Mục lục
Các yếu tố thúc đẩy hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế xuất phát từ những cơ sở kinh tế xã hội hiện thực của thế giới hiện đại. Đó là những yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý chí của quốc gia nào. Điều đó đặt hội nhập kinh tế quốc tế như một tất yếu mang tính thời đại.
1. Cách mạng khoa học công nghệ diễn ra mạnh mẽ đã phá vỡ địa giới giữa các quốc gia
Xã hội loài người đã được chứng kiến những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật làm thay đổi bộ mặt thế giới. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra vào nửa sau thế kỷ 20 đã làm cho khoa học trở thành Lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của Lực lượng sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong những năm gần đây là chứng minh cụ thể cho xu hướng phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Công nghệ thông tin đã xoá nhoà khoảng cách địa lý, tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi người, mọi quốc gia.
Phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows xuất hiện năm 1985 và phiên bản mang tính đột phá windows 3.0 được xuất bản năm 1990 đã góp phần xóa bỏ một rào cản vô cùng quan trọng, đó là sự hạn chế về dung lượng thông tin mà bất cứ cá nhân nào có thể tích lũy, kiểm soát và phổ biến.
Chiếc máy tính cá nhân với phần mềm window, cùng với sự xuất hiện của modem, Internet đã giúp con người có thể dễ dàng truyền nội dung ngay lập tức với chi phí thấp tới bất cứ nơi nào trên thế giới, lưu trữ nội dung với khối lượng khổng lồ, tạo ra một công cụ kết nối và hợp tác nhanh chóng, hiệu quả, một công cụ mà bất kể ai cũng có thể sử dụng. Đồng thời, việc tạo ra mạng toàn cầu (world wide web) đã thúc đẩy cuộc cách mạng làm phẳng thế giới.
Như vậy, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ đã phát vỡ hàng rào ngăn cách địa giới trong giao dịch của con người trên tất cả các mặt giữa các quốc gia. Điều này đã đẩy quốc tế hoá lên một thời kỳ mới, thời kỳ toàn cầu hoá kinh tế thế giới. Trong nền kinh tế toàn cầu hoá việc tổ chức sản xuất và khai thác thị trường trong phạm vi một nước đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất và khai thác thị trường trên phạm vi toàn thế giới. Chính cách mạng khoa học và công nghệ đã đưa lại sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Khái niệm “biên giới mềm” quốc gia được đưa ra cho thấy hàng hoá, dịch vụ của một quốc gia được xuất khẩu tới đâu thì biên giới quốc gia được mở rộng tới đó.
2. Sự phát triển của phân công lao động quốc tế
Cách mạng khoa học và công nghệ không chỉ đem lại sự phát triển của lực lượng sản xuất mà nó còn tác động mạnh mẽ đến phân công lao động quốc gia và quốc tế. Xu hướng quốc tế hoá về sức lao động là kết quả của sự di chuyển lao động từ quốc gia này sang quốc gia khác. Mức độ tự do hoá trong di cư lao động và xuất khẩu lao động dần hình thành thị trường lao động quốc tế. Quá trình này trực tiếp ảnh hưởng đến cơ cấu lao động của quốc gia xuất khẩu lao động và quốc gia nhập khẩu lao động. Nhiều nước nhờ có xuất khẩu lao động đã đem lại lợi ích kinh tế to lớn và hình thành được lực lượng lao động có trình độ cao.
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Hội nhập kinh tế quốc tế[/message]Sự phát triển của phân công lao động quốc tế đã tạo ra các hình thức hợp tác sản xuất mới. Thuê làm bên ngoài (outsourcing), chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring), thuê bên ngoài làm (insourcing) là những phương thức hợp tác tạo ra giá trị theo chiều ngang, có thể được thực hiện nhờ một thế giới phẳng và ngược lại làm thế giới phẳng hơn. Chuỗi cung cũng là một phương pháp cộng tác theo chiều ngang giữa các nhà cung cấp, người bán lẻ và khách hàng nhằm tạo ra giá trị. Chuỗi cung càng xóa bỏ thêm các điểm ma sát tại các biên giới quốc gia thì các công ty càng cộng tác với nhau một cách hiệu quả hơn, khiến quá trình cộng tác toàn cầu càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Nhờ vậy, phân công lao động quốc tế đã tạo ra sự phụ thuộc giữa các quốc gia trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Trong kinh tế hiện đại, quốc gia sẽ phát triển nếu trở thành bộ phận của phân công lao động quốc tế, có lợi ích to lớn và ổn định khi được tham gia vào quá trình hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.
3. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty xuyên quốc gia
Từ cuối những năm 1950, các công ty lớn của Mỹ đã đi đầu trong việc vượt ra ngoài biên giới quốc gia, thực hiện kinh doanh xuyên quốc gia và trở thành các công ty đa quốc gia. Những công ty này đã lấy thị trường toàn cầu làm hướng hoạt động chính. Công nghệ thông tin, nhất là mạng Internet làm cho không gian không còn ý nghĩa. Tri thức, công nghệ, lao động, quản lý, hàng hoá, tiền tệ…không bị bó hẹp trong biên giới một quốc gia, giúp cho hoạt động mang tính toàn cầu. Mối quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính xuyên quốc gia giữa các nước, các khu vực và các doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển và tạo ra sự lệ thuộc lẫn nhau. Ngày càng có nhiều các công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển, các nước công nghiệp mới bị cuốn hút vào làn sóng toàn cầu hoá. Giá trị xuất nhập khẩu của các công ty xuyên quốc gia theo tính toán của WTO, chiếm từ 2/3 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới. Trên 4/5 đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên thế giới là do các công ty xuyên quốc gia tiến hành, trên 9/10 thành quả triển khai kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trên thế giới nằm trong tay các công ty xuyên quốc gia. Do áp dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong việc quản lý và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên khoảng cách địa lý không bị trở ngại và mọi hoạt động đều nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả và độ chính xác cao.
Trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế các công ty xuyên quốc gia đóng vai trò then chốt và thực sự chi phối nền kinh tế thế giới. Từ năm 2000 đến nay, nhiều công ty xuyên quốc gia lớn sát nhập với nhau hình thành các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia khổng lồ. Các công ty xuyên quốc gia cỡ lớn đều có một hệ thống kinh doanh lấy công ty mẹ làm trung tâm, mở rộng ra toàn cầu. Hàng trăm, hàng ngàn hệ thống như vậy đan lại thành mạng lưới kinh tế toàn cầu khổng lồ, bao trùm tất cả, che phủ các khu vực, các quốc gia trên toàn thế giới. Các công ty này sẽ mở cửa biên giới các quốc gia, tạo ra sự hội nhập tất yếu từ tế bào kinh tế.
4. Ảnh hưởng của các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế
Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, các quốc gia có chủ quyền không còn là chủ thể duy nhất có vai trò quyết định chính sách kinh tế mà là sự tồn tại đồng thời của nhiều định chế khác ngoài lãnh thổ quốc gia. Các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế có uy tín đang chi phối hoạt động thực tiễn và làm thay đổi các chính sách kinh tế của quốc gia thành viên hoặc có nguyện vọng gia nhập. Đó là các liên kết kinh tế quốc tế như EU, ASEAN, APEC; các định chế quốc tế như: WB, IMF, WTO…
Các định chế quốc tế ra đời nhằm đáp ứng đòi hỏi của xu thế toàn cầu hoá kinh tế. Sự tồn tại và hoạt động của các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và các chính sách quy định của nó đã thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của xu hướng toàn cầu hoá. Nhiều tổ chức kinh tế tài chính lớn như WTO, IMF, WB…đóng vai trò như một “Liên hợp quốc” trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế.
Các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới tham gia vào các điều chỉnh quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại thế giới. Thông qua các quy định của mình tác động điều chỉnh chính sách của của các quốc gia theo chuẩn mực quốc tế. Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực như EU, NAFTA, ASEAN… đưa ra các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương để tăng thêm sự gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia. Các tổ chức này còn thúc đẩy các quốc gia phải xây dựng lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế phù hợp.
5. Xu hướng đối thoại, hợp tác đã thay thế cho đối đầu
Sau khi Liên Xô sụp đổ, cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc, mở ra một giai đoạn mới của nền kinh tế thế giới. Xu hướng đối thoại, hợp tác thay thế cho đối đầu. Những tư tưởng đổi mới, mở cửa, cải tổ trở thành xu hướng tích cực của thời đại. Sau chiến tranh lạnh, tất cả các quốc gia đều tập trung điều chỉnh chiến lược phát triển, trong đó ưu tiên mọi nguồn lực cho hợp tác và phát triển kinh tế. Cánh cửa các nền kinh tế quốc gia đã rộng mở để giao lưu, liên kết kinh tế với khu vực và quốc tế.
Sự sụp đổ bức tường Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 cho phép chúng ta tư duy thế giới theo cách khác – nhìn nhận thế giới như một thể thống nhất. Trước năm 1989, có thể có một chính sách phương Đông hay phương Tây, nhưng ít có khả năng nghĩ về việc có một chính sách “toàn cầu”. Sự sụp đổ này đã xóa bỏ một hàng rào địa lý và vật chất – hàng rào đã bưng bít thông tin, ngăn cản những tiêu chuẩn chung và không cho chúng ta nhìn thế giới là một cộng đồng đơn nhất, bằng phẳng và có tiềm năng thống nhất.
Việc bức tường sụp đổ cũng đã tạo điều kiện cho nhiều người khai thác vốn tri thức của nhau. Sự kiện này cũng tạo điều kiện cho việc thông qua các tiêu chuẩn chung – các tiêu chuẩn về cách điều hành nền kinh tế, cách thực hiện chế độ kế toán, cách tiến hành hoạt động ngân hàng… Các tiêu chuẩn chung đã tạo ra một sân chơi bằng phẳng hơn “Đa phương hoá và đa dạng hoá” đã trở thành phương châm chủ đạo của các quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế. Liên kết và hợp tác kinh tế đã không ngừng mở rộng và phát triển trên quy mô toàn cầu.
Các yếu tố thúc đẩy hội nhập quốc tế
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