Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm
Quyền con người được bảo đảm bằng quy định pháp luật – theo nguyên tắc hai cấp xét xử. Tuy nhiên không phải VAHS nào cũng phải qua hai cấp xét xử mà tùy thuộc vào bản án hoặc quyết định của TA cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hay không. Quyền của bị cáo và những người có quyền kháng cáo được quy định tại (Điều 231 BLTTHS năm 2003) là trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (đối với bị cáo, người tham gia tố tụng được quyền kháng cáo có mặt) hoặc tính từ ngày bản án hoặc quyết định được giao cho họ hoặc niêm yết (đối với bị cáo và người tham gia tố tụng khác được quyền kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm). Ngoài ra, bị cáo và những người được quyền kháng cáo nếu quá hạn kháng cáo có thể được TA chấp nhận nếu do nguyên nhân khách quan (Điều 235 BLTTHS năm 2003). Quyền kháng cáo chỉ duy nhất bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Trong đó, quyền kháng cáo của bị cáo có phạm vi rộng nhất (kháng cáo bản án, quyết định của TA), thứ hai là người bị hại (quyền được kháng cáo bản án, quyết định của TA về phần bồi thường cũng như về hình phạt), nghĩa là không bị giới hạn như quyền của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự v.v… Quyền kháng cáo của người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự có phạm vi hẹp hơn (kháng cáo bản án, quyết định của TA nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần và thể chất và phần bản án, quyết định của TA có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ), do quyền của họ phái sinh trên cơ sở quyền của người mà họ bào chữa. Đây là thủ tục bảo đảm tối đa và duy nhất quyền kháng cáo của bị cáo và những người được quyền kháng cáo khác mà các thủ tục tố tụng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không có. Bị cáo và người tham gia tố tụng khác (được quyền kháng cáo) có quyền kháng cáo mà không cần biết bản án hoặc quyết định sơ thẩm đã tuyên đối với họ có căn cứ và đúng pháp luật hay không. Quyền kháng nghị phúc thẩm chỉ duy nhất VKS thực hiện và có thời hạn kháng nghị là 15 ngày kể từ ngày tuyên án (đối với VKS cùng cấp) và 30 ngày kể từ ngày tuyên án (đối với VKS cấp trên trực tiếp) và cả VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp đều không được kháng nghị quá hạn luật định (được quy định tại Điều 233, Điều 234 BLTTHS năm 2003).
Xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai trên cơ sở có kháng cáo hoặc kháng nghị hợp pháp. Cấp xét xử phúc thẩm là cấp thứ hai và là cấp xét xử cuối cùng nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng để bản đảm bản án hoặc quyết định sơ thẩm có căn cứ và hợp pháp. Cấp phúc thẩm có nhiệm vụ sửa chữa, khắc phục những sai sót, vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định cấp sơ thẩm, không để cho những sai sót, vi phạm pháp luật trong bản án cấp sơ thẩm ảnh hưởng đến quyền con người. Quá trình kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm VAHS, VKS phải bảo đảm quyền con người của những người được TA cấp phúc thẩm triệu tập đến phiên tòa như bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liến quan, người bào chữa, người làm chứng… được đảm bảo đúng pháp luật.
Một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc của hoạt động xét xử là bản án hoặc quyết định của TA luôn phải bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp. Tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau, hoạt động xét xử của TA vẫn còn có những thiếu sót, sai lầm và vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của VKS là phải kiểm sát không chỉ khi đang xét xử mà ngay cả khi kết thúc phiên tòa, kiểm sát không chỉ riêng thủ tục xét xử tại phiên tòa mà cả bản án hoặc quyết định của TA. Kiểm sát xét xử nhằm phát hiện vi phạm thủ tục tố tụng và vi phạm pháp luật khác để kháng nghị TA cấp phúc thẩm khắc phục, sửa chữa vi phạm là đặc trưng nổi bật để bảo đảm quyền con người của VKS. Bảo đảm quyền con người bằng việc kiểm sát xét xử sơ thẩm phát hiện các bản án hoặc quyết định sơ thẩm có thiếu sót, vi phạm pháp luật là tiền đề cho việc xem xét kháng nghị phúc thẩm. Kháng nghị phúc thẩm có căn cứ, có chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào hoạt động và chất lượng kiểm sát xét xử của VKS hai cấp. Để VKS thực hiện được quyền này trong TTHS, Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật” [24, Điều 4, khoản 2, điểm d]. Có thể thấy rằng, các dạng vi phạm quyền con người trong xét xử sơ thẩm VAHS nếu thuộc trường hợp hành vi, quyết định của HĐXX vi phạm pháp luật không nghiêm trọng sẽ được VKS yêu cầu hoặc kiến nghị TA khắc phục vi phạm. Còn các vi phạm pháp luật của TA trong bản án, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng sẽ được VKS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. BLTTHS cũng đã quy định rất cụ thể về quyền kháng nghị của VKS, thủ tục, thời hạn kháng nghị, thông báo kháng nghị bản án sơ thẩm hình sự và việc bổ sung, thay đổi kháng nghị không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo trước và tại phiên tòa tại các Điều 232, Điều 233, Điều 234, Điều 236, Điều 238, Điều 239 BLTTHS. Theo các quy định trên, VKS sẽ xem xét yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị nếu các hành vi, bản án, quyết định trong bản án hình sự sơ thẩm vi phạm pháp luật để TA khắc phục hoặc xét xử lại ở thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm tốt quyền con người. Như vậy, quyền được xét xử công bằng và bình đẳng, quyền được xét xử hai cấp sẽ được bảo đảm hơn qua các quy định trên của pháp luật và được bảo đảm bằng kiểm sát xét xử sơ thẩm của VKS.
Thủ tục chuẩn bị xét xử phúc thẩm là thủ tục ban đầu song có ý nghĩa rất lớn cho hoạt động xét xử phúc thẩm tại phiên tòa. Để bảo đảm quyền con người ở phần thủ tục chuẩn bị xét xử phúc thẩm, KSV sẽ phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TA cấp phúc thẩm về thời hạn xét xử phúc thẩm. Thời hạn này được quy định tại Điều 242 BLTTHS năm 2003:
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn sáu mươi ngày; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án [22, Điều 242].
Trong khoảng thời hạn trên, TA có thẩm quyền xét xử phúc thẩm phải mở phiên tòa, nếu quá thời hạn trên đồng nghĩa với việc vi phạm BLTTHS và ảnh hưởng đến quyền con người của bị cáo và người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (nếu có)… Do đó, KSV cần chú trọng kiểm sát để nhắc nhở hoặc nếu có vi phạm sẽ nhanh chóng yêu cầu TA có thẩm quyền xét xử phúc thẩm phải mở phiên tòa đúng thời hạn luật định. Cùng với việc quy định thời hạn mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, thì TA có thẩm quyền trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm chậm nhất là mười lăm ngày. Khi không thông báo hoặc thông báo chậm cho người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở phiên tòa sẽ không đảm bảo được các quyền khác của người tham gia tố tụng như quyền thu thập chứng cứ, bổ sung tài liệu; quyền chuẩn bị để bào chữa… Do đó, cần kiểm sát chặt chẽ thủ tục này nhằm đảm bảo quyền con người của họ trong TTHS.
Việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng rất lớn đến quyền của bị cáo. Cần thiết phải kiểm sát để đảm bảo TA cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đúng theo quy định của Điều 243 BLTTHS.
Để bảo đảm quyền con người của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác như: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng, người bào chữa… khi tham gia phiên tòa. KSV sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX về thủ tục phiên tòa. Thủ tục tại phiên tòa phúc thẩm sẽ tiến hành giống phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm song có khác biệt là trước khi xét hỏi, một thành viên của HĐXX được phân công xét xử phúc thẩm sẽ trình bày tóm tắt nội dung vụ án đã xét xử sơ thẩm, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Quyền con người được bảo đảm nếu quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên tòa được giải thích tại phiên tòa xét xử phúc thẩm đầy đủ và đúng pháp luật. Chủ tọa phiên tòa sẽ kiểm tra căn cước và giải thích quyền và nghĩa vụ đối với bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị.
Tại phiên tòa KSV kiểm sát việc Thẩm phán giữ quyền chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và những người liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị đã nhận được thông báo về kháng cáo, kháng nghị chưa (nếu bị cáo là người đã kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm thì TA không phải thông báo cho bị cáo nữa); bị cáo, KSV có bổ sung, thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị không. Việc thay đổi thành phần HĐXX, căn cứ để hoãn phiên tòa và thời hạn hoãn phiên tòa, việc tiến hành trình tự, thủ tục xét hỏi và bảo đảm quyền tham gia xét hỏi, quyền yêu cầu xét hỏi của những người tham gia phiên tòa. KSV phải kiên quyết đề nghị HĐXX khắc phục ngay tại phiên tòa về thủ tục xét hỏi, không để khi kết thúc phiên tòa (nếu có vi phạm pháp luật) mới đề nghị HĐXX khắc phục. Vì đặc trưng của thủ tục xét hỏi có liên quan rất lớn đến việc tuyên án toàn diện, khách quan, đúng pháp luật. Quyền con người được bảo đảm nếu việc bổ sung và xem xét chứng cứ mới tại phiên tòa phúc thẩm được coi trọng. Mặc dù các chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa cấp sơ thẩm nhưng việc bổ sung chứng cứ mới của bị cáo, người bào chữa… phải được xem xét đúng theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc tuyên án bản án phúc thẩm của HĐXX phúc thẩm là vô cùng quan trọng. Kết quả đánh giá chứng cứ và các căn cứ pháp luật được HĐXX áp dụng để giải quyết VAHS đều tập trung ở đây. KSV sẽ kiểm sát nội dung bản án đã tuyên tại phiên tòa với diễn biến của phiên tòa xét xử và bản án sau này gửi cho bị cáo cùng những người liên quan theo quy định của pháp luật phải giống nhau. Kiểm sát căn cứ pháp lý – điều luật viện dẫn, áp dụng, khoản, vấn đề án phí, bồi thường thiệt hại v.v… để phát hiện vi phạm nhằm đề xuất lãnh đạo đơn vị kiến nghị hoặc kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm nếu cần thiết.
Sau khi tuyên án KSV phải kiểm sát HĐXX áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo tại phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 243 BLTTHS. Khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, việc kiểm sát biên bản phiên tòa nhằm phát hiện vi phạm là rất cần thiết. Bởi vì, khi vụ án bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, biên bản phiên tòa sẽ được xem xét rất kỹ cùng với bản án và những nội dung khác để có kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Biên bản phiên tòa phúc thẩm sẽ ghi chép đầy đủ diễn biến của phiên tòa, từ các thủ tục, các căn cứ pháp lý được áp dụng, việc đánh giá chứng cứ đến việc tuyên án. Do đó, qua biên bản phiên tòa có thể biết được toàn bộ nội dung và tính chất của vụ án, việc xét hỏi, tranh tụng, mức án và áp dụng BLHS, BLTTHS, các quy định pháp luật khác có liên quan đến vụ án. VKS sẽ kiểm tra biên bản phiên tòa nhằm bảo đảm biên bản phiên tòa ghi chép đúng với diễn biến phiên tòa đã diễn ra. Khi kiểm tra biên bản phiên tòa, có thể phát hiện thấy vi phạm và đây được xem là một trong những cơ sở giúp cho VKS phát hiện vi phạm tố tụng trong việc xét xử phúc thẩm.
Sau khi kiểm tra biên bản phiên tòa, KSV sẽ phải kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của TA đã xét xử phúc thẩm trong việc giao bản án, quyết định phúc thẩm cho người đã kháng cáo, VKS đã kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có liên quan đến việc thi hành án. Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ cũng sẽ được bảo đảm quyền được yêu cầu TA cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.
Việc giao bản án, quyết định phúc thẩm đúng thời gian, đối tượng sẽ đảm bảo quyền của những chủ thể này trong việc thực hiện bản án, quyết định của TA và xem xét đề nghị VKS, TA có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm nếu có vi phạm pháp luật. Như vậy, có thể thấy việc kiểm sát việc chấp hành quy định tại Điều 254 BLTTHS về giao bản án, quyết định phúc thẩm góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận bản án phúc thẩm đúng pháp luật; quyền được nhận, sao bản án để xem xét đề nghị VKS, TA có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị VKS kháng nghị tái thẩm; quyền được bảo đảm để đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thi hành đúng pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho mình (nếu vụ án có đề cập đến bồi thường thiệt hại).
Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo đảm quyền con người bằng hoạt động kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT