Giải pháp hoàn thiện Thuế Xuất nhập khẩu

cấu trúc vốn

Mục lục

Giải pháp hoàn thiện Thuế Xuất nhập khẩu

Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải tiến hành cắt giảm Thuế Xuất nhập khẩu khẩu theo cam kết, tổng hợp toàn bộ các cam kết về thuế quan của Việt Nam có một số nét lớn như sau:

– Việt Nam cam kết ràng buộc với toàn bộ biểu thuế Nhập khẩu hiện hành gồm 10.600 dòng, thuế suất cam kết cuối cùng có mức bình quân giảm từ 17,4% xuống còn 13,4% [24, tr 31] (tức giảm đi 23% so với mức bình quân hiện hành). Thời gian thực hiện sau 5-7 năm.

– Trong toàn bộ biểu cam kết, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% dòng thuế trong biểu thuế), ràng buộc ở mức thuế hiện hành khoảng 3.700 dòng thuế (chiếm 34,5%), ràng buộc ở mức thuế trầncao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng (chiếm 30%) chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hóa chất, một số phương tiện vận tải.

– Một số mặt hàng đang có thuế suất cao từ trên 20%, 30% sẽ được cắt giảm ngay khi gia nhập như: dệt may, gỗ, giấy, máy móc thiết bị điện-điện tử, hàng chế tạo khác.

– Đối với lĩnh vực công nghiệp, mức cam kết bình quân vào thời điểm gia nhập là 16,1% và mức cắt giảm cuối cùng sẽ là 12,6% (mức cắt giảm khoảng 23,9%)

Hiện nay, đối với Việt Nam, Thuế Xuất nhập khẩu vẫn là một trong những biện pháp quan trọng để bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng theo cam kết với WTO và AFTA thì thuế Nhập khẩu của Việt Nam bắt buộc phải cắt giảm, theo đó mức độ bảo hộ sản xuất trong nước sẽ giảm. Để tận dụng những lợi thế do hội nhập mang lại nhưng cũng hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, luật thuế Xuất
nhập khẩu phải được tiếp tục hoàn thiện theo hướng:

Giá tính thuế

Việt Nam triển khai áp dụng xác định giá tính thuế Nhập khẩu theo Hiệp định trị giá Hải quan GATT/WTO từ 01/01/2004, cách tính này đã tạo điều kiện chủ động cho đơn vị nhập khẩu trong việc xác định giá tính thuế vì giá tính thuế được tính theo trị giá giao dịch. Giá tính thuế Nhập khẩu là một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc xác định số thuế Nhập khẩu phải nộp, giá tính thuế có tác động mạnh đến số thu ngân sách, số thuế phải nộp và cũng là tâm điểm chú ý của các đơn vị, tổ chức quốc tế có quan hệ kinh tế với Việt Nam nên giá tính thuế mang tính nhạy cảm và có ảnh hưởng đến việc mở rộng quan hệ thương mại quốc tế.

Khi áp dụng phương tính thuế theo Hiệp định GATT/WTO thì gian lận qua giá sẽ trở nên phổ biến nhất là trong điều kiện quan hệ thương mại quốc tế mở rộng. Tổng cục Hải quan đã có thông báo về một số trường hợp gian lận qua giá rất nghiêm trọng như: có doanh nghiệp nhập khẩu xe Ôtô BMW khai báo giá tính thuế tại cửa khẩu chỉ vào khoảng 22.000-25.000 USD, trong khi đó giá bán
Ôtô loại này ở thị trường trong nước lên đến 200.000-220.000 USD hoặc có doanh nghiệp nhập khẩu rượu Remy Martin 40 độ loại VSOP 70 cl/chai do Pháp sản xuất chỉ khai báo giá tính thuế là 1 USD/chai, thậm chí có lúc khai 0,4 USD/chai [22, tr 7].

Thông thường gian lận qua giá là đơn vị nhập khẩu sẽ kê khai giá tính thuế thấp hơn giá mua thực tế, do đó, việc nắm bắt thông tin liên quan đến thương mại quốc tế như giá mua, giá bán các mặt hàng trên thế giới, các mối quan hệ của người mua, người bán để từ đó hình thành nên một ngân hàng dữ liệu về giá của hàng hóa nhập khẩu để cơ quan Hải quan có thể tham vấn so sánh, đối chiếu với giá do nhà nhập khẩu khai báo là rất quan trọng. Căn cứ vào giá tham vấn sẽ có thể phát hiện ra các trường hợp gian lận về thuế Nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phát hiện sự móc ngoặc của nhân viên hải quan với người nhập khẩu để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Nguồn thông tin chủ yếu hiện nay được cơ quan Hải quan sử dụng trong việc kiểm tra đối chiếu là từ giá chào hàng trên Internet, giá thị trường, hệ thống thông tin về dữ liệu giá trong nội bộ ngành Hải quan. Tuy nhiên, việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về giá của hàng hóa nhập khẩu của ngành Hải quan chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, dữ liệu về giá còn sơ sài, chưa cập nhật kịp thời nên gây trở
ngại cho công tác tham vấn về giá.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trong quan hệ thương mại quốc tế thì số lượng, chủng loại hàng hóa nhập khẩu ngày càng đa dạng nên áp lực càng tăng đối với công tác quản lý giá tính thuế. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa là khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công bằng giữa các đối tượng, đồng thời hạn chế thất thu ngân sách thì công tác quản lý giá tính thuế Nhập khẩu cần được hoàn thiện:

– Nhanh chóng hiện đại hóa ngành hải quan, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nối mạng toàn ngành trong nước, yêu cầu Hải quan các địa phương nhanh chóng cập nhật thông tin dữ liệu về giá đối với những lô hàng đã thông quan ở địa phương vào ngân hàng dữ liệu giá để Hải quan trong cả nước có thể tham vấn.

– Xây dựng chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của tổ chức hải quan thế giới và tiến đến nối mạng quốc tế để xây dựng và hoàn thiện ngân hàng dữ liệu về giá của ngành Hải quan.

– Kết hợp chặt chẽ giữa bộ phận kiểm tra giá nhập khẩu và bộ phận kiểm tra sau thông quan để giảm bớt phiền hà về thủ tục khai báo. Theo đó, bộ phận kiểm tra giá nhập khẩu nếu có nghi ngờ về giá nhập khẩu nhưng chưa đủ cơ sở để bác bỏ thì vẫn tiến hành làm thủ tục thông quan lô hàng đó, nhưng đồng thời chuyển những hồ sơ này cho bộ phận kiểm tra sau thông quan để bộ phận kiểm
tra sau thông quan lên kế hoạch kiểm tra.

– Nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác giá vì theo ông vụ trưởng Hỏa Ngọc Tâm thì toàn ngành Hải quan chỉ mới có khoảng 300 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách làm công tác giá, trong đó chỉ hơn 10% được đào tạo qua các trường lớp thuộc khối kinh tế.

Danh mục biểu thuế

Mỗi loại hàng hóa được sản xuất ra đều có những tên gọi nhất định. Ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ tuy cùng một mặt hàng nhưng có thể có những tên gọi, cách gọi khác nhau. Việc thống nhất tên gọi một loại hàng hóa khi nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định đúng mã số hàng hóa nhập khẩu để áp dụng đúng mức thuế suất thuế Nhập khẩu. Việt Nam đã xây dựng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu dựa trên cơ sở Hệ thống điều hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới (gọi tắt là Danh mục HS) và việc nhận diện đúng tên hàng, đúng mã số trong biểu thuế Nhập khẩu ưu đãi làyêu cầu cơ bản của việc ban hành Danh mục HS.

Tuy nhiên, biểu thuế Nhập khẩu hiện hành đã không theo kịp sự đa dạng về hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu, mã số giữa biểu thuế Nhập khẩu so với mã số theo danh mục HS ngày càng bộc lộ nhiều điểm chưa thống nhất.

Tác giả dẫn chứng: Công ty thương mại du lịch Hùng Trương khi nhập khẩu sản phẩm với tên gọi là wax paraffin, doanh nghiệp lập tờ khai nhập khẩu với tên gọi là “Mỡ paraffin”, tuy nhiên sản phẩm này lại được viện nghiên cứu Hải quan kết luận là “Mỡ bảo quản”; doanh nghiệp Hùng Trương không đồng ý với kết luận của viện nghiên cứu Hải quan nên yêu cầu Vinacontrol giám định lại sản phẩm này và Vinacontrol kết luận là “Mỡ công nghiệp”. Với kết luận của viện nghiên cứu Hải quan thì sản phẩm nhập khẩu wax paraffin phải áp thuế nhập khẩu theo mã là 27109000 “Loại khác”. Tuy nhiên, khi đối chiếu với danh mục HS thì sản phẩm wax paraffin lại nằm ở mục 2712 “Dầu mỡ, sáp paraffin”. Như vậy, chỉ một sản phẩm nhưng mỗi cơ quan chức năng lại xác định khác nhau. Để hạn chế tình trạng cùng một loại hàng hóa nhập khẩu nhưng lại có nhiều cách áp mã khác nhau thì biểu thuế Nhập khẩu cần được cập nhật, bổ sung chi tiết, cụ thể để phù hợp với danh mục HS trong điều kiện hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều.

Kê khai nộp thuế

Với mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích sản xuất, thu hút vốn đầu tư theo chiến lược công nghiệp hóa, trong thời gian tới nên nâng cao hiệu quả của cơ chế tự khai, tự tính và tự nộp thuế. Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, nếu thực hiện triệt để cơ chế tự khai, tự nộp sẽ nâng cao ý thức tự giác, đề cao trách nhiệm trước pháp luật của đối tượng nộp thuế, giảm bớt chi phí thông báo thuế, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo khung pháp lý minh bạch và thuận tiện đối với hoạt động xuất nhập khẩu, bởi vì một trong những yếu tố gây cản trở lớn và làm giảm đi tính hấp dẫn là sự kém minh bạch trong chính sách và việc mất quá nhiều thời gian trong việc giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính, đây là vấn đề thuộc nhóm các rào cản vô hình và tạo ra những chi phí cơ hội, chi phí không đoán trước đối với doanh nghiệp. Cùng với thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp đòi hỏi phải tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thuế, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc chấp hành chính sách thuế để ngăn ngừa và trừng phạt kịp thời các trường hợp lợi dụng cơ chế tự khai, tự nộp để gian lận thuế.

Theo quy định hiện hành, để khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… phục vụ cho sản xuất xuất khẩu quy định hiện hành cho phép một số trường hợp đơn vị nhập khẩu được nợ thuế Nhập khẩu từ 30 ngày đến 270 ngày, thực chất đây là hình thức Nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp thông qua phương thức cho vay vốn nhưng không thu lãi để doanh nghiệp tạm thời không mất đi một khoản vốn lưu động để nộp thuế Nhập khẩu, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này để nhập khẩu hàng hóa về tiêu thụ rồi bỏ trốn, không thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, nhất là trong điều kiện hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng thì tình trạng gian lận nợ thuế cũng gia tăng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, trong khi đó biện pháp để thu hồi tiền thuế không đủ
mạnh để có thể thu được tiền thuế bị thất thoát (tính đến hết năm 2006 số nợ đọng tiền thuế Nhập khẩu khoảng 6.000 tỷ đồng [40, tr 11]).

Để khắc phục tình trạng gian lận đồng thời vẫn duy trì chính sách khuyến khích của Nhà nước, thời gian ân hạn nộp thuế Nhập khẩu cần phải được sửa đổi theo hướng: đơn vị nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi hàng hóa được thông quan; nếu trường hợp doanh nghiệp không thể nộp thuế Nhập khẩu ngay thì doanh nghiệp có thể ký quỹ, thế chấp, cầm cố với ngân hàng để ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp về khoản tiền thuế Nhập khẩu phải nộp và sau khi đã được ngân hàng bảo lãnh thì doanh nghiệp có thể được thông quan hàng hóa.

Sau đó, khi đến hạn nộp thuế Nhập khẩu nếu doanh nghiệp không nộp thuế nhập khẩu thì ngân hàng sẽ thay doanh nghiệp nộp tiền thuế Nhập khẩu vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan hải quan mà không cần có sự đồng ý của doanh nghiệp. Khi áp dụng biện pháp này có thể hạn chế được tình trạng nợ thuế, trốn lậu thuế diễn ra phổ biến như hiện nay và cũng đảm bảo được lượng vốn lưu động cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thuế chống phá giá

Bán phá giá là hành vi mà sản phẩm của một quốc gia này được bán ở quốc gia khác với mức thấp hơn giá trị thông thường và làm thiệt hại hay đe dọa thiệt hại về mặt vật chất một ngành của một quốc gia khác hoặc làm chậm trễ sự thiết lập một ngành ở quốc gia khác. Bán phá giá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế, việc bán phá giá đã làm cho các ngành sản
xuất các mặt hàng tương tự của các nước nhập khẩu gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để chống lại hành động này, WTO cho phép các nước thành viên được áp dụng thuế chống bán phá giá nhằm tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế, giảm thiểu thiệt hại đối với các ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước.

Khi Việt Nam gia nhập WTO thì việc cắt giảm thuế Nhập khẩu theo cam kết là tất yếu nên hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn, mức bảo hộ các ngành sản xuất trong nước sẽ bị giảm, khi đó thuế chống bán phá giá được xem là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thương mại quốc tế.

Trong thập kỷ vừa qua, số trường hợp áp dụng thuế chống bán phá giá có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam công cụ thuế chống bán phá giá chưa thật sự phát huy hiệu quả vì những lý do:

– Chưa quy định rõ đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá. Theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới về các biện pháp chống bán phá giá cho phép Chính phủ các nước được đánh thuế chống bán phá giá với điều kiện có tiến hành điều tra và xác định tình trạng bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, việc nhập khẩu hàng bán phá giá đó gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền công
nghiệp trong nước sản xuất ra những sản phẩm tương tự hoặc gây cản trở đối với việc hình thành ngành sản xuất trong nước, yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải do ngành công nghiệp trong nước yêu cầu với sự ủng hộ của các công ty đại diện cho 25% tổng sản lượng những sản phẩm giống hoặc cùng loại với hàng hóa được coi là bán phá giá.

– Chưa tổ chức cơ quan chuyên trách để điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

– Chưa có kinh nghiệm trong việc điều tra chống bán phá giá.

– Chưa hình thành đầy đủ đội ngũ luật sư hay tư vấn viên có trình độ trong việc tham vấn về bán phá giá.

– Việc đàm phán về các chính sách thương mại quốc tế thường chịu sự ảnh hưởng rất lớn về tương quan chính trị kinh tế giữa các bên, trong khi đó vị thế chính trị kinh tế của Việt Nam chưa đủ mạnh nên gặp không ít khó khăn trong việc áp thuế chống bán phá giá.

Để thuế chống bán phá giá trở thành công cụ hữu hiệu bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa ngoại nhập thì thuế chống bán phá giá phải khắc phục những tồn tại nêu trên bằng những giải pháp:

– Thành lập cơ quan độc lập chống bán phá giá để thực hiện chức năng chuyên sâu, thông thường các nước trên thế giới đều thành lập một cơ quan độc lập để thực hiện công tác điều tra bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Tài Chính, Bộ Thương Mại và các bộ ngành có liên quan đến việc điều tra.

– Xây dựng ngân hàng dữ liệu về các mặt hàng thường bị bán phá giá, các trường hợp bán phá giá trên thế giới và hình thức xử lý để Việt Nam có những tư liệu cần thiết cho việc áp dụng thuế chống bán phá giá.

– Hoàn thiện văn bản pháp quy về chống bán phá giá trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc của WTO như: quy định rõ đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá là những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được xác định bán phá giá gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cũng như cản trở việc thiết lập ngành sản xuất tương tự tại lãnh thổ Việt Nam, quy định rõ biên độ để xác định là bán phá giá,
mức thuế suất áp dụng đối với hàng bán phá giá (thông thường mức thuế suất không nên vượt quá mức bán phá giá), khi đã chịu thuế bán phá giá thì các hàng hóa đó vẫn phải chịu thuế, phí như một hàng hóa bình thường ở khâu nhập khẩu.

Giải pháp hoàn thiện Thuế Xuất nhập khẩu

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?