Mục lục
Nợ công và các cân đối vĩ mô
Việc vay nợ ở các quốc gia đang phát triển trên thế giới đã được nêu lên như một điều không thể tránh khỏi trong các lý thuyết và mô hình lý thuyết trước đây. Các nhà kinh tế học cho rằng do các điều kiện nội tại khan hiếm nguồn lực và có nhiều khó khăn nên các nước đang phát triển cần phải sử dụng các nguồn lực đến từ bên ngoài như các dòng vốn FDI và vốn viện trợ phát triển ODA (vốn vay với lãi suất ưu đãi dành cho các nước đang phát triển) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập để bắt kịp với sự phát triển của các nước giàu có. Khởi đầu là lý thuyết “Cái vòng luẩn quẩn” và “Cú huých từ bên ngoài” của Samuelson & Nordhaus (1976), tiếp theo là mô hình lý thuyết hai khoảng cách của Chenery & Strout (1966) và mô hình lý thuyết ba khoảng cách được phát triển bởi Bacha (1990), Solimano (1990), và Taylor (1994).
Lý thuyết “Cái vòng luẩn quẩn” và “Cú huých từ bên ngoài”
Phần lớn các nước đang phát triển đều thiếu các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm bớt nghèo. Năm 1948, nhà kinh tế học Paul Samuelson đã cho ra đời tác phẩm kinh điển “Kinh tế học” trong đó nhấn mạnh đến hoàn cảnh của các nước đang phát triển qua lý thuyết “Cái vòng luẩn quẩn” và “Cú huých từ bên ngoài”. Theo Samuelson, có 4 yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, qua đó xóa đi khoảng cách giàu nghèo với các nước phát triển là nhân lực, tài nguyên, vốn và công nghệ.
Nhân lực (lực lượng lao động): ở các nước đang phát triển, tuổi thọ trung bình nói chung thấp, tỷ lệ người biết chữ thấp do phải tập trung vào việc mưu sinh, vì vậy chỉ số phát triển con người (HDI) cũng tương đối thấp. Phần lớn nguồn nhân lực tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và sinh sống ở nông thôn nên tỷ lệ thất nghiệp do thời gian nông nhàn cao. Điều này đòi hỏi các nước đang phát triển phải quan tâm nhiều đến việc đầu tư và phát triển hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao trình độ học vấn cho người dân và đầu tư vào các chương trình y tế cộng đồng để nâng cao tuổi thọ và sức khỏe làm việc của người dân. Ngoài ra, việc đa dạng hóa ngành nghề, cây trồng vật nuôi cũng rất quan trọng để tạo thêm nhiều việc làm, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở nông thôn do thời gian nông nhàn.
Tài nguyên: không như các nước phát triển, nguồn tài nguyên ở các nước đang phát triển khá ít khi lấy bình quân theo đầu người do dân số đông. Việc khai thác không hợp lý các nguồn tài nguyên dẫn đến sự phát triển kém bền vững, và dẫn đến các thiên tai như hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra và càng làm cho nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt nhanh hơn. Vì vậy, các nước này cần phải có môi trường thể chế phù hợp để quản lý và khai thác nguồn tài nguyên hợp lý, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp cần áp dụng các tiến bộ khoa học như sử dụng chế độ canh tác đất đai hiệu quả, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất lao động, hiệu suất sử dụng ruộng đất tăng lên.
Nguồn vốn: các nước đang phát triển muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bắt kịp thu nhập với các nước phát triển thì đòi hỏi phải có sự đầu tư phát triển. Điều này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nước này có mức sống thấp, lượng tiết kiệm không cao nên nguồn vốn dành cho đầu tư khá thấp.
Công nghệ: hầu hết các nước đang phát triển đều là nước nông nghiệp và chậm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi. Nền sản xuất ở các nước này thiếu sự hoạch định hợp lý nên đa phần lạc hậu về công nghệ sản xuất và quản lý. Mặc dù còn lạc hậu về công nghệ nhưng các nước này có thể học hỏi và bắt chước ở các nước phát triển thông qua chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, thông qua hợp tác và tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ từ các nước phát triển, các nước này có khả năng rút ngắn được khoảng cách tụt hậu.
Tóm lại, Samuelson lập luận 4 yếu tố này ở các nước đang phát triển đều khan hiếm nên việc kết hợp 4 yếu tố này cho việc thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập của người dân có nhiều trở ngại lớn. Đặc biệt, tình trạng khó khăn này tăng lên gấp bội ở những quốc gia nghèo và Samuelson nhìn thấy điều này như “cái vòng luẩn quẩn” của sự nghèo khổ. Hình 1.4 biểu thị “vòng luẩn quẩn của sự nghèo khổ”.
Qua sự phân tích và lập luận của mình, Samuelson cho rằng các nước đang phát triển trong “cái vòng luẩn quẩn” của sự nghèo khổ khó mà tự thoát ra được. Để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này ông cho rằng cần phải có “cú huých từ bên ngoài”, nghĩa là các nước đang phát triển cần phải có các nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài về vốn, công nghệ, các chuyên gia, trình độ quản lý,… Vì vậy, chính phủ ở các nước đang phát triển có thể nhận sự trợ giúp dưới hai hình thức là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA). Đi kèm theo các nguồn vốn này là các tiến bộ về công nghệ sản xuất, quản lý và đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động sẽ được chuyển giao cho nước tiếp nhận. Đặc biệt, nguồn vốn viện trợ phát triển ODA thực chất là vốn vay với lãi suất ưu đãi mà các nước đang phát triển phải trả trong tương lai.
Mô hình hai khoảng cách (The two-gap model)
Trong tác phẩm “Foreign Assistance and Economic Development” (Viện trợ nước ngoài và phát triển kinh tế), Chenery & Strout (1966) trình bày “mô hình hai khoảng cách” với việc phân tích các mối quan hệ giữa nguồn vốn từ nước ngoài và phát triển kinh tế. Ý tưởng chủ yếu của mô hình này là chính phủ ở các nước đang phát triển cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực nội tại trong nước và dùng nguồn vốn nước ngoài (dòng vốn đầu tư FDI và vốn viện trợ phát triển ODA) làm đòn bẫy để lấp đầy “khoảng cách đầu tư – tiết kiệm” và “khoảng cách thương mại”.
Cả hai nhà kinh tế này cho rằng sự thiếu hụt đầu tư (khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm) là hạn chế chính đối với tăng trưởng bởi vì vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy gia tăng sản lượng trong các mô hình tăng trưởng kinh tế. Thâm hụt thương mại là khoảng cách thứ hai gây cản trở cho sự phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở những nước nghèo. Hai nhà nghiên cứu này lập luận nguồn vốn từ bên ngoài có khả năng giải quyết được những vấn đề này.
Thực vậy, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), khoản nợ vay ưu đãi dành cho các nước đang phát triển, là một trong những dòng vốn đến từ bên ngoài có thể bù đắp hiệu quả “hai khoảng cách” trên. Khác với các nguồn vốn khác như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vay thương mại từ dòng vốn quốc tế, kiều hối do người dân làm việc ở nước ngoài gửi về, ODA là nguồn vốn bổ sung cho nguồn lực công để chính phủ gia tăng đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết và cơ bản như y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách và thể chế trong dài hạn để tạo động lực cho sự phát triển của các hoạt động kinh tế trong nước. Và lúc này, phát triển kinh tế là sự phối hợp hiệu quả của nhiều khu vực kinh tế, tạo điều kiện giảm nghèo và bất bình đẵng giữa các tầng lớp dân cư và nâng cao mức thu nhập của người dân.
Khoảng cách Tiết kiệm – Đầu tư ———————— Khoảng cách Thương mại
Hình 1.6 Mô hình hai khoảng cách (Nguồn: Chenery & Strout, 1966)
Nguồn lực bên ngoài không thể thay thế hoàn toàn nguồn nội lực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, trình độ quản lý, cải cách thể chế trong giai đoạn phát triển ban đầu ở các nước này cho thấy nguồn vốn viện trợ ODA đóng vai trò quan trọng. Nguồn vốn viện trợ này không chỉ là những khoản nợ vay có lãi suất ưu đãi mà còn là những chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, công nghệ đi kèm, đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, mô hình hai khoảng cách còn nhấn mạnh đến sự điều chỉnh kỹ thuật sao cho có sự cân bằng giữa hai khoảng cách này. Nếu “khoảng cách tiết kiệm – đầu tư” lớn hơn “khoảng cách thương mại” thì các nước sẽ giảm bớt đầu tư và gia tăng tiết kiệm trong nước. Ngược lại thì các nước sẽ tăng cường xuất khẩu và giảm bớt nhập khẩu. Việc sử dụng nguồn vốn từ bên ngoài để cân bằng hai khoảng cách thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chính phủ ở các nước sẽ chủ động điều chinh việc sử dụng nguồn vốn từ bên ngoài thông qua ba giai đoạn: giai đoạn một là để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lực; giai đoạn thứ hai là cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư, và giai đoạn thứ ba là để bù đắp những khoảng cách về ngoại hối.
Mô hình ba khoảng cách (The three-gap model)
Khoảng cách Tiết kiệm – Đầu tư
^
Khoảng cách Thương mại—————-Khoảng cách Thâm hụt ngân sách
Hình 1.7 Mô hình ba khoảng cách (Nguồn: Bacha, 1990)
Mô hình ba khoảng cách là sự bổ sung và phát triển từ mô hình hai khoảng cách và được phát triển bởi Bacha (1990), Solimano (1990), và Taylor (1994). Theo đó, các nhà nghiên cứu này bổ sung thêm thể chế tài chính như là một khoảng cách thứ ba “khoảng cách thâm hụt ngân sách” do vấn đề bội chi ngân sách của chính phủ. Trong thực tế, vấn đề bội chi ngân sách được tài trợ thông qua các khoản vay nợ trong nước và nước ngoài của chính phủ. Đặc biệt, với nguồn lực vốn trong nước có hạn, chính phủ các nước đang phát triển phải sử dụng các khoản vay ưu đãi đặc biệt đến từ các nguồn viện trợ phát triển ODA. Cách tiếp cận mô hình ba khoảng cách cho thấy mối tương quan của nợ công với khoảng cách thương mại và khoảng cách tiết kiệm – đầu tư trên cơ sở kiểm soát khoảng cách thâm hụt ngân sách.
Ba khoảng cách này chính là ba khiếm khuyết của các nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển. Chúng được hình thành tự nhiên trong quá trình phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia và chính phủ ở các nước cần có những biện pháp hợp lý và hiệu quả để thu hẹp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một lần nữa, Bacha (1990), Solimano (1990), và Taylor (1994) cũng nhấn mạnh đến các nguồn lực từ bên ngoài để giúp điều chỉnh và cân bằng ba khoảng cách này. Các nguồn lực này cũng đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI và nguồn vốn viện trợ ODA (vốn vay ưu đãi dành cho các nước đang phát triển).
Tương tự như mô hình hai khoảng cách, do các khoảng cách này có tương quan và tác động lẫn nhau nên mô hình ba khoảng cách cũng nhấn mạnh đến việc điều chỉnh phù hợp để đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa ba khoảng cách. Nếu “khoảng cách thương mại” lớn hơn “khoảng cách thâm hụt ngân sách” thì chính phủ nên ưu tiên tăng nguồn thu thông qua thuế đồng thời tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu để giảm bớt khoảng cách thương mại. Nếu “khoảng cách thâm hụt ngân sách” lớn hơn “khoảng cách tiết kiệm – đầu tư” thì các chính sách cần có là giảm chi tiêu chính phủ, tăng đầu tư với tốc độ phù hợp cùng với việc tăng tiết kiệm trong tiêu dùng của người dân.
Nợ công và các cân đối vĩ mô
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT