Mức độ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam

cổ đông nhỏ

Mức độ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam

Tình trạng nhập siêu cao của toàn nền kinh tế là một trong những hệ lụy cơ bản của sự kém phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp có thể kiểm soát lỗ lãi từ việc nhập khẩu linh phụ kiện, ngành có thể kiểm soát VA từ việc phải nhập khẩu linh phụ kiện và Chính phủ nhận diện được thực trạng tệ hại của việc kém phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy vậy, vẫn chưa có hành lang pháp lý và môi trường phát triển công nghiệp hỗ trợ. Sẽ không thể có một nền công nghiệp phát triển với một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển như hiện nay. Công nghiệp hỗ trợ phát triển là một trong những yếu tố thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư từ nước ngoài. Với các tập đoàn đa quốc gia, một trong những yếu tố được quan tâm nhất khi đầu tư ra nước ngoài là khả năng cung cấp tại chỗ các loại linh kiện phục vụ ráp sản phẩm.

Một lần nữa cần khẳng định lại rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ là cái gốc của vấn đề phát triển nền công nghiệp theo hướng bền vững. CNVN nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử nói riêng đang trong thời kỳ “thai nghén” mà chưa có chương trình hành động để “chứng sinh” cho sự nghiệp phát triển này.

Theo kết quả khảo sát ở các doanh nghiệp điện tử để phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành CNĐT Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho thấy, Công ty Fujitsu Việt nam một doanh nghiệp FDI lớn có kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng nửa tỷ USD phải nhập khẩu 100% linh kiện và nguyên vật liệu từ nước ngoài; Công ty Panasonic Việt Nam và Công ty Sanyo Việt Nam chỉ mua được thùng các tông và xốp chèn từ các doanh nghiệp Việt Nam; Công ty Canon cũng chỉ tìm được 1 nhà linh kiện Việt Nam, Canon tiến hành khảo sát hơn 20 doanh nghiệp sản xuất ốc vít trong nước nhưng không tìm được loại ốc vít đạt yêu cầu… Một số ví dụ trên đây cho thấy ngành CNHT ngành điện tử Việt Nam còn quá yếu kém so với các nước trong khu vực.

Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam hiện nay cơ bản là là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các thành phần kinh tế. Với các DNNN, việc tái cơ cấu để đầu tư phát triển các sản phẩm hỗ trợ là rất khó khăn bởi một số lý do: (i) độ trễ trong tư duy hệ thống; (ii) trình độ quản lý chưa theo kịp và chưa đào tạo được lượng lao động chuyên sâu; (iii) công nghệ và việc đổi mới công nghệ; và (iv) quy trình tổ chức sản xuất vẫn rất hành chính và rối ren. Với khu vực dân doanh, bức tranh có vẻ sáng sủa hơn, có thể khắc phục rất nhanh những yếu điểm vốn có của DNNN nhưng lại phải đối mặt với khó khăn về vốn bởi quy mô nhỏ và tính liên kết lỏng lẻo. Khác với các ngành công nghiệp khác, CNĐT yêu cầu quy mô vốn tương đối trong đầu tư công nghệ và quá trình cải tiến công nghệ. Để hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp này, Nhà nước cần có các chính sách đặc thù, khác với các chính sách hỗ trợ DNVVN.

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đều thiếu thông tin về thị trường đầu vào như thị trường vốn, thị trường lao động, nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ… cũng như chế độ chính sách liên quan đến ngành hàng. Việc thiếu thông tin còn hạn chế khả năng tiếp cận thị trường, sản phẩm không được tiêu thụ rộng rãi, nhiều khi chỉ trong phạm vi một ngành, một địa phương, không được quảng bá trên thị trường nội địa lại càng khó xuất khẩu. Mặt khác các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện phụ trợ chưa thực sự chủ động tìm đến các nhà lắp ráp để chào bán sản phẩm. Giá thành sản phẩm của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam khá cao vì chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm cao, nguyên liệu phần lớn phải nhập khẩu, hiện tại các doanh nghiệp phụ trợ Việt nam lệ thuộc đến gần 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn ngành công nghiệp hỗ trợ đóng một vai trò quan trọng bởi đây là luận điểm cần thiết để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam. Có thể nói, công nghiệp hỗ trợ “dính” tới hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo quan trọng như ôtô, xe máy, cơ khí, hóa dầu, điện, điện tử, chế tạo máy… không chỉ có các doanh nghiệp trong nước mà ngay cả các doanh nghiệp FDI cũng gặp phải khó khăn do khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn rất hạn chế, nhất là các linh kiện, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao. Trong ngành điện tử, theo ông Hitoshi Sakai, Viện Nghiên cứu Nomura, các doanh nghiệp FDI trong ngành này đang bị thúc ép phải giảm chi phí linh, phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nhưng số doanh nghiệp phụ trợ có thể đáp ứng được yêu cầu rất ít. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện từ các doanh nghiệp của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Hongkong hay Trung Quốc. Điều này vừa thiệt thòi cho ngành công nghiệp Việt Nam, khiến chúng ta khó thoát khỏi “thân phận” gia công, lắp ráp, vừa giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI do phải nhập khẩu phần lớn những linh, phụ kiện quan trọng. Việc phải vận chuyển theo nguyên, phụ kiện cũng khiến nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo có xu hướng ngại đầu tư vào Việt Nam. Đây chính là điểm yếu căn bản trong thu hút ĐTNN của nước ta.

Mặt khác, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn bởi sự thay đổi môi trường quốc tế. Trong thời gian qua, do việc thực thi AFTA với mức thuế nhập khẩu giảm xuống dưới 5%, đặc biệt Việt Nam gia nhập WTO, linh, phụ kiện nhập khẩu nhiều thêm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó, những đối thủ lớn chúng ta là Trung Quốc và Thái Lan đang ráo riết phát triển ngành công nghiệp này. Chính phủ cũng đã sớm nhận ra sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Hitoshi Sakai, Việt Nam vẫn thiếu một kế hoạch tổng thể thống nhất cho ngành công nghiệp này, đặc biệt là trên cơ sở so sánh về chiến lược của các nước đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Thái Lan. Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới nhất thiết Việt Nam phải chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và chính sách ưu đãi thu hút FDI vào lĩnh vực này. Nhưng muốn làm được điều đó, theo GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản) Việt Nam phải đưa ra được một tầm nhìn rõ ràng và cụ thể khiến các nhà đầu tư yên tâm làm ăn. Đồng thời tạo mối liên kết chuyển giao công nghệ giữa các công ty FDI với các doanh nghiệp trong nước tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Việt Nam rất có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp này với nguồn nhân lực được đánh giá là “khéo léo bậc nhất thế giới” và nhiều tài nguyên. Điều tra của JBIC cũng cho thấy, khoảng 32% số công ty Nhật Bản coi Việt Nam là nước tiềm năng để phát triển sản xuất và tỏ rõ sự quan tâm tới Việt Nam, coi đây như là “nơi phân chia rủi ro của các nước khác’’. Ngành Công nghiệp chế tạo Nhật Bản cũng xác định, trong những năm tới, trong số các nước có tiềm năng phát triển sản xuất, Việt Nam được đặt ở vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ. Đây là nhận xét của ông Hitoshi Sakai, Viện Nghiên cứu Nomura. Ông Sakai đưa ra ví dụ ở ngành điện – điện máy, các DN có vốn ĐTNN đang bị thúc ép phải chuyển hướng để giảm chi phí linh, phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Nhìn chung phần lớn các doanh trong ngành này thiếu chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh dài hạn, đội ngũ nhân lực chưa được đào tạo bài bản, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp theo ngành và khu vực rất hạn chế, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau cũng như với các doanh nghiệp lớn còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến sức cạnh tranh có những hạn chế nhất định về chất lượng và giá cả sản phẩm. Để có một ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh, vấn đề quan trọng đặt ra đối với Việt Nam là bài toán về CNHT cần phải có một bước đột phá tạo ra thành tựu lớn, bài toán này không ai khác mà chính các doanh nghiệp trong ngành, tức là cả người cần sản phẩm và người cung cấp sản phẩm phải liên kết thực sự chặt chẽ với nhau để tìm ra giải pháp đúng nhằm xây dựng và phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ đúng tầm.

Mức độ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?