Mục lục
Kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô
Hoạt động kinh tế của xã hội có thể xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Nó có thể hàm chứa cả những khía cạnh kỹ thuật của quá trình sản xuất. Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu của kinh tế học không phải là những vấn đề kỹ thuật. Nó chỉ quan tâm đến kỹ thuật hay công nghệ dưới góc nhìn kinh tế. Ví dụ, với các kỹ thuật sản xuất mà xã hội hiện có, việc lựa chọn cách thức sản xuất (hay kỹ thuật sản xuất) nào là hợp lý? Hay: những biến đổi trong kỹ thuật sản xuất sẽ đem lại những hậu quả kinh tế gì? Sự lựa chọn các quyết định có tính chất kinh tế luôn gắn liền với việc so sánh và cân nhắc giữa chi phí và lợi ích của những người có liên quan.
Với cách hiểu như vậy, có thể nói, kinh tế học quan tâm đến các lựa chọn kinh tế (và các hậu quả của chúng) trong phạm vi xã hội nói chung. Tuy nhiên, khi đối tượng nghiên cứu của kinh tế học được giới hạn lại trong một lĩnh vực cụ thể, xác định nào đó, nó phát triển thành các môn kinh tế học cụ thể như: kinh tế học tiền tệ – ngân hàng, kinh tế học môi trường, kinh tế học nhân lực hay kinh tế học công cộng v.v…Chẳng hạn, kinh tế học công cộng chính là môn khoa học ứng dụng các nguyên lý kinh tế học vào việc xem xét, phân tích hoạt động của khu vực công cộng. Các môn kinh tế học cụ thể có thể được xem như những nhánh khác nhau của kinh tế học. Song, khác với việc rẽ nhánh sâu vào các lĩnh vực cụ thể của đối tượng nghiên cứu, ở phạm vi rộng hơn, kinh tế học bao gồm hai phân nhánh chính: kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô.
Kinh tế học vi mô:
Kinh tế học vi mô tập trung nghiên cứu các hành vi của các cá nhân (những người sản xuất và người tiêu dùng) trên từng thị trường hàng hóa riêng biệt. Nền kinh tế được hợp thành từ nhiều thị trường hàng hoá khác nhau (các thị trường: vải vóc, quần áo, ô tô, gạo, máy móc, lao động v.v…). Khi nghiên cứu về các lựa chọn kinh tế, kinh tế học vi mô xem xét những lựa chọn này trong khuôn cảnh của một thị trường cụ thể nào đó. Nói chung, nó tạm thời bỏ qua những tác động xuất phát từ các thị trường khác. Nó giả định các đại lượng kinh tế chung của nền kinh tế như mức giá chung, tỷ lệ thất nghiệp v.v… như là những biến số đã xác định. Hướng vào từng thị trường cụ thể, nó xem xét xem những cá nhân như người tiêu dùng, nhà kinh doanh (hay doanh nghiệp), nhà đầu tư, người có tiền tiết kiệm, người lao động v.v… lựa chọn các quyết định như thế nào? Nó quan tâm xem sự tương tác lẫn nhau giữa những người này, trên một thị trường riêng biệt nào đó, diễn ra như thế nào và tạo ra những kết cục gì? Chẳng hạn, khi phân tích về thị trường vải, nhà kinh tế học vi mô sẽ quan tâm đến những vấn đề như: những yếu tố nào chi phối các quyết định của những người tiêu dùng vải? Nhu cầu về vải của mỗi cá nhân và của cả thị trường được hình thành như thế nào và biến động ra sao? Người sản xuất vải sẽ lựa chọn các quyết định như thế nào khi đối diện với các vấn đề như: số lượng công nhân cần thuê? lượng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cần đầu tư, mua sắm? sản lượng vải nên sản xuất? Khi những người tiêu dùng và người sản xuất vải tham gia và tương tác với nhau trên thị trường thì sản lượng và giá cả vải sẽ hình thành và biến động như thế nào? Thật ra, các biến số giá cả và sản lượng thường quan hệ chặt chẽ với nhau. Giá cả thị trường của một loại hàng hoá một mặt, được hình thành như là kết quả tương tác lẫn nhau của nhiều người tham gia vào các giao dịch thị trường (những người tiêu dùng với nhau, những người sản xuất với nhau và khối những người tiêu dùng và khối những người sản xuất với nhau); mặt khác, lại ảnh hưởng trở lại đến các quyết định của những người này. Vì thế, lý thuyết kinh tế học vi mô đôi khi còn được gọi là lý thuyết giá cả. Các thị trường thường có quan hệ, ảnh hưởng lẫn nhau. Những biến động trên thị trường vải chắc chắn có liên quan đến những biến động trên thị trường quần áo may sẵn. Khi chúng ta tách ra một thị trường để nghiên cứu, coi những yếu tố có liên quan từ thị trường khác là đã biết và giả định là không thay đổi (do ảnh hưởng trở lại từ thị trường mà ta đang khảo sát được xem là không đáng kể hay tạm thời bị bỏ qua), thì thực ra, đây là một sự đơn giản hoá. Tuy nhiên, sự đơn giản hoá như vậy luôn cần thiết trong nghiên cứu khoa học, khi người ta buộc phải tập trung vào những khía cạnh cốt yếu của vấn đề cần phải khảo sát. Phép phân tích như thế được gọi là phân tích cục bộ và trong kinh tế học vi mô nó được sử dụng như là phương pháp phân tích chủ yếu. Đương nhiên, trong nhiều trường hợp, ảnh hưởng ngược mà ta đề cập ở trên là đáng kể và không thể bỏ qua, người ta phải dùng phương pháp phân tích phức tạp hơn được gọi là phép phân tích tổng thể chung. Với phép phân tích này, sự tác động qua lại của các thị trường có liên quan đến thị trường vải sẽ phải được tính đến khi chúng ta phân tích về chính thị trường vải.
