Kinh nghiệm viết tiểu luận ở trường Đại học

Kinh nghiệm viết tiểu luận ở trường Đại học

Mục lục

Kinh nghiệm viết tiểu luận ở trường Đại học

4 năm học ở Đại học, chắc chắn các bạn sẽ phải viết khá nhiều tiểu luận, bài thu hoạch, bài tập nhóm… Tuy nhiên, để có bài viết hoàn chỉnh và đạt điểm cao thì không phải là dễ. Hôm nay Luận Văn A-Z xin chia sẽ kinh nghiệm viết tiểu luận

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân đã tích cóp được trong gần 3 năm qua, từ những ngày còn copy- paste những đoạn trên mạng vào tiểu luận, làm qua loa rồi nộp cho giáo viên, cho đến lúc thực sự tâm huyết, say sưa với đề tài mình chọn và nhận được những điểm 9, điểm 10.

Thế nào là một bài tiểu luận? Nhiều sinh viên, nhất là sinh viên năm đầu, khi được giao viết tiểu luận, còn không hiểu là viết cái gì? Có thể hiểu đơn giản, tiểu luận là báo cáo về một vấn đề thuộc một môn học hay một vấn đề thực tiễn của một đơn vị nào đó nhằm rút ra những kết luận, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để thực hiện hay cải tiến vấn đề nêu ra, có độ dài không quá 30 trang.

Tiểu luận thường có 2 dạng, hoặc là giáo viên cho các bạn làm cá nhân, hoặc là giao một đề tài cho cả nhóm làm. Với cá nhân, các bạn sẽ chủ động hơn khi thực hiện đề tài về thời gian cũng như về nội dung, nhưng làm nhóm, nếu biết kết hợp, sẽ tận dụng được thế mạnh của từng cá nhân, công việc sẽ nhàn hơn mà vẫn có thể có hiệu quả cao.

Tôi chỉ xin lưu ý một điểm nhỏ là nếu làm nhóm thì vai trò của người leader rất quan trọng. Trước tiên, cả nhóm cần thống nhất chọn 1 bạn làm leader. Người đó không nhất thiết phải là người giỏi nhất, nhưng nhất thiết phải là người có trách nhiệm với công việc và biết sắp xếp công việc, thời gian cho cả nhóm. Người leader sẽ phân chia công việc, thống nhất lịch trình làm việc của cả nhóm để công việc diễn ra đúng hạn và hiệu quả.

Dù là làm cá nhân hay làm nhóm thì các bước tiến hành một bài tiểu luận vẫn theo trình tự như sau: Chọn đề tài tiểu luận; Lập dàn ý; Xác định các nguồn tài liệutham khảo; Viết nội dung; Hoàn chỉnh các bước trình bày và các công đoạn bên lề. Mỗi bước làm, có một số chú ý như sau:

1. Chọn đề tài tiểu luận

Phần này chỉ thực hiện khi giáo viên cho phép các bạn được tự do lựa chọn đề tài. Lúc này, căn cứ lựa chọn đề tài thường nên đạt được các điều kiện sau:

· Đề tài phải phù hợp với môn học hay phù hợp với nội dung mà giáo viên đưa ra: có nhiều bạn sinh viên, khi lựa chọn đề tài, không chú ý xem nó có phù hợp với môn học của mình không, không đọc kỹ yêu cầu của giáo viên, dẫn đến lạc đề.
· Đề tài bạn thích và thực sự hứng thú làm.
· Đề tài phải khả thi: tức là bạn phải có đủ kiến thức và tài liệu tham khảo để hoàn chỉnh được nó. Đề tài các bạn thích nhưng không đủ kiến thức mà việc tìm tài liệu tham khảo cũng không thực hiện được thì tốt nhất, không nên lựa chọn.

2. Lập dàn ý

Bước thiết lập dàn ý là rất quan trọng vì nó quyết định đến bố cục cũng như hướng đi của cả bài viết. Do vậy, các bạn nên làm dàn ý rồi nhờ giáo viên xem xét giúp để tránh những sai sót.

Dàn ý của một bài tiểu luận thông thường sẽ gồm 3 phần:
· Phần đầu (chương I hay mục I, tùy theo cách đánh dấu): Thường gọi là chương lý luận: nêu lên một số lý luận hoặc giới thiệu tổng quan về vấn đề mình sẽ viết. Nếu có ý định đưa bài học kinh nghiệm cho vấn đề được nêu ở trong đề tài thì vị trí thích hợp nhất là để ở cuối phần này.
· Phần hai ( chương II hay mục II): là phần thực trạng và đánh giá: trình bày thực trạng của vấn đề nêu lên trong đề tài cùng những đánh giá về vấn đề đó.
· Phần ba: thường viết về các giải pháp, kiến nghị, bài học kinh nghiệm rút ra hay phương hướng cho thời gian tới. Phần này đưa ra trên cơ sở căn cứ vào thực trạng, những khó khăn, vướng mắc còn gặp phải của vấn đề đã nêu trong chương 2. Trong phần này, các bạn có thể đề xuất theo quan điểm cá nhân để hoàn thiện về mặt lý luận liên quan đến đề tài.

3. Xác định các nguồn tài liệu tham khảo

Tùy theo đề tài thực hiện, các nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu sẽ là
· Giáo trình môn học và các môn khác có liên quan
· Sách tham khảo có nội dung liên quan đến đề tài viết.
· Các bài nghiên cứu, bình luận trên báo, tạp chí, … có liên quan đến đề tài
· Website: đây là nguồn rất phong phú và đôi khi là nguồn tài liệu chính để hỗ trợ cho các bạn trong quá trình viết bài. Tuy nhiên, nguồn của các website khá phức tạp và độ chính xác không cao.
Tôi có một vài tips nhỏ khi tìm tài liệu trên website như sau:
– Sử dụng công cụ tìm kiếm google: nên gõ từ khóa không quá dài cũng không quá ngắn để tránh bỏ sót website mà lại không phải mất công lọc những website không có tác dụng. Các bạn cũng nên đa dạng hóa các từ khóa gõ vào google vì đôi khi, vấn đề bạn tìm kiếm không được google tìm ra trong từ khóa này nhưng lại nằm trong từ khóa khác.
– Công cụ tìm kiếm nâng cao trong google cũng rất hữu ích. Tùy theo yêu cầu tìm kiếm mà bạn có thể yêu cầu các kết quả tìm kiếm khác nhau như ngôn ngữ, từ khóa, định dạng tệp, …
· Tìm kiếm trên các website chuyên ngành có liên quan đến đề tài.

4. Viết nội dung

· Lời mở đầu: có nhiều bạn quan niệm lời mở đầu trong bài tiểu luận giống như mở bài trong bài văn cấp III, thực tế không phải là như vậy. Lời mở đầu trong bài tiểu luận không nên quá ngắn và chỉ bao gồm thông tin có tính chất gợi mở hoặc câu văn bóng bẩy. Trên thực tế, lời mở đầu của bài tiểu luận thường phải có các nội dung sau: lý do chọn đề tài hay tính cấp thiết của đề tài; tên đề tài, mục đích nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết cấu của bài viết.

· Nội dung các phần: căn cứ vào dàn ý đã làm ở trên để viết nội dung và trình bày rõ ràng, sáng sủa. Trước mỗi phần( chương) nên có lời dẫn dắt để người đọc hiểu mình sắp viết về cái gì, phần này sẽ giải quyết vấn đề gì.

· Kết luận: nhiều bạn sinh viên viết kết luận rất ngắn với suy nghĩ “viết cho xong” và thường chả cung cấp thông tin gì trong phần kết luận. Quan niệm này là hết sức sai lầm, vì hầu hết, phần mở bài và phần kết luận thường được giáo viên đọc đầu tiên để đánh giá nhanh chất lượng của một bài viết. Phần kết luận nên có các thông tin sau: tóm tắt các vấn đề mà bài viết đã làm được, bao gồm tổng kết những phần đã nêu ở toàn bài được viết ngắn gọn, súc tích và không chứa giài thích dài dòng gì thêm( thường được đánh số 1, 2, 3,…); có thể nêu những đóng góp mới của đề tài.

· Danh mục tài liệu tham khảo: thông thường, sẽ được ghi theo thứ tự sau: tiếng việt trước, tiếng nước ngoài sau. Mỗi tài liệu phải bao gồm thông tin: tên tác giả, năm xuất bản, tên tài liệu(sách báo,…), nhà xuất bản, nơi xuất bản, tên tạp chí, số tạp chí, trang…

5. Hoàn chỉnh các bước trình bày và hình thức

Phần hoàn chỉnh bài viết cần được xem xét kỹ càng và cẩn thận, tránh lỗi trình bày và lỗi chính tả. Một vài lưu ý các bạn nên nhớ khi trình bày tiểu luận là:

· Trình bày trên font chữ Times New Roman, cỡ chứ 13-14 là hợp lý nhất, cách dòng 1.5, căn lề 2 bên, khổ giấy A4. Lưu ý, không nên để kiểu chữ rườm rà, cầu kỳ, màu mè vì tiểu luận là một dạng luận văn khoa học nên tính khoa học và chân phương là yêu cầu.

· Các đề mục lớn nên để font chữ to hơn và thống nhất để dễ nhìn.

· Header and footer: Phần header nên đề tên đề tài, footer nên đánh số trang. Với tiểu luận trình bày ở lớp, không nên để tên, nhóm viết ở phần header and footer để tránh rườm rà vì nó đã được thể hiện ở bìa tiểu luận rồi.

· Văn phong viết phải rõ ràng, dễ hiểu, đơn nghĩa, rõ ràng mạch lạc, giản dị và khoa học.

· Cách xưng hô trong tiểu luận: nên dùng là người viết, tác giả, tránh dùng các ngôi: tôi, chúng tôi, em…

· Nếu có trích dẫn ý kiến của người khác thì nhớ dẫn nguồn cụ thể để đảm bảo tính chân thực của bài viết.

· Đừng quên sử dụng hệ thống bảng biểu, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh,… để bài viết sinh động, rõ ràng, mạch lạc hơn. Các chú thích (footnote), header and footer cũng có vai trò khá quan trọng trong hình thức và nội dung của bài tiểu luận nên cũng cần được lưu ý.

· Thứ tự một tiểu luận sẽ là: trang bìa( các quán in thường có mẫu sẵn cho các bạn rồi), bìa lót (bìa in trên giấy trắng A4), bảng viết tắt(nếu có), mục lục, lời mở đầu, nội dung các phần, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục(nếu có).

Trên đây là một số kinh nghiệm mà cá nhân tôi đã học hỏi và rút ra trong quá trình làm tiểu luận. Hy vọng sẽ phần nào đóng góp thêm vào kho kinh nghiệm học tập cho các bạn sinh viên trường Đại Học.

Với nhiều bạn sinh viên, làm tiểu luận được ví như những “gánh nặng, cực hình” và các bạn rất ngại viết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc viết tiểu luận là rất bổ ích, không những sẽ giúp bạn bổ sung thêm kiến thức môn học, mà còn giúp bạn rèn luyện được rất nhiều kỹ năng: kỹ năng tìm tài liệu, viết bài, làm việc nhóm, sử dụng word, powerpoint…Quan trọng nhất, làm tiểu luận còn là tiền đề để các bạn làm tốt luận văn tốt nghiệp khi kết thúc khóa học ở trường.

Qua mỗi bài tiểu luận, tôi lại học được rất nhiều kiến thức và tích lũy thêm rất nhiều kinh nghiệm. Tôi đã làm tiểu luận với tất cả niềm say mê…

Chúc các bạn học tốt và đạt được kết quả cao trong các bài tiểu luận nói riêng và trong các môn học ở trường nói chung.

Kinh nghiệm viết tiểu luận ở trường Đại học

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Kinh nghiệm viết tiểu luận ở trường Đại học

  1. Pingback: Blog Chiro – Lê Nguyễn Nhân Lân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?