Mục lục
Phương pháp phân tích tài chính
1. Phương pháp luận
Phân tích tài chính phải nắm vững những nguyên lý cơ bản của kinh tế chính trị học, đứng trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, vận dụng nhuần nhuyễn các quy luật, các phạm trù của phép duy vật biện chứng để tiến hành phân tích hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Khi phân tích tài chính doanh nghiệp, cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
♦ Xem xét sự kiện kinh tế một cách toàn diện trong quá trình vận động và phát triển của chúng.
♦ Xem xét sự kiện kinh tế trong mối liên hệ biện chứng giữa các sự kiện.
♦ Xem xét sự kiện kinh tế phải xuất phát từ thực tế khách quan và phải có quan điểm lịch sử cụ thể.
♦ Xem xét sự kiện kinh tế phải thường xuyên phát hiện mâu thuẫn, phân loại mâu thuẫn và tìm ra các biện pháp để giải quyết các mâu thuẫn đó.
[message type=”e.g. information, success, attention, warning”]Xem thêm : Mục tiêu của phân tích tài chính[/message]2. Các phương pháp phân tích
a) Phương pháp so sánh
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong phân tích tài chính và thường được thực hiện ở bước khởi đầu của việc phân tích. Việc sử dụng phương pháp so sánh là nhằm các mục đích:
– Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch mà doanh nghiệp đã đặt ra bằng cách so sánh giữa trị số của chỉ tiêu kỳ thực tế với trị số của chỉ tiêu kỳ kế hoạch.
– Đánh giá tốc độ, xu hướng phát triển của hiện tượng và kết quả kinh tế thông qua việc so sánh giữa kết quả kỳ này với kết quả kỳ trước.
– Đánh giá mức độ tiên tiến hay lạc hậu của đơn vị bằng cách so sánh giữa kết quả của bộ phận hay của đơn vị thành viên với kết quả trung bình của tổng thể hoặc so sánh giữa kết quả của đơn vị này với kết quả của đơn vị khác có cùng qui mô hoạt động, trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý là khi thực hiện phép so sánh là hai số liệu đưa ra so sánh phải đảm bảo các điều kiện:
– Cùng nội dung kinh tế.
– Phải thống nhất về phương pháp tính.
– Phải cùng một đơn vị đo lường và phải được thu thập trong cùng một độ dài thời gian.
– Ngoài ra, các chỉ tiêu cần phải được quy đổi về cùng một quy mô và điều kiện kinh doanh tương tự nhau.
Về kỹ thuật so sánh có thể so sánh bằng số tuyệt đối, so sánh bằng số tương đối, so sánh bằng số bình quân:
– So sánh bằng số tuyệt đối: là kết quả của phép trừ giữa trị số của chỉ tiêu kỳ phân tích so với trị số của chỉ tiêu kỳ gốc. Kết quả so sánh biểu hiện khối lượng, quy mô biến động của các hiện tượng kinh tế.
– So sánh bằng số tương đối: là kết quả của phép chia giữa trị số của kỳ phân tích so với kỳ gốc của các chỉ tiêu kinh tế hoặc giữa trị số của kỳ phân tích so với kỳ gốc đã được điều chỉnh theo tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của chỉ tiêu có liên quan theo hướng quyết định quy mô chung của chỉ tiêu phân tích.
– So sánh bằng số bình quân: Số bình quân là dạng đặc biệt của số tuyệt đối, biểu hiện tính chất đặc trưng chung về mặt số lượng nhằm phản ánh đặc điểm chung của một đơn vị, một bộ phận hay một tổng thể chung có cùng tính chất.
b) Phương pháp phân tổ
Một hiện tượng kinh tế do nhiều bộ phận cấu thành. Nếu chỉ nghiên cứu hiện tượng kinh tế qua chỉ tiêu tổng hợp thì không thể hiểu sâu sắc hiện tượng kinh tế đó.
Do vậy, cần có những chỉ tiêu chi tiết để nghiên cứu từng bộ phận, từng mặt cụ thể của hoạt động sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác, phải sử dụng phương pháp phân tổ. Phân tổ là phân chia sự kiện nghiên cứu, các kết quả kinh tế thành nhiều bộ phận, nhiều tổ theo những tiêu thức nhất định. Thông thường trong phân tích, người ta có thể phân chia các kết quả kinh tế theo các tiêu thức sau:
Phân chia theo thời gian: tháng, quí, năm
Kết quả kinh doanh bao giờ cũng là một quá trình diễn ra trong một thời gian nhất định. Trong mỗi khoảng thời gian khác nhau, sự kiện kinh tế chịu sự tác động của các nhân tố và những nguyên nhân ảnh hưởng khác nhau. Do vậy, việc phân tích theo thời gian giúp nhà phân tích đánh giá chính xác kết quả kinh doanh, từ đó có thể đưa ra các biện pháp cụ thể trong từng khoảng thời gian cho phù hợp.
Chi tiết theo địa điểm và phạm vi kinh doanh
Kết quả hoạt động kinh doanh do nhiều bộ phận, theo phạm vi và địa điểm phát sinh khác nhau tạo nên. Việc phân tích chi tiết này nhằm đánh giá kết quả kinh doanh của từng bộ phận, phạm vi và địa điểm khác nhau từ đó khai thác các mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu của từng bộ phận và phạm vi hoạt động khác nhau.
Chi tiết theo các bộ phận cấu thành của chỉ tiêu phân tích
Các chỉ tiêu kinh tế thường được chi tiết thành các bộ phận cấu thành. Việc nghiên cứu chi tiết giúp ta đánh giá chính xác các bộ phận cấu thành của chỉ tiêu phân tích.
Ví dụ: Chỉ tiêu tổng giá thành sản phẩm được chi tiết theo giá thành của từng loại sản phẩm. Trong mỗi loại sản phẩm, giá thành lại được chi tiết theo các khoản mục chi phí sản xuất.
c) Phương pháp xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến kết quả kinh tế
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều nhân tố tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc nhận thức được các nhân tố và xác định được mức độ ảnh hưởng của nó đến các chỉ tiêu kinh tế là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phân tích.
Để xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp số chênh lệch, phương pháp hiệu số phần trăm, phương pháp cân đối, phương pháp chỉ số…Sau đây là một số phương pháp thường được sử dụng trong phân tích.
Phương pháp thay thế liên hoàn
Phương pháp thay thế liên hoàn được sử dụng để xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến kết quả kinh tế khi các nhân tố ảnh hưởng này có quan hệ tích hoặc thương số với chỉ tiêu kinh tế.
Phương pháp thay thế liên hoàn được thực hiện theo nội dung và trình tự sau đây:
Thứ nhất, xác định công thức phản ánh mối liên hệ giữa các nhân tố đến chỉ tiêu kinh tế.
Thứ hai, sắp xếp các nhân tố theo một trình tự nhất định và không đổi trong cả quá trình phân tích. Theo quy ước, nhân tố số lượng được xếp đứng trước nhân tố chất lượng, nhân tố hiện vật xếp trước nhân tố giá trị. Trường hợp có nhiều nhân tố số lượng cùng ảnh hưởng thì xếp nhân tố chủ yếu trước các nhân tố thứ yếu.
Thứ ba, xác định đối tượng phân tích. Đối tượng phân tích là mức chênh lệch giữa chỉ tiêu kỳ phân tích (kỳ thực hiện) với chỉ tiêu kỳ gốc (kỳ kế hoạch, hoặc năm trước).
Giả sử có chỉ tiêu kinh tế Y chịu tác động bởi 3 nhân tố, quan hệ giữa các nhân tố này tới chỉ tiêu là quan hệ tích số và được sắp xếp như sau:
Y = a.b. c
Ta qui ước: kỳ kế hoạch được ký hiệu bằng chỉ số 0, còn kỳ thực tế được ký hiệu bằng chỉ số 1. Do đó, ta có:
Y1 = a1.b1. c1 và Y0 = a0.b0.c0
Đối tượng phân tích được ký hiệu là ΔY: ΔY = Y1 – Y0
Thứ tư, Xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố:
Ở bước này, ta lần lượt thay thế số kế hoạch của mỗi nhân tố bằng số thực tế.
Sau mỗi lần thay thế, lấy kết quả mới tìm được trừ đi kết quả trước đó. Kết quả của phép trừ này là ảnh hưởng của nhân tố được thay thế.
Cụ thể ta có:
– Thay thế lần thứ nhất ta có: Ya = a1.b0.c0
Mức độ ảnh hưởng của nhân tố a, được ký hiệu là Δa
Δa = Ya – Y0 = a1.b0.c0 – a0.b0.c0
– Thay thế lần thứ hai ta có: Yb = a1.b1.c0
Mức ảnh hưởng của nhân tố b được ký hiệu là Δb:
Δb = Yb – Ya = a1.b1.c0 – a1.b0.c0
– Thay thế lần thứ ba ta có: Yc=a1.b1 .c1
Mức độ ảnh hưởng của nhân tố c được ký hiệu là Δc
Δc = Yc – Yb = a1.b1.c1 – a1.b1.c0
Thứ năm, tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố. Tổng mức độ ảnh hưởng của các nhân tố được xác định phải bằng đối tượng phân tích:
ΔY = Δa + Δb + Δc
Phương pháp số chênh lệch
Phương pháp số chênh lệch là một dạng đặc biệt của phương pháp thay thế liên hoàn. Về mặt toán học, phương pháp số chênh lệch là hình thức rút gọn của phương pháp thay thế liên hoàn bằng cách đặt thừa số chung. Vì vậy, khi thực hiện phương pháp số chênh lệch phải tuân thủ đầy đủ nội dung, các bước tiến hành của phương pháp thay thế liên hoàn. Phương pháp số chênh lệch chỉ khác phương pháp thay thế liên hoàn ở bước thứ tư. Có thể khái quát bước bốn bằng công thức sau:
– Mức độ ảnh hưởng của nhân tố a:
Δa = (a1- a0).b0.c0
– Mức độ ảnh hưởng của nhân tố b:
Δb = a1(b1-b0) c0
– Mức độ ảnh hưởng của nhân tố c:
Δc = a1.b1(c1-c0)
Bước 5: Tổng mức độ ảnh hưởng của các nhân tố được xác định bằng đối tượng phân tích là ΔY (giống phương pháp thay thế liên hoàn):
ΔY = Δa + Δb + Δc
Phương pháp cân đối
Trong qúa trình hoạt động kinh doanh đã hình thành nhiều mối quan hệ cân đối. Cân đối là sự cân bằng giữa các yếu tố với quá trình kinh doanh.
Ví dụ như cân đối giữa vốn (tài sản) với nguồn vốn, cân đối giữa nguồn thu với chi hay cân đối giữa nguồn cung cấp vật tư với sử dụng vật tư…
Phương pháp cân đối được sử dụng nhiều trong công tác lập kế hoạch và trong phân tích kinh tế để nghiên cứu các mối liên hệ cân đối trong quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó, xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động.
Khác với các phương pháp trên, phương pháp cân đối được sử dụng để xác định ảnh hưởng của các nhân tố trong điều kiện các nhân tố có quan hệ tổng (hiệu) với chỉ tiêu phân tích. Như vậy, xét về mặt toán học, mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố là độc lập với nhau. Cụ thể, giả sử có 3 nhân tố a, b, c ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế Y theo mối quan hệ sau:
Y = a + b – c
Cũng qui ước như trên ta có:
Y0 = a0 + b0 – c0 và Y1 = a1 + b1 – c1
Đối tượng phân tích là: ΔY = Y1 – Y0
Ảnh hưởng của các nhân tố được xác định như sau:
– Ảnh hưởng của nhân tố a: Δa = a1 – a0
– Ảnh hưởng của nhân tố b: Δa = b1 – b0
– Ảnh hưởng của nhân tố c: Δc = – (c1 – c0)
Tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố: : ΔY = : Δa + Δb + Δc
Ngoài các phương pháp trên, trong phân tích hoạt động kinh doanh, ở các doanh nghiệp, có thể sử dụng nhiều phương pháp khác như phương pháp chỉ số, phương pháp số tỷ lệ….
Phương pháp phân tích tài chính
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT