Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch ở Indonesia

Mục lục

Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch ở Indonesia

Đất nước và tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch Indonesia

* Vị trí địa lý: Indonesia là một quốc đảo với khoảng 17.500 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó phải kể đến một số đảo chính như: đảo Java, đảo Sumatra, đảo Kalimanta (phần lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo, hòn đảo thuộc chủ quyền của 3 nước Indonesia, Malaysia và Brunei Darussalam), đảo Sulawesi (hay Celebes), quần đảo Moluccas, quần đảo Nusa Tenggara (hay quần đảo Sunda nhỏ, trong đó một nửa phía Tây thuộc Đông Timor và đảo Bali) và đảo Papua (trước đây có tên là Irian Jaya, là một phần của đảo New Guinea – phần còn lại thuộc quốc đảo Papua New Guinea).

Với tổng diện tích lên tới 1,9 triệu km2, Indonesia là nước lớn thứ 15 trên thế giới, trải dài khoảng 5.440km từ lục địa Đông Nam Á về phía đông Philippines và Australia, được bao quanh bởi ba vùng biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Biển Đông. Nằm trên một đường đứt gãy kiến tạo, Indonesia là khu vực chịu ảnh hưởng của động đất, núi lửa phun trào, bão lũ và hạn hán.

* Dân số: Theo báo cáo dân số thế giới của Ủy ban Xã hội thuộc Liên hợp quốc, năm 2012, dân số Indonesia vào khoảng 245 triệu dân, đứng thứ 4 trên thế giới với tỷ lệ 122 triệu nam giới (chiếm 49,8%) và 123 triệu nữ giới (chiếm 50,2%). Tổng dân số tăng 1,3%/năm trong giai đoạn 2000-2005 và 1,1%/năm giai đoạn 2005-2010, tương đương khoảng 2,5 triệu dân/năm. Mức tăng trưởng này dự báo sẽ giảm xuống 1,0% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015 và 0,8% giai đoạn 2015-2020.

* Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính thức là tiếng Indonesia (Bahasa Indonesia), có sự liên quan mật thiết với tiếng Mã Lai, nhưng bên cạnh đó có tới hơn 300 ngôn ngữ địa phương, trong đó quan trọng nhất là ngôn ngữ Java.  Tiếng Anh và tiếng Anh “bồi” được sử dụng rộng rãi ở các thành phố, tiếng Hà Lan ngày càng mất ảnh hưởng.

* Tôn giáo: Điều tra năm 2000 đã đưa ra số liệu thống kê dân số theo tôn giáo như sau: đạo Hồi chiếm 86%; đạo Tin Lành chiếm 6%; Công giáo La Mã chiếm 3%; đạo Hinđu chiếm 2%; còn lại 3% thuộc tôn giáo khác. Hầu hết người Indonesia cảm thấy thoải mái với đạo Hồi, nhưng ở một số khu vực cũng có những căng thẳng xã hội giữa người theo đạo Kitô và người theo đạo Hồi.

* Môi trường kinh tế: Trong những năm gần đây, Indonesia trở thành một trong những nước có nền kinh tế năng động hơn trên thế giới, và hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới. Indonesia là một trong những thành viên sáng lập của tổ chức ASEAN và là thành viên của hội nghị G20 của các nền kinh tế lớn.

Năm 1997, kinh tế Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 thì nước này lại vượt qua tương đối dễ dàng. Năm 2009 Indonesia là một trong số ít các nước thành viên G20 đạt được tăng trưởng kinh tế tích cực. Hàng loạt lĩnh vực kinh tế đạt tăng trưởng tốt, được thúc đẩy bởi cả tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chính sách khôn ngoan của Chính phủ đã giúp duy trì thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức vừa phải và lạm phát thấp so với trước đây.

* Chính sách du lịch: Vào cuối năm 2011, chính phủ Indonesia đã bổ nhiệm Tiến sĩ Mari Elka Pangestu, nguyên Bộ trưởng Thương mại – một người được đánh giá là có trình độ cao và rất năng động, để làm Bộ trưởng Bộ Du lịch (sau đó được đổi tên thành Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo). Điều này đã đã cho thấy sự chú trọng của chính phủ Indonesia tới vai trò của du lịch trong nền kinh tế đất nước.

Báo cáo năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2011 xếp Indonesia đứng thứ 13 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 74 trên thế giới – tăng 7 bậc so với vị trí trong Báo cáo năm 2009. Liên quan tới các chỉ số ảnh hưởng đến du lịch outbound, Indonesia đứng thứ 4 trên thế giới về cạnh tranh giá trong ngành du lịch và lữ hành, một phần do giá vé tham quan và lệ phí sân bay thấp (đứng thứ 16); xếp thứ 17 về tác động của thuế nói chung và thứ 19 về mức giá nhiên liệu ưu đãi. Ngoài ra, Indonesia còn xếp thứ 15 về mức độ ưu tiên quốc gia cho du lịch; xếp thứ 32 về mức độ cởi mở hợp tác song phương trong lĩnh vực dịch vụ hàng không và xếp thứ 37 về mạng lưới hàng không quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, những thế mạnh trên bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng trong nước kém phát triển, trong đó có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (đứng thứ 96) và mối lo ngại liên quan tới an toàn và an ninh, đặc biệt là sự thiếu tin tưởng vào dịch vụ cảnh sát và chi phí thiệt hại có thể xảy ra do khủng bố.

Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của Indonesia

Indonesia đã xây dựng xong chiến lược tổng thể phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, theo đó tư tưởng chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng du lịch. Mục đích của chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025 của Indonesia sẽ phát triển khoảng 50 điểm đến quy mô quốc gia với một số “hành lang du lịch”, lượng khách quốc tế dự kiến đến thời điểm này dự kiến đạt 25 triệu lượt người. Cùng với chiến lược là một kế hoạch phát triển đến năm 2015 cũng đã hoàn tất với nội dung tập trung phát triển 3 loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch biển. Đối với du lịch nông thôn sẽ triển khai trên 54 điểm, du lịch sinh thái là 50 điểm ở các vườn quốc gia.

Indonesia có chủ trương phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Chính phủ hỗ trợ phát triển bằng việc cho thuê đất với giá rẻ để cộng động làm du lịch, đồng thời hướng dẫn và đào tạo cộng đồng về nghiệp vụ du lịch. Các sản phẩm chính được định hướng: du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch đánh golf, du lịch lặn biển, du lịch MICE. Ở Indonesia, Vụ Thị trường của Cục Xúc tiến Indonesia có nhiệm vụ theo dõi diễn biến thị trường, định hướng và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bà du lịch ở cấp quốc gia. Từ việc theo dõi thị trường và đánh giá tình hình, xu hướng phát triển kinh tế – xã hội và du lịch, Indonesia chuyển hướng thu hút thị trường khách du lịch ASEAN. Ngân sách xúc tiến quảng bá du lịch năm 2010 của Indonesia vào khoảng 40 triệu USD.

Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt tại địa bàn đảo Bali – một trong những điểm du lịch nổi bật của Indonesia thì những thành công chính nằm ở vấn đề như tôn trọng ý kiến, tập tục và tư duy của người bản địa; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo một quá trình; ban hành các quy định chặt chẽ và rõ ràng về kiến thức, có quan điểm bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Năm 2012, với sự hợp tác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia đã ban hành “Kế hoạch chiến lược Phát triển du lịch bền vững và Việc làm xanh cho Indonesia” với tầm nhìn “Nâng cao sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống cho người dân Indonesia thông qua phát triển du lịch và kinh tế sáng tạo”. Hiển nhiên, bền vững là yếu tố quan trọng nhất trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này, bởi chất lượng cuộc sống không thể bảo đảm nếu thiếu sự bền vững. Kế hoạch này hình thành khung chiến lược cho hoạch định du lịch bền vững, đồng thời đưa ra những giải pháp chiến lược cùng phương cách thực hiện nhằm đạt được sự bền vững và việc làm xanh trong du lịch. Tiếp cận theo hướng này, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia hy vọng rằng ý tưởng về tính bền vững và việc làm xanh sẽ được lồng ghép trong mọi chính sách liên quan đến phát triển du lịch ở Indonesia.

* Định hướng của “Kế hoạch chiến lược Phát triển du lịch bền vững và Việc làm xanh cho Indonesia”:

– Thay đổi tư duy của tất cả các bên liên quan;

– Xây dựng và áp dụng các chỉ số đo lường du lịch bền vững;

– Làm quen với tư duy mới về Việc làm xanh và Du lịch bền vững;

– Ban hành cơ chế kiểm soát, quản lý chiến lược và thực thi chiến lược.

* Những giải pháp thực hiện:

– Thúc đẩy việc làm xanh thông qua phát triển du lịch bền vững: nhằm đạt được mục tiêu về hiệu suất làm việc trong khi bảo đảm sự tự do, công bằng, an toàn, phẩm giá con người và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, trong cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

– Ưu tiên giảm nghèo trong ngành du lịch: nhằm giảm nghèo cho cộng đồng địa phương, bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lối sống của người dân bản địa. Giảm nghèo trong du lịch liên quan tới các vấn đề: giám sát và đánh giá tác động môi trường của du lịch; hỗ trợ việc làm liên quan đến du lịch ở khu vực nông thôn như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; tăng cường phối hợp và trao đổi; giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện tại.

– Nâng cao cơ hội việc làm cho thanh niên trong ngành du lịch và phát triển du lịch thanh niên: nhằm hỗ trợ thanh niên nhận thức được tầm quan trọng của tính bền vững trong các hoạt động du lịch của mình. Chính họ là những người có tiềm năng làm việc trong ngành du lịch với kỹ năng tốt và nhận thức đầy đủ về khái niệm bền vững trong quản lý, vận hành và xây dựng hệ thống du lịch trong tương lai.

– Bảo vệ phụ nữ và trẻ em chống lại những vấn đề về giới và trẻ em: mục tiêu ở đây là tạo cơ hội cho phụ nữ có việc làm được trả công tốt hơn, tương đương với những đồng nghiệp nam ở cùng vị trí, cùng trình độ kỹ năng, giúp họ có điều kiện làm việc tốt hơn. Đồng thời, loại bỏ mọi hình thức lao động trẻ em trong ngành.

– Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tự nguyện trong du lịch bền vững: nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn về đạo đức trong ngành, xây dựng các tiêu chuẩn và chương trình chứng nhận trong du lịch bền vững. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch, tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan trong ngành dễ dàng tương tác với nhau theo những chuẩn mực này.

– Coi đào tạo và nghiên cứu du lịch là một ưu tiên trong chiến lược đào tạo và nghiên cứu của đất nước: Du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng là ngành đòi hỏi phải có kiến thức, do vậy cần có nguồn nhân lực có trình độ phù hợp ở cả khu vực nhà nước và tư nhân. Đào tạo cho nhân lực của tất cả các bên liên quan ở tất cả các cấp là một yêu cầu bắt buộc.

– Xác định những đối tác tiềm năng ở địa phương: Chiến lược phát triển du lịch bền vững tại địa phương cần được xây dựng phù hợp với tiềm năng, điều kiện và các ưu tiên chính sách của địa phương đó.

– Triển khai marketing sáng tạo và có lựa chọn: Để bảo đảm công tác marketing điểm đến được hiệu quả cần phân bổ ngân sách lớn và được sử dụng một cách khôn ngoan. Về dài hạn, cần phải đầu tư thích đáng vào nghiên cứu thị trường, qua đó xây dựng chiến lược marketing sáng tạo và hiệu quả về chi phí, cũng như tìm ra được những thị trường tiềm năng.

– Áp dụng cách tiếp cận bền vững trong hoạch định du lịch: Cách tiếp cận này đặt cộng đồng và con người là những đối tượng chính của du lịch, qua đó nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương nơi diễn ra hoạt động du lịch, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

– Thành lập một cơ quan điều phối duy nhất cho phát triển du lịch bền vững: Vấn đề chính trong điều hành ở các cấp là các cơ quan du lịch thường thiếu năng lực trong phối hợp với các ngành liên quan. Do vậy, cần có một cơ quan điều phối đủ sức mạnh để chỉ đạo hoạt động của các bên liên quan. Cơ quan này cần được thành lập ở cả cấp tỉnh/thành phố và các địa phương.

Kết quả đạt được

Theo Cục thống kê Trung ương Indonesia (BPS), các điểm đến hàng đầu ở Indonesia là Bali, Tây Java, Trung Java, Đông Java, Jakarta, Bắc Sumatra, Lampung, Nam Sulawesi, Nam Sumatra, Banten và Tây Sumatra.

Như hầu hết các quốc gia khác, khách du lịch nội địa là phân khúc thị trường lớn nhất. Thời gian khách nội địa đi lại nhiều nhất là dịp lễ Eid ul-Fitr diễn ra trong thời gian 2 tuần sau tháng ăn chay Ramadan. Thời gian này rất nhiều người dân theo đạo Hồi đi lại thăm bà con ở quê. Giao thông trong nội đô thường xảy ra ùn tắc và có thể người tham gia giao thông sẽ bị tính thêm phí.

Trong giai đoạn 5 năm đầu thế kỷ 21, Indonesia đặt trọng tâm thu hút khách du lịch nội địa. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không giá rẻ đã làm tăng lượng khách du lịch nội địa bằng đường hàng không trong cả nước. Gần đây, Bộ Lao động Indonesia đã có chính sách tạo ra các kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn khi kết hợp với các kỳ nghỉ lễ quốc gia nếu rơi vào gần dịp cuối tuần, trừ trường hợp diễn ra các dịp lễ tôn giáo quan trọng. Trong những dịp nghỉ cuối tuần dài này, hầu hết các khách sạn tại các điểm đến nổi tiếng đều kín phòng.

Từ năm 2000, tính trung bình mỗi năm có khoảng 5 triệu khách quốc tế đến Indonesia, chi tiêu trung bình khoảng 100 USD/ngày, thời gian chuyến đi trung bình từ 9-12 ngày; mang lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm khoảng 4,6 tỷ USD cho đất nước. Nguồn thu này đưa du lịch trở ngành quan trọng thứ ba trong nền kinh tế Indonesia sau ngành gỗ và dệt may (không tính các ngành dầu khí và gas).

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Úc để trở thành thị trường nguồn lớn thứ ba của Indonesia, đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 30,42%. Theo số liệu trong quý 1 năm 2014, những quốc gia thị trường nguồn hàng đầu của Indonesia đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Singapore (tăng 15,7%), Malaysia (14,0%), Trung Quốc (11,0), Úc và Nhật Bản. Vương quốc Anh, Pháp và Đức là những thị trường nguồn lớn nhất từ châu Âu. Mặc dù khách Hà Lan quan tâm đến tìm hiểu quan hệ lịch sử giữa hai nước, nhưng phần lớn khách châu Âu ưa thích các bãi biển khí hậu nhiệt đới ở Bali.

Trong tổng số du khách quốc tế đến Indonesia, khoảng 59% vì mục đích nghỉ dưỡng, 38% vì mục đích công việc. Năm 2012, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, du lịch và lữ hành đóng góp khoảng 8,9% GDP và tạo ra 8% trong tổng số việc làm của đất nước.

