Mục lục
Công ước Kyoto về quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử
1 Giới thiệu chung về Công ước Kyoto
Công ước Kyoto là Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan được Tổ chức hải quan thế giới thông qua năm 1973 tại Kyoto (Nhật Bản) và có hiệu lực năm 1974. Đây là sự đáp ứng của hải quan thế giới đối với đòi hỏi của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Công ước bao gồm Thân quy định các nội dung về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan và 31 phụ lục quy định về từng loại hình thủ tục hải quan cụ thể. Cho đến tháng 5/2005 tổng số có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ là bên tham gia Công ước. Tuy nhiên, Công ước Kyoto năm 1973 có nhiều hạn chế như chỉ cần tham gia ở mức độ tối thiểu, mức độ ràng buộc không cao, không tạo được chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hải quan ở các bên tham gia nên Tổ chức Hải quan Thế giới đã quyết định sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 và thông qua Nghị định thư sửa đổi vào tháng 6 năm 1999. Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 có hiệu lực vào ngày 3 tháng 2 năm 2006 sau khi có 40 bên tham gia Công ước Kyoto đầu tiên gia nhập Công ước này. Từ đây Công ước Kyoto có tên gọi mới là Công ước Kyoto sửa đổi. Hiện nay, Công ước Kyoto sửa đổi có 59 thành viên, Việt Nam là thành viên thứ 56. Công ước Kyoto sửa đổi bao gồm: Nghị định thư sửa đổi, Thân công ước, Phụ lục tổng quát, Phụ lục chuyên đề và Hướng dẫn thực hành13.
Những thay đổi căn bản trong Công ước sửa đổi so với Công ước năm 1973 bao gồm: (I) Công ước quy định áp dụng tối đa công nghệ thông tin; (II) Công ước quy định áp dụng kỹ thuật tiên tiến như quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở kiểm toán, các biện pháp đảm bảo và trao đổi thông tin trước khi hàng đến cho phép giải quết được mâu thuẫn giữa đảm bảo tăng cường kiểm soát hải quan và tạo thuận lợi thương mại; (III) Công ước yêu cầu tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hải quan và doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và ngược lại doanh nghiệp cam kết cộng tác chặt chẽ với hải quan trong lĩnh vực kiểm soát và tăng cường pháp luật; (IV) Công ước có cấu trúc liên kết tạo ra hệ thống công cụ pháp lý logic và gắn kết giữa Thân, Phụ lục tổng quát và 10 Phụ lục chuyên đề; (V) Công ước có mức độ ràng buộc cao đối với các thành viên Công ước, quy định cơ chế bảo lưu chặt chẽ, yêu cầu các bên tham gia tối thiểu phải chấp nhận Thân và Phụ lục tổng quát và không được phép bảo lưu với chuẩn mực và chuẩn mực chuyển tiếp. Bảo lưu chỉ được phép với khuyến nghị thực hành của phụ lục chuyên đề nhưng phải nêu lý do và phải xem xét bảo lưu định kỳ 3 năm một lần; (VI) Cơ chế sửa đổi và bổ sung thông qua Ủy ban quản lý Công ước bao gồm các bên tham gia giúp Công ước vận động linh hoạt và luôn phù hợp với thực tiễn của thương mại; (VII) Công ước cho phép thời gian quá độ là 3 năm với chuẩn mực và 5 năm với chuẩn mực chuyển tiếp kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với bên tham gia.
Sau khi được sửa đổi, bổ sung, Công ước Kyoto được công nhận là cẩm nang cho thủ tục hải quan hiện đại và hiệu quả trong thế kỷ 21. Công ước Kyoto sửa đổi mang đến một bộ nguyên tắc toàn diện, thống nhất, đơn giản, hiệu quả và dễ dự đoán về thủ tục hải quan. Công ước Kyoto sửa đổi hướng dẫn cho cơ quan Hải quan về cách thức ứng dụng và triển khai công nghệ thông tin đối với quá trình thông quan, giúp họ triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử.
2 Công ước Kyoto hướng dẫn quy trình quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử
Phụ lục tổng quát – Công ước KYOTO sửa đổi, bổ sung năm 1999 đã đưa ra quy trình quản trị rủi ro trong lĩnh vực hải quan cũng như trong thủ tục hải quan điện tử gồm 06 bước, mang tính logic và hệ thống (như hình 1.1), đó là: thiết lập bối cảnh; xác định rủi ro; phân tích rủi ro; đánh giá, phân loại rủi ro; xử lý rủi ro; theo dõi, kiểm tra thông qua đo lường tuân thủ.
Bước 1: Thiết lập bối cảnh
Bước này xây dựng nên bối cảnh của tổ chức và chiến lược được thực hiện trong quản lý rủi ro.
Cuối bước 1, cần xây dựng được các tài liệu: Mục tiêu hay xác định mục đích của dự án hay hoạt động; Thông tin về môi trường bên trong và bên ngoài; Danh sách đối tượng trong và ngoài tổ chức; Chiến lược dự định sử dụng; Danh sách các nhóm thành viên và phân công công việc; Chi tiết về bản yêu cầu các nguồn lực khác; Biểu đồ (ví dụ biểu đồ Gantt) để chỉ ra thời điểm các sự kiện liên quan được dự đoán sẽ xảy ra.
Bước 2: Xác định rủi ro
Trong bước xác định rủi ro, điều quan trọng là cố gắng nhận biết các rủi ro nảy sinh từ tất cả mọi khía cạnh của môi trường, như đã được xác định trong bước 1, dù nó nhỏ như thế nào. Chúng ta sẽ kiểm tra ý nghĩa của các rủi ro trong bước kế tiếp, nhưng bất kì loại rủi ro nào bị chệch ra khỏi bước này sẽ có rất ít cơ hội được xem xét trong bước tiếp theo của quá trình. Cuối bước 2, cần xây dựng được các tài liệu sau:
– Danh sách rủi ro đã được nhận biết;
– Chi tiết các loại rủi ro, rủi ro bất ổn và bất ổn như thế nào;
– Bản kế hoạch dự án cập nhật (nếu việc cập nhật được yêu cầu).
Hình 1.1: Quy trình quản lý rủi ro
Bước 3: Phân loại rủi ro
Rủi ro được phân tích bằng các phương pháp tổng hợp của việc tính toán những khả năng có thể xảy ra (độ thường xuyên hay độ có thể) và tính đến hậu quả (tác động hay là tầm quan trọng của hậu quả) bằng những công cụ đo lường hiện tại. Việc phân tích bao gồm:+) Phân tích những rủi ro đã được nhận biết ở bước 2 về mặt khả năng có thể xảy ra và hậu quả;+) Xác định tỉ lệ rủi ro cho từng loại rủi ro trên;+) Tách riêng những rủi ro có tỉ lệ thấp và có thể chấp nhận được ra khỏi những rủi ro có tỉ lệ cao; +) Nắm bắt được những dữ liệu sẽ dùng cho việc đánh giá ở bước 4;
Cuối bước 3, cần xây dựng được các tài liệu sau:
– Định nghĩa, nhận xét về các loại rủi ro;
– Tỉ lệ khả năng có thể xảy ra và hậu quả của các loại rủi ro đã được nhận biết;
– Tỉ lệ cụ thể của tất cả các cấp độ cho từng loại rủi ro đã được nhận biết;
Bước 4: Đánh giá và xếp loại rủi ro
Tại bước này có 2 mục tiêu chính:+) Nhận biết rủi ro nào có thể và không thể chấp nhận được;+) Ưu tiên cho những rủi ro không chấp nhận được.
Cần chú ý rằng, trong hầu hết các trường hợp, rủi ro ở mức “Trung bình” hoặc “Cao” thường được xem như là không thể chấp nhận. Cũng như vậy, rủi ro ở mức “Thấp” được xem như có thể chấp nhận và sẽ được xử lý theo nhiều cách.
Cuối bước 4 ta có được các tài liệu gồm:
– Rủi ro đã được phân loại thành “ Có thể chấp nhận” và “ Không thể chấp nhận”;
– Ưu tiên cho các rủi ro không thể chấp nhận;
– Lập kế hoạch cập nhật cho dự án ( nếu được yêu cầu);
Bước 5: Xử lý rủi ro
Sau khi tiến hành phân loại, đánh giá, và ưu tiên các loại rủi ro khác nhau có liên quan đến các hoạt động, chúng ta cần xác định phương pháp phù hợp để xử lý rủi ro. Cách xử lý rủi ro có thể bao gồm: Tránh rủi ro; Chấp nhận rủi ro; Giảm thiểu rủi ro; Chuyển giao rủi ro; Chấp nhận và giữ lại rủi ro.
Cuối bước 5 cần làm rõ các vấn đề sau:
– Những cách xử lý đối với những rủi ro được ưu tiên và không thể chấp nhận nhất;
– Các cách xử lý giành riêng cho các rủi ro;
– Hoàn thành bản Kế hoạch xử lý rủi ro;
– Hoàn thành Kế hoạch hành động xử lý rủi ro, bao gồm cả việc thực hiện chỉ dẫn.
Bước 6: Theo dõi đánh giá lại và đo lường mức độ tuân thủ
Quá trình theo dõi đánh giá lại là những chức năng liên tục phát triển của quá trình xử lý rủi ro. Quá trình này có 2 yếu tố chính:
* Kiểm tra
Trong suốt dự án, yêu cầu cần phải kiểm tra liên tục, có những rủi ro là tĩnh nhưng đôi khi môi trường thay đổi làm quyền ưu tiên hết hiệu lực. Cụ thể là cần kiểm tra một số nội dung như:
– Rủi ro mức độ cao có bị giảm xuống không;
– Rủi ro mức độ thấp có vẫn giữ nguyên hay đã thay đổi;
– Những giả định về khả năng có thể xảy ra và hậu quả là vẫn giữ nguyên hay thay đổi;
– Xử lý rủi ro có đem lại được kết quả như mong muốn không.
* Tổng kết việc thực hiện
Một khi việc xử lý rủi ro đã được hoàn tất, quá trình còn lại là tổng kết. Chúng ta học được gì từ quá trình này? Và liệu chúng ta đã có thể làm được tốt hơn nữa không? ở bước này tất cả các quyết định, hành động, kết luận đều cần phải xem lại. Và ta sẽ học được từ bất kì sai lầm nào, cũng như thành công nào. Các vấn đề cần quan tâm bao gồm:
– Sự phù hợp và tương xứng của việc thực hiện chỉ dẫn;
– Chúng ta đã đạt được mục tiêu một cách hiệu quả như thế nào;
– Chiến lược đã hiệu quả chưa? Rủi ro được giảm chưa;
– Xử lý rủi ro có đem lại được kết quả như mong muốn không;
– Chi phí tính trước có đúng không;
– Tính bền vững của các giả định;
– Liệu có sự dính líu nào trong việc xử lý rủi ro không;
– Phản ứng của dự án, cả trong và ngoài, là gì;
Tài liệu dẫn chứng
Cuối bước 6, cần xây dựng được các tài liệu sau:
– Kế hoạch kiểm tra và tổng kết dự án;
– Kết quả của các hành động.
Công ước Kyoto về quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT