Bối cảnh kinh tế của Việt Nam trong xu thế hội tụ kế toán quốc tế

ODA Nhật Bản

Mục lục

Bối cảnh kinh tế của Việt Nam trong xu thế hội tụ kế toán quốc tế

(1). Xuất khẩu Việt Nam

Xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, không chỉ về phương diện kinh tế, tài chính mà còn góp phần quan trọng trong việc mang lại việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Xuất khẩu Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ quá trình đổi mới nền kinh tế. Từ năm 1986 đến năm 1990, giá trị xuất khẩu thương mại của Việt Nam tăng gấp ba lần đạt mức 2,4 tỷ USD. Con số này tiếp tục tăng lên 16 tỷ USD vào năm 2002 với tốc độ tăng trưởng bình quân 19% mỗi năm (Martin et al, 2003). Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011 (Tổng cục Hải quan Việt Nam, 2013).

Trong bối cảnh đó, các vụ kiện chống phá giá là một đe dọa lớn cho Việt Nam. Theo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, trong năm 2012, Việt Nam là đối tượng của 7 vụ kiện chống phá giá và từ đầu năm đến tháng 9/2013, con số này là 4 vụ kiện. Cũng theo số liệu của tổ chức này đến tháng 4/2012, chỉ có 28 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, 2013).

Để có thể được công nhận là nền kinh tế thị trường sớm hơn, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để đáp ứng yêu cầu. Một trong những vấn đề đó là hội tụ kế toán quốc tế với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế như kinh nghiệm của Trung quốc (Ramanna, 2011).

(2). Thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua mặc dù có suy giảm trong vài năm gần đây. Theo đề án đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt lộ trình phát triển thị trường vốn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu chung là phát triển nhanh, đồng bộ, vững chắc thị trường vốn trong đó thị trường chứng khoán đóng vai trò chủ đạo, từng bước đưa thị trường vốn trở thành một cấu thành quan trọng của thị trường tài chính, góp phần đắc lực trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển và cải cách nền kinh tế; đảm bảo tính công khai, minh bạch. Mức phấn đấu được đề ra là đến năm 2020 giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 70% GDP. Ngoài ra, thị trường vốn giai đoạn đến năm 2020 sẽ phát triển đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp các loại chứng khoán phái sinh; các sản phẩm liên kết (chứng khoán – bảo hiểm, chứng khoán – tín dụng, tiết kiệm – chứng khoán…); các sản phẩm từ chứng khoán hóa tài sản và các khoản
nợ.… (Chính phủ, 2007).

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính là một điều hết sức cần thiết để một mặt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam, mặt khác nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và xa hơn nữa, bảo vệ nền kinh tế tránh những thiệt hại do những vụ tai tiếng về tài chính, kế toán. Hội tụ kế toán với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là một quá trình tất yếu để thực hiện mục tiêu này.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Xu thế tất yếu của quá trình hội tụ kế toán quốc tế[/message]

(3). Đầu tư nước ngoài trực tiếp

Đầu tư nước ngoài trực tiếp là một nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam thời kỳ mới cải cách và thúc đẩy đổi mới hệ thống kế toán Việt Nam. Trong những năm qua, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam. Nếu trong giai đoạn 1994 – 2004, bình quân đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam là 1.620 triệu USD mỗi năm thì năm 2012, con số này 8.368 triệu USD (UNCTAD, 2013).

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng hệ thống kế toán Việt Nam và phải lập thêm báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán của công ty mẹ để phục vụ cho việc hợp nhất báo cáo tài chính. Trong bối cảnh hội tụ kế toán quốc tế hiện nay, việc tăng cường tính hội tụ của kế toán Việt Nam sẽ giảm bớt đáng kể gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp này, góp phần cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

(4). Mua lại và sáp nhập

Mua lại và sáp nhập là một công cụ quan trọng trong phát triển quy mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, mua lại và sáp nhập xuyên quốc gia phát triển một cách mạnh mẽ đối với các quốc gia và xu hướng này đã lan nhanh qua các nước Châu Á (ADB, 2011). Riêng tại Việt Nam, giá trị bán ra bình quân hàng năm giai đoạn 2005 – 2007 là 150 triệu USD đã lên đến 1.126 triệu USD năm 2011. Số liệu này giảm đi vào năm 2012 chỉ còn 908 triệu USD trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu (UNCTAD, 2013).

Trong hoạt động mua lại và sáp nhập, báo cáo tài chính doanh nghiệp là một thông tin quan trọng bên cạnh các nhiều thông tin khác phục vụ cho việc ra quyết định. Việc hội tụ kế toán quốc tế giúp nâng cao chất lượng thông tin và giúp quá trình này diễn ra hiệu quả hơn.

(5). Niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài

Niêm yết trên thị trường vốn nước ngoài mang lại nguồn tài chính lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, chính sách nhà nước đã mở đường các công ty trong nước được niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. Điều này thể hiện trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 62/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 (Quốc hội, 2010) và Nghị định 84/2010 NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14 về qui định chi tiết một số điều trong Luật Chứng khoán đã có những quy định áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam niêm yết chứng khoán ở nước ngoài (Chính phủ, 2010).

Mặc dù còn mới mẻ, đây cũng là một kênh cung cấp vốn quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam. Để chuẩn bị cho quá trình này, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm quen dần với việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

(6). Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán từ nước ngoài không giới hạn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam (WTO, 2006).

Các cam kết trên mở đường cho việc các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty kế toán, kiểm toán nước ngoài hoàn toàn có khả năng tham gia thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam. Và ngược lại, Việt Nam cũng tăng cường khả năng tham gia thị trường này trên thế giới. Việc hội tụ kế toán quốc tế giúp Việt Nam thuận lợi trong việc chủ động phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này nhằm trước hết, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường Việt Nam và xa hơn, hình thành một hướng phát triển kinh tế mới là cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trên thị trường thế giới.

Bối cảnh kinh tế của Việt Nam trong xu thế hội tụ kế toán quốc tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?