Kinh tế học vĩ mô:
Kinh tế học vĩ mô tập trung xem xét nền kinh tế như một tổng thể thống nhất. Nó không nhìn nền kinh tế thông qua cái nhìn về từng thị trường hàng hoá cụ thể cũng giống như trường hợp người họa sỹ nhìn một cánh rừng một cách tổng thể thường không để mắt một cách chi tiết đến từng cái cây. Người hoạ sỹ có thể vẽ một cánh rừng mà không nhất thiết phải thể hiện chi tiết những cái cây trong đó.
Khi phân tích những lựa chọn kinh tế của xã hội, kinh tế học vĩ mô quan tâm đến đại lượng hay biến số tổng hợp của cả nền kinh tế. Cũng là phân tích về giá cả, song nó không quan tâm đến những biến động của từng loại giá cụ thể như giá vải, giá lương thực, mà là chú tâm vào sự dao động của mức giá chung. Cần có những kỹ thuật tính toán để có thể quy các mức giá cụ thể của những hàng hoá riêng biệt về mức giá chung của cả nền kinh tế, song đó là hai loại biến số hoàn toàn khác nhau. Sự thay đổi trong mức giá chung được thể hiện bằng tỷ lệ lạm phát. Đo lường tỷ lệ lạm phát, giải thích nguyên nhân làm cho lạm phát là cao hay thấp, khảo cứu hậu quả của lạm phát đối với nền kinh tế cũng như các khả năng phản ứng chính sách từ phía nhà nước v.v… là góc nhìn của kinh tế học vĩ mô về giá cả. Cũng có thể nói như vậy về biến số sản lượng. Khi chỉ quan tâm đến sản lượng của các hàng hoá cụ thể, nghĩa là ta vẫn đang nhìn sản lượng dưới góc nhìn của kinh tế học vi mô. Kinh tế học vĩ mô không chú tâm vào sản lượng của các hàng hoá cụ thể như vải hay lương thực mà quan tâm đến tổng sản lượng của cả nền kinh tế. Tổng sản lượng đó được hình thành như thế nào, do những yếu tố nào quy định, biến động ra sao? Những chính sách nào có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn (hay sự gia tăng liên tục của tổng sản lượng)? v.v… Đó là những câu hỏi mà kinh tế học vĩ mô cần giải đáp.
Kinh tế học vĩ mô cũng có thể chia nền kinh tế thành những cấu thành bộ phận để khảo cứu, phân tích. Song khác với kinh tế học vi mô, các bộ phận cấu thành này vẫn mang tính tổng thể của cả nền kinh tế. Ví dụ, nó xem các kết quả vĩ mô như là sản phẩm của sự tương tác giữa thị trường hàng hoá, thị trường tiền tệ, thị trường lao động. Tuy nhiên, ở đây các thị trường trên đều được xem xét như là các thị trường chung, có tính chất tổng hợp của toàn bộ nền kinh tế.
Như vậy, kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô thể hiện các cách nhìn hay tiếp cận khác nhau về đối tượng nghiên cứu. Chúng là hai phân nhánh khác nhau của kinh tế học, song có quan hệ chặt chẽ với nhau. Những tri thức kinh tế học vi mô là nền tảng của các hiểu biết về nền kinh tế vĩ mô. Để có những hiểu biết về thị trường lao động chung hay tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế, người ta cần phải nắm được cách lựa chọn hay phản ứng của người lao động và doanh nghiệp điển hình trên một thị trường lao động cụ thể.
Kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT