Mục lục
Phương pháp tiếp cận nghiên cứu hệ thống cây trồng
Luận văn A-Z : Phương pháp tiếp cận nghiên cứu hệ thống cây trồng bao gồm : (1) Phương pháp tiếp cận hệ thống; (2) Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hệ thống
1. Phương pháp tiếp cận hệ thống
Hệ thống là một vấn đề được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu hệ thống được đề cập đến từ rất sớm, một số phương pháp nghiên cứu phổ biến như phương pháp mô hình hoá, phương pháp chuyên khảo, phương pháp phân tích kinh tế…. Sau đây là một số quan điểm, phương pháp của các nhà khoa học khi nghiên cứu về hệ thống: Rhoades và Booth đã đề xuất hướng nghiên cứu bắt đầu từ nông dân theo mô hình “nông dân trở lại nông dân” (dẫn theo Phạm Thị Mỹ Dung và cs, 1995) [12]; “nông dân – đầu tiên – và cuối cùng” Champer và cs (1989) [81]; Farington và Martin đề xuất hướng “nghiên cứu có sự tham gia của nông dân” (dẫn theo Phạm Thị Mỹ Dung và cs, 1995) [12]. Hướng “nghiên cứu bất đầu từ nông dân” được dựa trên các ý tưởng của tác giả Chamber và cs (1989) [81]. Nội dung chủ yếu của các nguyên tắc theo hướng nghiên cứu này là: (i) Nghiên cứu có định hướng tới nông dân nghèo nguồn
lực; (ii) Coi trọng kiến thức kỹ thuật có sẵn của nông dân nghèo nguồn lực; (iii) Coi trọng khả năng thực nghiệm và cải tiến của những người nông dân nghèo; (iv) Có nhiều điểm vào và ra. Điểm xuất phát vấn đề bắt đầu từ sự lựa chọn của nông dân, nông dân trực tiếp tham gia thực hiện công tác nghiên cứu cùng với nhà khoa học và phổ biến, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân khác trong vùng và đặt người nông dân vào việc kiểm tra, giám sát và họ có vai trò đảo ngược tình thế.
FAO (1992) [86] đưa ra phương pháp phát triển hệ thống canh tác và cho đây là một phương pháp tiếp cận nhằm phát triển các hệ thống nông nghiệp và cộng đồng nông thôn trên cơ sở bền vững, việc nghiên cứu xây dựng các hệ thống canh tác tiến bộ phải được bắt đầu từ phân tích hệ thống canh tác truyền thống. Những nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác của FAO là một nỗ lực nhằm bổ sung và hoàn thiện cho các tiếp cận đơn lẻ. Xuất phát điểm của hệ thống canh tác là nhìn nhận cả nông trại như một hệ thống; phân tích toàn bộ hạn chế và tiềm năng; xác định các nghiên cứu thích hợp theo thứ tự ưu tiên và những thay đổi cần thiết được thể chế vào chính sách; thử nghiệm trên thực tế đồng ruộng, hoặc mô phỏng các hiệu ứng của nó bằng các mô hình hoá trong trường hợp chính sách thay đổi. Sau đó tiến hành phân tích, đánh giá hiệu quả hiện tại trên quy mô toàn nông trại và đề xuất hướng cải tiến phát triển của nông trại trong thời gian tới. Spedding (1975) [98] đã
đưa ra 2 phương pháp cơ bản trong nghiên cứu hệ thống canh tác:
(1) Nghiên cứu hoàn thiện hoặc cải tiến hệ thống đã có sẵn, tức là dùng phương pháp phân tích hệ thống để tìm ra “điểm hẹp” hay chỗ “thắt lại” của hệ thống, đó là chỗ có ảnh hưởng không tốt, hạn chế đến hoạt động của hệ thống, cần tác động cải tiến, sửa chữa khai thông để cho hệ thống hoàn thiện hơn, có hiệu quả hơn; (ii) Nghiên cứu xây dựng hệ thống mới: Phương pháp này đòi hỏi phải có đầu tư, tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, cách nghiên cứu này cần có trình độ cao hơn để tổ chức, sắp đặt các bộ phận trong hệ thống dự kiến đúng vị trí, trong các mối quan hệ giữa các phần tử để đạt được mục tiêu của hệ thống tốt nhất. Mai Văn Quyền (1996) [40] đã có đúc kết các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu hệ thống canh tác bao gồm: (i) Tiếp cận từ dưới lên trên (bottom-up) là dùng phương pháp quan sát phân tích tìm điểm ách tắc của hệ thống để xác định phương pháp can thiệp thích hợp và có hiệu quả. Trước đây, thường dùng phương pháp tiếp cận từ trên xuống, phương pháp này tỏ ra không hiệu quả vì nhà nghiên cứu không thấy được hết các điều kiện của nông dân, do đó giải pháp đề xuất thường không phù hợp và được thay thế bằng phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của nông dân (PRA: Participatory Rural Appraisal); (ii) Tiếp cận hệ thống (System approach): Đây là phương pháp nghiên cứu dùng để xét các vấn đề trên quan điểm hệ thống, nó giúp cho sự hiểu biết và giải thích các mối quan hệ tương tác giữa các sự vật và hiện tượng; (iii) Tiếp cận theo quá trình phát triển lịch sử từ thấp lên cao: phương pháp này coi trọng
phân tích động thái của sự phát triển cơ cấu cây trồng trong lịch sử. Vì qua đó, sẽ xác định được sự phát triển của hệ thống trong tương lai, đồng thời giúp cho việc giải quyết các trở ngại phù hợp với hướng phát triển đó.
Zandstra và cs (1981) [105] đã đề xuất một phương pháp nghiên cứu hệ thống canh tác của nông trại. Các tác giả đã chỉ rõ: sản lượng hàng năm trên một đơn vị diện tích đất có thể tăng lên bằng cách cải thiện năng suất cây trồng hoặc trồng tăng thêm các cây trồng khác trong năm. Nghiên cứu hệ thống canh tác là tìm kiếm những giải pháp để tăng sản lượng bằng cả hai cách. Phương pháp nghiên cứu hệ thống canh tác về sau được Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và các chương trình nghiên cứu về cơ cấu cây trồng quốc gia trong mạng lưới hệ thống cây trồng Châu Á (Asian Cropping System Network-ACSN) sử dụng và phát triển (Hien Bui Huy và cs, 2001) [91]. Quá trình nghiên cứu liên quan đến một loạt các hoạt động trong nông trại. Tổ chức thực hiện theo các bước sau: (i) Chọn điểm: địa điểm nghiên cứu là một hoặc vài loại đất. Tiêu chí để chọn điểm nghiên cứu là điểm có tiềm năng, phải đại diện cho vùng rộng lớn, nông dân sẵn sàng hợp tác. Sẽ rất thuận lợi nếu điểm được chọn để triển khai nghiên cứu được Chính phủ ưu tiên vì chương trình sản xuất sau này sẽ thực hiện dễ dàng hơn; (ii) Mô tả điểm: điểm nghiên cứu sau khi chọn sẽ được mô tả về đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội, hiện trạng cơ cấu cây trồng cần phải được đánh giá; (iii) Thiết kế hệ thống canh tác: các mô hình cây trồng được thiết kế trên những đặc điểm của điểm nghiên cứu, nhằm đạt được sản lượng, lợi nhuận cao, ổn định và bảo vệ môi trường sinh thái; (iv) Thử nghiệm cây trồng mới: cây trồng được thử nghiệm trên ruộng nông dân, nhằm xác định khả năng thích nghi và ổn định của chúng. Chỉ tiêu theo dõi gồm năng suất nông học, hiệu quả sử dụng đất, yêu cầu về tài nguyên (lao động, vật tư, một số chỉ tiêu đánh giá kết quả và hiệu quả kinh tế); (v) Đánh giá sản xuất thử: những mô hình canh tác có năng suất và hiệu quả được xác định dựa trên kết quả thử nghiệm, sau đó được đưa vào sản xuất thử nhằm đánh giá khả năng thích nghi trên diện rộng của mô hình triển vọng trước khi xây dựng những chương trình sản xuất ở qui mô lớn hơn; (vi) Chương trình sản xuất: sau khi xác định những hệ thống canh tác thích hợp nhất và những biện pháp kỹ thuật liên hoàn kèm theo, các tổ chức khuyến nông với sự giúp đỡ của chính quyền, xây dựng chương trình quảng bá, thực hiện chương trình sản xuất.
2. Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hệ thống
Khi nghiên cứu phát triển nông nghiệp phải coi nông nghiệp là một hệ thống để có thể tác động một cách đồng bộ. Phải coi nông nghiệp là sự đan xen, kết hợp giữa ba lĩnh vực: khoa học sinh học, kinh tế và xã hội. Phải căn cứ điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội của vùng cụ thể để định hướng phát triển cho trước mắt và tương lai (Phạm Bình Quyền và cs, 1992) [39]. Xác định và phân tích hệ thống canh tác là một nội dung chính của nghiên cứu hệ thống canh tác (Phạm Chí Thành và cs, 1993)[45]. Ông cũng cho rằng hiện nay đang tồn tại hai quan điểm về phát triển nông nghiệp: (i) Phát triển nông nghiệp theo quan điểm sinh thái, có nghĩa là đặt cây trồng, vật nuôi vào đúng vị trí của nó trong môi trường đã xác định sao cho có năng suất cao, ổn định và bảo vệ môi trường; (ii) Phát triển nông nghiệp theo quan điểm kinh tế thị trường, nghĩa là tự do kinh doanh, lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, người nông dân chỉ sản xuất những gì mà khách hàng cần, họ cạnh tranh trong sản xuất và tiền tệ hoá quá trình sản xuất.
Cả hai xu hướng phát triển trên đều có ưu và khuyết điểm riêng. Hợp lý hơn cả là phát triển nông nghiệp theo kinh tế thị trường kết hợp hài hoà với nông nghiệp sinh thái. Mỗi quốc gia cũng như mỗi vùng sinh thái có các đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội khác nhau nên có thể định hướng phát triển nông nghiệp khác nhau. Các nước đang phát triển muốn đưa nông nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 1% đến 4%/năm đã áp dụng một trong những mô hình thuyết sau đây để giải thích quá trình phát triển (Đào Thế Tuấn, 1986) [62]:
(i) Thuyết mô hình bảo vệ: Thuyết này cho rằng sở dĩ đất nông nghiệp bị thoái hoá là do độ màu mỡ bị giảm dần và kiệt quệ. Muốn tăng năng suất phải phục hồi và bảo vệ độ màu mỡ của đất bằng luân canh và bón phân.
(ii) Thuyết mô hình thúc đẩy của thành thị công nghiệp: thuyết này chủ trương rằng nông nghiệp chỉ phát triển mạnh ở những vùng quanh và gần thành thị, nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này là do thành thị cung cấp vật tư cho nông nghiệp nhưng lại là thị trường tiêu thụ các sản phẩm do nông nghiệp làm ra.
(iii) Mô hình khuyếch tán: thuyết này cho rằng kỹ thuật tiên tiến và phương pháp quản lý trong nông nghiệp phổ biến dần từ nông dân này sang nông dân khác, từ vùng này sang vùng khác như giống cây trồng chẳng hạn nếu tốt sẽ được lan truyền từ trung tâm sang các vùng xung quanh hoặc từ người làm đầu tiên sang các nông dân khác xung quanh.
(iv) Thuyết mô hình đầu tư hiệu quả cao: thuyết này cho rằng nông dân cổ truyền sở dĩ không tiếp thu được kỹ thuật mới vì thiếu đầu tư có hiệu quả cao. Tình trạng này được thay đổi lúc xuất hiện giống lúa mỳ, ngô có năng suất cao do các trung tâm nghiên cứu Quốc tế tạo ra. Các giống này phản ứng mạnh với phân bón, thuốc trừ sâu, cải tạo đất nên mang lại hiệu quả cao cho nông dân, đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh và tạo nên “cuộc cách mạng xanh”.
(v) Thuyết mô hình phát triển bị kích thích: theo thuyết này sự thay đổi giá cả trên thị trường kích thích cải tiến kỹ thuật và tạo nên sự phát triển.
Để có thể phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững không nên áp dụng đơn lẻ một trong các thuyết nêu trên mà phải kết kợp đủ các mặt của các thuyết trên một cách hài hoà. Vì nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển, chuyển sang sản xuất hàng hoá, đang tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư, cải tiến kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến nên cần hội tụ đủ cả năm thuyết nêu trên đây để nhanh tiến tới sự phát triển bền vững. Thực tiễn nông nghiệp Việt Nam đã cho thấy thị trường đầu ra là rất quan trọng, nó sẽ quyết định sự phát triển. Có đầu ra sản xuất sẽ phát triển rất mạnh và ổn định: sản xuất cà phê hay hồ tiêu của Việt Nam trong những năm qua là các minh chứng điển hình, có ý nghĩa. Trên quan điểm hệ thống, nghiên cứu cải tiến hệ thống canh tác phải bắt đầu từ phân tích một cách có hệ thống hiện trạng canh tác của nông dân trong vùng để tìm được điểm hạn chế cần được cải tiến, có như vậy mới tạo tính trồi cao, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn. Điểm xuất phát vấn đề được bắt đầu từ sự lựa chọn của nông dân, nông dân trực tiếp tham gia thực hiện công tác nghiên cứu cùng với nhà khoa học và phổ biến, chuyển giao kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất lại cho nông dân trong vùng.
Phương pháp tiếp cận nghiên cứu hệ thống cây trồng
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Tình hình nghiên cứu hệ thống cây trồng - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