Nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí cho công nhân tại khu công nghiệp

hành vi tiêu dùng

Mục lục

Nâng cao khả năng đáp ứng nhu giải trí cho công nhân lao động tại khu công nghiệp

Nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu có tầm quan trọng đối với đời sống công nhân lao động, nhằm tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống sau những giờ lao động sản xuất. Tuy nhiên sự đáp ứng của xã hội với các nhu cầu giải trí của họ ít được quan tâm và còn rất hạn hẹp, vì thiết chế giải trí trong khu công nghiệp còn thiếu thốn. Mặt khác các cơ sở dịch vụ giải trí tư nhân thì bùng phát, hoạt động tương đối tự do và có rất nhiều biểu hiện sai phạm ở mức độ khác nhau, có nhiều điểm trở thành nơi ăn nhậu và chứa chấp cờ bạc, tệ nạn xã hội. Đây là những tiêu cực xã hội rất đáng lo ngại đã ảnh hưởng không chỉ đối với các hoạt động giải trí mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh giai cấp công nhân Việt Nam và uy tín lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chính vì thể, dựa trên thực tiễn nghiên cứu này để xuất một số phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu giải trí cho công nhân lao động khu công nghiệp

1. Phương hướng xây dựng đời sống tinh thần công nhân lao động hiện nay

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đã chủ trương phát triển một số lĩnh vực cơ bản của đời sống tinh thần, trong đó đáng lưu ý nhất là Văn kiện Hội nghị TW lần thứ V (khóa VIII). Vì vậy, để góp phần làm rõ cơ sở lý luận của những đường lối, chủ trương của Đảng, một số phương hướng cơ bản nhằm xây dựng đời sống tinh thần công nhân lao động ở nước ta hiện nay là:

– Trên cơ sở đảm bảo khá năng phát triển đồng bộ và hài hòa giữa các lĩnh vực của đời sống tinh thần. Cũng như đời sống vật chất, đời sống tinh thần là một chỉnh thể thống nhất và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc phân chia đời sống tinh thần thành các lĩnh vực khác nhau mang ý nghĩa rất tương đối. Có thể có nhiều cách phân chia khác nhau về đời sống tinh thần, song người ta buộc phải thừa nhận một điều rằng đời sống tinh thần bao gồm nhiều lĩnh vực (yếu tố) khác nhau như tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giáo dục, khoa học, văn học – nghệ thuật, tâm lý, tình cảm…

Các lĩnh vực tinh thần nằm trong một chỉnh thể thống nhất nhưng lại thường xuyên tác động lẫn nhau, kết hợp với nhau theo mối quan hệ nhân quả. Vì vậy, để đảm bảo được tính chỉnh thể, toàn vẹn của đời sống tinh thần cần có sự phát triển đồng bộ, hài hoà tất cả các lĩnh vực tinh thần. Việc tăng cường phát triển khoa học, công nghệ phải gắn với việc xây dựng môi trường văn hoá trong sạch và lối sống lành mạnh. Việc định hướng nội dung hoạt động giải trí đi đôi với việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chính trị, ý thức giai cấp. Sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu hài hoà giữa các lĩnh vực khác nhau của đời sống tinh thần sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, sự suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ ảnh hưởng xấu đến tư tưởng chính trị và niềm tin của GCCN trong xã hội, đến chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Để quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh chóng trở thành hiện thực, bên cạnh việc và phát triển đồng bộ, hài hoà tất cả các lĩnh vực tinh thần, cần phải đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực tinh thần trọng điểm. Trước hết, lĩnh vực tư tưởng chính trị phải luôn được quan tâm phát triển, bổ sung và hoàn thiện, nhằm phản ánh kịp thời những thay đổi của đời sống kinh tế – xã hội và tiên lượng được những đường hướng phát triển mới phù hợp với tiềm năng của đất nước và xu thế của thời đại. Các lĩnh vực khoa học và giáo dục cần được ưu tiên phát triển hơn nữa, bởi chúng là nhân tố quan trọng và hàng đầu tạo ra nguồn trí lực và nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc xây dựng một nền đạo đức lành mạnh, một lối sống cao đẹp cũng đang là nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ đó sẽ không chỉ góp phần làm lành mạnh hoá toàn bộ đời sống tinh thần, mà còn góp phần thúc đẩy việc thực hiện công bằng và dân chủ hoá trong đời sống kinh tế, chính trị.

Bảo đảm sự cân đối và thống nhất trong các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm tinh thần. Tương tự như đời sống vật chất, đời sống tinh thần, cũng bao gồm các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ (những sản phẩm tinh thần). Các hoạt động này nằm trong một chu trình thống nhất và giữa chúng luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Để đời sống tinh thần luôn giữ vững tính chỉnh thể và có sự phát triển đồng bộ, hài hoà, một trong những biện pháp quan trọng là bảo đảm sự cân đối, thống nhất giữa các hoạt động tinh thần nói trên. Nếu một trong các hoạt động tinh thần đó bị phá bỏ hoặc đạt hiệu quả thấp thì sẽ tác động xấu đến các hoạt động tinh thần khác. Chẳng hạn, hoạt động phân phối sản phẩm tinh thần bị phá bỏ sẽ làm cho hoạt động sản xuất tinh thần bị ngưng trệ. Hơn nữa, một trong các hoạt động tinh thần đó bị phá bỏ hoặc ngưng trệ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực tinh thần khác.

Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay ở nước ta, việc duy trì sự cân đối, thống nhất giữa các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm tinh thần cũng là một trong những nhiệm vụ cần thiết. Trước hết, muốn cho sản xuất tinh thần phát triển, ngoài việc các hoạt động phân phối, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm tinh thần phải luôn giữ được sự thông suốt, còn cần phải tăng cường đầu tư nguồn trí lực và tài lực. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách miễn giá hoặc trợ giá đối với một số sản phẩm tinh thần được truyền bá, tiêu thụ ở những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ.

2. Giải pháp nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí cho công nhân lao động khu công nghiệp

Trước thực tế sự đáp ứng của xã hội đối với nhu cầu giải trí của công nhân lao động trong KCN còn nhiều hạn chế và bất cập như trên, cần tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả sự đáp ứng đó vì đời sống văn hoá – tinh thần lành mạnh và phong phú của công nhân lao động nói riêng của nhân dân nói chung. Góp phần thực hiện điều đó, đề tài xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, thống nhất về nhận thức trong Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội về những vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân hiện nay, nhất là vấn đề đời sống văn hoá tinh thần.

Thống nhất trong hành động theo vị trí, chức năng của mình, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hướng vào giải quyết triệt để, tận gốc những nguyên nhân chủ quan và khách quan của từng vấn đề bức xúc. Cụ thể,  cần nhận thức rõ giai cấp công nhân là lực lượng xã hội to lớn, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Song một mặt, công nhân, xét về nguồn nhân lực và lực lượng lao động, là yếu tố đầu vào của sản xuất, góp phần quyết định tăng trưởng nếu yếu tố con người, vốn con người, vốn nhân lực của công nhân được phát huy. Mặt khác, công nhân là một nhóm xã hội, một chủ thể và thực thể xã hội, chịu tác động (cả tích cực và tiêu cực) của quá trình phát triển, nhất là của kinh tế thị trường và hội nhập làm cho những vấn đề bức xúc về mặt đời sống văn hoá tinh thần nảy sinh. Do đó, cần phải giải quyết vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân trong tổng thể gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Hơn nữa trong từng chính sách thu hút đầu tư, phát triển KCN-CCN phải gắn với xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng thiết chế văn hoá phục vụ nhu cầu giải trí cho công nhân phù hợp và cụ thể với vùng kinh tế. Nếu không có nhận thức đúng về các mối quan hệ kinh tế và đời sống, sẽ không có các giải pháp đồng bộ và đột phá để giải quyết tận gốc và triệt để các vấn đề xã hội nảy sinh đối với giai cấp công nhân trong điều kiện mới.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp.

Quan điểm cơ bản xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá nâng cao chất lượng cuộc sống của giai cấp công nhân và bảo vệ môi trường sinh thái – nhân văn. Phát triển các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch tổng thể về nhà ở, dịch vụ ăn uống, dịch vụ thương mại, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ giáo dục, y tế và khu vui chơi giải trí công cộng phục vụ nhu cầu văn hoá tinh thần của công nhân. ở đây, cần khai thác có hiệu quả ba nguồn lực quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ công nhân: thứ nhất là sự đầu tư của Nhà nước; thứ hai là nguồn lực của bản thân các doanh nghiệp; thứ ba là nguồn lực của chính đội ngũ công nhân.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá xã hội đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho công nhân lao động.

Hiện nay, hệ thống các thiết chế văn hoá – xã hội phục vụ cho việc đáp ứng nhu cầu giải trí của công nhân ở khu công nghiệp còn thiếu và yếu trầm trọng. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung, lãnh đạo các cấp cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế về văn hoá – xã hội như hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân sau giờ lao động tại khu nhà ở công nhân hoặc các khu vực có đông công nhân sinh sống. Nhà nước có thể đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hoá – xã hội ở các phường, xã có đông công nhân ở. Mặt khác cần khuyến khích các hoạt động văn hoá công cộng không thu tiền thông qua các đoàn thể chính trị – xã hội hoặc các câu lạc bộ công nhân, nhà văn hoá tự quản của công nhân.

Trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, xây dựng nhà ở cho công nhân cần coi việc xây dựng thiết chế văn hoá là một điều kiện bắt buộc; trước mắt là đầu tư xây dựng các trung tâm văn hoá-thể thao cho các địa bàn có đông công nhân khu công nghiệp ở trọ. Bên cạnh đó, công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp là lực lượng lao động có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước, vì vậy cần có chính sách đặc thù, ưu đãi hưởng thụ văn hoá cho họ như một số đối tượng được ưu đãi ghi trong Nghị quyết TƯ 5, Khoá VIII.

Bốn  là, tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ Đảng các cấp, nhất là ở địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần của công nhân lao động trong khu công nghiệp.

Cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng ở cấp Trung ương để đề ra chủ trương, chính sách vĩ mô; để gắn kết, lồng ghép giải quyết vấn đề này trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, phát triển vùng và địa phương. Đặc biệt, cần có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng ở địa phương, cơ sở, nơi thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận những phản ánh, yêu cầu, nguyện vọng của công nhân, cũng là cấp có trách nhiệm trực tiếp và phát huy vai trò chủ động của mình cùng với chính quyền, kịp thời giải quyết thiết thực, hiệu quả những vấn đề bức xúc và cụ thể của công nhân. Bởi vậy, đây là điều kiện quan trọng nhất, điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát chất lượng đáp ứng các hoạt động giải trí của công nhân lao động nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố về các dịch vụ, có những biện pháp mang tính bắt buộc đối với các chủ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá không tập trung trong khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp xây dựng hệ thống giải trí cục bộ trong doanh nghiệp.

Năm là, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá trong công nhân lao động.

Vừa qua chúng ta đã xây dựng được gia đình văn hoá, xã văn hoá, huyện văn hoá và làm tốt cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn dân cư”. Phát huy truyền thống này, cần đẩy mạnh nếp sống văn minh, gia đình văn hoá trong công nhân lao động, do đại đa số công nhân tham gia lao động trong các khu công nghiệp tập trung xuất thân từ nông thôn ra đô thị. Bên cạnh những thói quen, phong tục tốt đẹp mà họ mang theo, đội ngũ công nhân này cũng có cả những tập quán lạc hậu. Đó là tính tự do vô kỷ luật, đầu óc bảo thủ, bè phái, cục bộ, tính vụ lợi thiển cận, ngại học hỏi và chậm tiếp thu cái mới, tác phong lề mề, luộm thuộm, ngại va chạm, ít quan tâm đến cộng đồng…

Vì vậy, xây dựng nếp sống văn minh công nghiệp và nếp sống văn minh đô thị là vấn đề bức thiết, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của công nhân, phát huy vai trò tích cực của họ trong việc phát triển kinh tế và xây dựng văn hoá. Đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tình trạng cờ bạc, nghiện hút, buôn bán ma tuý và mại dâm. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần sớm thành lập cơ sở đảng, tổ chức Công đoàn và đoàn thanh niên để chỉ đạo và lôi cuốn công nhân vào hoạt động văn hoá tinh thần lành mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Tuyên giáo – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2007), Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Đề tài khoa học cấp Bộ.
  2. Bộ Xây dựng (2009), Thông tư số 14/TT-BXD, ngày 30/6/2009 hướng dẫn áp dụng thiết kế điển hình, thiết kế mẫu nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp.
  3. Lê Thị Kim Chi (2005), Nhu cầu động lực và định hướng xã hội, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Đặng Quang Điều (2008), “Việc làm và đời sống của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tạp chí Lao động và Công đoàn (418).
  5. Michel Fragonard (1999), Văn hoá thế kỷ XX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Lê Ngọc Hùng (2002), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Nâng cao khả năng đáp ứng nhu giải trí cho công nhân lao động tại khu công nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?