Tổng quan nghiên cứu về Bancassurance
Có thể nói rằng đối với Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung thì sản phẩm Bancassurance thực sự là một cơ hội với nhiều thách thức. Tại Việt Nam, Bancassurance đã phôi thai hình thành từ giữa những thập niên 90, tuy còn khá mới mẻ nhưng Bancassurance được xem là một kênh phân phối hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về bancassurance. Theo Wong và Cheung (2002) chuyên gia của Công ty Tái Bảo hiểm Quốc gia Thụy Sĩ (Swiss Re) khi nghiên cứu về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đã cho rằng: “Bancassurance là một chiến lược của các ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhằm khai thác với phương thức ít nhiều tích hợp thị trường các dịch vụ tài chính”. Hay trong tài liệu đánh giá xu hướng phát triển cũng như nhận định các cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung của Bamahan, Bevere và Wong (2007) thì cho rằng “Bancassurance chỉ nỗ lực chung của các ngân hàng và nhà bảo hiểm trong việc cung cấp các dịch vụ cho các khách hàng của ngân hàng” và “các sản phẩm bảo hiểm phải được thiết kế riêng cho việc phân phối qua các kênh bancassurance”. Một số chuyên gia của Munich Re như Violaris, Syprus (2001) thì đơn giản cho rằng “bancassurance là phân phối các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng và bảo hiểm qua một kênh phân phối tới cùng một cơ sở khách hàng”.
Nhìn chung có thể hiểu bancassurance – liên kết ngân hàng và bảo hiểm là sự kết hợp giữa bảo hiểm và ngân hàng nhằm phân phối các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm tới các khách hàng của ngân hàng.
Mô hình phân phối bancassurance phát triển theo nhiều hình thái khác nhau và đi từ kết hợp đơn giản đến mô hình sở hữu mẹ con. Các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài như A. Karunagaran (2006), Clarence Wong, Lilian Cheung (2002), Clarence Wong, Mike Bamahan, Lucia Bevere (2007), Elisabeth Standler (2010), Steven I Davis (2007) cho thấy cái nhìn tổng quan về bancassurance tại các thị trường bảo hiểm khác nhau trên thế giới liên quan đến mô hình bancassurance của các Ngân hàng và các Tập đoàn tài chính, vấn đề phát triển sản phẩm của các bancassurance tại các quốc gia, việc lựa chọn đối tác và thị trường mục tiêu của bancassurance, vấn đề phát triển kênh phân phối hiệu quả. Các nghiên cứu này cung cấp kinh nghiệm quí báu cho các Ngân hàng của Việt Nam trong việc phát triển mô hình bancassurance cũng như cung cấp cho các nhà quản lý định hướng trong việc ban hành chính sách liên quan đến sự phát triển của hoạt động bancassurance.
Ở Việt Nam, năm 2006, đánh dấu bước phát triển quan trọng của Bancassurance tại Việt Nam với sự ra mắt của hai sản phẩm liên kết Ngân hàng – Bảo hiểm giữa TechcomBank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bảo Việt đó là “Tài khoản tiết kiệm giáo dục“ và “Bảo hiểm tín dụng cho Nhà mới và Ôtô xịn”. Đây là một bước ngoặt rất có ý nghĩa đối với hướng phát triển dịch vụ của ngành Ngân hàng và Bảo hiểm tại Việt Nam. Sau khi 02 sản phẩm trên ra đời, các Ngân hàng và các Công ty Bảo hiểm khác cũng đã bắt đầu ký các thoả thuận hợp tác trong đó Ngân hàng là đối tác đóng vai trò như một Đại lý bán các sản phẩm bảo hiểm, cụ thể là sự liên kết giữa Bảo Việt với HSBC; Prudential với ACB, các ngân hàng thương mại lớn đứng ra góp vốn, thành lập các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng, hình thành xu hướng mới trên thị trường bảo hiểm Việt Nam: doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc ngân hàng hoặc chi phối bởi ngân hàng.
Hiện tại các nghiên cứu về bancassurance ở Việt Nam mới dừng lại ở các nghiên cứu bậc cao học. Về lý luận, cơ bản các nghiên cứu của các tác giả Đỗ Minh Hoàng (2009), Võ Quốc Đạt (2009), Phạm Việt Hà (2010), Nguyễn Thị Giang (2011) đều đề cập đến các lý thuyết chung về bancasurance liên quan đến mô hình, sản phẩm, kênh phân phối. Các nghiên cứu đều đưa ra các khái niệm chung về bancasurance nhưng chưa nghiên cứu nào tổng kết lại hay xây dựng được một khái niệm thống nhất về bancasurance..
Đề tài “Áp dụng mô hình Bancasurance vào Agribank” của Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng (2009) có đề cập một phần đến việc phát triển hệ thống phân phối sản phẩm tại ABIC nhưng chưa đề cập chi tiết đến sản phẩm và đặc thù của sản phẩm bảo hiểm vi mô. Các đề xuất trong đề tài cũng chỉ dừng lại ở định hướng phát triển kênh phân phối chứ chưa đưa ra phương án cụ thể. Hay các nghiên cứu đề tài thạc sĩ của các tác giả Võ Quốc Đạt (2009) lại tập chung vào nghiên cứu mô hình bancassurance của Bảo Việt Bank chứ không có cái nhìn toàn diện về bancasurance chung của toàn bộ thị trường. Nghiên cứu của học viên Nguyễn Thị Vân (2011), Nguyễn Thị Lệ Thúy (2011) mới dừng ở việc đánh giá thực tế triển khai bảo hiểm tín dụng tại Vietcombank nhưng không có các đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường cũng như các công tác liên quan như hoạt động phát triển kênh phân phối, phát triển sản phẩm.
Nhìn chung hầu hết các đề tài của Đỗ Minh Hoàng (2009), Võ Quốc Đạt (2009), Vân (2011), Nguyễn Thị Giang (2011) vẫn mang tính đơn lẻ, phân tích tại một bancasurance của một ngân hàng, hoặc như nghiên cứu của Phạm Việt Hà (2010) lại là các đánh giá toàn cảnh thị trường mang tính tổng quan bao quát chứ chưa đi vào chi tiết, chưa có đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường.
Dựa trên các nghiên cứu hiện tại về bancassurance ở Việt Nam, có rất nhiều khoảng trống để NCS nghiên cứu liên quan đến việc lựa chọn mô hình, phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối,v.v. Vấn đề lựa chọn nghiên cứu của NCS tập trung vào việc giải quyết các vấn đề mà các nghiên cứu trước đây chưa làm được đó là đánh giá một cách toàn diện việc phát triển hoạt động bancassurance của các Công ty Bảo hiểm thuộc các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam liên quan đến việc lựa chọn mô hình bancassurance, đánh giá tổng thể phát triển sản phẩm và kênh phân phối của các Công ty Bảo hiểm thuộc các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hiện tại và trong tương lai của các mô hình này. Đề tài cũng sẽ tiến hành đánh giá tiềm năng phát triển của hoạt động bancassurance của các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam. Một mục tiêu quan trọng đề ra của đề tài mà các nghiên cứu trước chưa đề cập là sẽ tìm kiếm, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm phát triển hoạt động bancasurance của các Công ty Bảo hiểm thuộc các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam một cách hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng hiện có của các Ngân hàng Thương mại Nhà nước Việt Nam.
Tổng quan nghiên cứu về Bancassurance
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT