Dịch vụ phân phối của Việt Nam trong WTO
Thị trường bán lẻ Việt Nam có sức thu hút lớn đối với thu hút lớn đối với các tập đoàn bán lẻ do Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh trong vòng nhiều năm qua; dân số đông, trong đó một nửa dân số dưới tuổi 30; chi tiêu của người tiêu dùng tăng 16% và doanh số bán lẻ tăng 20% trong giai đoạn 2004 – 2005. Doanh số bán lẻ thị trường Việt Nam được dự tính khoảng trên 20 tỷ USD mỗi năm.
Theo số liệu của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), trong giai đoạn 2001 – 2005 doanh thu bán lẻ thị trường Việt Nam tăng bình quân 18%/năm, cao gấp khoảng 2 lần so với mức tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ. Tuy nhiên, hệ thống phân phối của ta vẫn chưa phát triển và còn thô sơ. Theo số liệu thống kê tại thời điểm cuối năm 2006 thì hàng hoá đến người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (khoảng 40%) và qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập, cửa hàng truyền thống (khoảng 44%), qua hệ thống phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn…) mới chỉ chiếm khoảng 10%, 6% là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng.
Với những lý do trên, trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, nhiều Thành viên đã đưa ra yêu cầu rất cao, đề nghị ta mở cửa thị trường dịch vụ phân phối và coi đây là điều kiện tiên quyết cho việc chấp nhận ta gia nhập WTO. Do ta đã cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) nên ta đã đồng ý đàm phán với các Thành viên WTO để dành cho các Thành viên này đối xử ta đã dành cho Hoa Kỳ. Cam kết của Việt Nam trong WTO đối với dịch vụ phân phối được thiết kế trên cơ sở Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA). Tuy nhiên, do các Thành viên WTO coi BTA chỉ là khởi điểm để đàm phán nên cam kết của Việt Nam trong WTO có nhiều thay đổi so với BTA.
Theo phân loại của WTO, ta đã cam kết mở cửa các dịch vụ phân phối sau khi gia nhập WTO:
– Dịch vụ đại lý hoa hồng;
– Dịch vụ bán buôn;
– Dịch vụ bán lẻ;
– Dịch vụ nhượng quyền thương mại (dịch vụ này thực chất là một thỏa thuận theo đó một nhà phân phối được phép sử dụng một hình thức bán lẻ hoặc một thương hiệu nhất định).
Về hình thức hiện diện (hình thức hoạt động), ngay khi gia nhập WTO ta cam kết cho phép các nhà phân phối nước ngoài được lập liên doanh với đối tác Việt Nam để cung cấp dịch vụ phân phối nhưng tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49%, kể từ ngày 1/1/2008, hạn chế 49% vốn góp sẽ được bãi bỏ. Kể từ ngày 1/1/2009, ta cho phép lập doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, đối với dịch vụ nhượng quyền thương mại, từ ngày 11/01/2007, các nhà đầu tư nước ngoài có thể lập chi nhánh để cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam
Tuy nhiên, Việt Nam hạn chế khả năng mở thêm điểm bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Kiểm tra nhu cầu kinh tế có thể hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không. Ví dụ, một doanh nghiệp phân phối A có vốn đầu tư nước ngoài muốn mở thêm một siêu thị bán lẻ tại địa phương X (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của doanh nghiệp A), cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét số lượng người tiêu dùng tại địa phương, số các siêu thị, cửa hàng hiện có, dự tính nhu cầu trong tương lai, v.v để quyết định có cho phép doanh nghiệp A mở thêm siêu thị bán lẻ hay không.
Theo cam kết gia nhập WTO đối với dịch vụ phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài muốn lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất sẽ được các cơ quan quản lý xem xét nhu cầu kinh tế. Tuy nhiên, quy trình xem xét, cấp phép cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất sẽ được thiết lập và công bố công khai, việc kiểm tra nhu cầu kinh tế, cấp phép sẽ dựa trên các tiêu chí khách quan, bao gồm số lượng các nhà cung cấp dịch vụ (các cơ sở bán lẻ) đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và và quy mô địa lý.
Về diện mặt hàng, Việt Nam mở cửa các dịch vụ phân phối cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, trừ các mặt hàng sau đây:
– Thuốc lá và xì gà;
– Sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình;
– Kim loại quý và đá quý;
– Dược phẩm;
– Thuốc nổ;
– Dầu thô và dầu đã qua chế biến;
– Gạo, đường mía và đường củ cải.
Đối với các sản phẩm trên, Việt Nam có thể dành quyền phân phối cho các doanh nghiệp trong nước, tức là các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài (được thành lập sau khi Việt Nam gia nhập WTO) có thể sẽ không được quyền phân phối các sản phẩm này. Phạm vi chính xác (theo mã phân loại HS của biểu thuế quan) của các mặt hàng này được quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại.
Đối với các sản phẩm mà Việt Nam đã cam kết mở cửa Kể từ ngày gia nhập (11 tháng 1 năm 2007), các nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài được quyền phân phối tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, ngoại trừ xi măng và clinke; lốp (trừ lốp máy bay); giấy; máy kéo; phương tiện cơ giới; ô tô con và xe máy; sắt thép; thiết bị nghe nhìn; rượu và phân bón.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 2009, các nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phân phối (thông qua dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ) máy kéo, phương tiện cơ giới, ô tô con và xe máy.
Kể từ ngày 11/1/2010, các nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phân phối tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.
Ngoài ra, ta cũng cho phép việc bán hàng qua mạng từ nước ngoài vào Việt Nam, việc bán hàng này liên quan tới việc phân phối qua phương thức 1 (cung cấp qua biên giới). Việc phân phối qua phương thức này có thể được thực hiện dưới dạng mua, bán hàng hóa qua mạng hoặc đặt hàng qua thư. Tuy nhiên, đối với phương thức này, ta chỉ cam kết cho phép các nhà phân phối nước ngoài được bán các loại hàng hoá sau:
– Các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân;
– Các chương trình phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc vì mục đích thương mại.
Đối với các sản phẩm khác, việc bán hàng qua mạng sẽ tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Cam kết của ta trong WTO là phù hợp với định hướng phát triển ngành phân phối và thậm chí còn chặt hơn thực tiễn mở cửa ngành dịch vụ này ở trong nước. Trước khi gia nhập WTO, trên thực tế ta đã cho phép các doanh nghiệp phân phối nước ngoài được thiết lập liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ta đã cho phép một số tập đoàn phân phối lớn thành lập siêu thị 100% vốn nước ngoài và mở hàng loạt các siêu thị tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Tới cuối năm 2006 trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn phân phối lớn của thế giới như: Metro Cash & Carry (Đức) với 6 siêu thị hoạt động tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. BigC có các siêu thị đang hoạt động tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng. Tập đoàn bán lẻ Parkson (Malaysia) ở TP.HCM. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dairy Farm (Singapore) cũng nộp đơn xin thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, Lotte (Hàn Quốc) cũng vào VN thông qua hình thức liên doanh.
Khi ta gia nhập WTO, các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép trước đó (kể cả các doanh nghiệp, siêu thị 100% vốn đầu tư nước ngoài) sẽ tiếp tục được hoạt động với các điều kiện như đã quy định trong giấy phép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành lập sau khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ phải tuân thủ các cam kết trong WTO đối với dịch vụ phân phối.
Dịch vụ phân phối của Việt Nam trong WTO
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT