi quốc gia. Một số nước như Cộng hoà Liên bang Đức, Hà Lan hoàn toàn sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt. Nước ngầm hầu như phân bố khắp nơi và an toàn (sạch) hơn so với nước bề mặt, đặc biệt là các nguồn nước ở tầng sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên nguồn nước ngầm ở nhiều nơi trên thế giới cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm do khai thác bừa bãi, quá mức của con người cũng như bị ô nhiễm bẩn do nước thải công nghiệp, đô thị hoá và phát triển nông nghiệp [14].

+ Do công nghiệp:

Nguồn nước ngầm trên thế giới ở nhiều nơi nói chung đang bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải công nghiệp. Tại Mỹ, chất thải độc được đưa vào các hầm ngầm dưới đất. Năm 1981 cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ EPA kiểm tra hơn 52.000 cái hầm, trong đó có 12.000 cái đã làm ô nhiễm nước ngầm (do độ phóng xạ vượt quá ngưỡng). Năm 1980 kiểm tra 27.000 cái thì 8.000 cái nằm trong vùng đất thấm và hơn 1/2 số kiểm tra đã gây ô nhiễm nặng nước ngầm. Hiện nay có khoảng 1/2 dân số Mỹ đang dùng nước ngầm cho sinh hoạt, vì vậy đây là vấn đề rất hệ trọng [21].

Các nhà khoa học đã cho biết, có tới 55.000 các hợp chất hoá học khác nhau được thải vào môi trường . Thành phần cơ bản của chúng là cặn lơ lửng, acid, este, phenol, dầu mỡ và các chất hoá học Asen, thuỷ ngân, xyanua, cadmium, một số chất phóng xạ và đồng vị phóng xạ cũng có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm [16].

+ Do nông nghiệp:

Việc lạm dụng các hoá chất công nghiệp ở một số khu vực nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ví dụ chất nitrat có thể thấm dần xuống đất từ 0,5- 1m mỗi năm cho đến khi chúng gặp được nguồn nước ngầm. Hàng năm có hàng tấn nitrogen gây ô nhiễm nguồn nước ngầm bằng con đường trực tiếp hay thẩm thấu, Halwani và CS 1999, [32]. Càng ngày người ta càng sử dụng với số lượng lớn các hoá chất bảo vệ thực vật, loại hoá chất phân huỷ rất chậm trong môi trường tự nhiên. Đây cũng là một nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Theo báo cáo trước đây, nước ngầm ở nhiều nơi đã nhiễm các hoá chất độc hại như: DDT, lindol, monitor, wolfatox,…[29].

+ Do sinh hoạt:

Nước ngầm cũng có thể bị ô nhiễm trầm trọng do các hoá chất sinh hoạt. Trong một nghiên cứu ở Philippines (1991), người ta đã thấy 50% tổng số mẫu nước giếng khơi có chỉ số fecal coliform trên 101 [1]. Một số tác giả cũng lưu ý đến sự ô nhiễm nguồn nước ở một số nơi và hiểm hoạ của việc này. Poclkin (1987) khi nghiên cứu chất lượng nước các vùng hạ lưu sông Cama (Liên Xô cũ ) vào mùa xuân hè đã thấy có 96% số mẫu có chỉ số E.coli là 102 – 103, độ nhiễm khuẩn được đánh giá là cao [20].

4. Tình hình nghiên cứu vi sinh vật gây ô nhiễm nguồn nước trên Thế giới

Trên thế giới đã có rất nhiều vụ dịch liên quan đến nguồn nước. ở Hoa Kì năm 1971-1985 có 502 vụ dịch với 111.228 người mắc, 42% số vụ dịch với 68% số người mắc là do nguồn nước công cộng, do nước bề mặt chiếm 24% số vụ dịch và 32% các trường hợp mắc [31].

Cũng tại Hoa Kì, năm 1987, 88% vụ dịch ỉa chảy mãn tính kéo dài nhiều tháng đều do nước bị ô nhiễm [31].

Từ năm 1985, WHO cũng đã đánh giá tại các nước châu á, 60% người bị nhiễm trùng và 40% các trường hợp tử vong là do các căn bệnh truyền qua nước [36].

Moe CL, 1991, nghiên cứu về ô nhiễm do fecal coliform trong các mẫu nước giếng khơi nhận thấy: 65% số mẫu có số vi khuẩn lớn hơn 101 vi khuẩn chỉ điểm/ 100ml [30].

5. Tình hình nghiên cứu vi sinh vật gây ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam

Nguyễn Đình Sỏi và cộng sự, 1994 tại Thái Bình kiểm tra 164 mẫu nước giếng về vi sinh vật, chỉ số coliform không đạt tiêu chuẩn vệ sinh chiếm hơn 99% và chỉ số fecal coliform vượt quá tiêu chuẩn chiếm gần 93% [15].

Nguyễn Đình Sơn và cộng sự, 1994: kiểm tra chất lượng vệ sinh các nguồn nước ở Thừa Thiên Huế cho thấy: 1/2 số mẫu nước sông không đạt vệ sinh [17] .

Phạm Thị Xá, Hà Ngư và cộng sự, từ tháng 1/1990-tháng 7/1992 nghiên cứu về vi sinh vật của 54 mẫu nước nguồn cung cấp cho thị xã Thanh Hoá thấy tới 95,8% số mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh [27].

Tại một số tỉnh phía bắc: Hải Phòng, 1987, Trần Huy Bích cho thấy tại vòi nước có 66% không đạt tiêu chuẩn vệ sinh [2].

Vũ Đức Vọng, 1992, nghiên cứu ở Tây Nguyên cho thấy nước bị nhiễm bẩn các chất hữu cơ và vi sinh vật theo mức độ bẩn 52%, cấm dùng chiếm 8% [26].

Còn theo nghiên cứu về tình trạng nước sinh hoạt của Đào Xuân Vĩnh, Nguyễn Thế Vinh và cộng sự ở Tây Nguyên thấy 90,14% mẫu nước suối và sông không đạt tiêu chuẩn vệ sinh [25].

Tại đồng bằng Sông Cửu Long, Lê Thế Thự, 1995, nghiên cứu các nguồn nước bề mặt thấy fecal coliform từ 1,3-2,7.105/100ml nước [20].

Theo Trương Xuân Liễu và cộng sự, 1994, tại 3 xã huyện Cần Giờ có 393 trường hợp bị tả nhưng vụ dịch đã được dập tắt nhanh chóng do đã xử lý vệ sinh nguồn nước [10].

Tình hình ô nhiễm môi trường nước

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

One thought on “Tình hình ô nhiễm môi trường nước

  1. Pingback: Thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?