Ở Indonesia, tự nhiên và văn hóa là hai yếu tố nền tảng tạo dựng nên hệ thống sản phẩm du lịch. Các chiến dịch quảng bá du lịch tập trung mạnh vào xúc tiến các điểm đến nhiệt đới với biển xanh, cát trắng và các thắng cảnh văn hóa. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn ven biển đã được phát triển ở một số điểm đến nổi tiếng, đặc biệt là đảo Bali. Trong khi đó, du lịch văn hóa được xem là một phần không thể tách rời của ngành du lịch Indonesia. Ngược lại, phát triển du lịch sẽ góp phần phát huy và bảo tồn di sản văn hóa. Với tiềm năng và chính sách nhất quán như vậy, Indonesia tập trung phát triển những loại hình sản phẩm du lịch sau:

* Về du lịch tự nhiên, Indonesia sở hữu hệ sinh thái và rừng mưa đa dạng, phong phú được bảo vệ tốt, bao phủ khoảng 57% diện tích đất liền Indonesia, trong đó khoảng 2% là rừng đước. Một trong những nguyên nhân khiến hệ sinh thái tự nhiên ở Indonesia được bảo vệ tốt là do chỉ có 6.000 trong tổng số 17.000 hòn đảo của đất nước này là có người sinh sống thường xuyên. Những khu rừng ở Sumantra và Java là những điểm du lịch rất nổi tiếng. Hơn nữa, Indonesia có đường bờ biển vào hàng dài nhất trên thế giới (khoảng 54.000km), với rất nhiều bãi biển và khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hầu hết các bãi biển còn nguyên sơ nằm tại những khu vực biệt lập và kém phát triển như  các đảo Karimunjawa, Togian, Banda.

– Lặn biển: Indonesia là một điểm đến đầy tiềm năng cho loại hình du lịch lặn biển với hơn 17.000 hòn đảo, trên 3.000 loài cá khác nhau, 600 loài san hô, các luồng nước sâu, miệng núi lửa dưới đáy biển, xác tàu chiến từ thời chiến tranh thế giới thứ 2 và thế giới sinh vật đa dạng. Du lịch lặn biển ở đây được đánh giá là tuyệt hảo và không hề đắt đỏ.

– Lướt sóng: cũng là một loại hình du lịch phổ biến ở Indonesia và được xem là có đẳng cấp quốc tế. Hầu hết các điểm lướt sóng nổi tiếng nằm ở phía nam Indonesia, chẳng hạn như khu vực biển phía Ấn Độ Dương, ngoài ra có thể thưởng ngoạn ở  các khu vực dọc theo Sumatra, xuống Nusa Tenggara, trong đó có Aceh, Bali, Banten, Java, Lombok, đảo Mentawai, và Sumbawa. Phần lớn người lướt sóng đến từ Úc và Mỹ.

– Du lịch vườn quốc gia: Vườn quốc gia Bogor được thành lập năm 1817 và Vườn quốc gia Cibodas được thành lập năm 1862 là hai trong số những vườn quốc gia lâu đời nhất ở châu Á. Với sự đa dạng của các loài cây nhiệt đới, những vườn quốc gia này vừa là trung tâm nghiên cứu sinh vật cảnh, vừa là điểm du lịch thu hút khách. Có 50 vườn quốc gia ở Indonesia, trong đó 6 vườn quốc gia là Di sản thiên nhiên thế giới (bao vườn quốc gia Gunung Leuser, Kerinci Seblat Bukit Barisan Selatan ở Sumatra, vườn quốc gia Lorentz ở Papua, vườn quốc gia Komodo ở đảo Lesser Sunda, và vườn quốc gia Ujung Kulon ở Tây Java). Cần chú ý rằng, những vườn quốc gia khác nhau có đa dạng sinh học khác nhau bởi Indonesia là một đất nước rộng lớn, thế giới tự nhiên ở đây được chia thành hai khu vực: khu vực phía Tây gồm Sumantra, Java và Kalimantan có cùng đặc điểm động thực vật như lục địa châu Á; trong khi khu vực phía Đông có đặc điểm tương tự lục địa châu Úc.

– Du lịch núi lửa: du lịch leo núi và cắm trại là những loại hình du lịch mạo hiểm phổ biến ở Indonesia. Một số ngọn núi còn có mạch sông, phù hợp cho hoạt động thể thao chèo bè, mảng trên sông. Mặc dù các ngọn núi lửa có thể gây nguy hiểm nhưng chúng đã trở thành những điểm đến nổi tiếng. Những ngọn núi lửa còn hoạt động nổi tiếng là ngọn Bromo cao 2.329m ở Đông Java, ngọn Tangkuban Perahu có hình chiếc thuyền nằm úp, ngọn Merapi gần Yogyakarta và ngọn Krakatau  huyền thoại. Ngọn Gede Pangrango ở Tây Java cũng là điểm leo núi được ưa thích, đặc biệt là đối với người dân trong nước.

* Về du lịch văn hóa, Indonesia có 300 nhóm dân tộc, tạo nên một sự đa dạng về văn hóa, cộng thêm ảnh hưởng của đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi và văn hóa thời thực dân châu Âu. Mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài, nhưng văn hóa bản địa Indonesia vẫn duy trì được những nét độc đáo riêng có. Ví dụ ở  Yogyakarta, du lịch văn hóa là một phần rất quan trọng, đây là một tỉnh được coi là trung tâm văn hóa và mỹ thuật truyền thống Java. Sự thăng trầm của các vương quốc Hindu, Phật giáo và Hồi giáo ở Trung Java đã biến Yogyakarta thành một nơi hòa trộn các nền văn hóa Indonesia. Hầu hết các thành phố lớn ở Indonesia đều có các bảo tàng nhà nước, mặc dù quy mô trưng bày còn hạn chế. Bảo tàng lớn nhất giới thiệu lịch sử và văn hóa Indonesia từ thời kỳ tiền sử cho tới thời kỳ thuộc địa là Bảo tàng Quốc gia Indonesia nằm ở thủ đô Jakarta.

– Du lịch đền thờ cổ: Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 15, đạo Hindu và đạo Phật định hình văn hóa Indonesia. Thời kỳ này các vương quốc nổi lên và suy tàn như Medang, Srivijaya, Kediri, Singhasari và Majapahit, đã để lại nhiều đền thờ và di tích gọi là candi. Đền thờ Phật giáo được bảo tồn tốt nhất là Đền Borobudur ở Trung Java, được xây dựng vào triều đại Sailendra thế kỷ thứ 8. Cách đó vài km về phía đông nam là đền Prambanan, ngôi đền Hindu lớn nhất Indonesia, được xây dựng vào triều đại Mataram đệ nhị. Ngôi đền thờ Shiva, Vishnu và Brahma – ba vị thần tối cao trong đạo Hindu. Cả đền Borobudur và Prambanan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1991. Ngoài ra ở quanh Yogyakarta, có thể tìm thấy rất nhiều đền thờ cổ, tuy không lớn và nổi tiếng như hai ngôi đền trên, nhưng cũng thể hiện được đặc trưng văn hóa cổ Indonesia và kiến trúc đền đài cổ Java.

– Du lịch di sản Hồi giáo: Hồi giáo có đóng góp rất lớn trong hình thành xã hội văn hóa ở Indonesia. 88% người dân Indonesia là theo đạo Hồi. Văn hóa đạo Hồi rất phổ biến ở Sumantra. Du lịch di sản Hồi giáo rất phổ biến ở Indonesia, đặc biệt là đối với người theo đạo Hồi ở Indonesia và những nước láng giềng như Malaysia, Singapore và Brunei vốn có cùng nền văn hóa Hồi giáo Đông Nam Á. Đối với du khách khi đến tham quan các di tích Hồi giáo, dù là người dân địa phương hay người nước ngoài, theo đạo Hồi hay không, thì cũng phải tuân thủ các quy định về trang phục và hành xử. Hầu hết các thành phố lớn ở Indonesia đều có các đền thờ Hồi giáo, vừa là biểu tượng của thành phố, vừa là điểm quan quan cho khách du lịch.

– Du lịch di sản thuộc địa: Loại hình du lịch này chủ yếu tập trung vào khám phá lịch sử Indonesia, chẳng hạn như kiến trúc thuộc địa thời kỳ Đông Ấn Hà Lan vốn thu hút đối tượng khách du lịch đến từ Hà Lan cung như là những người yêu thích lịch sử thuộc địa Indonesia ở trong và ngoài nước. Du lịch thuộc địa bao gồm cả các hoạt động khác như thăm bảo tàng, nhà thờ, pháo đài, và các tòa nhà thuộc địa, hay ngủ lại các khách sạn thuộc địa. Các điểm du lịch thuộc địa nổi tiếng là Kota – trung tâm của Jakarta cổ với bảo tàng hàng hải, cầu nâng Kota Intan, bảo tàng Wayang, bảo tàng mỹ thuật gốm sứ, bảo tàng Ngân hàng Indonesia, khu Chinatown ở Indonesia…

– Du lịch đô thị: bao gồm các hoạt động như mua sắm, tham quan ngắm cảnh tại các thành phố lớn, tận hưởng các hoạt động vui chơi giải trí ở các công viên chủ đề, khu nghỉ dưỡng, spa, hoạt động về đêm… Ở mức độ nào đó, du lịch đô thị cũng bao gồm cả du lịch di sản và văn hóa đô thị, chẳng hạn như thăm thú các bảo tàng ở thành phố hoặc các thị trấn thuộc địa.  Khu Ancol Dreamland với công viên chủ đề Dunia Fantasi và công viên nước Atlantis nằm ở thủ đô Jakarta được xây dựng theo phong cách Disneyland. Một số công viên tương tự cũng được xây dựng tại các thành phố khác. Thủ đô Jakarta cũng là nơi có rất nhiều trung tâm mua sắm phục vụ du khách. Khu Mal Kelapa Gading là trung tâm mua sắm lớn nhất với diện tích 130 km2. Bên cạnh những trung tâm mua sắm cao cấp với các sản phẩm hàng hiệu, Indonesia cũng là điểm đến nổi tiếng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách mua hàng lưu niệm. Các sản phẩm lụa và thời trang của Indonesia được biết đến với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Bandung là trung tâm mua sắm hàng thời trang nổi tiếng đối với du khách Malaysia và Singapore. Một hoạt động du lịch khác là chơi golf – một môn thể thao được ưa chuộng trong giới thượng lưu Indonesia và người nước ngoài.

– Du lịch ẩm thực: Indonesia có nền ẩm thực truyền thống độc đáo và đặc sắc vào hàng bậc nhất trên thế giới, ví dụ món rendang gần đây được bầu chọn là món ngon nhất trong danh sách “50 món ăn ngon nhất thế giới” do hãng tin CNN công bố. Ẩm thực Indonesia phong phú và rất khác nhau tùy theo các vùng. Du lịch ẩm thực Indonesia là một hoạt động rất thú vị khi được thưởng thức sự đa dạng trong văn hóa bản địa. Một số món như nasi goreng, sate và soto có thể tìm thấy ở mọi nơi trên đất nước Indonesia và được coi là những món ăn đại diện cho đất nước. Du khách có thể thưởng thức ẩm thực Indonesia ở nhiều nơi khác nhau, từ các xe bán hàng nhỏ trên phố cho tới các nhà hàng sang trọng. Hầu hết các trung tâm mua sắm ở các thành phố lớn đều dành riêng một tầng phục vụ du khách ăn uống với rất nhiều món ăn truyền thống Indonesia.

Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch ở Indonesia

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?