Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về các biện pháp khắc phục thương mại trước WTO

Giải pháp về phát triển nhân lực tại Việt Nam

Mục lục

Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về các biện pháp khắc phục thương mại trước WTO

1. Nâng cao vai trò điều tiết thị trường của các nhà quản lý để phân tán và giảm rủi ro

Trong vụ kiện cá tra, ba sa, nếu nắm rõ thông tin từ đầu, các cơ quan hữu quan khuyến cáo doanh nghiệp không xuất khẩu ồ ạt mà tiến hành từng bước để làm quen thị trường, thì chưa chắc sản phẩm này của Việt Nam phải chịu mức thuế cao như vậy. Như vậy, Việt Nam cần thực hiện thường xuyên công tác dự phòng và cảnh báo. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường nước ngoài, những biến động về số lượng, giá cả xuất khẩu trong từng giai đoạn của các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm (chia theo mã số thuế); kịp thời thông báo khi số lượng xuất khẩu tăng nhanh hay giá cả tụt giảm mạnh trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp về những nguy cơ bị nước ngoài khởi kiện. Đồng thời, giảm thiểu và tiến tới loại trừ các hiện tượng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế..

Theo sát, nghiên cứu, so sánh giá các mặt hàng xuất khẩu hoặc các sản phẩm cùng loại khi có chênh lệch lớn so với giá thị trường tại nước nhập khẩu và có nguy cơ bị khởi kiện. Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thị trường theo chiến lược tổng thể cho những mặt hàng lớn. Đồng thời, công tác kiểm tra kỹ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá cho hàng xuất khẩu cần phải tăng cường, để tránh trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng nước ngoài nhưng lại lấy nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, hoặc gia công xuất khẩu cho một nước đã bị áp dụng các biện pháp khắc phục thương mại (như trường hợp bóng đèn huỳnh quang khi các doanh nghiệp làm gia công sản phẩm cho Trung Quốc – nước đã bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này), hoặc làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hoá để xuất khẩu hàng, các trường hợp này khả năng bị kiện rất cao.

2. Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong trường hợp bị kiện

Trong trường hợp bị kiện, các cơ quan quản lý cần thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các bên bị khởi kiện và các nhà nhập khẩu, cũng như đấu tranh trên mặt trận dư luận. Cần khuyến cáo các doanh nghiệp tích cực theo kiện.

Thời gian đầu khi mới tham gia thị trường quốc tế, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do tiềm lực tài chính hạn chế hoặc do không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tham gia các vụ kiện đã không trả lời các bản điều tra và thua kiện. Hậu quả không chỉ công ty mất thị trường mà cả ngành bị ảnh hưởng. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã rút ra bài học. Theo số liệu của Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế Trung Quốc (Moftec), đến nay tất cả các vụ điều tra của EU và Mỹ đối với doanh nghiệp Trung Quốc đều được hồi đáp cẩn thận. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã hình thành các tổ chức chuyên nghiệp để cùng doanh nghiệp tham gia quá trình tố tụng. Uỷ ban kiểm soát công bằng trong thương mại xuất nhập khẩu (BOFT) trực thuộc Moftec đã được thành lập năm 2001, ngay sau khi Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của WTO để giám sát các vụ kiện khắc phục thương mại của các nước nhập khẩu và điều tra hành vi phá giá hoặc trợ cấp của các nhà nhập khẩu nước ngoài trên thị trường Trung Quốc. Kinh nghiệm Trung Quốc cũng cho thấy việc chuẩn bị các tài liệu tố tụng không chỉ là công việc của các doanh nghiệp, mà còn là nhiệm vụ của tất cả các bên có liên quan như chính phủ, phòng thương mại và công nghiệp, các hiệp hội ngành… Mỗi bên đều phải chuẩn bị các hệ thống thông tin của mình với các mục tiêu và tiêu chí khác nhau [7].

Một kinh nghiệm quan trọng khác là nên chủ động thương lượng với chính phủ nước khởi kiện về cam kết giá cả và thời gian thực hiện. Thương lượng trong thương mại quốc tế chính là điểm mấu chốt để giải quyết xung đột. Mặt khác, khi đã là thành viên của WTO, nếu không chấp nhận kết luận của chính phủ nước khởi kiện, các quốc gia có quyền khiếu kiện lên WTO và yêu cầu quốc gia khởi kiện ngồi vào bàn thương lượng. Đây chính là một lợi ích quan trọng khi tham gia WTO. Ngay cả khi đã không thể thay đổi được quyết định “trừng phạt”, thì sau thời hạn năm năm kể từ ngày bị áp thuế chống bán phá giá doanh nghiệp có quyền nộp kháng nghị xin phúc thẩm.

3. Về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đối phó với các biện pháp khắc phục thương mại của nước ngoài và điều tra tiến hành các biện pháp khắc phục thương mại tại thị trường nội địa là hai quá trình song song, cần thiết và quan trọng như nhau để bảo vệ lợi ích quốc gia. Hai quá trình này tương tác, bổ sung kinh nghiệm và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và cả các cơ quan chính phủ.

Không chỉ là bị đơn trong các vụ kiện bán phá giá/trợ cấp hay bị áp dụng các biện pháp tự vệ, Trung Quốc cũng linh hoạt áp dụng các vũ khí này với vai trò một nguyên đơn. Năm 1996, Trung Quốc đã tiến hành điều tra bán phá giá trong ngành giấy in đối với các doanh nghiệp Mỹ, Canada và Hàn Quốc. Đối mặt với tình trạng bán phá giá của các doanh nghiệp thuộc ba quốc gia trên, chín doanh nghiệp sản xuất giấy in hàng đầu Trung Quốc đã quyết định khiếu kiện. Tháng 10/1997 họ đã chính thức nộp đơn và các chứng cứ lên Ủy ban Nhà nước về kinh tế và thương mại. Sau hai năm điều tra đã ra phán quyết rằng các doanh nghiệp thuộc ba quốc gia trên bán phá giá vào thị trường Trung Quốc, và quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy in nhập khẩu từ doanh nghiệp thuộc các quốc gia trên. Kể từ đó đến nay Trung Quốc tích cực áp dụng các biện pháp khắc phục thương mại để bảo vệ thị trường trong nước và họ đã thu được rất nhiều kinh nghiệm đáng quí.

Ở Việt Nam, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh nhằm điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, tuy nhiên luật chưa đề cập nhiều đến khía cạnh chống bán phá giá trên bình diện quốc tế, khi các doanh nghiệp Việt Nam bị kiện ở nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài bị điều tra ở Việt Nam. Nếu xét theo nguyên tắc thì chắc chắn có nhiều bạn hàng (như Trung Quốc) đã bán phá giá trên thị trường Việt Nam, nhưng họ không hề bị phía Việt Nam phản ứng gì, hoặc phản ứng một cách không thích hợp với quy tắc quốc tế (như vụ cấm nhập trứng gà Trung Quốc). Do vậy, cần linh hoạt sử dụng biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trong thị trường nội địa. Muốn thực hiện biện pháp này không hề đơn giản, bởi vì trước hết, Nhà nước ta phải có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, có tính pháp lý và khả thi cao, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế (hiện Việt Nam mới có Pháp lệnh Chống bán phá giá). Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải liên kết thông qua Hiệp hội ngành nghề mới có đủ tỷ lệ phần trăm sản phẩm toàn quốc theo luật định để làm nguyên đơn cho một vụ kiện bán phá giá [2].

Đối với biện pháp chống trợ cấp, việc tìm ra bằng chứng trợ cấp rất phức tạp, bởi vậy muốn thực hiện biện pháp đánh thuế chống trợ cấp để bảo vệ thị trường nội địa, Việt Nam cần ban hành Luật Chống trợ cấp, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu có kiến thức kinh tế vững vàng và có khả năng nắm bắt thông tin đầy đủ từ phía các đối tác. Để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế, Việt Nam cũng cần thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với hàng hoá trong nước, nhưng chỉ nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ gián tiếp (trợ cấp “đèn xanh”), tránh trợ cấp trực tiếp hoặc biến tướng của trợ cấp trực tiếp (trợ cấp “đèn đỏ” hoặc “đèn vàng”) – loại trợ cấp phía nhập khẩu được quyền áp dụng thuế đối kháng – nhằm hạn chế những tổn thất không đáng có cho một ngành hàng nào đó.

Đối với các biện pháp tự vệ, trong trường hợp không vi phạm các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, Chính phủ cần tận dụng những quy định cho phép trong WTO, nhất là cho phép bảo hộ thời gian đầu gia nhập với nước đang phát triển trình độ thấp, để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Dĩ nhiên, tiến hành biện pháp tự vệ thường phải có cách đền bù cho các nước bị ảnh hưởng bằng cách đưa ra nhượng bộ thương mại ở lĩnh vực khác và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.

Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về các biện pháp khắc phục thương mại trước WTO

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?