Gợi ý cách viết đề cương luận án tiến sĩ

Luận án tiến sĩ

Gợi ý cách viết đề cương luận án tiến sĩ

Nội dung bài viết nầy nhằm gợi ý NCS viết đề cương nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình. Không có một định dạng nào gọi là hoàn chỉnh cho một đề cương, tuy nhiên các nội dung chính cần được thực hiện để có thể đánh giá được khả năng thực hiện luận án của NCS. Phần B là các nội dung chính cho đề cương, các phần khác và phần viết chữ in nghiêng để gợi ý, giải thích.

  1. GIỚI THIỆU

Đề cương nghiên cứu của luận án Tiến sĩ là gì?

Đề cương luận án Tiến sĩ là một phác thảo nghiên cứu được thiết kế để:

– Xác định một (hay nhiều) câu hỏi nghiên cứu rõ ràng và một (hay nhiều) phương pháp nghiên cứu để trả lời.

– Đánh dấu tính chất sáng tạo, ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu.

– Giải thích làm thế nào kết quả nghiên cứu sẽ thêm vào và phát triển (hoặc thách thức) kiến thức khoa học hiện có trong lãnh vực mà NCS sẽ nghiên cứu.

– Thuyết phục người hướng dẫn khoa học về tầm quan trọng của nghiên cứu, và lý do tại sao bạn là người thích hợp để thực hiện nghiên cứu đó.

Một đề cương tốt cần bao hàm đầy đủ 4 câu hỏi chính:

– Tôi sẽ làm gì trong nghiên cứu của mình? (What)

– Ai đã nghiên cứu cùng một nội dung và họ đã làm được gì? (Who)

– Làm thế nào để tôi thực hiện được nghiên cứu nầy? (How)

– Tại sao nghiên cứu nầy là quan trọng đối với cộng đồng khoa học? (Why)

Độ dài về nội dung trong các đề cương nghiên cứu có thể khác nhau, vì vậy điều quan trọng là NCS phải cùng với người hướng dẫn kiểm tra sự giới hạn từ ngữ và những nội dung cụ thể.

Đề cương nghiên cứu để làm gì?

Người hướng dẫn sử dụng đề cương nghiên cứu để đánh giá chất lượng và ý tưởng sáng tạo  của NCS, những kỹ năng của NCS trong suy nghĩ và tính khả thi của đề tài nghiên cứu. Xin nhớ rằng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ở trường ĐHCT được thiết kế để hoàn thành chính thức trong ba năm hoặc bốn năm. Hãy suy nghĩ thật cẩn thận về phạm vi nghiên cứu và giải thích là làm thế nào bạn có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu trong khoảng thời gian này.

Đề cương nghiên cứu cũng được sử dụng để đánh giá kinh nghiệm chuyên môn của NCS trong lãnh vực muốn tiến hành nghiên cứu, kiến thức của NCS về tài liệu khoa học hiện có (và làm thế nào đề tài nghiên cứu của NCS sẽ bổ sung nâng cao nó). Hơn nữa, đề cương nghiên cứu còn được sử dụng để đánh giá và phân công người (hay nhóm người) hướng dẫn thích hợp.

NCS cần xác định người hướng dẫn tiềm năng và liên lạc với họ để thảo luận về các ý tưởng liên quan đến đề cương của mình trước khi thực hiện nó một cách chính thức, để đảm bảo nó được hai bên cùng quan tâm, có đầu tư suy nghĩ vào thiết kế, quy mô và tính khả thi của đề tài nghiên cứu.

Đề cương nghiên cứu cũng được xem như một cơ hội để NCS giao tiếp niềm say mê nghiên cứu của mình và biện luận một cách thuyết phục về những gì mà nghiên cứu có thể thực hiện. Mặc dù đề cương là một phác thảo (outline) về nghiên cứu, nó cũng nên được tiếp cận như một bài luận (essay) thuyết phục, như một cơ hội để thiết lập sự chú ý của độc giả và thuyết phục họ về tầm quan trọng của đề tài nghiên cứu của NCS.

Nếu đề tài nghiên cứu có liên quan đến nhiều bộ môn/chuyên ngành, NCS cần phải điều chỉnh thống nhất các nội dung chuyên môn trong một đề cương duy nhất mà người đọc có thể hiểu được tính chất đa học thuật của nó.

Lưu ý: Luận án tiến sĩ cần có các đặc điểm sau đây:

– Kết quả mới, sáng tạo.

– Phương pháp nghiên cứu đúng, khoa học, có khả năng áp dụng.

– Hàm lượng khoa học của nội dung nghiên cứu có chất lượng cao.

– Có tính hệ thống chặt chẽ.

Đề cương nghiên cứu được thiết kế một cách “cứng nhắc”?

Không. Một đề cương nghiên cứu tốt được phát triển như một tiến trình công việc. NCS có thể điều chỉnh đề cương ban đầu của mình trong quá trình tham khảo tài liệu chi tiết, cân nhắc thêm các phương pháp nghiên cứu và các ý kiến đóng góp từ người hướng dẫn (và các cán bộ giảng dạy của đơn vị đào tạo chuyên ngành). Đề cương nghiên cứu cần được xem như một phác thảo nghiên cứu ban đầu chứ không phải là một bản tóm tắt của sản phẩm nghiên cứu cuối cùng.

Một số lưu ý thêm

– Hãy chắc chắn rằng ý tưởng nghiên cứu, giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu hoặc vấn đề nghiên cứu được phát biểu rất rõ ràng, có tính thuyết phục cao và giải quyết được một hay nhiều thiếu sót tồn tại trong các tài liệu khoa học hiện có. Đầu tư thời gian xây dựng các câu hỏi nghiên cứu trong giai đoạn đầu cũng quan trọng như kết quả​​.

– Hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu về Bộ môn/Đơn vị chuyên ngành, nơi mà bạn đang đăng ký học tập để đảm bảo rằng có những thành viên quan tâm đến vấn đề của bạn và sẵn sàng để giám sát đề tài của bạn.

– Hãy chắc chắn rằng đề cương có cấu trúc tốt, có tính hệ thống.

– Đảm bảo rằng phạm vi nghiên cứu của bạn là hợp lý, và cần có những giới hạn về kích thước và độ phức tạp của một đề tài có thể được hoàn thành và được viết trong 3-4 năm. Ngoài những nội dung nghiên cứu, Hội đồng bảo vệ đề cương còn đánh giá khả năng của NCS có thể hoàn thành được đề tài nghiên cứu.

  1. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ CƯƠNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ

NCS cần kiểm tra cẩn thận từng phần để tìm hiểu các nội dung cần cung cấp hay được yêu cầu. Nói chung, các nội dung sau đây là cần thiết trong một đề cương nghiên cứu:

(Trang bìa): Ghi các nội dung:

– Trường Đại học Cần Thơ (font 14, in đậm)

– Tên đơn vị đào tạo chuyên ngành (font 14, in đậm)

– Đề cương luận án Tiến sĩ (font 14, in đậm)

– Tên luận án  Tên luận án cần bảo đảm bao gồm những từ chủ yếu (key words) liên quan đến luận án (nội dung nghiên cứu). Phải chắc chắn rằng tên luận án biểu thị được phương pháp nghiên cứu hoặc những nội dung nghiên cứu chủ yếu. (font 16, in đậm)

– Chuyên ngành, Mã số ngành (font 13, in đậm)

– Tên họ NCS (font 14, in đậm)

– Tên họ Người hướng dẫn (Ghi rõ học hàm, học vị) (font 14, in đậm)

– Năm (font 13, in đậm)

 

(Trang 1)

THÔNG TIN TỔNG QUÁT

Họ tên Nghiên cứu sinh:…….Giới tính:…..……

Ngày tháng năm sinh:…..Nơi sinh:……..Điện thoại:………

Đơn vị công tác:……….

Địa chỉ hiện nay:………

Tốt nghiệp Đại học ngành:………Năm:……………….Tại:…………

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành:……….Năm:……………….Tại:………..

Hình thức đào tạo tiến sĩ:………….Thời gian đào tạo:…… năm

Tên luận án tiến sĩ:………………………………………………….

Chuyên ngành:………..Mã ngành:……………..

Người hướng dẫn chính:……………………….Địa chỉ:……………

Người hướng dẫn phụ:…………………………Địa chỉ:……………

(Trang 2)

Ghi: Đề cương luận án…(tên luận án)…. đã được Hội đồng bảo vệ đề cương nghiên cứu sinh, thành lập theo quyết định số……ngày…..tháng…..năm….., thông qua ngày….tháng…năm….

Có chữ ký và họ tên của các thành viên Hội đồng.

(Từ trang 3 trở đi)

  1. GIỚI THIỆU (35 trang)

1.1 Đặt vấn đề  Nêu lý do/sự cần thiết để thực hiện đề tài nghiên cứu của luận án.

1.2 Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu  Mục tiêu là để mô tả những gì sẽ làm, làm thế nào để thực hiện những kết quả được mong đợi. Phạm vi nghiên cứu là giới hạn của nghiên cứu, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng ở cấp độ nào?

1.3 Ý nghĩa nghiên cứu  Ý nghĩa cụ thể trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, sản xuất, trong các lãnh vực khác,…Cần cho thấy tính mới, sáng tạo (tính mới không phải là nội dung nghiên cứu đã được thực hiện ở nước ngoài bây giờ nghiên cứu áp dụng lại trong điều kiện Việt Nam). NCS cần khảo sát thông tin trong mạng Internet để biết nội dung giống như luận án đã có người thực hiện hay chưa.

1.4 Giả thuyết nghiên cứu  Nếu có.  Giả thuyết nghiên cứu đặt ra phải dựa trên quan sát hay cơ sở lý thuyết hiện tại (có thể từ kiến thức kinh nghiệm của NCS, từ kết quả nghiên cứu trước đây, hoặc dựa vào nguồn tài liệu tham khảo). Ý tưởng trong giả thuyết là phần lý thuyết chưa được chấp nhận, có tính tiên đoán cần được chứng minh đúng hay sai. Thí dụ: Sản xuất sử dụng công nghệ cao có thể giúp gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Giả thuyết đặt ra phải liên hệ với mục tiêu nghiên cứu và có thể chứng minh được bằng điều tra, khảo sát, làm thí nghiệm,…

1.5 Câu hỏi nghiên cứu  Nếu có, tối đa là 3 câu hỏi. Các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra để được trả lời bằng các nghiên cứu cụ thể nhằm chứng minh giả thuyết; các câu hỏi phải có tính hệ thống chặt chẽ.

1.6 Nội dung nghiên cứu Nêu  ngắn gọn các nội dung nghiên cứu chính mà luận án sẽ thực hiện.

 

1.7 Thời gian thực hiện Ghi rõ tháng, năm.

  1. TỔNG QUAN VỀ NGHIÊN CỨU (Khoảng 10 trang, có 2 nội dung chính cần lưu ý)
  2. Tổng quan về tính phù hợp của đề tài nghiên cứu

Trong phần này, bạn cần cung cấp một cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về nghiên cứu của bạn và phù hợp với các tài liệu nghiên cứu, thảo luận khoa học hiện có. Xác định càng cụ thể càng tốt các ảnh hưởng hoặc các thảo luận bạn muốn tiếp cận, nhưng cố gắng không để lạc lối vào một bình luận, thảo luận dông dài của các nguồn tài liệu. Bạn cần chú ý phác thảo ra bối cảnh công việc nghiên cứu của bạn sẽ phù hợp với nó. Bạn cũng nên sử dụng phần này để tạo liên kết giữa nghiên cứu và những thế mạnh hiện có của Bmôn/Đơn vị chuyên ngành mà bạn đang tham gia học tập. Thăm các trang web thích hợp để tìm hiểu về những nghiên cứu hiện có đang diễn ra trong và ngoài nước và làm thế nào đề tài của bạn có thể bổ sung.

  1. Định vị nghiên cứu

Phần này thảo luận về các tài liệu mà bạn xem là quan trọng nhất cho đề tài, chứng minh sự hiểu biết của bạn về các vấn đề nghiên cứu và xác định những khoảng trống (gaps) hiện có (cả lý thuyết và thực tế) mà nghiên cứu được thiết kế để giải quyết. Cần tiếp cận những vấn đề tổng quát để đi đến những vấn đề cụ thể liên quan đến nghiên cứu. Phần này là một chỉ dẫn và bối cảnh hóa các nội dung cần nghiên cứu của bạn chứ không phải thực hiện một phân tích chi tiết những kết quả, thảo luận trong tác tài liệu khoa học hiện tại. Hạn chế sử dụng các tài liệu như luận văn tốt nghiệp có những nội dung nghiên cứu bước đầu; hạn chế sử dụng các tài liệu tham khảo đã quá cũ (thí dụ, tài liệu kỹ thuật đã xuất bản từ 20-30 năm về trước), tài liệu từ mạng không rõ tên tác giả và ngày tháng. Nên sử dụng tài liệu gốc của tác giả đầu tiên đã được xuất bản chính thức.

 

  1. PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU (Khoảng 5-10 trang)

3.1 Phương tiện

Liệt kê các loại vật liệu, trang thiết bị chính, phiếu điều tra,… quyết định đến kết quả nghiên cứu. Nếu trong đề tài nghiên cứu có nhiều nội dung và phải sử dụng nhiều loại phương tiện nghiên cứu khác nhau thì cần nêu rõ phương tiện cụ thể sử dụng cho từng nội dung nghiên cứu.

3.2 Phương pháp

    Một phương pháp luận được phát triển tốt là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn có ý định tiến hành nghiên cứu thực nghiệm. Bạn cần trình bày các phương pháp/kỹ thuật cụ thể, không phải phương pháp chung chung; nêu lý do (tóm tắt) và cơ sở hợp lý cho việc áp dụng những phương pháp/kỹ thuật này. Ghi rõ nội dung nghiên cứu, các chỉ tiêu và phương pháp phân tích số liệu (thống kê,…). Cần chú ý tính hệ thống, trình tự khi áp dụng các phương pháp nghiên cứu. Các phương pháp sử dụng để thu thập số liệu có thể là:

      – Điều tra PRA, phỏng vấn nông hộ,…: Ghi rõ địa điểm điều tra, cách chọn mẫu, số mẫu điều tra, nội dung câu hỏi, nội dung phiếu điều tra, phương pháp phân tích (SWOT,…).

      – Điều tra thu mẫu hiện trường: Mô tả cách chọn điểm thu mẫu, thời điểm thu mẫu, số mẫu thu /nhịp độ thu mẫu, phương pháp thu mẫu, phương pháp bảo quản/xử lý mẫu, phương pháp phân tích mẫu,… Chú ý là số liệu sẽ được xử lý thống kê nên cần có lập lại.

      – Thí nghiệm (trong phòng, nhà lưới, ngoài đồng): Trình bày chi tiết địa điểm, kiểu bố trí, số nghiệm thức, số lần lập lại, quy mô thí nghiệm,….

      Cần ghi rõ tên tác giả (theo năm) của từng phương pháp.

3.2.1 Chỉ tiêu theo dõi Ghi rõ chỉ tiêu theo dõi cho từng nội dung nghiên cứu.

 

3.2.2 Xử lý số liệu

Trình bày cụ thể phương pháp xử lý số liệu, thí dụ, phân tích phương sai, so sánh giá trị trung bình, phân tích tương quan, hồi quy,…Có thể ghi rõ phần mềm thống kê sẽ sử dụng.

  1. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN Thiết kế ngắn gọn về nội dung thực hiện, dự kiến kết quả và giới hạn thời gian.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      Tài liệu tham khảo của bạn cần cung cấp cho người đọc về ý thức nắm bắt tài liệu của bạn. Phải chắc chắn các tài liệu tham khảo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu của bạn. Hãy nhớ rằng, đây không phải chỉ đơn giản là một danh sách thư mục “tất cả mọi thứ bằng văn bản về chủ đề”. Thay vào đó, tài liệu tham khảo sẽ phản ánh quan trọng việc lựa chọn các tài liệu thích hợp.

Các quy định:           

– Số trang của đề cương tối đa 30 trang, cỡ giấy A4.

– Cỡ chữ 13, Times New Roman.

– Giãn dòng 1,5 lines, lề phải 3 cm, lề trái 2 cm, Top: 2 cm, Bottom: 1,5 cm.

– Số trang đánh ở giữa, bên dưới.

– Đóng thành cuốn, bìa mềm.

– Nộp 5 quyển đề cương cho Hội đồng ít nhất là 3 ngày trước khi bảo vệ.

– Hồ sơ bảo vệ đề cương gồm có:

+ Quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ đề cương NCS.

+ Biên bản họp Hội đồng bảo vệ đề cương NCS (có đầy đủ chữ ký theo yêu cầu).

Gợi ý cách viết đề cương luận án tiến sĩ

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Gợi ý cách viết đề cương luận án tiến sĩ

  1. Pingback: Cách trình bày luận án tiến sĩ - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?