Tình hình nghiên cứu hoa cúc ở Việt Nam

hệ thống cây trồng

Mục lục

Tình hình nghiên cứu hoa cúc ở Việt Nam

1. Kết quả nghiên cứu về chọn tạo và nhân giống hoa cúc ở Việt Nam

* Kết quả nghiên cứu về nhân giống hoa cúc

Cây hoa cúc có thể nhân giống bằng nhiều phương pháp khác nhau và các phương pháp nhân giống đã ảnh hưởng đến chất lượng hoa cúc. Để đánh giá ảnh hưởng của các phương pháp nhân giống vô tính tới chất lượng và hiệu quả sản xuất hoa cúc cho cúc Vàng Đài Loan, Đặng Văn Đông (2005)[8] đã nghiên cứu 4 phương pháp nhân giống là: tách mầm giá, giâm cành từ cây mẹ chọn lọc trong vườn, nuôi cấy mô tế bào, giâm cành từ cây mẹ nuôi cấy mô tế bào. Kết quả như sau: phương pháp tách mầm giá và giâm cành truyền thống đơn giản, dễ làm nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao từ 9 đến 15%, các chỉ tiêu chất lượng cành hoa thấp như chiều cao cành hoa đạt 77,4 đến 82,2 cm. Trong khi đó phương pháp nuôi cấy mô tế bào và giâm cành từ cây mẹ nuôi cấy mô tế bào có tỉ lệ nhiễm bệnh thấp từ 3 đến 5%, các chỉ tiêu chất lượng cành hoa cao hơn như chiều cao cành hoa đạt 91,1 đến 92,5 cm… Sử dụng phương pháp giâm cành từ cây mẹ nuôi cấy mô tế bào cho hệ số nhân giống cao, chất lượng cây giống tốt, hiệu quả sản xuất hoa thương phẩm cao gấp 1,7 lần so với trồng cây nhân giống bằng phương pháp giâm cành truyền thống.

Hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật nhân giống in vitro để sản xuất hoa cúc đã được nhiều nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công. Theo Nguyễn Xuân Linh và các cộng sự (1998)[16] thì khả năng tái sinh và nhân giống của cây cúc là rất cao: cúc CN93 với hệ số nhân là 611 /năm, vàng Đài Loan 510-610/năm, cúc hồng Đài Loan 310-410 /năm và cúc đỏ Hà Lan 311 /năm. Quy trình nhân giống nuôi cấy mô trên cây hoa cúc gồm có 5 bước cơ bản: tạo nguyên liệu khởi đầu, tạo và nhân nhanh chồi trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo, tạo cây hoàn chỉnh, đưa cây ra vườn ươm và đưa cây giống trồng ra ruộng sản xuất. Nguồn cấy mô ban đầu là các đỉnh sinh trưởng, các mầm bất định ở nách lá, mô lá… ngoài ra việc nuôi cấy mô cũng có thể dùng đoạn thân, lá, đài, cánh hoa, nhị… làm mẫu cấy.

Nguyễn Thị Diệu Hương, Dương Tấn Nhựt (2004) [13] khi nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân nhanh giống cây hoa cúc (Chrysanthemum indicum L.) sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trong môi trường 1/2 MS đã bổ sung BAP kết hợp với NAA, IAA, IBA theo sự biến thiên của các chất kích thích sinh trưởng. Kết quả cho thấy trong môi trường 1/2 MS có bổ sung NAA (0,2-0,5 mg/l), IBA (0,2-0,5 mg/l) đều tạo rễ cho chồi cây hoa cúc tốt hơn trong môi trường 1/2 MS có bổ sung IAA (0,2-0,5 mg/l).

Tác giả Trần Thị Thu Hiền và cs (2007)[14] đã nghiên cứu phương pháp nhân giống hoa cúc CN97 bằng nuôi cấy mô tế bào đã đưa ra kết luận: ở giai đoạn nhân nhanh, môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l NAA là môi trường ra rễ, tạo cây hoàn chỉnh phù hợp nhất cho chồi cúc in vitro.

Để nâng cao chất lượng của các cây giống hoa cúc nuôi cấy in vitro thông qua nuôi cấy thoáng khí, Dương Tấn Nhựt và cs (2005) [27] tiến hành thí nghiệm nuôi cấy cây hoa cúc (Chrysanthemum sp.) trong các hộp nhựa tròn có đục lỗ và hộp không đục lỗ. Kết quả cho thấy trọng lượng tươi và chiều cao cây trong hộp 1 lỗ thoáng khí cao hơn rõ ràng so với cây được cấy trong hộp không
thoáng khí, có tỉ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt khi ra vườn ươm.

Phương pháp nhân giống hoa cúc bằng giâm cành hiện nay vẫn đang được áp dụng rất phổ biến trong thực tế sản xuất hoa cúc Việt Nam. Vì vậy, khi nghiên cứu cải tiến biện pháp nhân giống cúc bằng giâm cành để nâng cao chất lượng cành giâm, hạ giá thành cây giống, Nguyễn Thị Kim Lý (2001) [22], đã tiến hành các nghiên cứu thí nghiệm xây dựng quy trình cải tiến nhân giống cúc từ khâu trồng cây mẹ và khai thác mầm giâm như sau:

– Thời vụ giâm: chọn 2 thời vụ giâm chính là vụ Xuân-Hè (từ tháng 2 đến tháng 5) và Thu-Đông (từ tháng 9 đến tháng 11).

– Đất vườn ươm để trồng cây mẹ: chọn những chân đất cao, tơi xốp, nhiều mùn đã được cày bừa và xử lý nguồn bệnh, chủ động tưới tiêu và có giàn che mưa nắng.

– Trồng cây mẹ: chọn cành giâm tốt khoẻ, không bị sâu bệnh từ những cây mẹ có chất lượng tốt và đảm bảo những đặc trưng hình thái giống, tốt nhất là những mầm cành bánh tẻ, dài từ 5-8cm có khoảng 3 -4 lá với mật độ 1.000 cành giâm/m2, thường sau khoảng 10 -15 ngày, cây ra rễ tốt thì đem trồng cây mẹ để cắt mầm. Khoảng cách trồng cây mẹ là 14 x 15cm, mật độ 400.000cây/ha.

– Kỹ thuật bấm ngọn và cắt cành: thường sau trồng khoảng 10-12 ngày, tiến hành bấm ngọn lần 1 và sau 20 ngày, bấm ngọn lần 2. Sau 25 ngày kể từ khi bấm ngọn lần 2, tiến hành cắt lần 1. Như vậy mỗi cây mẹ sẽ cắt được 3-4 cành. Sau đó, tiếp tục cắt lần 2, lần 3 và mỗi lần cách nhau khoảng 25 ngày. Với kỹ thuật như vậy trong 1 vụ (thời gian khoảng 4 tháng) trên 1 ha có thể thu được 4.000.000 cành giâm có chất lượng tốt.

Việc giâm cành vào vụ Xuân và vụ Thu tiến hành dễ dàng hơn, còn vào vụ Hè-Thu khó khăn hơn. Để giải quyết những khó khăn này, Nguyễn Thị Kim Lý (2001) [22], đã tiến hành nghiên cứu một số biện pháp giâm cành với 2 giống được trồng khá phổ biến ngoài sản xuất giống cúc CN 97 và Họa Mi.

Kết quả đã thu được là trong các biện pháp xử lý cành giâm, biện pháp giâm trên nền đất phù sa nhẹ, chỉ tưới đẫm 1 lần kết hợp với xử lý IBA 1.000 ppm và Zinep 0,1%, cho tỷ lệ hình thành rễ và tỷ lệ cây xuất vườn cao nhất. Biện pháp này khi áp dụng ngoài sản xuất đã đạt hiệu quả kinh tế cao, cung cấp đủ cây cho sản xuất cây thay vì trước đây việc giâm trên nền cát ẩm là không thích hợp cho sự ra rễ cành giâm.

Khi nghiên cứu biện pháp nhân giống hoa cúc bằng giâm cành vào mùa hè, Nguyễn Thị Kim Lý, Nguyễn Xuân Linh (1999) [21] đã sử dụng Kích phát tố của công ty Thiên Nông và đi đến kết luận: việc sử dụng loại phân bón này với liều lượng 1g thuốc pha trong 1 lít nước sạch và nhúng phần gốc của cành khoảng 3 phút, rồi đem phần dung dịch thuốc còn lại pha thêm 5g phân bón lá phun lại lên cành giâm, cứ 3-5 ngày phun dung dịch này 1 lần, có thể đảm bảo 80 đến 90% số cây ra rễ, với thời gian rút ngắn so với đối chứng từ 3-4 ngày.

Phương pháp này thường được áp dụng có hiệu quả cao hơn cho việc nhân giống vào mùa Hè. Hệ số nhân giống cúc theo phương pháp này đạt từ 15-20 lần, tức là trồng từ 15-20 ha phải có 1 ha vườn cây mẹ.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Tình hình nghiên cứu hoa cúc trên thế giới[/message]

* Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cúc

Chọn tạo giống bằng phương pháp nhập nội là con đường cải tiến giống nhanh nhất và rẻ tiền nhất. Thực tế cho thấy rằng, nhiều giống cúc được nhập nội sinh trưởng và phát triển mạnh, có năng suất và chất lượng tốt trong điều kiện khí hậu nước ta. Vì vậy, để có được các giống hoa cúc năng suất và chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng thì các nhà khoa học đã có nhiều kết quả nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn giống và đưa ra giới thiệu cho sản xuất.

Trong các năm 1996-1998, Nguyễn Thị Kim Lý (2001) [22] đã thu thập khảo sát 30 giống hoa cúc từ nguồn trong nước và nhập nội và đã tuyển chọn được một số giống cúc có triển vọng ở các thời vụ khác nhau như vụ Xuân-Hè và Hè-Thu là CN93, CN98, Tím sen, Vàng hè Đà Lạt, vụ Thu- Đông là Vàng Đài Loan, CN97 và các giống cúc chi như Cao Bồi Tím, Họa Mi… vụ Đông Xuân là giống Tím Xoáy.

Nguyễn Xuân Linh và cs (1998) [17], khi nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển các giống cúc ở Việt Nam đã kết luận: các giống nhóm cúc mùa thu nở hoa vào đầu tháng 11 thì phân hóa hoa từ cuối tháng 8, các giống cúc thu đông có thời gian sinh trưởng 14 tuần và thường nở hoa vào giữa tháng 12 đến đầu tháng giêng.

Năm 2002, Phạm Xuân Tùng, Nguyễn Xuân Linh và CTV (2004) [31] đã tiến hành khảo sát đánh giá 20 giống hoa cúc vụ Hè tại Đà Lạt. Kết quả cho thấy có 2 giống cúc (giống 41 và 44) có dạng hoa và màu sắc đẹp, có khả năng kháng ruồi và nấm bệnh tốt, có triển vọng trong sản xuất và trên thị trường.

Từ năm 2001-2005, Viện Di truyền Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát, đánh giá và so sánh các giống hoa cúc nhập từ Hà Lan. Kết quả đã tuyển chọn cho sản xuất giống hoa cúc chùm CN20 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao 70-90 cm, thân cứng khỏe, thời gian sinh trưởng 3-4 tháng, hoa đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng và được trồng 2 vụ chính là vụ Thu và Đông (Nguyễn Thị Kim Lý, Nguyễn Xuân Linh, 2004) [23]; (Nguyễn Thị Kim Lý, Lê Sỹ Dũng, 2008 [25]).

Đặng Văn Đông (2005)[8] đã tiến hành điều tra đánh giá tập đoàn các giống cúc trồng ở miền Bắc Việt Nam. Kết quả đã xác định được 51 giống cúc đang được trồng với mục đích sản xuất hàng hóa và 15 giống đang được trồng với các mục đích khác trên quy mô diện tích ít. Kết quả điều tra cho thấy các giống cúc được trồng có xuất xứ tại Hà Nội từ năm 1995 đến nay khá ít có 6/51 giống, từ vùng hoa Đà Lạt có 5/51 giống, còn lại chủ yếu nhập nội từ các nước khác nhau. Trong đó Hà Lan 23 giống, Xin-Ga-Po 8 giống, Nhật Bản 4 giống, Đài Loan 1 giống, Trung Quốc 1 giống và Ấn Độ 1 giống.
Giống cúc Vàng Hè mới (CN01) đã được Trung tâm Hoa-Cây cảnh (Viện Di truyền Nông nghiệp) khảo sát, đánh giá, tuyển chọn và hiện nay đang được trồng rộng rãi ở các vùng trồng hoa. Theo Nguyễn Thị Kim Lý, Nguyễn Xuân Linh (2005) [24] thì giống CN01 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong vụ Xuân-Hè và Hè-Thu, tỉ lệ nở hoa cao (97-99%), khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hình dáng và mầu sắc hoa đẹp nên được thị trường ưa chuộng.

Khi nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống hoa cúc nhập nội và địa phương tại Hà Nội, Đặng Ngọc Chi (2006)[3] đã đưa ra kết quả: trong 18 giống cúc trồng thử nghiệm, chỉ có 7 giống là Đồng Tiền trắng, Chi Xanh, Mặt Trời, CN19, CN20, Cao Bồi Tím, Tua Vàng có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, các đặc điểm hình thái và chất lượng hoa được người sản xuất và tiêu dùng ưa chuộng. Các giống còn lại tuy có màu sắc đẹp nhưng có những đặc điểm hình thái không phù hợp với sản xuất và khả năng vận chuyển kém nên không được người sản xuất và tiêu dùng lựa chọn và phổ biến rộng rãi.

2. Kết quả nghiên cứu về điều khiển ánh sáng cho cây hoa cúc

Đa số các giống cúc đều phản ứng với ánh sáng ngày ngắn, chịu sự tác động của quang chu kỳ ngày ngắn trong việc phân hoá mầm hoa, tức là chúng chỉ phân hoá mầm hoa ở một điều kiện thời gian chiếu sáng ngắn nhất định trong ngày. Nắm được đặc tính này, Đặng Văn Đông (2000)[5] đã đề ra phương pháp điều chỉnh sự ra hoa của cúc vào thời điểm thích hợp bằng cách che bớt ánh sáng hoặc kéo dài thời gian chiếu sáng trong ngày hoặc sử dụng quang gián đoạn (chiếu ánh sáng nhân tạo trong thời gian ngắn vào lúc nửa đêm). Giống cúc CN93 ra hoa sớm trong điều kiện ngày ngắn (thời gian chiếu sáng trong ngày 10-11 giờ/ngày đêm). Nếu trồng vụ Xuân-Hè (ngày dài), cây đủ thời gian sinh trưởng 90-110 ngày mới ra hoa, nhưng nếu trồng vụ Đông khi thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn thì cây sẽ nở hoa ngay sau khi trồng 20-30 ngày, từ đó dẫn đến chất lượng hoa kém. Để khắc phục điều này, các tác giả trên khuyến cáo sử dụng ánh sáng nhân tạo bằng cách chiếu sáng quang gián đoạn cho cúc. Kết quả là cây cúc sinh trưởng, phát triển bình thường và khi đủ kích thước nhất định mới ra hoa thì chất lượng hoa cao hơn hẳn.

Chiếu sáng quang gián đoạn là tác động chiếu sáng ngắn vào thời gian đêm của một chu kỳ ngày đêm (biến một đêm dài thành 2 đêm ngắn). Tác động này sẽ làm cho cây ngày ngắn (chỉ ra hoa được trong điều kiện đêm dài liên tục) sẽ không ra hoa được. Nắm được nguyên lý này, Đặng Văn Đông (2005) [8]; Đặng Văn Đông, Nguyễn Quang Thạch (2005)[9] đã tiến hành thí nghiệm xử lý quang gián đoạn cho cúc Vàng Pha lê trồng vào vụ Đông. Ở 3 mức độ chiếu sáng quang gián đoạn khác nhau, các tác giả thu được kết quả bảng 1.4.

Bảng 1.4. Ảnh hưởng của thời lượng chiếu sáng quang gián đoạn đến thời gian ra hoa và chất lượng hoa cúc Vàng Pha lê

Chỉ tiêu Thời gian từ trồng đến có nụ 30% (ngày) Thời gian từ trồng đến nở hoa

30% (ngày)

Đường kính cuống Hoa (cm) Đường kính bông hoa (cm) Chiều cao bông hoa Khối lượng 10 bông hoa (kg)
0 (đ/c) 56 75,7 0,32 4,50 3,8 0,56
2 h (22h-0h) 76 103,0 0,32 6,47 4,2 0,75
3h (22h-1h) 80 105,7 0,37 6,63 4,4 0,77
4h (22h-2h) 78 103,0 0,35 6,70 4,1 0,74
12h (18h-6h) 81 106,7 0,36 6,20 4,0 0,73

Ngun: Đặng Văn Đông (2005) [8]

Kết quả cho thấy thời gian trồng đến nở hoa ở công thức đối chứng chỉ có 75,7 ngày, ngắn hơn hẳn các công thức xử lý từ 28-31 ngày. Chất lượng hoa là các chỉ tiêu đường kính cuống hoa, chiều cao bông hoa, khối lượng hoa ở các công thức xử lý ánh sáng đều cao hơn đối chứng không xử lý. Các công thức xử lý ánh sáng 2h, 3h, 4h (xử lý lúc nửa đêm) so với xử lý ánh sáng cả đêm không có sự chênh lệch nhiều về chất lượng hoa của giống cúc Vàng Pha Lê.

Trong đó công thức chiếu sáng quang gián đoạn 3h (từ 22h đến 1h), cường độ chiếu sáng tối thiểu 100 lux, thời điểm chiếu sáng là 15 ngày sau trồng, phương pháp chiếu sáng gián đoạn 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút, cách 1 giờ chiếu sáng 1 lần đã kéo dài thời gian sinh trưởng, năng suất, chất lượng hoa cao nhất.

Độ lớn của hoa là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng hoa cúc. Trong trồng trọt để tăng đường kính hoa người ta thường dùng các biện pháp bón phân, tưới nước, phun phân qua lá, phun chất kích thích sinh trưởng… Tuy nhiên, Đặng Văn Đông (2000) [5] khi nghiên cứu biện pháp chiếu sáng đã đưa ra kết luận: đối với những cây cúc đã xử lý chiếu sáng quang gián đoạn 15 ngày, sau đó để thời gian chiếu sáng ngày ngắn cho cây phân hoá mầm hoa (20 ngày), rồi lại chiếu sáng quang gián đoạn thêm 12 ngày thì thời gian ra hoa sẽ kéo dài từ 7-10 ngày, độ lớn, phẩm chất hoa tốt
hơn hẳn so với đối chứng không xử lý và xử lý liên tục 47 ngày.

Trong thực tế sản xuất, trồng hoa cúc trong vụ Hè ở Hà Nội thời tiết khắc nghiệt, có ngày nhiệt độ cao 36-370C, cường độ ánh sáng 62-70 ngàn lux hoặc mưa to, gió lớn đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoa cúc vụ Hè. Đặng Văn Đông (2005) [8] đã tiến hành thí nghiệm che lưới đen cho giống hoa cúc CN98 trong vụ hè với các công thức: che 1 lớp lưới, che 2 lớp lưới, che 3 lớp lưới. Kết quả cho thấy biện pháp che giảm ánh nắng cho hoa cúc vụ hè có tác dụng rõ rệt: nâng cao tỷ lệ sống, năng suất, chất lượng hoa. Trong đó công thức che 1 lớp lưới đen tương đương giảm 30% cường độ ánh nắng là phù hợp nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,44 lần so với không che. Đặng Văn Đông (2005)[8] khi nghiên cứu thời gian sinh trưởng tập đoàn cúc đông trong điều kiện thời gian chiếu sáng tự nhiên của Hà Nội đã rút ra kết luận: thời gian sinh trưởng các giống cúc đông ngắn dần theo thứ tự từ Hè-Thu đến Thu-Đông và đến Đông-Xuân. Điều này được giải thích do nhóm
cúc đông phản ứng chặt với ánh sáng ngày ngắn mà từ 21/6 (ngày hạ chí) đến 21/12 (ngày đông chí) thời gian chiếu sáng trong ngày giảm dần từ 14 giờ/ngày xuống 11,5 giờ/ngày-đêm. Hầu hết các giống cúc đông cần có thời gian chiếu sáng để cây phân hóa là <13 giờ/ ngày nên ở vụ Hè Thu khi thời gian chiếu sáng trong ngày dài, cây sinh trưởng sinh dưỡng tối đa mới ra hoa, còn sau đó ngày càng ngắn lại thì sự phân hóa mầm hoa diễn ra nhanh và rút ngắn quá trình sinh trưởng của cây.

3. Nghiên cứu thời vụ trồng các giống hoa cúc

Nguyễn Thị Kim Lý (2001)[22] qua nghiên cứu và đánh giá một số giống địa phương và nhập nội cho thấy các loại cúc này đều có thể trồng được vào các thời vụ khác nhau như vụ Hè-Thu, Thu-Đông và Đông-Xuân, nên chúng ta có thể sản xuất hoa cúc quanh năm. Tuy nhiên, cần xác định đúng thời điểm trồng cho các giống hoa thích hợp để hoa có thể nở đúng vào dịp cần dùng giá trị hoa cao và lượng tiêu thụ hoa lớn hơn. Ở Việt Nam, lễ hội thường tập trung vào dịp sau Tết nguyên đán nên các thời vụ cúc trồng từ tháng 11 trở đi (nhất là các giống cúc chùm Hà Lan) được trồng nhiều nhất
vì giá hoa cúc ở thời điểm này thường cao hơn so với các thời điểm khác trong năm từ 200-300 đồng/bông (Nguyễn Thị Kim Lý và cs, 1998 [20]); (Nguyễn Thị Kim Lý và cs, 1999 [21]). Vì vậy, khi nghiên cứu thời vụ trồng một số giống hoa cúc vào các dịp lễ tết, Nguyễn Thị Kim Lý (2001)[22] đã có kết quả như sau:

– Để có hoa cúc vào dịp 20/11, ta có thể sử dụng một số giống như Họa mi, Đồng Tiền trắng, Cao Bồi tím, Nhài hồng. Các giống cúc này trồng vào thời điểm 5/7 hàng năm sẽ có hiệu quả kinh tế cao gấp 5,68 lần so với đối chứng trồng 5/6.

– Để cúc ra hoa vào dịp 8/3, ta có thể sử dụng một số giống như Cao bồi, Đỏ Tổ ong, Nhài hồng, Tua vàng. Giống có năng suất chất lượng hoa cao nhất là giống Tím xoáy (trồng vào 9/12 hàng năm, hiệu quả kinh tế gấp 2,3 lần so với đối chứng trồng vào 9/11).

– Để cúc ra hoa vào dịp tết Nguyên đán ta có thể trồng các giống CN97, Vàng Đài Loan, Đỏ Ấn Độ, Cúc Gấm. Trong đó, hiệu quả kinh tế cao nhất là Vàng Đài Loan. Nếu giống này trồng vào 10/10, hiệu quả sẽ gấp 3,17 lần so với đối chứng, trồng vào 20/9.

Thông thường, không riêng ở Việt Nam mà ở các nước sản xuất hoa khác trên thế giới vào các thời điểm thu hoạch rộ (chính vụ) giá hoa thường rất rẻ. Để sản xuất hoa trái vụ, Đặng Thị Tố Nga (1999) [28] khi nghiên cứu thời vụ trồng cúc Xin-Ga-Po tại Thành phố Thái Nguyên đã kết luận giống cúc Chi nhị tím thích hợp với vụ Đông. Thời vụ tốt nhất là từ tháng 7 và để thu hoạch vào dịp 20/11 thì nên trồng vào 15/7. Thời vụ cho trồng cúc XinGa-Po Đầu đỏ là từ 15/7-15/11, tốt nhất là trong tháng 9, nếu trồng sớm hay muộn hơn thì năng suất và chất lượng hoa sẽ bị giảm.

Theo tác giả Đặng Ngọc Chi (2006)[3], khi nghiên cứu thời vụ trồng các giống cúc Đồng Tiền trắng, Chi Xanh, Mặt Trời, CN19, CN20, Cao Bồi Tím và Tua Vàng cho thấy: các giống Đồng Tiền trắng, Mặt Trời, Chi Xanh, CN19, CN20 vào ngày 15/8 cho hoa đúng dịp 20/11 với chất lượng hoa tương đối cao. Giống Cao Bồi tím để ra hoa vào 20/11 cần trồng trước 15/8 từ 5-10 ngày cũng có chất lượng hoa tốt. Giống Tua Vàng có thời gian sinh trưởng dài và phải tích lũy đủ tổng tích ôn thì mới ra hoa do đó phải trồng đầu tháng 7 thì mới ra hoa vào dịp 20/11.

4. Chất điều tiết sinh trưởng và phân bón lá

Trong những năm gần đây, chất điều tiết sinh trưởng và phân bón lá ngày càng được nhiều nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu để tăng năng suất, chất lượng cây hoa cúc.

Năm 2000, Đặng Văn Đông [5] khi nghiên cứu ảnh hưởng của các chế phẩm và chất kích thích sinh trưởng như Spray N-Grow 1%; Atonik 0,5%; GA3 50 ppm đều có tác dụng rõ rệt tới sự sinh trưởng, phát triển của cúc Vàng Đài Loan. Trong đó GA3 tác động mạnh ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng, làm tăng chiều cao và rút ngắn thời gian nở hoa, Spray N-Grow và Atonik tác động mạnh ở giai đoạn sinh thực, nâng cao tỷ lệ nở hoa và kéo dài độ bền hoa cắt. Còn 2 loại thuốc Spray-GA3 100ppm cùng có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cúc CN93 trong vụ Đông làm tăng tỷ lệ nở hoa, đặc biệt là chiều cao cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng (Đặng Văn Đông, Đỗ Thị Lưu, 1997) [4].

Khảo sát hiệu ứng tăng trưởng thực vật của chế phẩm Oligoalginat (OA) bằng kĩ thuật bức xạ trên cây hoa cúc, Lê Quang Luận sử dụng dung dịch OA phun lên lá cúc ở các nồng độ khác nhau khi cúc được 12-14 ngày tuổi sau giâm cành. Kết quả là dung dịch OA có nồng độ 80 ppm làm tăng quá trình sinh trưởng về chiều cao, số lá, đường kính hoa, tăng trọng lượng cành hoa. (Lê Quang Luận, 1999)[26].

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của chất điều tiết sinh trưởng GA3 đến sinh trưởng phát triển của cây và chất lượng 1 số giống hoa cúc thí nghiệm, tác giả Đặng Ngọc Chi (2006) [3] đã thử nghiệm ở các nồng độ 100ppm, 200ppm, 300ppm, 400ppm. Kết quả cho thấy chất lượng mang cành hoa của tất cả các giống cúc Đồng Tiền trắng, Chi Xanh, Mặt Trời, CN19, CN20, Cao Bồi tím và Tua Vàng được nâng cao đặc biệt về chiều cao khi xử lý GA3 ở nồng độ 200ppm.

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của các chế phẩm GA3, phân bón lá, Kích phát tố hoa trái đến năng suất phẩm chất hoa cúc CN97 trồng trong vụ Đông – Xuân ở các vùng trồng hoa Hà Nội, Nguyễn Xuân Linh và CTV (2006)[19] đã kết luận: GA3, phân bón lá, Kích phát tố hoa trái đều ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cúc CN97 vào vụ Đông-Xuân. Trong đó GA3 có tác dụng mạnh ở giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, còn Kích phát tố hoa trái cho hiệu quả cao hơn ở giai đoạn sinh trưởng sinh thực. Sử dụng kết hợp cả 3 chế phẩm GA3, phân bón lá, kích phát tố hoa trái đã làm tăng chiều cao cây, hoa đạt chất lượng tốt trong điều kiện ra hoa trái vụ.

Phân bón thể lỏng A, B của Ôt-xtrây-li-a là sản phẩm phân sạch chất lượng cao, có chứa các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng và vi lượng như N, P, K, Cu, Mo, Zn… Để xác định hiệu lực và liều lượng phân thể lỏng A, B, Lê Văn Thiện (2006) [33] đã nghiên cứu ảnh hưởng của 2 loại phân bón này trên cây hoa cúc Hoàng Đế. Kết quả cho thấy phân bón thể lỏng A, B của Ôtxtrây-li-a có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng, phát triển của giống cúc Hoàng Đế, cho chiều cao cây, đường kính tán, số nụ, số hoa trên cây nhiều hơn so với bón NPK. Trong đó công thức có tỉ lệ trộn 1A: 2B với liều lượng phun 2.000 lít/ha, nồng độ phun là 0,5% là thích hợp nhất làm tăng năng suất, chất lượng hoa cúc Hoàng Đế.

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại phân bón lá Diệp Lục tố, Growmore, Agriconik, phân chiết xuất từ cá, hỗn hợp ngâm ủ (cá +chất dinh dưỡng vô cơ) đến sinh trưởng, phát triển của cây cúc chi vàng Đà Lạt, Hoàng Thị Thái Hòa và cộng sự (2010)[11], cũng có kết luận: phân bón lá Diệp Lục tố nồng độ 400 ppm có tác dụng tốt nhất, làm tăng số hoa lên 22%, tăng độ bền hoa 3 ngày so với đối chứng và có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tình hình nghiên cứu hoa cúc ở Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?