Mục lục
Nội dung cơ bản của phát triển bền vững công nghiệp
Phát triển bền vững công nghiệp có nội dung rất rộng và biến đổi theo thời gian, tuỳ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn của đất nước. Do đó, xác định rõ nội dung Phát triển bền vững công nghiệp với các lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch phát triển là rất cần thiết. Xác định rõ nội dung vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu trước mắt trong Phát triển bền vững công nghiệp, với các điều kiện kinh tế – xã hội và nguồn lực cho phép vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi để từng bước thực hiện tổng thể chiến lược Phát triển bền vững công nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, phát triền bền vững công nghiệp ở Việt Nam bao gồm các nội dung cơ bản và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên chính sau:
1. Duy trì tăng trưởng công nghiệp nhanh và ổn định trong dài hạn
Để có thể duy trì lâu dài một tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh và ổn định trong dài hạn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, chúng ta cần thực hiện một số định hướng chính sau đây:
Một là, Chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển chủ yếu theo chiều sâu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của vốn đầu tư nói riêng.
Hai là, Chuyển nền kinh tế từ khai thác và sử dụng tài nguyên dưới dạng thô sang chế biến tinh xảo hơn, nâng cao giá trị gia tăng từ mỗi một đơn vị tài nguyên được khai thác. Chuyển dần sự tham gia thị trường bên ngoài, thị trường quốc tế bằng những sản phẩm thô sang dạng các sản phẩm chế biến tinh và dịch vụ. Chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
[message type=”e.g. information, success]Xem thêm : Khái niệm phát triển bền vững công nghiệp[/message]Ba là, Triệt để tiết kiệm các nguồn lực trong phát triển, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khan hiếm và hạn chế tiêu dùng lấn vào phần của các thế hệ mai sau.
Bốn là, Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường. Nghiên cứu để đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA). Hệ thống hạch toán kinh tế, xã hội và môi trường hợp nhất sẽ bao gồm ít nhất một hệ thống hạch toán phụ về tài nguyên thiên nhiên.
2. Thực hiện quá trình công nghiệp hóa sạch
Đẩy mạnh công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của Việt Nam trong thời gian 10-20 năm tới. Thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” là ngay từ ban đầu phải quy hoạch sự phát triển công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền “công nghiệp xanh”. Những tiêu chuẩn môi trường cần được đưa vào danh mục tiêu chuẩn thiết yếu nhất để lựa chọn các ngành nghề khuyến khích đầu tư, công nghệ sản xuất và sản phẩm, quy hoạch các KCN, khu chế xuất và xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát ô nhiễm.
Những hoạt động ưu tiên nhằm thực hiện quá trình công nghiệp hóa sạch bao gồm:
(1) Về pháp luật:
– Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, các vùng lãnh thổ và các địa phương theo hướng gắn với Phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách có hiệu quả.
– Thể chế hóa việc đưa yếu tố môi trường vào quy trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn của cả nước, các bộ, ngành và địa phương, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Hoàn thiện quy trình đánh giá tác động môi trường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung đánh giá tác động môi trường; thực hiện nghiêm ngặt quy định phải đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp.
– Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu, tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.
– Khuyến khích sản xuất sạch; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng và lợi ích của sản xuất sạch trong quá trình Phát triển bền vững.
– Xây dựng các tiêu chuẩn và nguyên tắc đối với sản xuất sạch phù hợp với trình độ phát triển kinh tế. Nghiên cứu và phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất sạch, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở sản xuất và các nhà nghiên cứu công nghệ sản xuất sạch, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất.
– Nghiên cứu, ban hành một số chế tài buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn và vừa phải thiết lập các hệ thống tự quan trắc, giám sát về môi trường để cung cấp thông tin về chất thải và mức độ ô nhiễm do các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gây nên. Nghiên cứu, ban hành các chỉ tiêu về mức ô nhiễm tối đa cho phép ở các KCN. Nhanh chóng hình thành một lực lượng cán bộ được đào tạo về quản lý môi trường trong các KCN.
(2) Về kinh tế:
– Trong quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp, phải ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ, thiết bị BVMT thích hợp và tiên tiến; lập các dự án với luận chứng đầy đủ, chi tiết về các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và BVMT.
– Thành lập mới và phát triển khu công nghệ cao. Ban hành các tiêu chuẩn an toàn và BVMT trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ, công nghiệp điện, điện tử và công nghiệp sản xuất ô tô, mô tô, xe máy.
– Từng bước nâng dần tỷ lệ đầu tư phát triển công nghệ sạch.
– Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm tỷ trọng công nghệ sạch ngày càng tăng.
(3) Về kỹ thuật và công nghệ:
– Phòng ngừa ô nhiễm do các cơ sở công nghiệp mới tạo ra, bao gồm việc hoàn thiện quy trình thẩm định đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là đưa ra yêu cầu về việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trước khi cấp giấy phép đầu tư.
– Giảm thiểu ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở hiện có gây ra. Tiến hành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc các cơ sở này phải lắp đặt các thiết bị kiểm soát và xử lý ô nhiễm, nâng cấp hoặc đổi mới công nghệ sản xuất, di dời toàn bộ hoặc từng bộ phận ra khỏi khu vực dân cư đông đúc và ở mức cao nhất là đình chỉ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở này. Hàng năm, tiến hành thống kê, đánh giá lại những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong phạm vi cả nước, tiến tới kiểm soát được ô nhiễm.
– Thực hiện việc đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ quy mô vừa và lớn trong toàn quốc và báo cáo về tình trạng quản lý môi trường trong ngành khai khoáng và các ngành công nghiệp chế biến có liên quan. Những mỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất sẽ bị buộc phải đầu tư để giảm thiểu mức độ ô nhiễm xuống mức cho phép hoặc bị đóng cửa. Các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động khai khoáng quy mô nhỏ và các hoạt động chế biến trong phạm vi tỉnh. Tất cả các dự án khai khoáng mới phải được xem xét, sàng lọc cẩn thận và phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chi tiết, đặc biệt là xem xét, đánh giá các công nghệ khai khoáng và chế biến, việc sử dụng và thải bỏ hóa chất, công tác duy tu các bãi phế thải và việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
(4) PTBV một số ngành công nghiệp có tác động đặc biệt đối với môi trường:
Một số ngành công nghiệp có tác động mạnh tới môi trường như năng lượng, luyện kim, khai thác mỏ, xây dựng,… phải sớm xây dựng những chương trình hành động nhằm bảo đảm PTBV, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc ứng dụng những công nghệ khai thác và chế biến tiên tiến cho phép tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng phát thải và ô nhiễm, khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng tái tạo được, cải thiện môi trường sinh thái ở những khu vực khai thác tài nguyên.
3. Tổ chức không gian lãnh thổ và phân bố công nghiệp hợp lý
Nguyên tắc của chính sách phân bố công nghiệp là nhằm tạo ra một không gian phân bố công nghiệp hợp lý hơn, kích thích công nghiệp phát triển nhưng vẫn hài hoà được các lợi ích về môi trường. Dưới góc độ phát triển bền vững, không gian phân bố phản ánh sức chứa hay giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các hoạt động kinh tế – xã hội nói chung, công nghiệp nói riêng theo từng vùng. Nhìn tổng thể, không gian đó vẫn còn sức chứa rất lớn, tuy nhiên do phân bố không hợp hợp lý đang tạo ra sự quá tải cục bộ tại một số vùng hay còn gọi là điểm nóng môi trường không đáng có. Quan trọng hơn, cách thức phân bố như hiện nay đã không cho phép khai thác các lợi thế môi trường, đang và ngày càng trở thành “hàng hoá’ có giá trị và góp phần làm tăng sức mạnh cạnh tranh đáng kể.
Để khắc phục các vấn đề đó, nội dung cơ bản của chính sách phân bố công nghiệp hướng vào 3 điều chỉnh lớn sau đây:
(1) Định hướng phát triển tập trung, theo đó phân bố công nghiệp tại địa phương, tiếp tục quy hoạch định hướng về các KCN, khu chế xuất. Sự phát triển các KCN và khu chế xuất thời gian qua mặc dù còn nhiều bất cập xong cũng đã góp phần làm giảm đáng kể các nguy cơ lan toả ô nhiễm. Nội dung chính sách tới đây cũng sẽ vẫn tiếp tục theo hướng tập trung, hạn chế tối đa các phân bố công nghiệp phân tán xen lẫn dân cư, khu đô thị và ở ngoài các KCN. Theo định hướng này địa phương vẫn nên được khuyến khích hình thành các KCN, khu chế xuất với các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, trên cơ sở khai thác và phát huy được tối đa các thế mạnh của địa phương, của vùng và của đất nước cho phát triển công nghiệp.
Vấn đề lớn nhất hiện nay trong định hướng phát triển tập trung là làm sao cùng lúc gắn việc thu hút đầu tư với quản lý môi trường, hình thành và phát triển đồng bộ các KCN, đây là hai vấn đề còn chưa tương xứng. Trước hết, giải quyết dứt điểm vấn đề xử lý nước thải tập trung tại các KCN, phấn đấu đảm bảo tất cả các KCN có công trình xử lý nước thải tập trung. Vấn đề thứ hai là thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại tại các KCN hiện cũng chưa hoàn thiện và còn chậm được khắc phục. Thứ ba là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với sự phát triển của các KCN nhằm giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến KCN như vấn đề nhà ở cho công nhân, đáp ứng và thoả mãn các nhu cầu về văn hoá, y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí… của công nhân trong KCN.
(2) Tạo các liên kết công nghiệp bền vững: Mục tiêu tạo ra các phân bố có tính liên kết, phân công chuyên môn hoá theo hướng thân thiện môi trường. Theo đó, có nhiều dạng liên kết như liên kết công nghiệp – vùng nguyên liệu, liên kết theo lĩnh vực chuyên ngành (hoá chất, dệt may, luyện kim), liên kết trao đổi chất thải, công nghiệp sinh thái, liên kết đồng phát… Trong các quy hoạch và phân công công nghiệp theo ngành, vùng phải thể hiện tính liên kết và tận dụng các lợi thế của nhau. Các KCN hiện phân bố thiếu hợp lý, dẫn đến không chia sẻ được các cơ sở hạ tầng, lãng phí trong đầu tư và đất đai buộc phải chịu chi phí cao hơn cần từng bước khắc phục.
(3) Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng: Mục tiêu là góp phần cải thiện và giải quyết các vấn đề môi trường do lịch sử để lại dựa trên cơ sở di dời kết hợp đổi mới công nghệ. Về lâu dài, cần quy hoạch cấm và hạn chế phát triển một số loại hình công nghiệp ô nhiễm tiềm năng tại một số khu vực làng nghề và đô thị.
4. Đảm bảo và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – Corporate Social Responsibility (CSR) chính là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản xuất, môi trường và xã hội. Bền vững trước hết phải bắt nguồn từ trong ý thức, quyết định hành động và ứng xử của mỗi doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của xã hội. Các doanh nghiệp muốn PTBV luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về BVMT, bình đẳng giới, an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc áp dụng các bộ Quy tắc ứng xử (CoC) và các tiêu chuẩn như SA 8000 (tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy sản xuất), WRAP (trách nhiệm toàn cầu trong ngành may mặc), ISO 14000 (hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp),… Điều quan trọng là ý thức về trách nhiệm xã hội phải là kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, bất kể họ tuân thủ bộ quy tắc ứng xử nào, hay thậm chí thực hiện trách nhiệm xã hội theo các quy tắc đạo đức mà họ cho là phù hợp với yêu cầu của xã hội và được xã hội chấp nhận.
Một doanh nghiệp hiện đại chỉ được xem là có trách nhiệm xã hội khi: đảm bảo được hoạt động của mình không gây ra những tác hại đối với môi trường sinh thái, tức là phải thể hiện sự thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất của mình, đây là một tiêu chí rất quan trọng đối với người tiêu dùng; Phải biết quan tâm đến người lao động, người làm công cho mình không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, buộc người lao động làm việc đến kiệt sức hoặc không có giải pháp giúp họ tái tạo sức lao động của mình là điều hoàn toàn xa lạ với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Phải tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ, không được phân biệt đối xử về mặt giới tính trong tuyển dụng lao động và trả lương mà phải dựa trên sự công bằng về năng lực của mỗi người; Không được phân biệt đối xử, từ chối hoặc trả lương thấp giữa người bình thường và người bị khiếm khuyết về mặt cơ thể hoặc quá khứ của họ; Phải cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; Dành một phần lợi nhuận của mình đóng góp cho các hoạt động trợ giúp cộng đồng. Vì cộng đồng và san sẻ gánh nặng với cộng đồng đang là một mục tiêu mà các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đang hướng tới bên cạnh mục tiêu phát triển lợi nhuận của mình.
5. Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên
Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng là nội dung không thể thiếu trong chương trình phát triển bền vững của quốc gia, là một nội dung cần được đặc biệt ưu tiên, bao gồm các hoạt động về khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, trong đó sử dụng tiết kiệm là chủ đạo.
So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Nếu biết bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên này thì chúng sẽ trở thành một lợi thế trong cạnh tranh quốc tế cả trong hiện tại và tương lai lâu dài.
Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được, hiện nay cả nước có hơn 1.1 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác với trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Do quản lý chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, đã gây ra tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản, huỷ hoại môi trường đất, thảm thực vật và gây nhiều sự cố môi trường như sụt lở, sập hầm lò khai thác…Đặc biệt các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các các địa phương không được tổ chức quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được phân chia thành loại không tái tạo được và loại có thể tái tạo được, trong đó khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được. Việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được chú ý đối với cả 2 loại nói trên với những chính sách và biện pháp quản lý thích hợp đối với mỗi loại, nhưng loại tài nguyên không tái tạo được cần đặc biệt chú ý hơn. Phương thức khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như phương thức tiêu dùng chúng hiện nay còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã có tác động xấu đến môi trường ở nhiều vùng trong cả nước, đe dọa sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống xã hội hiện tại và tương lai. Vì vậy việc bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng phải trở thành một mục tiêu quan trọng trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cũng như các dự án phát triển ở Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, cần thực hiện những hoạt động ưu tiên sau:
(1) Về chính sách, pháp luật:
– Cân nhắc và khai thác một cách có tính toán, có chiến lược lâu dài đối với các tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đặc biệt là đối với các loại tài nguyên không thể tái tạo và các loại tài nguyên mà với công nghệ và trình độ hiện tại của chúng ta chưa thể khai thác một cách có hiệu quả.
– Sử dụng các công cụ kinh tế, hành chính và chế tài pháp luật nhằm thực hiện kiên quyết và có hiệu quả hơn Luật Khoáng sản.
– Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý tài nguyên khoáng sản ở Trung ương và các địa phương.
(2) Về kinh tế:
– Xây dựng quy hoạch thống nhất sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
– Tổ chức trình tự khai thác mỏ một cách hợp lý, tránh tình trạng mỏ dễ thì làm trước, mỏ khó thì bỏ lại, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, đánh giá và quy hoạch khai thác khoáng sản. Hạn chế và sớm tiến tới nghiêm cấm tình trạng khai thác mỏ một cách tự phát, bừa bãi.
– Đối với tài nguyên khoáng sản ở dưới lòng sông, cần khoanh khu vực khai thác, tránh làm sạt lở bờ và thay đổi dòng chảy.
– Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở các địa bàn khai thác mỏ.
(3) Về kỹ thuật:
– Đổi mới công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến nhằm tận dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
– Áp dụng các công nghệ tiên tiến để sử dụng các loại quặng có hàm lượng thấp nhằm triệt để sử dụng khoáng chất trong các mỏ, đồng thời giảm khối lượng đất đá thải, thu hẹp diện tích bãi thải.
– Thu hồi các chất hữu ích từ các bãi thải quặng để làm sạch môi trường và tránh lãng phí tài nguyên.
– Thực hiện bồi hoàn các dạng tài nguyên sau khai thác như: hoàn thổ, trồng cây xanh, khôi phục thảm thực vật, hệ sinh thái, tái sử dụng chất thải ở những vùng mỏ đã khai thác…
(4) Về nhận thức:
– Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
– Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo vệ mỏ khoáng sản, đặc biệt đối với các mỏ nhỏ, phân tán và các loại khoáng sản có độ nhạy cảm cao về kinh tế, dễ gây ô nhiễm môi trường.
Nội dung cơ bản của phát triển bền vững công nghiệp
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT