Những khó khăn và thách thức về phát triển bền vững công nghiệp

Đặc điểm của vận tải hàng không

Mục lục

Những khó khăn và thách thức về phát triển bền vững công nghiệp

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển to lớn nêu trên, Thái Nguyên cũng gặp phải những khó khăn và thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, cụ thể:

1. Khó khăn

Thứ nhất, đầu tư cho công nghiệp nhất là để đảm bảo phát triển bền vững, đòi hỏi vốn lớn,  rủi ro cao và chậm thu hồi vốn, trong khi Thái Nguyên lại là một tỉnh nghèo, có nguồn thu ngân sách thấp, hàng năm phải nhận trợ cấp ngân sách từ trung ương, khả năng  tích luỹ của nền kinh tế còn hạn chế (tỷ lệ tích luỹ chiếm chưa đến 20% GDP) nên nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển công nghiệp cũng như đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển đồng bộ các KCN có nhiều hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ của ngân sách trung ương.

Thứ hai, công nghiệp Thái Nguyên có thế mạnh và phần lớn tập trung vào  những ngành công nghiệp như khai thác khoáng sản, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện… đây đều là những ngành thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiều năng lượng và có tác động rất lớn đến môi trường, đe doạ đến sự phát triển bền vững của địa phương cũng như các khu vực lân cận.

Thứ ba, quá trình thực hiện và điều chỉnh phân bố công nghiệp của Thái  Nguyên có nhiều khó khăn do yếu tố lịch sử của các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô trung bình và lớn đã được hình thành, xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước.

2. Thách thức

Thứ nhất, một trong những thách thức lớn nhất đối với Thái Nguyên trong 10- 15 năm tới là nguy cơ tụt hậu so với cả nước. Tuy có những lợi thế về địa lý, tài nguyên và nguồn nhân lực, nhưng gần một thập kỷ qua nền kinh tế Thái Nguyên vẫn phát triển chậm chạp trong khi các tỉnh xung quanh Hà Nội đã nắm bắt tốt các cơ hội, tạo ra sự phát triển mạnh và nhảy vọt về kinh tế. Khoảng cách giữa Thái Nguyên với  cả nước còn rất lớn: GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2008 mới bằng gần 70% mức bình quân chung của cả nước (11,7 triệu đồng/người-năm so với mức 17,14 triệu đồng/người-năm của cả nước) [24], [64].

Thứ hai, nhiều sản phẩm của tỉnh, kể cả các sản phẩm có truyền thống sản xuất lâu đời, thiếu khả năng cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa. Việc những cam kết của nước ta trong khuôn khổ AFTA, WTO đã và sẽ được thực hiện đầy đủ trong thời gian tới sẽ gây nên áp lực rất lớn đối với các ngành sản xuất của tỉnh khi hàng ngoại nhập có cơ hội tự do xâm nhập thị trường trong nước.

Thứ ba, nguy cơ phá vỡ cảnh quan, môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như áp lực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội khi duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp.

Để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 12%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 15-16%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020; cơ cấu kinh tế năm 2020 đạt: công nghiệp 47,5%, dịch vụ 42,2%, nông lâm nghiệp 9,3%, việc huy động các nguồn lực đặc biệt là các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, khoáng sản,… cho đầu tư phát triển sẽ tăng lên nhiều so với các năm trước [71]. Theo tính toán của các chuyên gia môi trường, cứ tăng 1% GDP thì chất lượng môi trường giảm đi 2% [40].

Tốc độ phát triển đô thị, phát triển công nghiệp ở mức cao, đến năm 2015 sẽ có khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và 20 đô thị các loại, dân số toàn tỉnh ước tính khoảng 1,2 triệu người trong đó dân số đô thị chiếm 35%; như vậy sẽ gia tăng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất và gia tăng khối lượng lớn các chất thải. Lượng nước thải sinh hoạt sẽ lên tới khoảng 0,5  triệu m3/ngày, nước thải công nghiệp khoảng hơn 1 triệu m3/ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt sẽ lên tới 1.300 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp và xây dựng ước tính lên tới 16.500 tấn/ngày, rác thải y tế khoảng 18 tấn/ngày sẽ gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước bởi các chất hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng, dầu mỡ [40]

Nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất sẽ rất lớn, chỉ tính riêng cho 3 dự án tuyển quặng sắt Mỏ sắt Tiến Bộ, dự án khai thác và chế biến khoảng sản đa kim Núi Pháo và dự án cải tạo mở rộng giai đoạn II KCN luyện kim Lưu Xá là rất lớn – ước tính trên 35.000 m3/ngày. Lượng khoáng sản khai thác sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay như quặng sắt 1,8 triệu tấn/năm (tăng gấp 4,5 lần), quặng Titan đạt 370.000 tấn/năm (tăng gấp 3,7 lần), đất sét để sản xuất xi măng đạt trên 2 triệu tấn/năm (gấp 50 lần), than Antraxit đạt 600.000 tấn/năm (tăng 2,7 lần). Đồng thời khi dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn II tại KCN Lưu Xá và Mỏ sắt Tiến Bộ hoàn thành cùng với Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn có công suất 100MW (2 x 50MW) mới đi vào hoạt động, sẽ thải ra lượng khí thải gấp 2 – 4 lần so với trước đây. Hoạt động sản xuất của các Nhà máy Xi măng: La Hiên, Cao Ngạn, Lưu Xá và Nhà máy Xi măng Quang Sơn công  suất 1,4 triệu tấn/năm, ước tính sẽ thải vào môi trường không khí mỗi năm 900 tấn bụi, 600 tấn SO2 và 700 tấn NO2. Lượng ô tô, xe máy tăng lên 20%/năm so với hiện nay sẽ dẫn đến khả năng nồng độ bụi và khí độc hại trên các tuyến đường giao thông vượt tiêu chuẩn cho phép. Các vấn đề trên sẽ gây ra sức ép lớn đối với vấn đề môi trường đô thị, KCN, quy hoạch sử dụng đất, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…

Tổng hợp những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển bền vững công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được minh hoạ qua bảng ma trận SWOT như trong hình 2.8

 

 

 

 

 

 

 

Ma trận phân tích SWOT

Opportunities (Cơ hội):

–    Hội nhập vào xu thế tăng trưởng cao, năng động của các tỉnh lân cận: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

–  Sản phẩm có cơ hội tiếp cận, thâm nhập thị trường nước ngoài do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước

–   Được ưu tiên, chú trọng phát triển theo Nghị quyết số 37/NQ- TW của Bộ Chính trị.

Threats (Nguy cơ):

–  Tụt hậu so với các địa phương khác trong cả nước.

–   Sản phẩm không có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại khi Việt Nam gia nhập và thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA, WTO…

–  Phá vỡ cảnh quan, môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên khi đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp.

Strengths (Điểm mạnh):

–  Có nhiều cơ sở đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

–    Có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp

–  Có vị trí địa lý thuận lợi.

–  Cơ sở vật chất kỹ thuật của 1 số ngành công nghiệp tương đối phát triển: cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản.

*Kết hợp điểm mạnh và cơ hội:

–   Xác định ngành công nghiệp mũi nhọn là ngành cơ khí  chế tạo, bên cạnh đó vẫn ưu tiên chú trọng các ngành công nghiệp truyền thống và có thế mạnh khác của địa phương: luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến…

–   Bước đầu xây dựng và dần hình thành các ngành công nghiệp mới, có kỹ thuật cao,  công nghệ hiện đại như: công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới…

*Kết hợp điểm mạnh và nguy cơ

–   Nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp truyền thống.

–   Việc phát triển các ngành công nghiệp truyền thống phải gắn với yêu cầu phát triển bền vững bằng cách thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các  biện pháp BVMT, giải quyết thoả đáng các vấn đề xã hội.

Wecknesses (Điểm yếu):

–  Nội lực yếu, nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế..

–  Những ngành có thể mạnh đều là những ngành có tác động rất lớn đến môi trường.

–     Điều chỉnh phân bố công nghiệp gặp nhiều khó khăn do yếu tố lịch sử của các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có.

* Kết hợp điểm yếu và cơ hội:

–   Tận dụng và tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư của trung  ương để phát triển cơ sở hạ  tầng, xây dựng và phát triển  đồng bộ các KCN.

–  Có chính sách thu hút đầu tư và cạnh tranh lành mạnh với các tỉnh lân cận trong việc thu  hút đầu tư trong và ngoài nước.

* Kết hợp điểm yếu và nguy cơ:

–   Không vì lợi ích trước mắt mà thực hiện công nghiệp hoá bằng mọi giá theo kiểu “gặp gì ăn nấy”.

–   Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn và các lĩnh vực ưu tiên, với  lộ trình, kế hoạch thích hợp.

 

Hình 2. 8: Ma trận SWOT về phát triển bền vững công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Những khó khăn và thách thức về phát triển bền vững công nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?