Phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành may
Có thể nói nguyên nhân chủ đạo khiến cho ngành may xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ dừng lại ở việc gia công xuất khẩu là do ngành công nghiệp phụ trợ của ngành may Việt Nam chưa phát triển tương xứng với trình độ phát triển và qui mô của ngành may xuất khẩu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành may có tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu của vải và các phụ liệu may cũng tăng tương ứng và chiếm một tỷ trọng đáng kể và ổn định so với kim ngạch xuất khẩu.
Xuất phát từ thực trạng trên, Nhà nước cần thực hiện một hệ thống các giải pháp để phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành may xuất khẩu. Cụ thể là:
Thứ nhất, thu hút nguồn vốn để phát triển công nghiệp phụ trợ.
Nhà nước cần tăng cường các hoạt động thông tin quảng bá về thành tích của ngành may xuất khẩu trong thời gian qua và nhu cầu về nguyên phụ liệu trong thời gian tới, đồng thời tìm hiểu các thông tin có liên quan đến việc sản xuất các nguyên phụ liệu của ngành may xuất khẩu nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư tương lai cái nhìn lạc quan về sự phát triển của ngành. Khi các nhà đầu tư đã nhận ra nhu cầu đồng thời nắm được mức độ khó dễ trong việc sản xuất sản phẩm phụ trợ, họ mới sẵn sàng bỏ vốn vào lĩnh vực này.
Nhà nước cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa trong đó Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối nhằm huy động nhiều vốn hơn trong các tầng lớp dân cư. Mặt khác, việc bỏ vốn sở hữu doanh nghiệp cũng gắn trách nhiệm và quyền lợi của các chủ sở hữu doanh nghiệp gần nhau hơn do đó góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nhà nước và các hiệp hội cần tạo ra một môi trường thuận lợi về đầu tư và chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước tiếp cận thông tin nhiều và chính xác hơn, đồng thời tăng tính khả thi của những dự án kinh doanh của những nhà đầu tư thông qua các chính sách cho vay ưu đãi, đầu tư ưu đãi…
Bên cạnh việc thu hút nguồn vốn trong nước, Nhà nước và các hiệp hội cần xây dựng các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt thông qua đầu tư trực tiếp. Để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước cần tập trung vào việc hình thành các khu công nghiệp dệt may nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch, xử lý nước thải, đồng thời cần có chính sách thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn trong thu hút đầu tư như ưu đãi về thuế đất cho thuê, ưu đãi về thuế thu nhập, ưu đãi về thuế nhập khẩu nguyên liệu… Bên cạnh đó, Nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, thủ tục thuê đất…
Trong thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực may xuất khẩu chưa được thực hiện mạnh mẽ. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa phát triển mạnh. Phần lớn các công ty may xuất khẩu không phải là công ty đại chúng hoặc có là công ty đại chúng thì cũng chưa niêm yết trên sàn giao dịch. Việc khuyến khích các công ty niêm yết trên sàn giao dịch cũng là một hướng đi quan trọng nhằm một phần huy động nguồn vốn nước ngoài, mặt khác minh bạch hóa quá trình quản trị doanh nghiệp.
Thứ hai, phát triển thượng nguồn của ngành may Đối với ngành trồng bông
Ngành bông vải Việt Nam sau một thời gian phát triển khá tốt, được hỗ trợ bằng đề án phát triển cây bông của Chính phủ. Vụ bông năm 2001- 2002, diện tích trồng bông ở nước ta lên đến 32.600 ha. Nhưng sau đó diện tích trồng bông liên tục giảm do hạn hán nghiêm trọng năm 2005 và 2006 đã làm cho nông dân nản lòng và từ bỏ cây bông. Trong thời gian này, giá ngô tăng 250% đã làm cho nông dân từ bỏ cây bông sang trồng ngô. Kết quả là, đến niên vụ năm 2008- 2009, diện tích trồng bông ở Việt Nam chỉ còn chưa đến 3.000 ha. Với diện tích này, sản lượng bông xơ của Việt Nam đạt khoảng 3.000 đến 4.000 tấn mỗi năm, đáp ứng được khoảng 1- 2% so với nhu cầu cho ngành sợi, khoảng 300.000 tấn mỗi năm.
Mặc dù chương trình phát triển cây bông vải trong giai đoạn 2010- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1 năm 2010 đã xác định rằng trong niên vụ 2009- 2010 sẽ mở rộng diện tích trồng bông đến 8.000 ha, và đến năm 2015 sẽ mở rộng đến 30.000 ha với tổng sản lượng bông xơ dự kiến khoảng 20.000 tấn nhưng cần phải thừa nhận rằng việc trồng cây bông vải ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thổ nhưỡng không thật sự phù hợp, giống bông cũ và thoái hóa, điều kiện canh tác lại dựa chủ yếu vào thiên nhiên nên năng suất bông ở nước ta thấp. Trong khi năng suất trồng bông trên thế giới phổ biến ở mức 3-5 tấn bông hạt/ ha thì ở Việt Nam năng suất phổ biến ở mức khoảng 1- 1,2 tấn bông hạt/ha.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần khẳng định việc phát triển cây bông là cần thiết cho việc phát triển ngành may xuất khẩu ở Việt Nam cho dù diện tích bông có đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu ngành sợi cả hiện tại và tương lai. Để ngành may xuất khẩu của Việt Nam phát triển bền vững theo hướng sản xuất theo thương hiệu riêng thì Việt Nam cần chủ động một phần từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất nguyên phụ liệu nhằm giúp những ý tưởng thời trang trở thành hiện thực, được thử nghiệm trên thị trường, và từ đó được khách hàng biết đến. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu bên ngoài thì sẽ hạn chế phần lớn sự sáng tạo của ngành thời trang bởi những thông tin về nguyên liệu sản xuất luôn không đầy đủ và nguyên liệu luôn không sẵn có với những doanh nghiệp này. Để giữ vững và phát triển ngành bông nguyên liệu với hiệu quả kinh tế cao, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
– Thay đổi mô hình sản xuất trồng bông từ mô hình chủ yếu là liên kết sản xuất theo hộ nông dân sang mô hình chủ yếu là trang trại và nông trường. Mô hình sản xuất mới giảm bớt sự phụ thuộc vào nông dân, ổn định diện tích trồng bông theo thời gian.
– Nhanh chóng đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất đại trà đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về quản lý dịch hại cho bông.
– Đẩy mạnh đầu tư trồng bông ở những vùng có tưới. Hiện tại, cây bông Việt Nam chủ yếu được trồng ở những vùng đất tận dụng nguồn nước mưa nên năng suất thấp. Cần ổn định sản xuất trồng bông ở những khu vực này đồng thời đẩy mạnh đầu tư trồng bông ở những vùng nguyên liệu có tưới để giảm bớt sự phụ thuộc vào thời tiết.
– Tăng cường công tác khuyến nông. Cần đào tạo sâu rộng cho nông dân, đưa kiến thức khoa học kỹ thuật đến tay nông dân nhằm hạn chế những sai lầm đáng tiếc trong trồng bông.
– Thông qua các hiệp hội, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện những chính sách hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về xử lý môi trường, bình ổn giá thu mua nguyên liệu…
Đối với ngành dâu tằm
Tơ tằm là loại sợi tự nhiên cao cấp có tính chất đặc biệt như độ bóng cao, mềm mại, xốp cho nên mặc quần áo bằng tơ tằm ở mùa hè thì mát và mùa đông lại ấm. Sau hàng nghìn năm tồn tại, tơ tằm vẫn là loại sợi duy nhất có độ dài liên tục, là cả một kho tàng đích thực về những giá trị lịch sử và văn hoá. Có thể nói tơ tằm là món hàng trang sức của ngành dệt. Mặc dù là ngành truyền thống lâu đời ở nước ta, sau những bất cập về quản lý trong thời gian qua, ngành dâu tằm bên cạnh những dấu hiệu suy thoái như giống dâu và tằm lạc hậu, không có cơ chế chính sách hỗ trợ người nông dân trồng dâu nuôi tằm… lại vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Chẳng hạn, diện tích trồng dâu của Việt Nam tăng đều qua các năm và năm 2006 đạt 25.025 ha. Hiện tại, Việt Nam cung cấp cho thị trường thế giới 2.652 tấn tơ mỗi năm và chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng tơ trên thế giới.
Trong thời gian tới, cần xác định rõ ràng rằng ngành dâu tằm là ngành truyền thống và là ngành lợi thế của Việt Nam nên cần nhận được sự quan tâm đúng mức. Để nghề dâu tằm phát triển bền vững và để người trồng dâu nuôi tằm gắn bó với nghề, cần chú ý những vấn đề sau:
– Tổng Công ty Dâu tằm tơ (đang trong quá trình sáp nhập với Tổng Công ty Cà phê) cần nhanh chóng kiện toàn cơ cấu tổ chức mới để hỗ trợ tốt nhất cho bà con nông dân trong việc phát triển ngành dâu tằm.
– Hiệp hội Dâu tằm tơ và Tổng Công ty Dâu tằm tơ cần có trách nhiệm trong việc cung cấp giống. Cần tìm kiếm những giống dâu tằm có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái ở Việt Nam.
– Tăng cường công tác khuyến nông để bà con thông hiểu về cách thức trồng dâu nuôi tằm. Thực hiện hướng dẫn kỹ thuật quá trình sản xuất tơ để tránh tình trạng phổ biến hiện tại là trong thời gian tằm nhả tơ thường bị chết gây thiệt hại cho người lao động.
– Hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi giống dâu và tằm có năng suất cao, nâng cấp thiết bị sản xuất…
– Xây dựng các tiêu chuẩn của ngành như tiêu chuẩn trứng tằm, tiêu chuẩn kén, tiêu chuẩn tơ… nhằm từng bước đưa việc trồng dâu nuôi tằm và cung cấp tơ, lụa theo những qui trình chuẩn, tạo thương hiệu cho sản phẩm tơ của Việt Nam.
– Hiệp hội Dâu tằm tơ và Tổng Công ty Dâu tằm tơ cần thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm tơ và những sản phẩm từ lụa tìm được những thị trường hấp dẫn hơn, củng cố thêm niềm tin về đầu ra cho bà con nông dân.
Phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành may
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT